You must configure this module first via "Module Settings"

Việt Nam và những lợi ích từ ký kết Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 02 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã phản ánh quyết tâm cải cách, đổi mới và ghi nhận thành tựu phát triển, sự trưởng thành về nhận thức và năng lực của Việt Nam sau quá trình 20 năm liên tục tích cực và chủ động hội nhập có định hướng vào kinh tế thế giới.

Với việc ký kết và thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) qua nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu quan trọng nhất trong Chiến lược đàm phán hiệp định thương mại tự do giai đoạn 2010 - 2020.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề bởi chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm nhỏ các nền kinh tế thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương. Năm 2020, xuất khẩu đạt 281 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó có phần đóng góp quan trọng của thương mại với các thị trường hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ký kết; 15 FTA được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không bị yếu tố khách quan do Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng ta đã có thể trở thành quốc gia duy nhất có FTA với tất cả 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đặc biệt, các hiệp định CPTPP, EVFTA được coi là các FTA thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại.

Tính chất “mới” của các hiệp định này bao gồm mức độ tự do hóa cao cho thương mại và đầu tư cùng các quy tắc thương mại tiên tiến, mang tính cải cách vượt ra ngoài khuôn khổ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tồn tại một phần tư thế kỷ. Bởi vậy, các hiệp định này không chỉ mở ra các cơ hội thương mại tiềm tàng với các nền kinh tế phát triển mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường thương mại và đầu tư của nước ta. Đó chính là giá trị quan trọng nhất mà các hiệp định này đóng góp vào thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển lâu dài của Việt Nam.

Song song với đàm phán gia nhập WTO, chúng ta cũng đã ký kết FTA với các đối tác thương mại hàng đầu ở khu vực: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga... Các hiệp định này đều dựa trên các nguyên tắc của WTO, nên mặc dù góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại với các đối tác ký kết, nhưng không tạo ra được những bước đột phá mới về thể chế thương mại. Thể chế thương mại trong suốt giai đoạn từ khi Việt Nam gia nhập WTO tới nay vẫn vận hành trên những nguyên tắc của tổ chức này. Bên cạnh đó, các hiệp định FTA tập trung vào đối tác khu vực khiến cán cân thương mại của Việt Nam có xu hướng mất cân đối, nghiêng về châu Á. Chiến lược đàm phán FTA của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định những thành tựu và tồn tại của các FTA đã ký kết trong giai đoạn trước đó và đặt mục tiêu ký kết các FTA với các nền kinh tế phát triển nhằm hỗ trợ mục tiêu công nghiệp hóa của Việt Nam và giảm sự lệ thuộc thương mại vào một khu vực. Chiến lược đàm phán FTA đã tạo cơ sở định hướng để Việt Nam xúc tiến các FTA với sự có mặt của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ca-na-đa...

Các hiệp định CPTPP và EVFTA đã thực sự thiết lập nên những tiêu chuẩn và luật lệ mới cho thương mại quốc tế được kỳ vọng sẽ đem lại động lực tăng trưởng cho thương mại giữa các quốc gia thành viên. Đối với Việt Nam, hơn 10 năm sau công cuộc cải cách thể chế thương mại theo WTO, chúng ta lại tiến hành một cuộc cải cách lớn. Không chỉ Việt Nam mà hầu như tất cả các quốc gia ký kết, ở một mức độ nào đó, đều đã phải thực hiện các thủ tục sửa đổi, ban hành các văn bản pháp lý để thực thi hiệp định. Điều này khẳng định tính tiên phong của các hiệp định thế hệ mới. Từ quá trình vừa cải cách, vừa học hỏi để đàm phán tuân thủ các quy tắc thông thường của thương mại quốc tế, chúng ta đã bước vào sân chơi hàng đầu thế giới, tham gia thiết lập những chuẩn mực tiên tiến cho thương mại. Xét từ góc độ này, CPTPP và EVFTA không đơn thuần có ý nghĩa thương mại.

Các hiệp định thế hệ mới ngay khi đi vào thực thi đã đem lại những tín hiệu tích cực về thương mại. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường trước đây chúng ta chưa có FTA (Ca-na-đa, Mê-hi-cô) tăng ở mức từ 20 đến 30% trong năm đầu tiên thực thi. Năm 2020, bất chấp tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, xuất khẩu sang các thị trường này vẫn tăng từ 12 đến 15%. Đối với EVFTA, 5 tháng đầu tiên thực thi (từ tháng 8 đến tháng 12-2020) đã có 62.500 bộ Chứng nhận xuất xứ EUR.1 được cấp; cho phép 2,35 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU (xấp xỉ 15% kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ) được hưởng ưu đãi. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu sang EU đã tăng 1,6% so với cùng kỳ 2019, thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh. Những kết quả khả quan bất chấp tình trạng suy thoái của kinh tế toàn cầu cho thấy sức hấp dẫn của các thị trường mới khai thông và tiềm năng, sự nhạy bén của các doanh nghiệp. Với việc thực thi EVFTA chắc chắn EU sẽ nhanh chóng vươn lên thứ hạng cao hơn trong danh sách các bạn hàng của Việt Nam. Nông sản Việt Nam có cơ hội to lớn thâm nhập vào thị trường tiềm năng, được giá này. Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp cận được các sản phẩm tiêu dùng châu Âu chất lượng cao với giá rẻ hơn.

Ngoài ra, mạng lưới các FTA đã giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của sự suy giảm hệ thống thương mại đa phương. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng vai trò của hệ thống thương mại đa phương. Các nước lớn đã tùy ý áp đặt các biện pháp bảo hộ bất chấp các quy định, nguyên tắc của WTO và vô hiệu hóa các luật lệ, cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Các nền kinh tế nhỏ và có mức độ mở cao như Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương khi những nền tảng pháp lý cho thương mại quốc tế vốn tồn tại bao năm qua bị suy giảm. Trong bối cảnh đó, các FTA đã phát huy vai trò diễn đàn đối thoại cũng như khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề thương mại giữa Việt Nam và các đối tác hàng đầu của mình, giúp chúng ta giảm thiểu các tranh chấp ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại.

Một ý nghĩa không thể bỏ qua là quá trình đàm phán các FTA thế hệ mới đã giúp đào tạo, trưởng thành đội ngũ chuyên gia thương mại quốc tế. Hiệp định CPTPP và EVFTA là những hiệp định mang tính tiên phong trong tiếp cận các vấn đề thương mại và đồng thời phức tạp bậc nhất về kỹ thuật. Các cán bộ đàm phán của chúng ta đã từng bước học hỏi, trưởng thành để cùng các đồng nghiệp quốc tế xây dựng nên những tiêu chí thương mại tiên tiến đáp ứng xu thế phát triển của thương mại hiện đại. Những kiến thức, kinh nghiệm đàm phán, tư duy thời đại là nguồn lực quý giá để đội ngũ này tiếp tục đóng góp vào công tác quản lý, hoạch định chính sách, hiện thực hóa lợi ích từ các FTA thế hệ mới./.

Vân Thùy