Những kết quả đã đạt được
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, phong trào TDTT của thành phố đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng đối với việc nâng cao thể chất, sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Số người tập luyện TDTT thường xuyên và số gia đình thể thao tăng hàng năm.
Tính đến năm 2020, thành phố có 25% số dân thường xuyên tập luyện TDTT; 100% trường học thực hiện tốt công tác Giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhiều trường có hoạt động ngoại khóa thường xuyên. Số CLB, đội nhóm TDTT tại các địa phương trên toàn thành phố không ngừng gia tăng hàng năm và hoạt động hiệu quả, thu hút số lượng hội viên tham gia ngày càng đông. Hiện thành phố có trên 60 CLB TDTT đơn môn và đa môn, trong đó tập trung ở một số môn như: Thể hình, Cầu lông, Cờ tướng, Bóng rổ, Dưỡng sinh, Quần vợt, Bóng đá, các môn võ. Hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thành phố duy trì tổ chức các giải thể thao, hội thao hưởng ứng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của địa phương, của đất nước. Trong đó nhiều hoạt động thi đấu thể thao đã trở thành hoạt động thường niên và thu hút ngày càng đông VĐV tham gia như: giải bóng đá Phú Quốc – League, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, giải Việt dã chào năm mới...
Cùng với sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thành phố Phú Quốc quan tâm đầu tư kinh phí ( kinh phí nhà nước và xã hội hóa) xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện phục vụ nhu cầu vui chơi rèn luyện sức khỏe của người dân. Đặc biệt, với mục tiêu hướng về cơ sở, Phú Quốc luôn chú trọng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tính đến nay, Phú Quốc có 10/10 xã, thị trấn dành quỹ đất cho việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động sự nghiệp TDTT. Trong đó, có 5 xã cơ bản hoàn thành nhà đa năng, Trung tâm văn hóa - thể thao, phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT thường xuyên của Nhân dân ở cơ sở và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT. Đây chính là điều kiện tiên quyết, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng của thành phố ngày càng phát triển, đưa Phú Quốc trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về TDTT của tỉnh Kiên Giang.
Hướng tới các mục tiêu
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn mới 2021-2030, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 38% trở lên và con số này sẽ tăng lên 42% vào năm 2030. số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 28% vào năm 2025 và 33% vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% số xã, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định và có ít nhất từ 03 CLB TDTT cơ sở trở lên. Định kỳ có 100% đơn vị cấp huyện, xã, thị trấn tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp; hàng năm 100% đơn vị cấp xã duy trì tổ chức nền nếp Tháng hoạt động TDTT cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân.
Cùng với phát triển TDTT quần chúng, thành phố cũng đặt ra các chỉ tiêu phát triển TDTT trong trường học. Theo đó, Số trường đào tạo chương trình đại học, cao đẳng và dạy nghề thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa đạt trên 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Phấn đấu từ 90% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể năm 2025 và 98% vào năm 2030. 100% số trường bậc phổ thông có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT; hoạt động thể thao ngoại khóa cho năm 2025 đạt từ 75%-80% trở lên và đến năm 2030 đạt từ 85%-90% trở lên tổng số trường trên toàn thành phố. Số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2025 đạt trên 90% và đến năm 2030 đạt 95% tổng số học sinh bậc phổ thông các cấp (đối với học sinh đủ điều kiện tập luyện).
Bên cạnh đó, các hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang cũng được quan tâm, đảm bảo nền nếp ổn định. Trong đó, 90% đơn vị bộ đội tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên; 100% đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cán bộ, chiến sỹ theo quy định; 98,5% đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức rèn luyện thân thể theo quy định; 100% cán bộ, chiến sỹ rèn luyện TDTT thường xuyên; từ 98,5% đến 100% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; từ 93% đến 95% cán bộ, chiến sỹ biết bơi; 100% đơn vị (cấp trung đoàn) có khu sân tập luyện thể thao cơ bản, trên 60% đơn vị có hồ bơi đơn giản.
Trong khi đó, ở lực lượng công an nhân dân: Từ 95% trở lên tỷ lệ đơn vị tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên; trên 85% đơn vị đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; 100% cán bộ, chiến sỹ tham gia kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; từ 98,5 % trở lên tỉ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; từ 98% trở lên tỉ lệ cán bộ, chiến sỹ tập luyện TDTT thường xuyên; từ 95% trở lên tỉ lệ cán bộ chiến sỹ biết bơi; 100% công an huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất, sân bãi cơ bản và thường xuyên hoạt động TDTT;
Các giải pháp cụ thể
Để hoàn thành các mục tiêu trên, thành phố đặt ra nội dung cần triển khai thực hiện bao gồm: Tuyên truyền, triển khai Cuộc vận động đảm bảo thống nhất, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của các đơn vị, địa phương; Xây dựng mạng lưới hướng dẫn toàn dân tập luyện TDTT đúng cách để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thể lực, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần và phòng chống bệnh tật; phối hợp liên ngành về quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển phong trào TDTT cho mọi đối tượng; Tổ chức giải thi đấu các môn thể thao nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào luyện tập thể dục thể thao của nhân dân; Đầu tư nguồn lực triển khai Cuộc vận động; nhân rộng những mô hình, điển hình triển khai tốt Cuộc vận động.
Song song với đó là các giải pháp nhằm cụ thể hóa các nội dung trên, trong đó tập trung tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền sự, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc tập trung nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới về nội dung, cách thức triển khai Cuộc vận động đạt chất lượng, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thành phố Phú Quốc trong tình hình mới.
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển TDTT giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 ở các ngành, địa phương trong toàn tỉnh và các ngành Giáo dục và Đào tạo, lực lượng vũ trang. Kiện toàn tổ chức bộ máy TDTT các ngành và ở cơ sở, tăng cường xây dựng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT.
Cùng với đó, huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển phong trào TDTT; khuyến khích phát triển kinh tế thể thao (nhất là các loại hình kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với du lịch biển) và các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ tập luyện, thi đấu TDTT. Tăng cường hợp tác quốc tế về TDTT cho mọi người để tiếp cận với nền TDTT tiên tiến trong việc phát triển thể chất và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trên địa bàn thành phố. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TDTT; Có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển, thu hút về lĩnh vực TDTT đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong giai đoạn mới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng và các dịp sơ kết, tổng kết định kỳ hàng năm, 5 năm.
VD