You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Khánh Hòa nhiều chuyển biến nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa

Theo thống kê đến năm 2020, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn tỉnh Khánh Hòa đạt 35,5% dân số; gần 36,8% hộ đạt gia đình thể thao; 48 đơn vị cấp xã được công nhận là đơn vị tiên tiến TDTT cấp tỉnh, 650 CLB TDTT đơn môn và đa môn hoạt động thường xuyên với nguồn kinh phí chủ yếu do các hội viên tự nguyện đóng góp. 99,8% học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định; tỷ lệ học sinh biết bơi các cấp học đều đạt trên 87% (riêng cấp học mầm non có triển khai dạy bơi nhưng chủ yếu chỉ giúp các bé tự tin trong môi trường nước), 80% cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tập luyện TDTT thường xuyên…

Kết quả đó một phần là nhờ sự chung tay ủng hộ về kinh phí xây dựng cơ sở vật chất hay tổ chức các giải thi đấu thể thao của các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ thực tế đó càng khẳng định, việc đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) TDTT nhằm huy động các nguồn lực xã hội là hướng đi, cách làm phù hợp, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển, nhất là trong bối cảnh ngân sách dành cho TDTT còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Thực hiện chủ trương XHH TDTT theo tinh thần Nghị định số 69 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương huy động nguồn lực, đầu tư kinh phí chăm lo cho công tác TDTT. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu TDTT. Bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, công tác XHH TDTT đã thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng các công trình, sân bãi tập luyện TDTT, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe của nhân dân các địa phương trong toàn tỉnh.

Theo đó, ngoài hệ thống cơ sở vật chất được xây dựng từ nguồn kinh phí nhà nước, tỉnh đã huy động được 11 dự án đầu tư cho hoạt động TDTT với tổng số vốn hơn 230 tỷ đồng. Trong đó có dự án Trung tâm TDTT Phước Đồng của Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và xây dựng Đại Khánh; Trung tâm TDTT Ngọc Hiệp, Nha Trang; Khu phức hợp TDTT Triều Khang, Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh); CLB bơi lội - khu thể thao - vui chơi - giải trí Vạn Ninh của Công ty TNHH Quốc Bảo Vạn Ninh. Bên cạnh đó, hàng loạt các sân bóng cỏ nhân tạo, sân quần vơt, bể bơi, nhà tập luyện đa năng, phòng tập tổng hợp… đã xuất hiện ngày càng nhiều trong đó tập trung ở các thành phố (Nha Trang, Cam Ranh) và trung tâm huyện lỵ, thị trấn… trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, với mục tiêu hướng về cơ sở, ngoài các công trình thể thao thiết yếu như sân vận động, nhà thi đấu, các thiết chế văn hóa, thể thao từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp từ nguồn XHH. Hiện Khánh Hòa có 10 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, 32 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, 74 thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và 532 thiết chế văn hóa, thể thao thôn, tổ dân phố. Các thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu về sân chơi, bãi tập cho người dân tham gia tập luyện TDTT rèn luyện sức khỏe.

Trung bình hàng năm, có gần 1000 giải thể thao từ cơ sở đến tỉnh được tổ chức (790 giải thể thao cấp xã, 162 giải thể thao cấp huyện và 30 giải thể thao cấp tỉnh, trong đó nhiều giải thể thao được tổ chức từ nguồn kinh phí XHH. Nổi bật là các giải bóng đá phong trào sân 7 người (VietFootball), sân 5 người của các hiệp hội du lịch, bất động sản; các giải quần vợt Nha Trang mở rộng, giải cầu lông, bóng rổ của các CLB, hội nhóm, trường học… đã tạo sức sống mới, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển phong trào các môn ở các CLB, địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Công tác XHH đã góp phần thúc đẩy các hoạt động TDTT quần chúng phát triển, đồng thời sự đóng góp kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cho hoạt động thể thao thành tích cao đã giúp các đội tuyển của tỉnh có thêm điều kiện tập luyện. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc đào tạo VĐV các tuyến từng bước được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Hiện Khánh Hòa có: 02 khu huấn luyện với 01 nhà tập đa năng, 01 sân Tennis, 01 nhà điều hành và hồ bơi 25m, 01 đường piste 06 làn, 02 sân cỏ Bóng đá, 01 cụm sân bóng chuyền bãi biển, 02 khu nội trú với công suất 250 giường và các trang thiết bị hỗ trợ tập luyện, một số công trình chức năng phụ trợ khác. Có 01 khu tổ hợp phục vụ tổ chức các giải thi đấu và tập luyện của các đội tuyển thể thao với Nhà thi đấu đa năng của tỉnh có công suất gần 3.000 chỗ ngồi, 01 sân vận động. Trong đó, một số hạng mục công trình thể thao cấp tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp. Chính vì vậy, cuối năm 2020, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua các nghị quyết đầu tư, sửa chữa một số hạng mục của Khu liên hợp thể thao Vĩnh Hải thuộc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh, sân vận động 19-8 Nha Trang và Nhà Thi đấu thể thao tỉnh. Các dự án có tổng số vốn đầu tư từ ngân sách là 8 tỷ đồng và dự kiến được triển khai vào năm 2022.

Hệ thống cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, trang thiết bị tập luyện được đảm bảo có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy thể thao thành tích cao của tỉnh gặt hái những thành công tại các giải thể thao trong nước và quốc tế.  Hiện thể thao thành tích cao của tỉnh duy trì huấn luyện, đào tạo 566 VĐV, trong đó 158 VĐV nghiệp dư của 22 đội tuyển. Trung bình, mỗi năm, đoàn VĐV Khánh Hòa tham gia trên 70 giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế và đạt gần 300 bộ huy chương các loại, trên 50 VĐV phong cấp I quốc gia, 30 VĐV cấp kiện tướng quốc gia, có từ 10 đến 15 HLV, VĐV xuất sắc tham gia vào các đội tuyển quốc gia. Đặc biệt, một số môn thể thao như Bóng đá, Bóng chuyền đã nhận được sự tài trợ trong đào tạo VĐV của các doanh nghiệp tư nhân như: Công ty cổ phần bất động sản Cam Ranh tài trợ cho các VĐV môn Bóng đá, đầu tư đội tuyển Bóng đá chuyên nghiệp của tỉnh; đội tuyển Bóng chuyền (trong nhà, bãi biển) và Futsal nhận được sự tài trợ của Công ty Yến Sào Khánh Hòa…

Để đẩy mạnh công tác XHH TDTT, ngành TDTT tỉnh Khánh Hòa còn đặc biệt chú trọng phát triển các Liên đoàn, hiệp hội thể thao. Các liên đoàn, hội thể thao tỉnh đã phát huy tốt vai trò tập hợp thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động thể thao trên địa bàn, nổi bật như: công tác vận động tài trợ kinh phí các đội tuyển thể thao tỉnh (như: Xe đạp, Bóng chuyền, Bóng đá) đạt hàng chục tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được, Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu toàn tỉnh có số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 36% trở lên, số hộ gia đình thể thao đạt 36,7%; xây dựng và thành lập 850 CLB TDTT. Các huyện, thị xã, thành phố đều có 3 công trình tập luyện TDTT cơ bản là: Sân vận động, bể bơi, nhà tập luyện và thi đấu; tối thiểu 50% số xã, phường, thị trấn của mỗi địa phương trong tỉnh có điểm tập TDTT ngoài trời. Hàng năm, tổ chức duy trì từ 20 - 25 giải thể thao cấp tỉnh, từ 15 - 20 giải cấp huyện và từ 3 - 5 giải cấp xã, cơ quan, trường học.

Về Thể thao thành tích cao: đến năm 2025, phấn đấu đào tạo trên 644 VĐV (trong đó tuyến tỉnh 264 VĐV, tuyến trẻ 217 VĐV, tuyến năng khiếu 213 VĐV) của 13 môn thể thao (Bóng đá, Bóng chuyền, Kích Boxing, Vovinam, Cử tạ, Thể dục thể hình, Muay, Khiêu vũ, Bóng bàn, Taekwondo, Karatedo, Võ cổ truyền và Khiêu vũ thể thao). Đến năm 2030, số VĐV các tuyến sẽ tăng lên 713 VĐV, phấn đấu XHH các đội tuyển trẻ ở môn Bóng đá, Bóng chuyền và bổ sung thêm môn Bơi Lặn, Bóng rổ…Phấn đấu mỗi năm tham gia từ 67-80 giải thể thao quốc gia, khu vực và quốc tế, giành từ 250-280 huy chương các loại và đến năm 2030 phấn đấu tham gia từ 80-90 giải, giành từ 270-290 huy chương. Đặc biệt, đoàn Thể thao Khánh Hòa phấn đấu tham gia và giành vị trí thứ 22 -20 tại 2 kỳ Đại hội thể thao toàn quốc năm 2022 và 2026.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, một trong những giải pháp quan trọng chính là tiếp tục đẩy mạnh XHH ở cả TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Nhà nước để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển TDTT. Đặc biệt, Sở VHTT Khánh Hòa khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào công tác đào tạo VĐV; khuyến khích và hỗ trợ thí điểm việc quản lý, đào tạo VĐV đỉnh cao tại các CLB TDTT tư nhân (do nguồn kinh phí của tư nhân tự đóng góp và xây dựng) ở một số môn như Gofl, Quần vợt, Bi a, Bowling.

VD

Ảnh trong bài
  • TDTT Khánh Hòa nhiều chuyển biến nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa