You must configure this module first via "Module Settings"

Kiên Giang phấn đấu đạt tỷ lệ 42% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên vào năm 2030

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho tỉnh Kiên Giang nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế xã hội. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu về văn hóa, tinh thần cũng như rèn luyện TDTT để nâng cao sức khỏe ngày càng được nâng cao.

Những kết quả đã đạt được 

Theo báo cáo của Sở VHTT tỉnh Kiên Giang, tính đến năm 2020, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 27,5%, tăng 5% so với năm 2011; có trên 1000 CLB TDTT đơn môn và đa môn hoạt động thường xuyên...

Một trong những yếu tố thúc đẩy công tác TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển đó là nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực TDTT, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, HLV, cộng tác viên, hướng dẫn viên.. Chính vì vậy, hàng năm, ngành VHTT tỉnh luôn quan tâm, chú trọng các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác TDTT từ tỉnh đến cơ sở. Từ năm 2011 đến 2020, đã có 838 lượt CBCCVC, HLV tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, ngành VHTT tỉnh cũng tổ chức 24 lớp tập huấn với 2.201 lượt học viên tham dự. Hiện tại, có 7 cán bộ trong ngành có trình độ thạc sỹ TDTT, đang đào tạo 01 thạc sỹ và 01 tiến sỹ TDTT; 100% cán bộ, HLV đang công tác trong ngành, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có trình độ đại học. 

Hàng năm, ngành VHTT tỉnh đã duy trì tổ chức nhiều hoạt động TDTT có quy mô lớn, trong đó phải kể đến Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và hàng trăm giải thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, Kiên Giang đã tổ chức thành công 2 kỳ Đại hội TDTT các cấp. Trong đó, gần nhất là Đại hội TDTT các cấp tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII diễn ra trong 2 năm (2017-2018) đã để lại nhiều dấu ấn, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng tổ chức các giải thi đấu trong khuôn khổ Đại hội, thu hút hàng ngàn VĐV tham gia.

Công tác GDTC và thể thao trong trường học trên địa bàn tỉnh được qua tâm chú trọng. Đến nay 100% số trường thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình môn học GDTC theo quy định. Tỷ lệ học sinh, sinh viên hàng năm đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 100%; Với mục tiêu “mỗi học sinh ít nhất phải biết chơi một môn thể dục, thể thao”, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động TDTT ngoại khóa theo mô hình CLB TDTT và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ học sinh và phụ huynh. Hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy môn GDTC và tổ chức các hoạt động TDTT trong trường học được đầu tư, trang bị thường xuyên đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo quy định. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn GDTC đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Hàng năm các đội tuyển thể thao học sinh của tỉnh đều được tuyển chọn và bồi dưỡng, đào tạo thông qua Hội khỏe Phù Đổng các cấp. Đây cũng là lực lượng đại diện cho Kiên Giang tham gia tranh tài tại các kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm học 2014-2015, đoàn VĐV Kiên Giang đạt 11 HCV, 10 HCB, 24 HCĐ, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành, đây là số HC đạt nhiều nhất qua các lần tham dự).

Phong trào TDTT quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng trên tất cả các đối tượng và địa bàn theo hướng XHH với nhiều hình thức đa dạng; chất lượng phong trào từng bước được nâng lên. Các giải thể thao trong quần chúng, lực lượng vũ trang thường xuyên được tổ chức với nhiều môn thể thao như: Thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, dưỡng sinh, bóng đá, bóng chuyền,… Hay các môn thể thao giải trí như: Mô tô nước, dù lượn, lặn biển… cũng được quan tâm tạo điều kiện phát triển thông qua việc tổ chức giải đấu hàng năm, qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tập luyện, giải trí của người dân.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT được tăng cường. Ngoài các công trình TDTT như nhà thi đấu, sân vận động, Kiên Giang còn có 235 sân bóng đá các loại, 280 sân bóng chuyền, 230 sân cầu lông, 60 sân quần vợt. Hệ thống thiết chế thể thao ở cơ sở từng bước được hoàn thiện. 100% xã, thị trấn có quỹ đất và 70% có Trung tâm VHTT gắn với Trung tâm học tập cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động TDTT cho người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm thực hiện (hiện toàn tỉnh có trên 147 CLB thể dục dưỡng sinh thu hút hàng ngàn người cao tuổi tham gia tập luyện hàng ngày). 

Song song với phát triển phong trào TDTT quần chúng, Kiên Giang cũng tích cực đầu tư cho thể thao thành tích cao theo hướng tập trung vào những môn thế mạnh và phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Hiện tỉnh tiếp tục duy trì liên kết đào tạo VĐV với Trung tâm HLTTQG Cần Thơ đối với 5 môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, gồm: Bắn cung, Cử tạ, Canoeing, Boxing nữ và Bóng chuyền bãi biển nữ. Các VĐV được đào tạo bước đầu đạt thành tích ở một số giải vô địch, giải trẻ quốc gia và các giải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có 12 VĐV được chọn vào đội tuyển trẻ quốc gia, 10 VĐV đạt Kiện tướng quốc gia, 15 VĐV được phong cấp I quốc gia.

Công tác đào tạo VĐV được thực hiện theo các tuyến với 66 VĐV (10 lớp năng khiếu), 22 VĐV (đội tuyển trẻ) và 40 VĐV (10 đội tuyển tỉnh). Trong 10 năm (2010-2020), tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công 26 giải thể thao cấp độ khu vực và toàn quốc; các đội tuyển tham gia thi đấu gần 400 giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt 1.444 HC các loại (410 HCV, 429 HCB, 596 HCĐ); được xếp hạng 39/65 tỉnh, thành, ngành tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII; hạng 9/14 tỉnh, thành, ngành tại Đại hội TDTT Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI. Đây cũng chính là kết quả tất yếu sau 6 năm thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2014-2020 của tỉnh.

Bước sang năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, công tác tổ chức một số hoạt động TDTT bị hủy hoặc tạm hoãn, lùi thời gian để tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức, ngành VHTT Kiên Giang đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch và tham dự 09 giải thể thao khu vực, toàn quốc; đạt 37 huy chương (13 HCV, 10 HCB và 14 HCĐ). 

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong công tác phát triển thể thao thành tích cao, tỉnh tiếp tục xây dựng đề án giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Kế hoạch phát triển TDTT quần chúng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021- 2025; đồng thời kiện toàn, thành lập mới một số Liên đoàn, Hội thể thao như: Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn Vovinam, Liên đoàn Taekwondo, Liên đoàn Võ cổ truyền, Liên đoàn Cờ, Hội Thể dục dưỡng sinh, Hội Mô tô thể thao... Thông qua những chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, công tác TDTT của Kiên Giang sẽ phát triển theo đúng hướng và hứa hẹn gặt hái những thành công trên con đường hội nhập và phát triển.

Triển khai cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030

Cùng với những giải pháp thiết thực, phù hợp và với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh, Kiên Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 với những chỉ tiêu cụ thể: phấn đấu số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2025 đạt tỷ lệ 38% trở lên và năm 2030 đạt tỷ lệ trên 42%. Số gia đình luyện tập TDTT đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 28% và năm 2030 đạt tỷ lệ trên 32%. Đến năm 2030 đạt 100% số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định của cấp có thẩm quyền và có ít nhất 03 CLB TDTT cơ sở trở lên.

Về TDTT trường học, phấn đấu: Số trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030; trên 90% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể năm 2025 và trên 98% vào năm 2030.

100% trường bậc phổ thông có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2025 đạt 75%-80% và đến năm 2030 đạt 85%-90% tổng số trường. Số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2025 đạt trên 90% và đến năm 2030 đạt trên 95% tổng số học sinh bậc phổ thông các cấp.

Về TDTT trong Quân đội: phấn đấu tỷ lệ đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên là trên 99%; tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cho cán bộ, chiến sĩ theo quy định là 100%. Tỷ lệ đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức rèn luyện thân thể theo quy định là trên 98%; tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ rèn luyện TDTT thường xuyên là trên 90%; tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định là 95%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ biết bơi đạt trên 93%. 100% đơn vị (cấp trung đoàn) có khu tập luyện thể thao cơ bản, trên 60% đơn vị có hồ bơi đơn giản.

Trong lực lượng Công an nhân dân: Tỷ lệ các đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên là 100% trở lên; tỷ lệ các đơn vị đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định là trên 85%; tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ tham gia kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 95% trở lên; tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 85% trở lên. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ tập luyện TDTT thường xuyên là từ 90% trở lên. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ biết bơi đạt từ 97% trở lên. Công an huyện, thành phố trực thuộc tỉnh có cơ sở vật chất, sân bãi cơ bản và thường xuyên hoạt động TDTT đạt 90%.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, ngành VHTT Kiên Giang sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp, trọng tâm đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền  đối với công tác TDTT; Đổi mới về nội dung, cách thức triển khai Cuộc vận động đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội…; Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển TDTT giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 ở các địa phương trong toàn quốc, các ngành; Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về TDTT từ tỉnh đến cơ sở; Huy động các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho phát triển phong trào TDTT; Tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

VD