You must configure this module first via "Module Settings"

10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT: phần 2 - phát triển thể thao thành tích cao từ nền tảng thể thao quần chúng

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam, thể thao thành tích cao có sự khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu. Thành tích ở một số môn thể thao Olympic được nâng cao. Kết quả thi đấu của các môn thể thao trọng điểm, có thế mạnh tại các kỳ Đại hội Thể thao và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.

Đổi mới cơ chế tổ chức, tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao thành tích cao theo định hướng chuyên nghiệp

Trong 10 năm qua, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV các tuyến (năng khiếu, trẻ, đội tuyển quốc gia) có nhiều đổi mới. Ngành TDTT đã tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao có thế mạnh và các môn thể thao có trong chương trình Olympic, ASIAD và đầu tư các VĐV trọng điểm. Bình quân mỗi năm có khoảng 60 VĐV xuất sắc được hưởng các chính sách đầu tư trọng điểm để tham gia các kỳ Olympic, ASIAD và SEA Games tại các Trung tâm HLTTQG và các cơ sở đào tạo tại nước ngoài. Việc xây dựng mô hình trường năng khiếu TDTT kết hợp với Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh/thành được nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả. Các cơ sở đào tạo của địa phương chủ yếu làm nhiệm vụ phát hiện, đào tạo năng khiếu ban đầu, đào tạo VĐV trẻ và VĐV tuyến tỉnh. Hầu hết các địa phương đã có sự liên kết chặt chẽ với các Trung tâm HLTTQG để gửi VĐV đi đào tạo nhằm tranh thủ các điều kiện về HLV, phương pháp huấn luyện và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại của các Trung tâm  HLTTQG.

Đến nay, hệ thống đào tạo VĐV đã hình thành từ Trung ương tới địa phương với mô hình 3 cấp: Trung ương có 4 Trung tâm HLTTQG (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng); Khu Liên hợp thể thao quốc gia và 3 Trường Đại học TDTT (Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) thực hiện công tác quản lý, đào tạo VĐV đỉnh cao. Các cơ sở đào tạo này mỗi năm phục vụ tập huấn trên 2.500 VĐV đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia. Trong khi đó, ở cấp tỉnh/thành và các ngành Quân đội, Công an có các Trung tâm đào tạo VĐV do UBND tỉnh hoặc Bộ chủ quản trực tiếp quản lý. Nhiều địa phương, ngành có cơ sở đào tạo VĐV quy mô tương đối lớn, như: Quân đội, Công an, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu .... Ở cấp quận, huyện có các trường, lớp năng khiếu thể thao, các Trung tâm TDTT, làm nhiệm vụ phát hiện và đào tạo năng khiếu thể thao cung cấp cho các cơ sở tuyến trên.

Ngoài các cơ sở đào tạo công lập, trong những năm qua đã hình thành nhiều cơ sở đào tạo VĐV của các tổ chức kinh tế và tư nhân, hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp, chủ yếu trong các môn thể thao như Bóng đá, Futsal, Bóng chuyền, Quần vợt, Golf... Tiêu biểu là các cơ sở đào tạo của Hoàng Anh Gia Lai, VPF. Các cơ sở này đã góp phần quan trọng trong công tác đào tạo VĐV cho các môn thể thao chuyên nghiệp, nhờ vào cơ chế quản lý tự chủ̉ linh hoạt và có sự hỗ trợ, bảo trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Tập trung đầu tư cho các môn thể thao, VĐV  thể thao trọng điểm

Nếu như trong giai đoạn trước, Thể thao Việt Nam chú trọng tới các môn thể thao phổ biến trong khu vực, dễ đầu tư, dễ đạt thành tích theo phương châm "đi tắt, đón đầu" (chủ yếu là các môn võ thuật) thì sang giai đoạn thực hiện chiến lược, đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ sang các môn thể thao Olympic cơ bản, có nhiều bộ huy chương như: Điền kinh, Thể dục, Bơi lội, Cử tạ, Đua thuyền... và các môn thể thao phổ biến của châu lục thường xuyên được đưa vào chương trình thi đấu tại các kỳ ASIAD. Bên cạnh đó, đã chú trọng đầu tư phát triển các môn bóng và những môn thể thao được đông đảo nhân dân hâm mộ, có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai thí điểm theo mô hình thể thao chuyên nghiệp. Từ đó, thể thao thành tích cao hiện nay đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đã định hình được các nhóm môn thể thao, nội dung thế mạnh phù hợp với thể hình, thể trạng và tố chất người Việt Nam để có khả năng cạnh tranh thành tích trong khu vực, châu lục và thế giới.

Hàng năm, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo tập trung đầu tư cao cho khoảng trên 60 VĐV trọng điểm có thành tích xuất sắc của một số môn thể thao mũi nhọn như Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Điền kinh, Cử tạ, Bơi, Taekwondo, Vật, Karatedo, Boxing, Bóng bàn, Cầu lông... nhằm hướng tới việc giành được thành tích cao tại Olympic, ASIAD và SEA Games và các giải thể thao ở cấp châu lục, thế giới.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, y học, ứng dụng công nghệ

Xác định công tác nghiên cứu khoa học, y học, ứng dụng công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển sự nghiệp TDTT, trong những năm qua, công tác tổ chức, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực TDTT luôn được Bộ VHTTDL quan tâm, triển khai. Công tác theo dõi, khám sức khoẻ định kỳ, chữa trị chấn thương và phòng chống doping cho VĐV, đặc biệt là VĐV của các đội tuyển quốc gia, từng bước được triển khai có nền nếp, hàng năm, các Trung tâm HLTTQG đã phối hợp với Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trung tâm Doping và Y học thể thao thường xuyên kiểm tra sức khỏe 3 lần tại mỗi kỳ tập huấn cho các VĐV. Trong quá trình kiểm tra, luôn tập trung chú ý tới các bệnh lý, đặc biệt là đối với tim mạch, chấn thương thể thao để từ đó đưa ra những lưu ý chỉ định hoặc chống chỉ định trong tập luyện và thi đấu thể thao đỉnh cao. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, giáo dục cho các VĐV, HLV về phương pháp phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

Về mặt cơ chế, chính sách, tuy còn có những bất cập nhất định, song việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, chế độ thuốc đối với VĐV trong thời gian tập trung tập luyện tại các đội tuyển quốc gia đã được cải thiện rõ rệt thông qua việc ban hành Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ chính sách cho HLV, VĐV tập trung tập huấn, thi đấu và Thông tư số 86/2020/TT-BTC ngày 26/10/2020 của Bộ Tài chính quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV thể thao thành tích cao, VĐV thể thao thành tích cao.

Hệ thống tổ chức đào tạo, khoa học và công nghệ TDTT được tổ chức tương đối đồng bộ từ trung ương tới cơ sở. Ở Trung ương, có 10 đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ TDTT bao gồm: Viện Khoa học TDTT, 3 Trường Đại học TDTT, 4 Trung tâm HLTTQG, Trung tâm Doping và Y học TDTT, Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Sự đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị khoa học hiện đại ở các tổ chức khoa học và công nghệ được quan tâm, chú trọng hơn. Tại một số địa phương có phong trào TDTT phát triển mạnh, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có đơn vị tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực TDTT.

Hoạt động giám định khoa học trong lĩnh vực thể thao thành tích cao trong những năm gần đây đã được triển khai bước đầu, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo VĐV thể thao. Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 03/2015/TT-BVHTTDL ngày 03/6/2015 quy định về giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao và kiểm tra sức khỏe của VĐV và xây dựng quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật thực hiện giám định khoa học cho VĐV thể thao thành tích cao. Bên cạnh đó, ngành TDTT cũng tập trung đầu tư triển khai xây dựng, phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước và quản lý hoạt động chuyên môn.

Củng cố và hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về thể thao thành tích cao

Hệ thống thi đấu quốc gia ngày càng được hoàn thiện, ổn định và phù hợp với hệ thống thi đấu thể thao quốc tế, giúp cho lực lượng VĐV thể thao có điều kiện thi đấu cọ xát để tích luỹ kinh nghiệm và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện nay trung bình mỗi năm có trên 200 cuộc thi đấu, với các hình thức: vô địch quốc gia, vô địch trẻ quốc gia, cúp quốc gia, giải các lứa tuổi và các cuộc thi đấu kiểm tra cho lực lượng VĐV xuất sắc tại đội tuyển. Ngoài ra, còn nhiều giải thể thao chuyên nghiệp ở các môn như Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền, Quần vợt, Golf... do Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và các tổ chức, cá nhân tổ chức hàng năm, thu hút được sự tham gia đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân.

Trước nhu cầu đòi hỏi nâng cao, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước và chính sách về thể thao thành tích cao, đặc biệt là các chế độ chính sách cho VĐV thể thao thành tích cao, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chế độ, chính sách đối với các VĐV, HLV thể thao. Nhìn chung các chế độ chính sách đối với HLV, VĐV trong thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực, bảo đảm đời sống, chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ HLV, VĐV thể thao, là động lực quan trọng giúp họ yên tâm với nghề nghiệp, nỗ lực tập luyện để đạt được thành tích xuất sắc trong thi đấu, đồng thời có tác dụng thu hút được nhân tài tham gia các hoạt động thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp ở nước ta. Chuyên nghiệp hoá thể thao thành tích cao tiếp tục được triển khai và bước đầu nhân rộng mô hình.

Vươn tầm thế giới

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam, thể thao thành tích cao có sự phát triển khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu. Thành tích ở một số môn thể thao Olympic được nâng cao, các môn thể thao trọng điểm, có thế mạnh tại các kỳ Đại hội Thể thao và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ , Thể thao Việt Nam liên tục xếp vị trí trong 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Games, một số VĐV ở các môn thể thao Olympic như: Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Bơi lội, Cử tạ, Cầu lông, Rowing, Điền kinh... đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới.

Tại Olympic lần thứ 31 năm 2016, TTVN lần đầu tiên trong lịch sử giành 1 HCV, 01 HCB và giành 01 HCV, 01 HCB, 02 HCĐ tại Paralympic Brazil. Tại ASIAD 18 năm 2018, TTVN thi đấu xuất sắc giành được 38 huy chương các loại, trong đó có 04 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ, xếp thứ 16/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự ASIAD 18, đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam giành được HCV ở những môn thể thao Olympic là Điền kinh, Rowing. Đặc biệt, Bóng đá Việt Nam thể hiện sự tiến bộ vượt bậc ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục; thành tích của Bóng đá Việt Nam đã tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực, thông qua đó góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, tạo niềm tin về một Việt Nam trên đà phát triển.

Nhìn bảng thành tích của TTVN từ 2015 đến nay thì số lượng huy chương giành được tăng theo từng năm. Nếu năm 2015, TTVN giành được tổng số 475 HCV, 355 HCB, 321 HCĐ (trong đó 45 HCV, 44HCB, 39HCĐ thế giới; 68HCV, 74HCB, 61HCĐ châu Á; 362HCV, 237HCB, 221HCĐ Đông Nam Á); đến năm 2019, TTVN giành được 587 HCV, 428 HCB, 468 HCĐ (trong đó có 101 HCV, 60HCB, 48HCĐ thế giới, 120HCV, 105HCB, 108HCĐ châu Á; 354HCV, 258HCB, 300HCĐ Đông Nam Á và 12HCV, 6HCB, 13HCĐ giải quốc tế khác). Như vậy chỉ sau 5năm (2015-2019), đã tăng 332 tổng số huy chương quốc tế, đặc biệt số HCV các giải thế giới và các giải châu Á tăng gấp đôi .

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy thể thao thành tích cao vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các cơ sở đào tạo VĐV ở Trung ương mặc dù đã quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, song vẫn chưa đáp nhu cầu thực tiễn. Theo thống kê hiện Trung tâm HLTTQG Hà Nội đáp ứng 50%, Trung tâm HLTTQG Tp Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vẫn phải sử dụng chung cơ sở vật chất với Trường Đại học TDTT Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; Trung tâm Huấn luyện TTQG Cần Thơ mới được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng còn thiếu các hạng mục cơ bản như bể bơi, sân đá bóng, đường chạy tiêu chuẩn... Trên bình diện cả nước, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ đào tạo VĐV thể thao thành tích cao còn thiếu và chưa đồng bộ. Tại nhiều địa phương chưa có đủ các công trình thể thao cơ bản ở cấp tỉnh, trong đó có những địa phương hoàn toàn không có công trình thể thao đáp ứng yêu cầu tổ chức thi đấu, đào tạo VĐV như tỉnh Lai Châu. Thực trạng này dẫn tới khó khăn, hạn chế trong công tác đào tạo VĐV trong giai đoạn vừa qua.

Thể thao thành tích cao tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng so với giai đoạn trước, đặc biệt la ̀thành tích thể thao ở một số môn thể thao cơ bản (Điền kinh, Bơi lội, Thể dục) và các môn trong chương trình Olympic đã có sự tiến bộ rõ nét, song nhìn chung thành tích thể thao của nước ta còn thấp so với châu lục và thế giới. Lực lượng VĐV thể thao thành tích cao còn mỏng, kinh phí đầu tư cho công tác tuyển chọn, đào tạo còn dàn trải, dẫn tới việc đào tạo trong nước và tập huấn cọ xát nâng cao trình độ chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Chế độ đãi ngộ cho VĐV, HLV tuy đã được cải thiện nhưng chưa có bước đột phá. Việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và y học thể thao trong đào tạo VĐV, nhất là VĐV có trình độ cao, còn nhiều hạn chế. Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, y học về TDTT tại Viện Khoa học Thể dục thể thao, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Trung tâm Doping và Y học thể thao còn thiếu và lạc hậu; lực lượng cán bộ khoa học trong lĩnh vực TDTT còn mỏng. Đây chính là những khó khăn đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước để hướng đến mục tiêu đưa Thể thao Việt Nam giành nhiều thành tích cao hơn nữa trên đấu trường thể thao thế giới.

KC