Phát triển TDTT quần chúng
Thực hiện Chiến lược phát triển TDTT, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai lồng ghép với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển TDTT được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kịp thời triển khai các quy định, chủ trương, chính sách về hoạt động TDTT đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các cơ sở kinh doanh TDTT nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TDTT ở các cấp, các ngành góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe trong nhân dân. Nhờ đó, giai đoạn từ 2011-2020, công tác TDTT của tỉnh đã đạt được những bước tiến đáng kể.
Hoạt động TDTT quần chúng được duy trì và phát triển rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, nhất là ở các xã phường, thị trấn, nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được phát triển rộng rãi vào các dịp Lễ, Tết ngày kỷ niệm phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trung bình hàng năm, ở cấp huyện và cơ sở tổ chức khoảng 400 cuộc thi đấu, giao lưu thể thao thu hút trên 80.000 lượt VĐV tham gia; cấp tỉnh tổ chức từ 30-40 giải thể thao, hội thao cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế với gần 15.000 lượt người tham dự. Nhiều giải thi đấu đạt chất lượng cao thu hút đông đảo VĐV như giải Bóng đá, Quần vợt, Cầu lông, Giải chạy việt dã, chạy vì sức khỏe cộng đồng, ngày hội thanh niên. Các hoạt động TDTT diễn ra sôi nổi đã góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Trong các kỳ Đại hội TDTT, các xã, phường đều đăng ký tổ chức từ 6 đến 10 môn thi đấu, cấp tỉnh luôn tổ chức từ 16 - 18 môn; qua đó đã huy động được đông đảo VĐV và quần chúng nhân dân tham gia. Thông qua việc tổ chức thành công các kỳ Đại hội, tạo nền tảng cho việc duy trì phong trào TDTT quần chúng, đồng thời là cơ sở để tuyển chọn thành lập đội tuyển tham dự giải thể thao các cấp.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục thể chất trong nhà trường được thực hiện đúng theo quy định, trong đó chú trong việc chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể lực, xây dựng nếp sống lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn, giáo dục nhân cách và lối sống cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, các trường học trong toàn tỉnh triển khai và thực hiện Đề án "Tổng thể giáo dục thể chất và thể thao trường học trên địa bàn tỉnh". Theo đó 100% các trường phổ thông thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình môn học giáo dục thể chất của từng cấp học, duy trì thường xuyên việc tổ chức tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, 50% đơn vị tổ chức dạy bơi cho học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông. 100% số học sinh tham gia hoạt động thể thao ngoại khóa, 98,92 học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực theo độ tuổi.
Bên cạnh đó, trong 10 năm, tỉnh đã duy trì thực hiện tốt chương trình bơi an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em. Giai đoạn 2010-2015, Đồng Tháp đã mở được 4.568 lớp dạy bơi cho 115,248 em biết bơi, đạt 51,20% trẻ em trong độ tuổi từ 7-15; từ 2016-2020, mở trên 5100 lớp, dạy cho 127.500 em biết bơi, đạt trên 60%. Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp với tổ chức phi chính phủ Bibi the Scal (Bỉ) trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh từ bậc mầm non đến THCS và hướng dẫn giáo viên thể dục, học sinh những kỹ năng sơ cứu và hồi sức với sự tham gia của 4200 lượt người.
Bằng những giải pháp thiết thực và phù hợp đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của việc tập luyện TDTT, và hoạt động này dần trở thành thói quen hàng ngày của đông đảo người dân. Số lượng người tập TDTT thường xuyên và số hộ gia đình tham gia tập luyện thể thao ngày càng tăng. Năm 2010, số người tập luyện TDTT thường xuyên là 26,05%, năm 2020 con số này là 37 %, tăng 10,95%. Số gia đình tham gia tập luyện TDTT năm 2010 là 14,06%, năm 2020 đạt 28%, tăng 13,94%.
Tạo đà cho Thể thao thành tích cao
Hiện công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao của tỉnh được tập trung vào 15 môn với khoảng 400 VĐV và trên 50 HLV và đội tuyển Bóng đá. Trong đó tập trung vào các môn thể thao mũi nhọn như Đá cầu, Judo, Xe đạp, Karate, Bi sắt. Đây cũng là những môn thể thao mà Đồng Tháp đã giành được nhiều thành tích tại các giải đấu quốc gia và quốc tế. Trung bình hàng năm, tỉnh cử từ 400 - 500 VĐV tham gia các giải thể thao quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới, đạt khoảng 300 huy chương các loại.
Riêng môn Bóng đá thực hiện theo mô hình chuyên nghiệp nên thành tích đội tuyển Bóng đá Đồng Tháp chưa ổn định. Tuy nhiên, các dội bóng đá trẻ vẫn duy trì được thế mạnh tại các giải khu vực và toàn quốc như đội U15, U17, U19 đoạt 3 cúp Vô địch quốc gia liên tiếp ở 3 lứa tuổi khác nhau vào các năm 2014, 2016 và 2018.
Vị thế của thể thao Đồng Tháp còn được khẳng định qua các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc khi luôn xếp trong nhóm 03 đơn vị dẫn đầu tại Cụm thi đua Tây Nam Bộ và giữ vững thế mạnh ở các môn thể thao sở trường như Đá cầu, Bi sắt, Xe đạp, Bóng đá trẻ… Cụ thể, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, đoàn thể thao Đồng Tháp giành 17 HCV, 13 HCB, 19 HCĐ, xếp hạng 11/65 tỉnh, thành, ngành. Bốn năm sau, tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, đoàn VĐV Đồng Tháp giành 12 HCV, 06 HCB, 18 HCĐ, xếp thứ 13/65 tỉnh, thành, ngành tham dự.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, ngoài việc duy trì các môn thể thao thế mạnh, thể thao thành tích cao tỉnh Đồng Tháp đang sẽ tập trung đào tạo các môn Olympic, Asiad và đầu tư một số môn có tiềm năng để trở thành những môn mũi nhọn trong tương lai như Điền kinh, Bơi lội, Cầu lông, Taekwondo, Cầu mây, Vovinam, Bắn cung, Canoeing và Vovinam…
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho TDTT
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược, cơ sở vật chất hoạt động thể thao trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, nâng cấp. Đặc biệt, các công trình thể thao như Khu liên hợp TDTT tỉnh được đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình như sân vận động, nhà thi đấu đa năng, bể bơi, sân tập bóng đá, quần vợt ngoài trời, xây mới nhà tập võ, đảm bảo sẵn sàng đào tạo, huấn luyện và tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc
Hiện toàn tỉnh có 32 sân tập luyện bóng đá 11 người, 10 nhà thi đấu, 18 nhà tập, 162 sân bóng đá 5 người bằng cỏ nhân tạo, 492 sân tập luyện bóng chuyền, 55 sân quần vợt, 44 hồ bơi cố định vừa và nhỏ, 50 phòng tập TDTT, điểm tập ở các khu công viên, sân cơ quan….
Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất thể thao trong trường học cơ bản đảm bảo trang thiết bị cho công tác dạy và học môn giáo dục thể chất. Số trường phổ thông có sân tập luyện TDTT đạt mức cao trong đó Tiểu học có 305 trường, đạt 98,38%, 138 trường THCS đạt 97,87%, 43 trường THPT, đạt 100%. Trong đó có 24 trường Tiểu học, 01 trường THCS, 05 trường THPT có phòng học giáo dục thể chất hoặc Nhà tập đa năng đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố, công tác đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế TDTT ở cơ sở cũng đặc biệt được quan tâm thông qua việc kết hợp với nguồn lực đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các công trình như: sân bóng đá, hồ bơi, phòng tập thể thao đơn giản, tụ điểm văn hóa – thể thao. Nhờ đó, đến nay trên toàn tỉnh có 81/118 xã có Trung tâm Văn hóa- học tập cộng đồng được xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đạt chuẩn theo quy định; Hầu hết các xã phường, thị trấn có từ 1-2 công trình thể thao (năm 2010 chỉ có 20%, năm 2020 tăng lên 40%). 80% xã, phường thị trấn dành quỹ đất cho hoạt động TDTT. Ngoài ra, tại các ấp, thôn có 276 nhà văn hóa ấp được xây dựng mới, 09 nhà văn hóa được cải tạo, nâng cáp, 38 nhà văn hóa liên ấp, 41 ấp sinh hoạt chung Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng, 152 nhà văn sử dụng trụ sở Ban nhân dân ấp, các ấp còn lại sử dụng các thiết chế văn hóa khác và sân bãi thể thao đơn giản ngoài trời để hoạt động.
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT từ nguồn kinh phí nhà nước, Đồng Tháp còn huy động các tổ chức, cá nhân quan tâm tài trợ cho hoạt động TDTT, xây dựng sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, sân quần vợt, sân cầu lông, phòng tập bóng bàn, bể tập bơi... tạo điều kiện cho người dân có thêm các điểm tập luyện thể thao. Với hệ thống sân bãi, trang thiết bị cùng với các thiết chế văn hóa – thể thao ngày càng hoàn chỉnh đã góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao của VĐV cũng như nhân dân trong tỉnh.
Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Chiến lược TDTT, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần phải nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện các quan điểm của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo và tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đi đôi với đầu tư, phát triển phong trào TDTT ở cơ sở. Gắn nhiệm vụ phát triển TDTT với kế hoạch phát triển kinh tế - xã họi ở mỗi địa phương, đưa nội dung phát triển TDTT vào chương trình công tác của cấp ủy; Kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư của nhà nước với đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, khai thác tốt tiềm năng và nguồn lực trong xã hội, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong nước và ngoài nước. Chú trọng công tác bố trí cán bộ chuyên môn TDTT các cấp có tính ổn định, đủ năng lực, trình độ tham mưu, triển khai tổ chức các hoạt động TDTT.
VD