Để triển khai thực hiện Chiến lược, một kế hoạch hành động thiết thực đã được ban hành và quán triệt sâu sắc đến toàn thể các cấp, các ngành và sự đồng thuận của đông đảo người dân đã góp phần mang lại những hiệu quả to lớn. Cụ thể, trong 10 năm qua, dưới sự chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh công tác thông tin tuyên truyền về nội dung, tầm quan trọng cũng như ý nghĩa, hiệu quả mà Chiến lược mang lại được đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, các hình thức tuyên truyền về Chiến lược được triển khai đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phù hợp. Ngoài việc thông tin tuyên truyền trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng như Báo, phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của ngành, Sở VHTTDL tỉnh còn tích cực triển khai bằng hình thức trực quan như treo các khẩu hiệu, pano, áp phích… Qua đó, nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về vai trò, tác dụng của việc rèn luyện thân thể hàng ngày đối với sức khỏe cũng như các giá trị về tinh thần mà TDTT mang lại là vô cùng to lớn, góp phần đưa sự nghiệp TDTT Việt Nam ngày càng phát triển.
Đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng
Một trong những nội dung quan trọng trong việc triển khai thực hiện Chiến lược đó là tập trung phát triển TDTT quần chúng. Xác định phát triển TDTT quần chúng làm nền tảng, trong những năm qua, ngành TDTT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong mọi đối tượng nhân dân từ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, cán bộ công nhân viên chức, người cao tuổi…
Yên Bái đã lắp đặt trên 150 dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân (Ảnh: Việt Dũng)
Với phương châm mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao để tập luyện hàng ngày đã góp phần tạo sự lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Hoạt động TDTT không chỉ mang lại niềm vui, sức khỏe cho người dân mà qua đó còn góp phần gắn chặt tình đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; đồng thời các hoạt động TDTT được tổ chức đã trở thành sân chơi bổ ích, lành mạnh và giúp người dân, nhất là lực lượng thanh thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội.
Chất lượng chuyên môn trong các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao ngày càng được nâng cao, công tác tổ chức ngày càng quy mô, chặt chẽ và hiệu quả; số người tập luyện TDTT thường xuyên không ngừng gia tăng hàng năm. Theo thống kê của Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái, năm 2019 số người tập luyện TDTT thường xuyên là 300.000 người, đạt 40.2 tổng dân số của tỉnh. Năm 2020, dịch Covid 19 đã khiến các hoạt động TDTT nói chung, trong đó đặc biệt là việc tổ chức các giải thi đấu thể thao thành tích cao bị ảnh hưởng không nhỏ (nhiều giải đấu phải hoãn và hủy bỏ). Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn trên, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, ngành VHTTDL tỉnh Yên Bái đã không ngừng nỗ lực trong việc đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng bằng những giải pháp phù hợp như hướng dẫn người dân tập luyện TDTT tại nhà bằng những bài tập phù hợp, hay giữ khoảng cách khi tham gia tập luyện TDTTở nơi công cộng, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch... Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện đã góp phần hoàn thành mục tiêu đặt ra với 40.5% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao đạt tỷ lệ 19.5%. Toàn tỉnh có 510 CLB TDTT đơn môn và đa môn hoạt động thường xuyên và thu hút đông đảo hội viên tham gia. Hiện Yên Bái có 05 Liên đoàn thể thao gồm: Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn Bóng bàn và Liên đoàn Quần vợt. Các liên đoàn hoạt động thường xuyên và hoạt động hiệu quả.
Trung bình mỗi năm ngành TDTT Yên bái tổ chức từ 18-20 giải thể thao cấp tỉnh với sự tham gia của hàng nghìn VĐV. Bên cạnh đó, ở cấp huyện và phường, xã, thị trấn, hàng năm có hàng nghìn giải thể thao được tổ chức thường xuyên vào các dịp Lễ, tết của dân tộc, đất nước. Trong đó nhiều giải thể thao đã trở thành giải truyền thống và luôn thu hút đông đảo các VĐV tham gia như: Giải thể thao "Mừng Đảng, mừng Xuân”, Giải Bóng đá nhi đồng cúp Phát thanh Truyền hình, Giải Việt dã Báo Yên Bái, Giải Bóng chuyền các Câu lạc bộ, Giải Vô địch Bắn nỏ - Đẩy gậy...
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây hàng năm, tỉnh đều duy trì tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng Bơi, cứu đuối, phòng chống đuối nước trẻ em. Lễ phát động Bơi, phòng chống đuối nước và giải Bơi các CLB trong tỉnh. Hiện nay, ngành đang phối hợp với Sở Lao động Thương Binh xã hội tỉnh triển khai có hiệu quả dự án Bơi an toàn cho đối tượng thanh niên, Nhi đồng trên địa bàn tỉnh. Dự án được triển khai do quỹ Blumberg của Hoa Kỳ tài trợ.
Để các hoạt động TDTT quần chúng có chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực, hàng năm tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đối tượng là cán bộ, giáo viên, cộng tác viên TDTT ở cơ sở. Trong 10 năm thực hiện Chiến lược, tỉnh đã tổ chức được gần 30 Hội nghị tập huấn về công tác quản lý nhà nước, về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ chuyên trách về TDTT ở cơ sở, thu hút gần 2000 học viên tham gia.
Cùng với đẩy mạnh các phong trào TDTT quần chúng, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tập luyện, thi đấu thể thao được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, nhiều công trình thể thao được nâng cấp, sửa chữa phù hợp với điều kiện, nguồn lực cũng như tiềm năng kinh tế của địa phương. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cũng như đáp ứng yêu cầu về sân bãi, trang thiết bị tập luyện cho người dân. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đều có sân vận động, nhà tập luyện đơn giản. Điều đó không chỉ đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của người dân mà còn phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Ở cấp tỉnh, các công trình như Sân vận động, nhà thi đấu được sửa chữa, nâng cấp.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 09 nhà tập luyện và thi đấu, 10 sân vận động (02 sân có khán đài, đủ tiêu chuẩn tổ chức thi đấu các giải thể thao cấp tỉnh và toàn quốc), 30 bể bơi, 20 sân quần vợt, 10 cụm sân bóng đá cỏ nhân tạo. Hệ thống sân cầu lông, sân bóng chuyền (đặc biệt là sân bóng chuyền hơi) có ở hầu hết các cơ quan, đơn vị và khu dân cư. Ngoài ra, tỉnh cũng đã lắp đặt trên 150 trang thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời tại trung tâm thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Các trang thiết bị tập luyện ngoài trời đã góp phần phục vụ đông đảo nhân dân tham gia tập luyện TDTT. Ngoài ra, việc bố trí quỹ đất và xây dựng các công trình TDTT tại cơ sở được quan tâm nên hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có đất để xây dựng khu sinh hoạt cộng đồng, sân tập luyện thể thao cho nhân dân…
Các hoạt động khai thác kinh doanh dịch vụ thể thao được gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh đang trên đà phát triển. Điển hình là các hoạt động thể thao mạo hiểm như Dù lượn, trượt Zipline, chạy Marathon leo núi trong lễ hội Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Đua thuyền truyền thống trên Hồ Thác Bà; Đua xe địa hình trong Lễ hội Mường Lò…
Công tác GDTC và thể thao trong trường học được triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 90% số trường học thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, thực hiện chương trình đổi mới phương pháp dạy học kiểm tra hoạt động GDTC, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã chỉ đạo việc nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ em mầm non, lựa chọn các nội dung giáo dục phát triển vận động cho trẻ theo từng độ tuổi. Quá trình giảng dạy đã lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phát triển thể chất với các hoạt động giáo dục khác. 100% tường mầm non thực hiện đầy đủ nội dung lĩnh vực GDTC trong chương trình giáo dục mầm non; 100% các cơ sở giáo dục mầm non có sân chơi và đồ chơi giáo dục phát triển thể chất ngoài trời, 123/177 trường mầm non có khu giáo dục phát triển vận động.
Công tác TDTT trong lực lượng vũ trang của tỉnh cũng được duy trì nền nếp. Trong lực lượng công an, công tác kiểm tra phân loại tiêu chuẩn rèn luyện thân thể được tiến hành định kỳ hàng năm. Đến nay 100% cán bộ, chiến sĩ đều đạt yêu cầu, tỷ lệ khá, giỏi đạt 65%; 80% cán bộ, chiến sĩ công an tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. 100% các đơn vị đều thành lập CLB TDTT với các môn thể thao thế mạnh như Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông. Trong 10 năm qua, riêng lực lượng công an tỉnh đã tổ chức 2 kỳ Đại hội TDTT, 5 Hội thao và trung bình 10 giải thể thao mỗi năm với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ. Có được điều đó là nhờ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT trong lực lượng Công an tỉnh luôn được quan tâm, đầu tư. Hiện tại trụ sở Công an tỉnh có 02 sân quần vợt, 01 sân Bóng chuyền, 01 sân bóng đá, 01 bể bơi, 06 sân cầu lông…
Tạo đà cho Thể thao thành tích cao vươn lên
Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho Thể thao thành tích cao cùa tỉnh cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, xác định được những môn thể thao thế mạnh, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, trong giai đoạn từ 2010-2020, Yên Bái duy trì đào tạo 15 môn thể thao gồm: Điền kinh, Bóng rổ nữ, Bóng chuyền nữ, Bóng ném, Cầu mây, Đá cầu, Cử tạ, Vovinam, Karate, Võ cổ truyền. Tổng số VĐV được đào tạo tại các tuyến từ 160-210 VĐV bao gồm đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ và đội tuyển năng khiếu.
Hàng năm, các đội tuyển của tỉnh tham gia từ 28-30 giải thể thao toàn quốc và đạt trung bình từ 55-60 huy chương các loại. Có trên 30 VĐV được phong Kiện tướng cấp 1, đóng góp cho các đội tuyển quốc gia từ 7-10 VĐV. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thể thao thành tích cao Yên Bái đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể năm 2019, các đội tuyển thể thao thành tích cao của Yên Bái tham gia 24 giải toàn quốc, giành 46 huy chương với 8 HCV, 13 HCB, 25 HCĐ, (đạt 113% kế hoạch), trong đó chủ yếu tập trung ở những môn như Vovinam, Cầu mây, Bóng rổ, Đá cầu, Bóng ném, Karatedo, Cử tạ. Đặc biệt, đội tuyển Bóng rổ của Yên Bái gồm 9 VĐV tham gia giải Vô địch bóng rổ trẻ U23 VBF - Cúp Audi đã giành HCB.
Với những kết quả trên có thể khẳng định, thể thao thành tích cao Yên Bái đã không ngừn nỗ lực, từng bước vươn lên và trở thành một trong những đơn vị đứng trong tốp dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Trong 10 năm qua, tiếp nối những thế hệ VĐV như: Lê Bình Định (HCB nội dung 400m rào nữ giải trẻ châu Á) hay Trần Thị Lan (HCB toàn quốc nội dung Nhảy sào),.. nhiều gương mặt trẻ như: Mè Thị Oanh (Bơi lội), Vũ Tiến Tùng (Vovinam), Nguyễn Quốc Huy (Bóng chuyền),..luôn là những gương mặt vàng của Thể thao Yên Bái tại các giải thể thao toàn quốc.
Cùng với những kết quả trên, việc triển khai và thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 tại Yên Bái vẫn còn những hạn chế, khó khăn đó là: hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tuy đã được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là hệ thống sân bãi, thiết bị tập luyện phục vụ các đội tuyển thể thao thành tích cao. Công tác XHH TDTT của tỉnh còn nhiều bất cập, nên việc huy động các nguồn lực, nhất là các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư cho TDTT gặp nhiêu khó khăn. Hiện tại trên địa bàn tỉnh mới chỉ có một số hộ kinh doanh cá thể đầu tư mở các phòng tập thể thao với một số môn phổ biến như Yoga, Gym, Bơi lội…
Phát huy những thành tích đã đạt được, chắc chắn trong giai đoạn tiếp theo 2020 - 2025, ngành TDTT Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại “, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động phong trào TDTT quần chúng tỉnh Yên Bái giai đoạn 201—2025; Duy trì tổ chức Tháng hoạt động TDTT cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2030; Tiếp tục duy trì đào tạo các môn thể thao thành tích cao mũi nhọn; Đồng thời khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc có thế mạnh như Đẩy gậy, Bắn nỏ; Tích cực tham gia các giải thể thao toàn quốc và đặt mục tiêu đạt từ 40-60 huy chương.
VD