You must configure this module first via "Module Settings"

Thể thao huyện Trà Cú những dấu ấn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Thể thao huyện Trà Cú đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Hoạt động TDTT trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong huyện đã đi vào nề nếp và trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn huyện.

Chú trọng phát triển TDTT, rèn luyện sức khỏe

Huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) là huyện vùng sâu, nằm cách trung tâm tỉnh 34 km về hướng Tây Nam. Là một huyện thuần nông, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn (huyện có 09 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020; 03 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ…Những khó khăn trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện phát triển phong trào TDTT tại địa phương. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và nhân dân cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục khó khăn, từng bước đưa việc rèn luyện TDTT trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân nơi đây.

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh về việc phát triển TDTT, UBND huyện đã kịp thời cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch thực hiện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển TDTT, trong đó đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân về những lợi ích của việc rèn luyện TDTT nâng cao sức khỏe, từ đó giúp người dân quan tâm, khơi dậy đam mê để mỗi người dân tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp tập luyện. Phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, được đẩy mạnh, trong đó việc tổ chức các giải thi đấu thể thao, đặc biệt là bóng đá, bóng chuyền đã được tăng cường tổ chức từ cơ sở nhằm phục vụ cho xây dựng nông thôn mới. Hiện số người thường xuyên tham gia tập luyện TDTT của huyện đạt 65.369 người, chiếm 41,8% tổng dân số; số hộ được công nhận gia đình thể thao đạt 5.269 gia đình, chiếm 12,6% tổng số gia đình.

Để đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT, UBND huyện đã có chính sách thành lập các CLB, đội, nhóm TDTT tập trung vào một số môn hiện đại như: Bóng đá, Bóng chuyền, Võ, Taekwondo, Đi bộ, Cầu lông,...Đến nay, trên địa bàn huyện có 111 đội bóng chuyền, 71 đội bóng đá, 114 đội kéo co, 69 điểm Bida, 39 điểm Cờ tướng, 11 đội Cầu lông, 07 lớp dạy Võ thuật, 03 đội Bóng bàn…được duy trì và hoạt động có hiệu quả. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, đồng thời đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao luôn được huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. 

Thời gian qua, huyện đã tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân xây dựng 08 sân cỏ nhân tạo, 07 sân đất tự nhiên, 06 cơ sở thể dục thẩm mỹ, thể hình, 97 sân bóng chuyền, 07 hồ bơi… Qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế TDTT, tạo điều kiện để người dân luyện tập TDTT. Hiện toàn huyện có 17 sân bóng đá, 97 sân bóng chuyền, 07 hồ bơi, có 01 sân quần vợt, 04 sân cầu lông, 09 phòng tập gym, 06 phòng tập thể dục thẩm mỹ, 01 đội ghe ngo; 01 đội thuyền rồng. Đặc biệt, huyện đã đầu tư xây dựng được trên 82% xã, thị trấn có khu vui chơi dành cho trẻ em.  

Hàng năm nhiều giải thể thao được UBND huyện, các cấp, các ngành tổ chức như: hội thao công nhân, viên chức, lao động; hội thao cán bộ đoàn của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với nhiều môn thi đấu như: cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, chạy việt dã, kéo co…; Hội LHPN huyện Trà Cú đã tổ chức giao hữu bóng chuyền với đơn vị kết nghĩa Đồn Biên phòng Long Vĩnh - Duyên Hải; Giải bóng chuyền tứ hùng mừng lễ Sêne Đôlta…. Một trong những hoạt động nổi bật đó là Ngày chạy Olympic vì sức khỏe cộng đồng được phát động rộng rãi đến 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực và được duy trì hằng năm với hơn 32% dân số tham gia. Những hoạt động trên của các ngành đã tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích và giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có điều kiện để giao lưu, học hỏi, góp phần cải thiện thành tích trong lao động và công tác.

Bên cạnh đó, với đặc điểm là huyện có tới 62,88% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên trong những năm qua, UBND huyện luôn chú trọng quan tâm đến công tác bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc. Theo đó nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm thể thao dân tộc được thành lập như: đội đua ghe ngo, thuyền rồng, kéo co, bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, nhảy bao… Huyện cũng thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu trong các dịp lễ, tết cổ truyền Chôl - Chnam - Thmây, Lễ Sêne Đôlta, Lễ hội Ok - Om - Bok…  Việc quan tâm phát triển TDTT trong dân tộc, không chỉ tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào dân tộc mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer trong huyện, tỉnh và khu vực.

Đặc biệt sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 08, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học đã có nhiều chuyển biến. Hiện nay, toàn huyện có 65 trường (trong đó có 18 trường đạt chuẩn quốc gia), 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề và 17 Trung tâm học tập cộng đồng đều đã được huyện thực hiện, đưa nội dung giáo dục thể chất và hoạt động thể thao vào chương trình học chính khóa; 100% các trường trên địa bàn có bố trí giáo viên chuyên trách dạy thể dục đảm bảo về trình độ chuyên môn theo quy định, chất lượng ngày càng nâng lên. Thiết chế thể  TDTT trong nhà trường, như: sân tập, bãi tập, dụng cụ TDTT phục vụ nhu cầu luyện tập của học sinh và giáo viên được đầu tư. Hội khỏe Phù Đổng luôn được các ngành và nhà trường quan tâm, hằng năm đối với cấp trường và cấp huyện tổ chức hai năm một lần với các môn: Bóng đá thiếu nhi, bóng bàn, bóng chuyền, điền kinh, cờ vua.. Điển hình như Hội khỏe Phù Đổng huyện Trà Cú lần thứ XIII năm 2020 đã thu hút 681 VĐV là học sinh của các cấp từ Tiểu học đến THPT của các trường học trong huyện tham gia tranh tài ở 07 môn thể thao gồm: điền kinh, cờ vua, bóng chuyền, bóng đá, bơi lội, đá cầu và kéo co.

Từ nền tảng phát triển phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của huyện đã có những khởi sắc với kết quả nổi bật ở các môn bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, điền kinh, võ Karatedo, Taekwondo… trong các kỳ Đại hội TDTT lần thứ V, VI của tỉnh Trà Vinh. Mới đây nhất tại giải vô địch Điền kinh quốc gia năm 2020, VĐV Nguyễn Thị Yến Linh (xã Định An, huyện Trà Cú) đã xuất sắc giành HCV ở nội dung ném búa nữ với thành tích 48m21. Đây cũng là lần đầu tiên 01 VĐV điền kinh của huyện giành được ở sân chơi cấp quốc gia.

Định hướng phát triển trong thời gian tới

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển TDTT, các cấp, các ngành huyện Trà Cú đã xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó tiếp tục triển khai có hiệu quả những chính sách, chiến lược, nghị quyết phát triển công tác TDTT. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học.

Đẩy mạnh hoạt động TDTT quần chúng thông qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và Chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động TDTT; chú trọng phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Từng bước nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng TDTT, chú trọng đội ngũ kế cận có chất lượng; phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở huyện; ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của người dân.

Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách phát triển TDTT. Chú trọng công tác tuyên truyền miệng nhân các ngày lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc và thông qua các cuộc họp lệ, sinh hoạt chi, tổ hội đoàn thể. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền bằng tiếng Khmer, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ở cơ sở.

KC