You must configure this module first via "Module Settings"

Nhìn lại công tác TDTT trong cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng

Xác định công tác TDTT trong quân đội là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp TDTT của đất nước, từ năm 2011 đến nay, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về TDTT, trong đó đặc biệt là việc triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020" công tác TDTT trong lực lượng quân đội đã có nhiều chuyển biến tích cực đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng. Qua đó, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời đưa phong trào TDTT trong cả nước ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu hội nhập đất nước.

Thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến từng cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức nhờ đó, nhận thức của cán bộ, chiến sỹ về ý nghĩa, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe, giúp cho cán bộ, chiến sỹ phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tập luyện TDTT sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với phương châm phát triển TDTT quần chúng theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện thể lực và hoạt động TDTT trong toàn quân để nâng cao trình độ thể lực, tăng cường sức khoẻ, góp phần nâng cao ý chí chiến đấu, giáo dục đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật và phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội; đồng thời kết hợp chặt chẽ phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với phong trào “Xây dựng đơn vị huấn luyện thể lực và hoạt động TDTT giỏi” tạo cơ sở cho việc tuyển chọn tài năng thể thao, các đơn vị trong toàn quân đã thực hiện tốt chế độ, nền nếp huấn luyện thể lực; hoạt động TDTT trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ được duy trì thường xuyên; chương trình, nội dung huấn luyện được nghiên cứu, đổi mới thường xuyên, tập trung vào các nội dung như: Bơi, Bơi ứng dụng quân sự, Vượt vật cản, Võ thuật, Chạy vũ trang đường dài...

Công tác kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ TDTT ở từng cấp theo Điều lệ công tác TDTT Quân đội được quan tâm. nhất là việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở trực tiếp huấn luyện. Tính đến nay, toàn quân có gần 500 cán bộ quản lý, giáo viên, HLV, cộng tác viên TDTT có trình độ Đại học trở lên (năm 2011 con số này là hơn 400 người). Hàng năm, Bộ Tổng tham mưu đã phối hợp với Tổng cục TDTT, các Liên đoàn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng công tác TDTT, cử các cán bộ HLV, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Tổng cục TDTT tổ chức.

Việc kiểm tra theo tiêu chuẩn rèn luyện thể lực, hướng dẫn, kiểm tra công tác tổ chức rèn luyện thể thao hàng ngày được thực hiện có nền nếp, tất cả các đối tượng đều được kiểm tra theo Tiêu chuẩn rèn luyện thể lực trong Quân đội, tỷ lệ đạt yêu cầu là 90%. Tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên các môn thể thao trong Quân đội đạt trên 85%. Cơ bản các quân nhân biết bơi sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới. Việc xây dựng các đơn vị giỏi về thể lực và hoạt động TDTT được duy trì hàng năm đã kịp thời động viên các đơn vị tổ chức huấn luyện thể lực, hoạt động TDTT đạt chất lượng cao.

Trong 10 năm qua, Bộ Quốc phòng đã khen thưởng 76 đơn vị; 55 đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ VHTTDL. Công tác tổ chức các hội thao TDTT quốc phòng ở cơ sở hàng năm được tổ chức có nề nếp, chất lượng và quy mô ngày càng được nâng cao. Trong 10 năm qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức 6 hội thao TDTT cấp cơ sở toàn quân và dân quân tự vệ gồm Hội thao TDTT toàn quân (2011, 2017), Hội thao Võ chiến đấu tay không toàn quân (2014, 2015), Hôi thao Bóng đá phong trào toàn quân (2018), Hội thao TDTT quốc phòng toàn quân (2019)... Bên cạnh đó, hàng năm đều hưởng ứng và phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức có chất lượng Ngày chạy thể thao CISM, do Hội đồng thể thao quân sự thế giới phát động kết hợp với Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân...

Công tác XHH TDTT bước đầu đạt được những kết quả khích lệ, điển hình là việc thành lập Liên đoàn Võ thuật QĐND Việt Nam (QDD505/QĐ-BNV), hệ thống CLB Võ thuật trong toàn quân đã được hình thành và có bước phát triển mạnh mẽ, phát huy tác dụng tốt trong việc hỗ trợ công tác huấn luyện, rèn luyện nâng cao thể lực và trau dồi phẩm chất, ý chí của các quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng. Trong 10 năm qua, đã có 52 CLB Võ thuật được hình thành, tiêu biểu phải kể đến CLB Võ thuật Quân khu 7, Quân đoàn 4, Binh chủng đặc công...

Quân ủy, Bộ Quốc Phòng cũng tập trung xây dựng lực lượng VĐV các môn thể thao thành tích cao trong Quân đội một cách có hệ thống và trọng điểm; ưu tiên đầu tư phát triển các môn thể thao truyền thống và mũi nhọn của Quân đội, các môn thể thao phù hợp với lực lượng vũ trang. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho đội ngũ HLV, VĐV, trọng tài. Kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động TDTT. Hiện nay, Quân đội duy trì 11 đơn vị thể thao thành tích cao. Các đơn vị đều duy trì tập luyện và tham gia thi đấu ở 26 môn thể thao, trong đó nhiều môn phổ biến như Bắn súng, Điền kinh, Bóng chuyền, Xe đạp, Karatedo, Pencak Silat, Taekwondo, Vật. Nhiều VĐV đã trưởng thành và giành HCV châu lục như Hoàng Xuan Vinh (HCV Asiad 2014), Nguyễn Thị Ánh Viên (giành nhiều HCV tại các kỳ SEA Games) ... đã góp phần giữ vững vị thế của thể thao Quân đội khi luôn ở vị trí top 3 đơn vị mạnh nhất tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc (Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Quân đội giành 220 huy chương, trong đó có 75 HCV, 54 HCB, 91 HCĐ; 4 năm sau, tại Đại hội thể thao toàn quốc năm 2018, đoàn Quân đội giành 206 huyc hương các loại trong đó 59 HCV, 61 HCB, 86 HCĐ... đặc biệt có môn nhiều năm liền giữ được thành tích Vô địch quốc gia như CLB Bóng chuyền nữ Thông tin Liên lạc. Một trong những hoạt động nổi bật của thể thao thành tích cao Quân đội đó là việc cử các VĐV tham gia giải Taekwondo quân sự thế giới giành 3 HCV, 1 HCB, xếp thứ 7/30 nước (2012), đến năm 2015 tham gia Đại hội TDTT quân sự thế giới tại Hàn Quốc giành 4 huy chương (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ), xếp thứ 31/117 nước; 2019, tham gia Đại hội TDTT quân sự thế giới tại Trung Quốc giành 1 HCV, 1 HCB...

Để có được những kết quả trên, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm kiện toàn hệ thống tổ chức TDTT các cấp trong Quân đội phù hợp với tổ chức biên chế, bảo đảm tính ổn định lâu dài đáp ứng nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ TDTT cũng như yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới. Xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ TDTT cho Quân đội đủ số lượng, bảo đảm chất lượng. Chú trọng nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ TDTT cơ sở và trình độ HLV các môn thể thao thành tích cao. Theo thống kê, hiện Quân đội có 2 Tiến sỹ, hàng chục Thạc sĩ về TDTT, hơn 40 HLV cấp quốc gia và gần 70 trọng tài cấp quốc gia, quốc tế... Đôi ngũ cán bộ này luôn được tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn, đào tạo. Nhờ đó đã ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật và y học thể thao vào công tác huấn luyện và thi đấu cũng như phục hồi chức năng, đảm bảo dinh dưỡng cho VĐV. 

Cùng với những giải pháp trên, Bộ Quốc phòng cũng đặc biệt đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất. Trong đó, tập trung xây dựng các công trình trọng điểm, đảm bảo cho nhiệm vụ huấn luyện như Bể bơi, Hồ huấn luyện Bơi, Bãi vượt vật cản cấp Tiểu đoàn, Trung đoàn, Bãi huấn luyện thể lực tổng hợp cấp Tiểu đoàn, Nhà tập luyện và thi đấu; đồng thời tạo điều kiện cho các cá nhân đơn vị tham gia các hoạt động dịch vụ thể thao; khuyến khích phát triển kinh tế thể thao lành mạnh, mua sắm trang thiết bị, bảo đảm từng bước hoàn thiện hệ thống sân bãi, trang thiết bị dụng cụ tập luyện; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác huấn luyện...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích trên, trong 10 năm triển khai và thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam, công tác TDTT trong Quân đội vẫn còn những tồn tại, bất cập như việc bổ sung, kiện toàn cán bộ quản lý TDTT chuyên trách ở một số đơn vị trực thuộc Bộ còn chậm; Việc thực hiện chủ trương XHH TDTT ở một số đơn vị còn khiêm tốn, chưa có cơ chế đặc thù để thu hút, khuyến khích các tài năng thể thao tham gia đóng góp cho thể thao Quân đội; Cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện thể lực, hoạt động TDTT ở một số dơn vị chưa đáp ứng nhu cầu huấn luyện và rèn luyện thể lực thường xuyên của bộ đội...

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới việc triển khai thực hiện Chiến lược sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các đơn vị và cá nhân trong toàn quân. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phát triển TDTT đến từng cán bộ, chiến sỹ, các cơ quan, đơn vị từ cấp cơ sở; Không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư cho lĩnh vực TDTT để thu hút các tài năng thể thao phục vụ lâu dài cho thể thao Quân đội.

Tiếp tục hưởng ứng có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", trọng tâm là đẩy mạnh công tác rèn luyện thể lực theo tiêu chuẩn trong Quân đội; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ về chuyên môn, cơ sở vật chất, duy trì các hoạt động TDTT và trong công tác huấn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Đẩy mạnh công tác XHH TDTT bằng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động các nguồn lực đóng góp cho thể thao Quân đội thông qua việc đầu tư trang bị cơ sở vật chất, nâng cấp sân bãi luyện tập, thi đấu, phục vụ nhu cầu luyện tập TDTT của cán bộ, chiến sĩ; quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện tham gia thi đấu các giải thể thao toàn quốc, duy trì các hoạt động thường niên như Hội thi, Hội thao, các hoạt động giao lưu, thi đấu TDTT trong lực lượng bộ đội nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao hiệu quả công tác, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, góp phần xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ, chính quy và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

VD