You must configure this module first via "Module Settings"

Can Lộc - Hà Tĩnh sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020

Sau 10 năm triển khai và thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, phong trào TDTT quần chúng huyện Can Lộc đã có bước phát triển rộng khắp với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu về rèn luyện TDTT nâng cao sức khỏe và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Thực hiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020, huyện ủy huyện Can Lộc đã chỉ đạo Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật, cùng với phòng chuyên môn của huyện tổ chức hội nghị phổ biến trên toàn huyện. Bên cạnh đó, UBND huyện bám sát các văn bản của Chính phủ để ban hành các kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Chiến lược, đồng thời có chủ trương phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác ở từng ngành, cơ quan, đơn vị và cơ sở.

Sự chuyển biến về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và quần chúng Nhân dân đã tạo động lực cho phong trào TDTT huyện ngày càng phát triển cả về thể thao quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Đặc biệt, sự đầu tư cơ sở hạ tầng cho TDTT đã góp phần nâng cao vị thế phong trào TDTT của Can Lộc và trở thành một trong những địa phương có phong trào TDTT phát triển của tỉnh Hà Tĩnh.

Cụ thể, hệ thống cơ sở vật chất về TDTT đã và đang được đầu tư khá đồng bộ, đặc biệt là hệ thống cơ sở vật chất tại các trường học được xây mới và đạt tiêu chuẩn, từ huyện đến cơ sở có quy hoạch đất dành cho TDTT. Ngân sách đầu tư cho TDTT được nâng lên. Ngoài ra, huyện còn có chính sách hỗ trợ các xã, phường trong việc xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa, thể nhằm tạo ra nhiều sân chơi, bãi tập phục vụ nhu cầu vui chơi, rèn luyện TDTT của người dân trên địa bàn huyện.

Đến nay, 100% các xã, phường trong toàn huyện đã có quy hoạch đất dành cho Văn hóa, Thể thao đảm bảo theo quy định (100% xã đạt nông thôn mới và huyện về đích đạt huyện nông thôn mới). Tổng số có 24 sân vận động đảm bảo đủ tiêu chuẩn (01 sân huyện, 23 sân xã, thị trấn), 02 sân quần vợt, 04 nhà thi đấu cầu lông, 12 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 06 bể bơi... Các khu thể thao thôn, khối, tổ dân phố đều đã được quy hoạch đầy đủ, cơ quan, đơn vị, trường học đều có bố trí sân tập luyện TDTT như sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền hơi. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai việc xây dựng mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động TDTT tại thôn, xã như xây dựng sân tập thể thao đơn giản, đặc biệt có 3 khu thể thao tập luyện theo hình thức nhà nước cho thuê đất, mượn đất, cá nhân đầu tư xây dựng các sân tập luyện TDTT, như sân bóng đá cỏ nhân tạo.

Nhờ đó, các chỉ tiêu về TDTT quần chúng đạt và vượt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đến nay, toàn huyện có 40% số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, 35% gia đình tập luyện TDTT thường xuyên.  30 CLB TDTT được thành lập tại các xã, thị trấn duy trì hoạt động thường xuyên. Việc tổ chức các hoạt động của một số CLB TDTT được duy trì và hoạt động theo hướng xã hội hoá, các môn thể thao yêu thích đều được tập thể và cá nhân tự đóng góp kinh phí hoạt động, điển hình như: CLB Bóng chuyền hơi ở thị trấn Nghèn, CLB Bóng đá ở Sơn Lộc, CLB dưỡng sinh của Hội người cao tuổi các xã, thị trấn. Đặc biệt CLB Quần vợt Can Lộc hàng năm tổ chức thi đấu giải quyên góp ủng hộ các em học sinh nghèo vượt khó (đến nay đã trao hơn 150 chiếc xe đạp và nhiều món quà khác).

Với phương châm mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp, phong trào TDTT trong nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa đều được quan tâm phát triển. Hoạt động TDTT quần chúng không chỉ phát triển mạnh ở địa bàn thị trấn, mà còn lan tỏa rộng khắp tới các cơ quan, đơn vị, các xã vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các môn thể thao được đông đảo Nhân dân yêu thích tập luyện như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng chuyền hơi, Quần vợt, Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng, Xe đạp, Điền kinh, các môn võ (Karate, Vovinam, Võ cổ truyền, Taekwondo…)… bên cạnh đó, các môn thể thao hiện đại như tập Gym, Yoga, nhảy khiêu vũ đang có chiều hướng phát triển mạnh, nhất là trong giới trẻ.

Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học được đặc biệt quan tâm. Xác định Giáo dục thể chất trong nhà trường là nội dung giáo dục, môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập TDTT để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Kết quả, 100% trường học đảm bảo dạy và học thể dục chính khóa theo chương trình của ngành. Các trường học không ngừng cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy giáo dục thể chất được áp dụng thường xuyên và đạt hiệu quả. Song song với đó, việc xây dựng hệ thống các trường, lớp năng khiếu thể thao đang từng bước được triển khai, như mô hình dạy bơi ở các Trường học được tổ chức có hiệu quả. Hiện toàn huyện có 6 bể bơi, các bể bơi đều phát huy tối đa trong việc dạy bơi cho mọi lứa tuổi, bình quân hàng năm mỗi bể bơi tổ chức dạy cho khoảng 300 em học sinh biết bơi lội. 80% trường học trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động TDTT ngoại khóa thông qua các loại hình CLB TDTT như:  CLB bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn và cầu lông…

Công tác rèn luyện thể lực, nhất là phong trào rèn luyện, huấn luyện của lực lượng vũ trang luôn được quan tâm. Ban Chỉ huy Quân sự huyện tổ chức nhiều giải thể thao, hội thi, hội thao quốc phòng, thu hút hàng trăm chiến sỹ tham gia; tích cực tham gia đạt nhiều giải cao tại hội thi cấp tỉnh và Quân khu. Hàng năm số chiến sỹ khỏe đạt 99,5%, đảm bảo tốt cho công tác huấn luyện. Công an huyện triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đến lực lượng công an xã, thị trấn, gắn với việc phát triển phong trào TDTT trong cán bộ, chiến sỹ công an với khẩu hiệu “Khỏe để bảo vệ Tổ quốc”.

Cùng với phát triển phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng nhân dân, hàng năm ngành TDTT huyện đều tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao ở cơ sở.

Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT từng bước được triển khai và đạt kết quả tích cực. Ở cấp cơ sở bình quân có khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm ủng hộ cho các giải thi đấu thể thao và sửa chữa sân chơi, bãi tập. Đóng góp vào sự thành công trong công tác xã hội hóa TDTT của huyện phải kể đến các đơn vị điển hình như: thị trấn Nghèn, xã Thiên Lộc, xã Quang Lộc, xã Khánh Vĩnh Yên và Sơn Lộc do cá nhân tự đầu tư xây dựng như sân bóng đá nhân tạo, bể bơi,..

Hàng năm, phòng Văn hóa, Thông tin huyện duy trì tổ chức các giải thi đấu thể thao theo kế hoạch. Trong giai đoạn 2011-2020, tại Can Lộc đã có trên 700 giải thể thao từ huyện đến cơ sở được tổ chức (bình quân hàng năm mỗi, xã, thị trấn tổ chức 4 giải thi đấu thể thao, huyện tổ chức 7-8 giải), thu hút hàng chục ngàn lượt VĐV tham gia tranh tài. Thông qua các hoạt động tại cơ sở, định kỳ, huyện Can Lộc tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp xã và là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh tổ chức xong Đại hội TDTT cấp huyện và hướng tới Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII năm 2018.

Cùng với đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, Can Lộc cũng bước đầu có những đầu tư cho các môn thể thao thế mạnh như: Cầu lông, Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh, Bóng bàn, Quần vợt, Vật... Đây cũng chính là những môn thể thao đã mang về nhiều thành tích cho huyện tại các giải thể thao do tỉnh tổ chức. Theo số liệu của ngành TDTT huyện,  trong 10 năm qua, huyện Can Lộc tham gia gần 60 giải các môn, với hơn 1000 lượt VĐV; kết quả đạt 20 giải nhất, 25 giải nhì nhiều giải ba và đồng đội, cá nhân, đặc biệt là đội tuyển cầu lông của huyện nhiều năm đạt kết quả cao và luôn ở tốp đầu của tỉnh. Ngành GD-ĐT nhiều năm liền đạt giải nhất, nhì, ba bóng đá Nam Tiểu học, Trung học cơ sở - Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh. Ngoài ra, hàng năm huyện còn có VĐV cung cấp cho các lớp năng khiếu của tỉnh, trên địa bàn huyện có 3 lớp bóng đá Thiếu niên, Nhi đồng và có 5 lớp võ cổ truyền, 4 lớp võ Karatedo.

Cùng với những thành tích trên, công tác TDTT của huyện vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Cơ sở vật chất nhìn chung vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển, hệ thống sân tập luyện TDTT của huyện cũng như một số xã chưa đảm bảo, chưa được đầu tư đúng mức. Các CLB TDTT ở cơ sở chưa hoạt động có hiệu quả và thường xuyên, số người tham gia CLB còn khiêm tốn, hoạt động chưa bài bản còn mang tính tự phát. Thể thao thành tích cao chưa phát huy hết tiềm năng, các môn tham gia thi đấu các giải ở tỉnh tuy đầy đủ, nhưng kết quả còn khiêm tốn. Thể thao trong trường học có lúc còn đơn điệu, cơ sở vật chất ở một số trường chưa đáp ứng với dạy và học, chưa có nhà đa năng

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về phát triển sự nghiệp TDTT của địa phương; Tăng cường công tác tham mưu, ban hành các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo sâu sát và kịp thời đối với sự nghiệp phát triển TDTT tại địa phương; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các đơn vị, xã, phường thành lập các CLB TDTT…

VD

Ảnh trong bài
  • Can Lộc - Hà Tĩnh sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020