You must configure this module first via "Module Settings"

Thể thao tỉnh Kiên Giang: đổi mới sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển TDTT

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam, Thể thao tỉnh Kiên Giang đã có nhiều khởi sắc, trở thành một trong những địa phương có phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh. Cùng với đó, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng giành được những thành tích đáng tự hào trên đấu trường thể thao trong nước, góp phần vào thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam trên đấu trường thể thao quốc tế.

Để việc triển khai thực hiện Chiến lược một cách hiệu quả, các cấp các ngành tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chiến lược từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng rèn luyện thân thể, luyện tập TDTT vì sức khỏe, nâng cao thể lực, trí tuê, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả học tập, lao động sản xuất. Nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc tập luyện TDTT, đưa phong trào TDTT ngày càng phát triển sâu rộng.

Công tác phát triển hoạt động TDTT cho mọi người được UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặc biệt cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được đẩy mạnh. Hàng năm, việc tổ chức phong trào TDTT cho mọi người phát triển cả về quy mô và chất lượng, phong trào tập luyện, sinh hoạt và thi đấu TDTT trong cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được duy trì thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, ở các lứa tuổi, thành phần và giới tính khác nhau. Phong trào TDTT quần chúng có những bước phát triển mạnh mẽ. Điều đó thể hiện rõ qua số người tập TDTT thường xuyên tăng hàng năm, nếu năm 2010 chỉ đạt 22% thì đến này đã lên đến 27,5% tổng số dân. Hàng năm hàng ngàn giải thể thao quần chúng đã được tổ chức tại các xã, phường, thị trấn; huyện, thành phố; ban, ngành, đoàn thể thu hút hàng chục ngàn vận động viên tham gia.

Tính đến nay trên toàn tỉnh có 578 CLB TDTT các môn và 235 sân bóng đá các loại, 280 sân bóng chuyền, 230 sân cầu lông, 60 sân quần vợt,... đã góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Việc tổ chức các giải thể thao luôn được duy trì, hàng năm tỉnh Kiên Giang đã tổ chức và phối hợp tổ chức từ 16 đến 18 giải thể thao, thu hút đông đảo lực lượng vận động viên tham dự và phục vụ hàng chục ngàn lượt người xem. Đặc biệt, sự kiện Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tổ chức hàng năm đã trở thành ngày hội thể thao lớn thu hút đông đảo vận động viên và người dân tham gia hưởng ứng. Điển hình như năm 2019 (năm 2020 không tổ chức được do dịch Covid-19) đã có 144/145 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tham gia Ngày chạy, đạt 6,93% trên tổng dân số toàn tỉnh tham gia (tăng 0,07% so với năm 2018).

Một trong những sự kiện cũng luôn thu hút đông đảo vận động viên và người dân tham gia đó là Đại hội TDTT các cấp (được tổ chức 4 năm/lần). Mới đây nhất tại Đại hội TDTT cấp xã, phường, thị trấn năm 2018 đã có 145/145 xã tổ chức Đại hội cấp cơ sở (đạt 100% kế hoạch đề ra). Bình quân mỗi xã có khoảng 300 HLV, VĐV, trọng tài tham gia Đại hội cùng gần 2 trăm nghìn người xem và cổ vũ. Ở cấp, huyện, thị xã, thành phố cũng có 15/15 huyện, thị xã, thành phố tổ chức thành công Đại hội với tổng cộng 20.315 HLV, VĐV, trọng tài và gần 3 trăm nghìn lượt người xem và cổ vũ (Đại hội TDTT lần thứ VII năm 2014 chỉ có khoảng hơn 1 trăm nghìn lượt người xem và cổ vũ). Từ những thành công ở Đại hội TDTT cấp cơ sở, Đại hội TDTT cấp tỉnh năm 2018 của Kiên Giang được tổ chức thành công với 18 môn thể thao thu hút 3.338 VĐV tham gia thi đấu và ước phục vụ khoảng trên 80 nghìn lượt người đến xem và cổ vũ.

Hoạt động TDTT trong cán bộ, công nhân viên chức được tổ chức thường xuyên. Hàng năm cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tham gia các cuộc thi đấu nhân dịp kỷ niệm các ngày Lễ lớn trong năm, hội thảo ngành, hay các cuộc giao lưu thể thao,... Tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các giải như: Bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, tennis... thu hút đông đảo các cơ quan, đơn vị tham gia, đã trở thành ngày hội văn hóa, thể thao của những người lao động. Thành lập nhiều đoàn VĐV nghiệp dư là cán bộ, công nhân viên chức lao động ở các ngành, nghề tham dự hội thao của các Bộ, ngành Trung ương, khu vực tổ chức.

Tỉnh Kiên Giang cũng đặc biệt quan tâm phát triển công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học. Xác định thể thao trường học là một bộ phận quan trọng của phong trào TDTT, là một mặt của giáo dục toàn diện, nhân cách học sinh sinh viên, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Phong trào TDTT trong trường học được chú trọng, định kỳ hàng năm ngành Giáo dục và Đào tạo đều chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, công tác TDTT và Hội khỏe Phù Đổng. Công tác giảng dạy chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt tỷ lệ trung bình trên 99%; việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa được nhiều trường quan tâm, với mục tiêu “mỗi học sinh ít nhất phải biết chơi một môn TDTT”, tạo ra sân chơi mới lành mạnh, bổ ích cho học sinh, sinh viên trong việc rèn luyện thể chất, sức khỏe, phục vụ tốt công tác học tập. Hàng năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 100% kế hoạch đề ra. Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức theo định kỳ, cấp trường mỗi năm 1 lần, cấp huyện và tỉnh 02 năm/lần.

Ngoài ra, ngành Văn hóa và Thể thao đã phối hợp tổ chức hội thao các trường đại học, cao đẳng, trung cấp toàn tỉnh với sự tham gia của hàng ngàn vận động viên là sinh viên, học sinh các trường chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống đuối nước được đẩy mạnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn viên chương trình phổ cập bơi cho 202 học viên là giáo viên các trường Tiểu học, THCS, cán bộ văn hóa, đoàn thể cấp xã. Cùng với việc tập huấn, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành liên quan có kế hoạch phổ cập bơi cho học sinh phổ thông; đồng thời đầu tư một số hồ bơi di động đơn giản cho một số trường trọng điểm.

Công tác TDTT trong lực lượng vũ trang thường xuyên được tiến hành kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe cho cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng, duy trì và tổ chức các giải thể thao cho từng đối tượng và thu hút được nhiều đơn vị tham gia. Hàng năm phối hợp tổ chức các hoạt động TDTT trong lực lượng Công an tỉnh để tuyển chọn, thành lập đội tuyển Công an tỉnh, tổ chức tập luyện và tham gia tốt các Hội thao do Bộ và các Sở Ban, Ngành tỉnh tổ chức. Công tác rèn luyện TDTT đã đi vào nề nếp, đảm bảo chiến sĩ có thể lực tốt, sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, kết quả hàng năm 98% đạt tiêu chuẩn cán bộ, chiến sỹ khỏe.

Song song với việc phát triển phong trào TDTT trong quần chúng nhân dân, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động TDTT. Theo đó, tỉnh đã tiến hành xây dựng các công trình thể thao công cộng tại các trung tâm, các điểm tập luyện, vui chơi với các trang thiết bị đơn giản tại các huyện, thành phố, các Sở, ban ngành và tại các xã, phường, thị trấn đến các khu dân cư,... tạo mạng lưới hạ tầng TDTT đáp ứng với nhu cầu tập luyện nhân dân. Hiện trên toàn tỉnh có 11 sân bóng đá 11 người, sân điền kinh, hồ bơi (25x50m), 02 nhà thi đấu đa năng (01 nhà thi đấu tỉnh với sức chứa 3.000 chỗ ngồi); ở cấp huyện, thành phố có 02 sân vận động có khán đài, 04 sân vận động không có khán đài (ở 06 huyện); 29 nhà tập luyện và thi đấu TDTT đa năng và đơn môn được sử dụng thường xuyên; 235 sân bóng đá mini; 06 sân Quần vợt; 72 bể bơi các loại; 230 sân Cầu lông; 281 sân Bóng chuyền và 58 các loại sân tập khác.

Để có điều kiện tốt nhất về hạ tầng cơ sở phục vụ các hoạt động TDTT, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể quần chúng các tổ chức xã hội, cá nhân, các doanh nghiệp, huy động sức mạnh trong toàn xã hội chăm lo công tác TDTT. Nhờ vậy công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có hiệu quả. Toàn tỉnh có 227 sân bóng mini, 57 sân quần vợt, 72 bể bơi các loại, 271 sân bóng chuyền và 58 các loại sân tập khác... do các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp và tư nhân đầu tư xây dựng. Khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển thể thao địa phương như: Bóng đá, thể hình và fitness, billiards, xe đạp, việt dã, khiêu vũ thể thao... có hệ thống thi đấu từng năm và có nhiều VĐV của khu vực và toàn quốc tham dự. Đồng thời các cá nhân, doanh nghiệp cũng quan tâm tài trợ các giải thể thao của tỉnh bằng tiền và hiện vật.

Từ nền tảng phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao tỉnh Kiên Giang cũng từng bước được khẳng định. Theo đó, từ năm 2010 đến 2020, hơn 4.000 VĐV tỉnh Kiên Giang đã tham gia thi đấu gần 400 giải khu vực, toàn quốc và quốc tế và đã giành được 1.444 huy chương các loại (410 HCV, 429 HCB và 596 HCĐ).

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Thể thao tỉnh Kiên Giang vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, trong đó hệ thống tổ chức ngành thể dục, thể thao chưa ổn định, phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, chủ yếu ở các khu đô thị. Giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong trường học hiệu quả chưa cao, còn đơn điệu. Hệ thống đào tạo VĐV năng khiếu và thể thao thành tích cao chưa được đầu tư đúng mức; cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ, trang thiết bị để tập luyện và thi đấu được đầu tư cơ bản nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT còn gặp nhiều khó khăn trong việc vận động các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia tài trợ, đầu tư cơ sở vật chất cho TDTT.

Khắc phục những khó khăn, trong thời gian tới Thể thao tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đến năm 2030 đạt 30,5%; 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn tại quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm văn hóa, thể thao xã theo Thông tư số 12/2010-BVHTTDL đạt kế hoạch đề ra. Đặt mục tiêu đến năm 2030 có từ 2-3 Liên đoàn thể thao cấp tỉnh được thành lập.

Về thể thao thành tích cao sẽ tập trung nâng cấp, sửa chữa, cải tạo về cơ sở vật chất, phục vụ công tác tổ chức các giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế; đầu tư, xây mới các sân Quần vợt đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất; phấn đấu đưa Thể thao tỉnh Kiên Giang trở thành một trong các tỉnh có phong trào TDTT phát triển toàn diện ở Đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc. Phấn đấu đến năm 2030 có từ 5-10 VĐV trong đội tuyển quốc gia và là một trong các tỉnh phát triển mạnh về TDTT; phấn đấu xếp hạng từ 30 đến 40 trên 65 tỉnh, thành, ngành tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc.

KC

Ảnh trong bài
  • Thể thao tỉnh Kiên Giang: đổi mới sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển TDTT