You must configure this module first via "Module Settings"

Cần nhân rộng mô hình thiết bị tập luyện thể dục thể thao công cộng phục vụ người dân

Thể dục thể thao (TDTT) từng bước trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm lo, bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe, thể lực, đời sống văn hóa, tinh thần cho cộng đồng. Việc nhân rộng mô hình tập luyện TDTT công cộng trên khắp cả nước theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đã và đang góp phần mang đến môi trường rèn luyện sức khỏe của người dân.

Mô hình thiết bị tập thể thao ngoài trời đã mang lại hiệu quả thiết thực

Nhiều dụng cụ tập luyện ngoài trời được lắp đặt tại các công viên, vườn hoa công cộng( Ảnh: V.Dũng)

Trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước đã đồng loạt triển khai lắp đặt mô hình thiết bị tập luyện TDTT công cộng phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao của người dân. Đây cũng là một trong những định hướng quy hoạch phát triển TDTT ở từng địa phương trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 cũng như định hướng phát triển theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Hầu hết các dụng cụ tập luyện đều đơn giản, dễ sử dụng, đáp ứng được nhu cầu tập luyện của mọi lứa tuổi. Nếu trước đây, người dân đến công viên chỉ có thể chạy bộ hoặc tập thể dục tay không thì nay những thiết bị thể dục thể thao hiện đại là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc vận động cơ thể. Người cao tuổi lựa chọn những thiết bị tập luyện nhẹ nhàng như dụng cụ đi bộ trên không, tay vô lăng, thiết bị tập xoay eo..., còn thanh niên lại thích thú với bộ dụng cụ tập cơ bụng, cơ chân đùi, xà đơn, xà kép... Những thiết bị thể thao ngoài trời được sử dụng miễn phí nên người dân hào hứng luyện tập, đáp ứng phần nào nhu cầu tập luyện nâng cao sức khỏe của người dân với nhiều lứa tuổi, thu hút người dân tích cực tập luyện thể dục thể thao.

Nhiều địa phương đã trở thành những điểm sáng trong việc thu hút người dân tham gia tập luyện TDTT thông qua các thiết bị tập thể thao ngoài trời. Điển hình như thành phố Hà Nội, năm 2014, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai thí điểm lắp đặt các trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao ngoài trời tại 7 địa điểm của 7 quận nội thành Hà Nội (Long Biên, Ba Đình, Hà Đông, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy và Hai Bà Trưng). Việc chọn các quận để lắp đặt thí điểm các thiết bị này là do nhiều quận đông dân cư, có nhiều khu vui chơi công cộng khá rộng như vườn hoa, công viên nhưng lại thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao. Và ngay lập tức, chủ trương này đã được các cấp chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ, thu hút đông đảo người dân tham gia và có những phản hồi rất tích cực. Tất cả các thiết bị đều được trang bị chắc chắn, chất lượng và an toàn. Thiết bị được lắp đặt tại các địa điểm khá đa dạng, phong phú với nhiều loại thiết bị, dụng cụ tập thể thao khác nhau. Bình quân, mỗi địa điểm có từ 20 đến 30 thiết bị các loại được đặt ở những vị trí trung tâm trong công viên hay vườn hoa; những nơi không gian rộng rãi, thuận tiện cho hoạt động luyện tập của người dân.

Từ hiệu quả ban đầu của việc lắp đặt thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời, chính quyền và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã càng có ý thức mở rộng mô hình lắp đặt thiết bị tập luyện TDTT công cộng hơn. Với 7 điểm sử dụng ngân sách, đến nay toàn thành phố có thêm gần 2.000 điểm tập thể thao ngoài trời bằng nguồn xã hội hóa. Điển hình là quận Long Biên, hiện có trên 30 điểm tập mới tại 100% các phường trên địa bàn quận, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Hay như mô hình lắp đặt thiết bị tập luyện TDTT tại một số công viên như Công viên Thành Công, ngoài các thiết bị được nhà nước đầu tư, lắp đặt, còn có các dụng cụ thể thao khác được trang bị bằng số tiền người dân xung quanh khu vực tự nguyện đóng góp...

Chia sẻ về lợi ích của các thiết bị tập luyện thể thao, bà Nguyễn Thị Minh (tập luyện ở Công viên Thành Công -Hà Nội) cho biết:  Các máy tập rất dễ sử dụng nên mỗi ngày tôi dành khoảng một tiếng để tập vừa rèn luyện sức khỏe, vừa hít thở không khí trong lành. Tập các dụng cụ này kết hợp với việc tập luyện dưỡng sinh rất tốt cho sức khỏe nên gần đây, tôi ít ốm đau hẳn. Đặc biệt, các dụng cụ tập thể dục ở đây hoàn toàn miễn phí lại rất đa dạng, có thể tập với nhiều thiết bị thể dục phù hợp theo sở thích của mình nên tôi và mọi người rất hào hứng luyện tập để có sức khỏe tốt.

Phát huy những hiệu quả của mô hình thiết bị tập luyện TDTT công cộng, năm 2017, ngoài lắp đặt thêm các quận nội thành như Đống Đa, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND Thành phố tiếp tục cho phép lắp đặt các điểm tập mới tại các quận, huyện ngoài thành như Ứng Hòa, Đan Phượng, Quốc Oai…

Nhờ làm tốt mô hình thiết bị tập luyện TDTT công cộng, đến nay số lượng người tham gia tập luyện TDTT trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng nhanh hàng năm, nếu năm 2011 số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 30,5% thì đến năm 2020 con số này đạt 42%. Số gia đình thể thao năm 2011 đạt 22,2%, đến năm 2020 đạt 30%. Số Câu lạc bộ TDTT năm 2011 là 3180 câu lạc bộ, đến năm 2020, toàn thành phố có 7665 câu lạc bộ; có 620 đơn vị đạt đơn vị tiên tiến cấp thành phố về TDTT.

Thành phố Lạng Sơn cũng là một trong những điểm sáng về việc phát triển mô hình tập luyện TDTT công cộng. Theo thống kế từ năm 2017 đến nay, thành phố đã tiến hành lắp gần 30 máy tập TDTT ngoài trời để phục vụ cho nhu cầu tập luyện của người dân. Thông thường một bộ thiết bị tập thể dục ngoài trời có khoảng 10 loại dụng cụ thường được lắp đặt tại những vị trí thuận tiện, an toàn và đơn giản, dễ sử dụng như: tập lưng bụng, đạp tròn, đi bộ, thiết bị xoay vai, đạp xe, kéo tay, lắc hông, lắc eo… Ngày nào cũng vậy, cứ vào mỗi buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối, rất đông người dân với đủ lứa tuổi, thành phần cùng nhau có mặt tại Công viên Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn để tập TDTT.

Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ khi các thiết bị dụng cụ tập thể dục ngoài trời được đưa vào sử dụng đến nay đã thu hút đông đảo người dân đến tham gia luyện tập. Điều đó cho thấy, việc lắp đặt các dụng cụ TDTT ngoài trời là việc làm đúng, rất ý nghĩa, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trên địa bàn thành phố. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố lắp đặt thêm nhiều dụng cụ TDTT tại các địa điểm công cộng để phục vụ nhu cầu tập luyện của mọi người. Tuy nhiên, để các thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng cần thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, bảo trì máy tập và người dân cần có ý thức chung tay bảo quản, giữ gìn các dụng cụ này.

Bên cạnh việc sử dụng ngân sách, nhiều địa phương cũng đã kêu gọi sự chung tay hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư cho việc lắp đặt các thiết bị tập luyện TDTT công cộng. Đơn cử như Huyện Hải Hậu - Nam Định, đây là địa phương làm tốt công tác xã hội hóa ở tỉnh Nam Định khi huy động các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư lắp đặt các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao cho người dân trong khuôn viên các nhà văn hóa thôn, xóm. Tại xã Hải Hưng, năm 2016, người dân xóm 17 đã góp tiền xây dựng khu thể thao ngoài trời có 5 thiết bị vận động: đi bộ, gập người, lắc hông, xà đơn, xà kép trị giá hơn 100 triệu đồng. Năm 2014, khu thể thao thôn Trung Lương, xã Hải Hà rộng 3.950m2 được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại lắp đặt nhiều trang thiết bị thể thao, hệ thống chiếu sáng với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Xã Hải Thanh hoàn thành xây dựng khu trung tâm văn hóa thể thao xã với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng, diện tích 5.000m2, gồm nhà văn hoá đa năng, quảng trường thể thao và các khu thể thao có lắp đặt thiết bị phục vụ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời. Ở huyện Giao Thủy, các xã: Giao Long, Giao Hải, Giao Thịnh, Thị trấn Quất Lâm... đã san lấp mặt bằng, xây dựng khu thể thao thôn, xã với diện tích hàng trăm mét vuông, đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao để nhân dân tập luyện. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.300 công trình thể thao, trong đó có khoảng 80% là các công trình thể thao ngoài trời.

Cần nhân rộng mô hình thiết bị tập luyện TDTT

Các dụng cụ tập thể dục ngoài trời đang phát huy rất hiệu quả khi thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên nhưng hiện nay với sự tăng trưởng dân số nhanh cùng nguồn ngân sách còn hạn chế cho nên mô hình này  vẫn chưa thể đáp ứng đủ cho nhu cầu tập luyện của người dân, vẫn có tình trạng phải xếp hàng, chờ đến lượt sử dụng. Ông Vũ Minh Đức (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Nhiều lúc tôi phải tranh thủ đi sớm, tập vào gần trưa để tránh tình trạng chờ đợi. Tuy nhiên, có những hôm cuối tuần, số người đến công viên tập thể dục tăng nhiều nên có lúc đông quá, tôi đành quay về.

Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan việc lắp đặt các thiết bị tập luyện TDTT công cộng vẫn còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung ở các khu vực nội thành nơi tập trung dân cư đông đúc chứ chưa được phân bổ rộng khắp. Chính vì vậy, trong thời gian tới các địa phương bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước cần đẩy mạnh kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để lắp đặt thêm nhiều dụng cụ ngoài trời. Đặc biệt tập trung lắp đặt ở khu vực ngoại thành, khu vực nông thôn để tạo cơ hội cho mọi người dân từ thành thị đến nông thôn đều được thụ hưởng.

KC