You must configure this module first via "Module Settings"

Một vài kết quả trong công tác TDTT của thành phố Thái Nguyên sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam

Thành phố Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Thành phố Thái Nguyên cũng là Trung tâm công nghiệp và giáo dục đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nói chung, trong đó có công tác TDTT. Đặc biệt, đến nay sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam, phong trào TDTT trên địa bàn thành phố Thái Nguyên phát triển rộng khắp, chất lượng ngày càng được nâng cao và thu hút đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân tham gia.

Thực hiện tốt các Văn bản chỉ đạo và tập trung đầu tư cơ sở vật chất về TDTT

Để thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng, ngành TDTT Thành phố đã triển khai thực hiện nhiều văn bản như: Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày14/01/2013 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đên năm 2020; Chỉ thị số 20-CT/TU ngay 17/5/2012 của Tỉnh uỷ Thái Nguyên; Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 28/6/2012 của Thành uỷ Thái Nguyên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và nhiều Đề án, kế hoạch về công tác TDTT được triển khai thực hiện.

Giải cầu lông nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Tòa án nhân dân

Mặt khác, xác định cơ sở vật chất luôn là một trong những điều kiện tiên quyết để phong trào TDTT của địa phương phát triển. Chính vì vậy, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, thành phố đã huy động các nguồn lực chăm lo đầu tư cho TDTT theo hình thức xã hội hoá. Đến nay thành phố có hệ thống cơ sở vật chất khá hoàn chỉnh. Theo thống kê, hiện thành phố có 2 sân vận động, 1 trung tâm thi đấu thể thao (đủ điều kiện tổ chức các giải thi đấu thể thao mang tầm quốc gia và khu vực), 15 sân quần vợt, 12 nhà tập luyện đa năng, 06 bể bơi có diện tích trên 50m2, 15 bể bơi có diện tích từ 25m2 -50m2, 22 sân bóng cỏ nhân tạo, 29 sân cỏ tự nhiên, 22 nhà tập và thi đấu thể thao, 164 phòng tập, 15 bàn bóng bàn, trên 300 sân cầu lông, 40 sân Điền kinh, 176 sân bóng chuyền hơi. Riêng hệ thống cơ sở vật chất trong các trường học trên địa bàn thành phố gồm 84 nhà thi đấu, 109 sân bóng đá, 361 sân bóng chuyền, 236 sân cầu lông.

Ngoài các công trình TDTT trên, thành phố cũng xây dựng được nhiều sân chơi, bãi tập từ nguồn đóng góp kinh phí của các tổ chức, cá nhân. Trong đó hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố đều có từ 8-10 sân tập TDTT trở lên. 505 nhà văn hoá xóm, tổ, trong đó có 90 nhà văn hoá có sân chơi, bãi tập, sân bóng đá, cầu lông, quần vợt.. và các hoạt động TDTT khác thường xuyên diễn ra. Thiết chế văn hoá- thể thao cấp cơ sở được quan tâm xây dựng theo chương trình nông thôn mới. Đến nay, có 06 trung tâm văn hoá thể thao cấp xã được xây dựng. Nhiều dụng cụ thể thao ngoài trời được lắp đặt tại các địa điểm công cộng đã góp phần giải quyết nhu cầu vui chơi, tập luyện TDTT của nhân dân.

Đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng

Thành phố đã phát động nhiều phong trào như "Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao hoặc hình thức tập luyện phù hợp. Thiết lập, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quan lý nhà nước về TDTT với các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động. Khai thác và bảo tồn các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, từng bước đưa các nội dung này vào nội dung hoạt động truyền thống của các xã, phường...

Với phương châm hướng hoạt động TDTT về cơ sở, qua đó nhằm xây dựng phong trào cơ sở, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của quần chúng Nhân dân, tạo khí thế tươi mới, sôi nổi, các phong trào TDTT quần chúng của thành phố luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia, hưởng ứng và tập luyện tích cực. Nhờ đó, đến nay các chỉ số phát triển TDTT quần chúng đều tăng, có 54% dân số thành phố tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, trong đó có 6% số đồng bào dân tộc và miền núi tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, 34% số gia đình tập luyện TDTT và 100% xã, phường, đơn vị, trường học đều có Câu lạc bộ hoặc điểm tập luyện TDTT.

Điểm nhấn trong phong trào TDTT quần chúng trong những năm qua là việc triển khai và thực hiện chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em một cách sâu rộng tại các trường học và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Nhờ đó, chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với 100% các xã, phường triển khai thực hiện chương trình bơi an toàn cho trẻ em, 70% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% các địa điểm tổ chức hoạt động Bơi, lặn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về an toàn, vệ sinh theo quy định. 100% các địa điểm vui chơi giải trí dưới nước có nhân viên cứu hộ được tập huấn kỹ năng cứu đuối.

Mặt khác, công tác giáo dục thể chất và thể thao trong các trường học trên địa bàn thành phố có nhiều tiến bộ vượt bậc với 100% số trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa; Hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa được duy trì thường xuyên, hiện có 100% số trường phổ thông tổ chức hoạt động ngoại khóa; 90% số trường học có hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo cho việc tổ chức dạy và học môn giáo dục thể chất cũng như hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá,

Ngoài ra, hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang đã được triển khai nghiêm túc theo quy định. Kết quả kiểm tra hàng năm ngành công an, quân đội có 98% -100% cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực. Công tác tổ chức thi đấu giao lưu nhiều môn thể thao trong lực lượng nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn về thể dục thể thao và tăng cường mối đoàn kết học hỏi lẫn nhau, đưa phong trào ngày một phát triển.

Bên cạnh đó, toàn ngành cũng thường xuyên chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên Thể dục thể quần chúng; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cộng tác viên TDTT cấp xã; cán bộ, hướng dẫn viên được tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ. Duy trì 100% số cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên cấp xã , phường được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về TDTT, qua đó nhằm nâng cao kỹ năng và phương pháp tổ chức các hoạt động TDTT tại địa phương.

Hằng năm, thành phố duy trì tổ chức từ 8-10 giải thể thao cấp thành phố theo định kỳ truyền thống như: giải thể thao mừng Đảng, mừng Xuân; giải Việt dã tiền phong, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền... thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia. Ngoài ra ,định kỳ 4 năm một lần thành phố đều tổ chức Đại hội TDTT cơ sở và cấp thành phố thu hút đông đảo vận động viên tham gia thi đấu ở nhiều nội dung như Võ cổ truyền, Karatedo, Taekwondo, Kéo co, Đẩy gậy, Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt, Điền kinh... Qua đó đã lựa chọn ra những vận động viên có năng khiếu bổ sung vào các đội tuyển tham dự Đại hội TDTT cấp tỉnh và giành được nhiều thành tích cao.

Theo thống kê, từ năm 2010-2020, thành phố tổ chức 103 giải thể thao cấp thành phố, tham gia 115 giải thể thao cấp tỉnh giành 239 giải nhất, 112 giải Nhì, 97 giải Ba. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động TDTT quần chúng được duy trì tổ chức thường xuyên ở cơ sở như: hoạt động thể thao mừng Đảng mừng Xuân, các giải thể thao dân tộc trong các lễ hội... đã tạo cơ hội cho mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, tình trạng khuyết tật tham gia để nâng cao sức khỏe. Cùng với đó, hoạt động TDTT cho người cao tuổi, khuyết tật luôn được quan tâm. Thành phố luôn tạo điều kiện về mọi mặt để khuyến khích người khuyết tật được tham gia các hoạt động TDTT nhằm nâng cao sức khoẻ và hoà nhập cộng đồng; bảo đảm về cơ sở vật chất, chế độ, chính sách cho vận động viên người khuyết tật tập luyện và tham gia thi đấu thể thao. Hoạt động thể thao dành cho người cao tuổi cũng được chăm lo, phát triển.

Đến nay, thành phố có 469 Câu lạc bộ TDTT hoạt động thường xuyên, trong đó có 377 Câu lạc bộ TDTT ở cơ sở; 6 câu lạc bộ TDTT thành phố, 18 Câu lạc bộ Bóng dá, 29 Câu lạc bộ Bóng bàn, 39 Câu lạc bộ Bóng chuyền hơi. Thành phố có 85% xã, phường đạt đơn vị điển hình tiên tiế về TDTT theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 10/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả trên, công tác TDTT của thành phố Thái Nguyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: công tác quy hoạch quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động TDTT chưa đồng bộ; kinh phí đầu tư cho TDTT còn hạn chế khiến cho việc tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao gặp nhiều khó khăn...

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, ngành TDTT thành phố đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm đó là: cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT; Phải có sự chỉ đạo vào phối hợp thường xuyên giữa các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở; Cần xây dựng kế hoạch, chiến lược cụ thể, có tầm nhìn về phát triển TDTT theo đúng quan điểm, định hướng của Trung ương, của tỉnh; Huy động mọi nguồn lực để xây dựng các cơ sở tập luyện TDTT ở những nơi còn nhiều khó khăn; Xây dựng mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động TDTT tại các xóm, tổ dân phố, xã, phường nhằm khai thác và phát huy tối đa các giá trị văn hoá, TDTT trong cộng đồng dân cư; Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về TDTT, xây dựng các chương trình kế hoạch và thực hiện các đề án, chương trình để nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thể thao trong tình hình hiện nay.

Bài, ảnh N.Ánh