You must configure this module first via "Module Settings"

Nhìn lại công tác TDTT của tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2020

Trong những năm qua, cùng với nhiều chính sách phát triển kinh tế, xã hội, An Giang đã không ngừng nỗ lực trong việc thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch bằng những cơ chế, chính sách phù hợp. Nhờ đó, công tác TDTT của tỉnh từng bước có những chuyến biến tích cực cả về chất và lượng.

Hiệu quả từ cuộc vận động

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, phong trào TDTT quần chúng ở An Giang không ngừng phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động TDTT luôn thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Đến với An Giang vào các buổi chiều muộn hay sáng sớm, dù ở thành phố hay nông thôn, tại các địa điểm công cộng như vườn hoa, công viên hay Nhà luyện tập thi đấu TDTT, các nhà văn hóa xã, phường... hình ảnh người dân vui chơi, tập luyện TDTT đã trở thành nét sinh hoạt quen thuộc hàng ngày. Ngoài những môn thể thao phổ biến như: Bóng đá, Bóng chuyền, nhiều môn thể thao dân tộc được duy trì, bảo tồn và phát triển như Đua bò bảy núi,...

Không phân biệt lứa tuổi, giới tính, vùng miền, mỗi người đều lựa chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện hàng ngày, nhờ đó các phong trào như “Khỏe để lập nghiệp”, “Khỏe - đẹp mỗi ngày” hay “Sống vui - Sống khỏe”… luôn thu hút đông đảo các hội viên tham gia. Qua đó, giúp cho phong trào TDTT quần chúng ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ và góp phần quan trọng trong việc thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự, xã hội cũng như tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích nhằm giảm thiểu các tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư. Đóng góp vào sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh phải kể đến những đơn vị điển hình như: Thành phố Long Xuyên, các huyện: Tri Tôn, Châu Thành, Chợ Mới và thị xã Châu Đốc...

Đối với công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học, An Giang đặt mục tiêu tập trung phát triển TDTT trường học, lấy trường học làm địa bàn trọng điểm để làm nguồn tuyển chọn tài năng thể thao, lấy thành tích thể thao làm hạt nhân tác động trở lại cho sự phát triển phong trào; quy hoạch đất cho trường học các cấp để xây dựng sân bãi, nhà tập, hồ bơi tuỳ theo quy mô của từng trường; đầu tư trang bị về cơ sở vật chất, dụng cụ phục vụ giảng dạy và tập luyện TDTT trong nhà trường; tăng cường đội ngũ giáo viên TDTT đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng. Nhờ đó, đến nay 100% trường học các cấp có đủ giáo viên chuyên trách TDTT. Bên cạnh đó, các trường không ngừng cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp TDTT với hoạt động vui chơi giải trí, chú trọng nhu cầu tập luyện TDTT tự chọn của học sinh. Các hoạt động TDTT ngoại khóa được khuyến khích phát triển với 100% trường học phổ thông các cấp tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường trong từng năm học. Khuyến khích thành lập các Câu lạc bộ TDTT trong các nhà trường; Xây dựng hệ thống các lớp năng khiếu thể thao trong trường học, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lớp vận động viên kế cận cho tỉnh; Hoàn thiện hệ thống thi đấu TDTT hàng năm cho các đối tượng học sinh, sinh viên. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, thực hiện chương trình dạy bơi và phòng chống đuối nước cho trẻ em, các trường học trên địa bàn tỉnh đều nghiêm túc thực hiện và theo kế hoạch trong năm 2020, 100% trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình hoạt động TDTT ngoại khóa, tiến tới xóa mù bơi cho trẻ em.

Công tác TDTT trong lực lượng vũ trang được duy trì và đến nay 100% chiến sỹ đảm bảo tiêu chuẩn rèn luyện, đáp ứng yêu cầu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tổ chức tốt câu lạc bộ TDTT trong lực lượng vũ trang, thu hút cán bộ, chiến sĩ tập luyện một cách tự giác. Thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn “chiến sĩ khỏe” hàng năm cho cán bộ, chiến sỹ.

Phong trào TDTT trong công nhân viên chức, lao động tỉnh được duy trì thường xuyên. Mỗi cơ quan hình thành 1- 2 câu lạc bộ TDTT thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên chức tham gia tập luyện hàng ngày. Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức các giải thể thao, Hội thao dành cho cán bộ, công nhân viên chức nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, đất nước và địa phương, trong đó tiêu biểu phải kể đến các hoạt động như: Ngày hội Văn hóa - Thể thao mừng Đảng, mừng Xuân, các giải thi đấu thể thao nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (27//3)...

Nhờ đó số người tập luyện TDTT thường xuyên trong 10 năm trở lại đây liên tục tăng hàng năm. Cụ thể, số người tập luyện TDTT thường xuyên trong tỉnh từ 29,5% (năm 2011) tăng lên 36,21% năm 2019 (vượt 0,56% kế hoạch 2019), ước năm 2020 đạt 36%; số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao từ 26,8% (năm 2011) tăng lên 33,6% năm 2019 (vượt 0,4% kế hoạch 2019), năm 2020 dự kiến đạt 34% số hộ. Tỉnh đã thành lập mới 131 câu lạc bộ TDTT, nâng tổng số câu lạc bộ TDTT trong toàn tỉnh lên 2.061 câu lạc bộ, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, như: thể dục dưỡng sinh, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, xe đạp, võ thuật, bơi lội

Tạo sân chơi bổ ích cho các tầng lớp nhân dân

Hàng năm trên địa bàn tỉnh, các sở, ban ngành và địa phương đã tổ chức thành công nhiều giải đấu, hội thao nhằm tạo sân chơi bổ ích cho mọi đối tượng từ học sinh, thanh niên đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tham gia tranh tài. Theo thống kê của ngành VHTTDL tỉnh, trung bình mỗi năm có trên 280 giải thể thao, hội thao các cấp được tổ chức. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức và đăng cai từ 25 - 35 giải thể thao thu hút trên 35.000 lượt vận động viên tham dự. Các địa phương tổ chức từ 200 - 250 giải thể thao thu hút trên 65.000 lượt VĐV tham dự và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia cổ vũ. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII-2018, với sự tham dự của 2.332 vận động viên thi đấu 18 môn, tranh 346 bộ huy chương.

 

Công tác huấn luyện và đào tạo các tuyến thể thao thành tích cao được duy trì đảm bảo. Các đội tuyển của tỉnh không ngừng nỗ lực trong việc triển khai các nhiệm vụ, đảm bảo về chuyên môn. Công tác đào tạo đội ngũ trọng tài được quan tâm chú trọng, nhất là đối với các trọng tài trưởng thành từ vận động viên luôn được tạo điều kiện tham gia các khóa học hoàn thiện Đại học, sau Đại học và chuyên môn huấn luyện. Nhờ đó, vị thế của thể thao thành tích cao An Giang được nâng lên trên phạm vi khu vực và toàn quốc.

Gần đây nhất, tại Đại hội Thể thao ĐBSCL lần VIII - Vĩnh Long năm 2020 diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, các vận động viên An Giang đã giành tổng cộng 66 HCV, 45 HCB, 55 HCĐ, xếp vị trí thứ Nhất toàn đoàn. Đây cũng là lần thứ 8, đoàn An Giang giữ vững ngôi Vô địch sau 8 kỳ Đại hội. Tại các kỳ Đại hộị TDTT toàn quốc gần đây, An Giang luôn nằm trong Top 10 đơn vị dẫn đầu Đại hội (Đạị hội TDTT lần thứ VI, đoàn An Giang xếp hạng 8, đến Đại hội TDTT lần thứ VII và Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, đoàn An Giang giữ vững vị trí thứ 6/65 tỉnh, thành phố, ngành tham dự Đại hội).

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới ngành TDTT tỉnh đặt ra các nhiệm vụ giải pháp trong công tác phát triển TDTT đó là tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân rèn luyện TDTT theo gương Bác Hồ vĩ đại bằng việc tăng cường các biện pháp thông tin, truyền truyền để người dân hiểu rõ hơn vai trò, tác dụng của tập luyện TDTT đối với sức khỏe. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong các cấp ủy Đảng, Chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ Trung ương về tăng cường sự đạo của Đảng, tạo bước phát triển về TDTT; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác TDTT ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT bằng việc tạo cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho lĩnh vực TDTT; Đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích các hình thức kinh doanh dịch vụ hoạt động thể thao.

VD

Ảnh trong bài
  • Nhìn lại công tác TDTT của tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2020