You must configure this module first via "Module Settings"

Quảng Bình: Những khởi sắc sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao, sự nghiệp thể dục - thể thao (TDTT) tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển đúng hướng và có nhiều khởi sắc.

Trong phong trào thể thao quần chúng, ngành thể dục thể thao Quảng Bình đã triển khai có hiệu quả chủ trương của lãnh đạo tỉnh hướng hoạt động thể thao về cơ sở, qua đó nhằm xây dựng phong trào cơ sở, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của quần chúng Nhân dân. Nhiều câu lạc bộ, điểm tập luyện thể dục thể thao được hình thành trong khu dân cư và các cơ quan, ban ngành, phục vụ tốt nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí cho mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay, tổng số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên ước đạt 32,4%, tăng 6,8% so với năm 2010; số gia đình thể thao ước đạt 26,3%, tăng 4,6%; có 720 Câu lạc bộ thể dục thể thao, tăng 350 Câu lạc bộ so với năm 2010 với 2700 điểm tập luyện. Hàng năm, trung bình khoảng 750 giải thi đấu thể thao các cấp được tổ chức, trong đó cấp tỉnh tổ chức 28 -giải; cấp huyện, thành phố, thị xã tổ chức 70 - 80 giải và cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 630 - 650 giải. Toàn tỉnh đã có 151/151 xã, phường, thị trấn quy hoạch quỹ đất dành hoạt động thể dục thể thao. Cơ sở vật chất trên toàn tỉnh hiện có 140 bể bơi các loại, 38 nhà tập luyện thể thao, 58 sân quần vợt, 422 sân bóng đá, 1.450 sân bóng chuyền, 800 sân cầu lông, khoảng 1.200 sân bãi khác phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của quần chúng Nhân dân.

Bên cạnh đó, toàn ngành cũng thường xuyên chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên thể dục thể thao quần chúng; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cộng tác viên thể dục thể thao cấp xã; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo của cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, đã có 190 cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục thể thao được cấp phép; khôi phục, duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc mang tính truyền thống, bản sắc văn hóa của người dân Quảng Bình như Lễ hội Đua thuyền truyền thống, Lễ hội Rằm Tháng 3 Minh Hóa, Giải Vật truyền thống thị xã Ba Đồn. Nhiều hoạt động thể thao quần chúng được duy trì tổ chức thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở tạo cơ hội cho tất cả mọi người dân tham gia để nâng cao sức khỏe. Cùng với việc thường xuyên quan tâm đến hoạt động thể dục thể thao cho người cao tuổi, khuyết tật, các công trình  thể dục thể thao dành cho người khuyết tật ngày càng được củng cố, phát triển hơn, công tác tuyên truyền, vận động phổ biến chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao được đẩy mạnh; Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo chương trình kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành triển khai có hiệu quả, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.

Mặt khác, phong trào thể dục thể thao trong hệ thống các nhà trường có nhiều tiến bộ, đặc biệt là “Đề án Tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa, trong đó 80% số trường giảng dạy có chất lượng; có khoảng 90% số trường tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa, các Câu lạc bộ Bóng chuyền, Cầu lông, Cờ vua... đã được thành lập ở nhiều trường học. Hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa được duy trì thường xuyên, hiện có 70% số trường tổ chức hoạt động ngoại khóa; 80% số trường học có sân tập thể dục thể thao đạt chuẩn mới, 84 nhà thi đấu, 109 sân bóng đá, 361 sân bóng chuyền, 236 sân cầu lông.

Ngoài ra, hoạt động thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang đã được triển khai nghiêm túc theo quy định. Kết quả kiểm tra hàng năm có từ̀ 96 - 98% cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an tiêu chuẩn rèn luyện thể lực. Công tác tổ chức thi đấu giao lưu nhiều môn thể thao trong lực lượng nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn về thể dục thể thao và tăng cường mối đoàn kết học hỏi lẫn nhau, đưa phong trào ngày một phát triển.

Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được các cấp, các ngành hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều hội thao, nhiều giải thể thao được tổ chức nhân các ngày kỷ niệm thành lập ngành, qua đó kịp thời khích lệ, tạo động lực cho mọi đối tượng tham gia tập luyện thể dục thể thao. Các hoạt động giao lưu và thi đấu thể thao đã tạo nên không khí thi đua, vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Thể thao thành tích cao Quảng Bình đã ghi lại những dấu ấn đậm nét trên đấu trường thể thao cả nước, khu vực Đông Nam Á và Châu lục, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của thể thao tỉnh nhà trên đấu trường thể thao Quốc gia, quốc tế. Việc triển khai Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã là cơ sở pháp lý để Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao đã chiêu sinh, tuyển chọn thành lập mới bộ môn Bi sắt, nâng tổng số môn thể thao thành tích cao của tỉnh lên 06 môn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, thể thao thành tích cao Quảng Bình đã tham gia 28 giải thi đấu quốc gia và quốc tế đạt 133 huy chương các loại (35 HCV, 40 HCB, 41 HCĐ ở các giải trong nước và 08 HCV, 05 HCB, 04 HCĐ ở các giải quốc tế).

Đặc biệt tại SEA Games 30, thể thao Quảng Bình có 04 vận động viên góp mặt trong danh sách đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu ở các môn: Bơi, Điền kinh, Đua thuyền Canoeing và Rowing). Các vận động viên Quảng Bình đã xuất sắc mang về cho đoàn Thể thao Việt Nam 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Cũng trong năm 2019 tại giải bơi vô địch thế giới tổ chức tại Hàn Quốc, vận động viên Nguyễn Huy Hoàng đã thi đấu xuất sắc ở nội dung 800m tự do ở môn Bơi để mang về tấm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, ngành thể dục thể thao Quảng Bình vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, đó là: Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động thể dục thể thao như Sân vận động, Nhà thi đấu, Bể bơi từ tỉnh đến huyện còn thiếu và xuống cấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện, thi đấu và đăng cai các giải khu vực và toàn quốc. Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực thể dục thể thao hàng năm còn hạn chế, chính vì vậy, phát triển thêm các môn thể thao mới, nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao cũng như tuyển chọn, đào tạo lực lượng vận động viên gặp nhiều khó khăn. Mức độ xã hội hóa phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, địa phương, giữa thành thị và nông thôn. Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao còn thiếu và chưa đồng bộ nên trong tổ chức thực hiện bộc lộ sự lúng túng, hiệu quả mang lại thấp… Hoạt động của các Liên đoàn, Hội Thể thao cấp tỉnh chưa thực sự hiệu quả và đi vào chiều sâu do mới được thành lập, kinh phí hoạt động còn hạn chế…

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phát huy tính chủ động và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể để tiến hành triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả; phát huy mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình mang tính dân tộc, khoa học và Nhân dân; góp phần tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân và góp phần hội nhập quốc tế; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thể dục thể thao; phát triển thể dục thể thao trường học, thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ; ban hành chủ trương, chính sách hợp lý để thu hút, phát hiện, đào tạo bồi dưỡng lực lượng vận động viên và đội ngũ huấn luyện viên...

KC

Ảnh trong bài
  • Quảng Bình: Những khởi sắc sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao