You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hoá Thể dục thể thao ở tỉnh miền núi Hà Giang

Hà Giang là một tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc. Điều kiện tự nhiên với địa hình phức tạp (nhiều núi đá cao) cùng với nhiều dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Mông, Giao). Kinh tế chưa phát triển nên đời sống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng sự đồng thuận của đông đảo nhân dân, những năm gần đây, phong trào TDTT của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện thường xuyên. Đặc biệt ở thể thao thành tích cao, Hà Giang đã bước đầu gặt hái được những thành công nhất định. Kết quả đó một phần là nhờ đẩy mạnh công tác XHH trong lĩnh vực TDTT.

Tích cực đầu tư cho phong trào thể dục thể thao quần chúng

Nhiều mô hình CLB Thể dục thể thao được khuyến khích thành lập 

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động TDTT đối với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như an ninh, quốc phòng, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành cùng sự chung tay ủng hộ của các cá nhân, tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh phát triển theo hướng XHH. Đây là giải pháp quan trọng nhằm giảm tải ngân sách nhà nước, nhất là đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Hà Giang, kinh phí dành cho hoạt động TDTT còn eo hẹp, việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư, chăm lo cho TDTT là một tất yếu. Với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, Hà Giang đã không ngừng nỗ lực trong việc vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu TDTT bằng những cơ chế, chính sách hợp lý như ưu đãi thuế, cho các doanh nghiệp thuê đất với giá hợp lý để kinh doanh dịch vụ thể thao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động đầu tư phát triển các thiết chế thể thao ở cơ sở bằng nguồn kinh phí của nhà nước và nhân dân cùng làm.

Hoạt động XHH đã thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình, sân bãi tập luyện thể dục thể thao cũng như trang bị các dụng cụ tập luyện TDTT đơn giản tại các địa điểm công cộng như các vườn hoa, công viên, khu vui chơi.... Đến nay, toàn tỉnh có 18 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 18 sân quần vợt, 19 bể bơi, 22 nhà tập luyện tổng hợp được xây dựng từ nguồn XHH. Qua đó, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu TDTT của các VĐV và mọi tâng lớp nhân dân.

Với phương châm hướng về cơ sở, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào TDTT của các địa phương, nhất là ở các xã, phường, vùng sâu, vùng xa nhằm giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như hưởng thụ các giá trị tinh thần thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao. Hệ thống sân bãi, trang thiết bị cũng như thiết chế thể thao ở cơ sở được hoàn thiện đã góp phần giải quyết những khó khăn về sân bãi, đáp ứng được nhu cầu tập luyện của người dân. Nhờ đó, phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện tích cực, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên.

Theo thống kê hàng năm, số người tập luyện TDTT thường xuyên chiếm 22% dân số, trên 18 nghìn gia đình tập luyện TDTT thường xuyên, với trên 1.500 điểm, nhóm tập và có trên 2.800 đội thể thao cơ sở. Qua đó, ý thức tự tập luyện của người dân dần được nâng cao, tạo ra các phong trào TDTT sôi nổi, phong phú.

Một trong những đơn vị điển hình, có nhiều đóng góp trong công tác XHH TDTT của tỉnh đó là thành phố Hà Giang. Đã nhiều năm nay, người dân thành phố Hà Giang luôn sôi nổi với phong trào luyện tập thể dục buổi sáng để nâng cao sức khỏe cho bản thân. Tùy từng lứa tuổi, mỗi người chọn cho mình một môn tập riêng, có người thì chạy bộ, đi bộ, tập các bài aerobic, đạp xe và các bài tập với trang thiết bị dụng cụ thể dục miễn phí được lắp đặt tại nơi công cộng.

Hiện nay, để phục vụ cho người dân tập thể dục, trên địa bàn thành phố đã trang bị nhiều dụng cụ tập luyện miễn phí. Các thiết bị luyện tập tại các điểm công cộng đều thông dụng, đơn giản và thích hợp với mọi đối tượng, thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện. Chính vì vậy, đến với thành phố Hà Giang vào các buổi sáng sớm hay chiều muộn, tại bất cứ điểm công cộng nào cũng đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân hăng say tập luyện TDTT với không khí hăng say, tiếng hò reo, cười nói khiến cho bầu không khí tại đây luôn sôi động, nhộn nhịp, vui tươi.

Không chỉ ở Trung tâm thành phố Hà Giang mà ở các huyện lỵ bằng những cách làm phù hợp, sáng tạo, công tác XHH TDTT đã đạt được những kết quả tích cực. Huyện Đồng Văn là một minh chứng cụ thể. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, các xã, thị trấn cũng tự xây dựng cho mình những nhà đa năng, sân chơi thể thao bằng nguồn XHH. 19/19 xã, thị trấn của huyện đều có những câu lạc bộ thể thao với các môn cơ bản: Bóng đá, Cầu lông, Bóng chuyền.

Chú trọng phát huy các môn thế thao thế mạnh

Đối với Thể thao thành tích cao (TTTTC), thông qua hoạt động XHH còn giúp cho các VĐV năng khiếu của tỉnh có điều kiện rèn luyện, tạo kết quả đột phá. Muay Thai-môn võ truyền thống của Thái Lan là bộ môn mới đào tạo tại tỉnh nhưng đã sở hữu nhiều VĐV tiềm năng. Anh Lục Quốc Tuế, Huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, cho biết: Trước đây, việc luyện tập của các VĐV gặp nhiều hạn chế về nhà tập, dụng cụ tập luyện đặc thù. Thông qua kêu gọi, vận động XHH, đầu năm 2020, Trung tâm đã được đầu tư xây dựng một nhà tập rộng 140m2 với đầy đủ hệ thống dàn bao, đài thi đấu và các dụng cụ chuyên môn trị giá khoảng 250 triệu đồng. Điều kiện tập luyện được đảm bảo, các VĐV rất phấn khởi, nỗ lực rèn luyện nâng cao kỹ năng thi đấu và đạt được một số thành tích nhất định.

Đề án phát triển TTTTC giai đoạn 2016 – 2026 với mục tiêu: Xây dựng đội ngũ huấn luyện viên (HLV), VĐV có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, phát triển các môn thể thao trọng điểm, phù hợp với thể chất con người Hà Giang. Đến năm 2026, đào tạo 150 VĐV thi đấu 7 môn thể thao, đạt 180 huy chương các loại; có 60 VĐV đạt cấp I Quốc gia và 25 VĐV cấp kiện tướng, xếp thứ 45/65 tỉnh, thành, ngành trong cả nước; đào tạo đội ngũ VĐV có chất lượng đóng góp cho đội tuyển Quốc gia tham gia thi đấu các giải quốc tế đạt huy chương.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án, TTTTC của Hà Giang đã đạt được những bước tiến đáng kể. Một số trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện từng bước được đầu tư, cải thiện; đội ngũ HLV, VĐV được tuyển chọn, đào tạo, tập huấn bài bản, nâng cao trình độ, kỹ thuật chuyên môn. Các VĐV tham gia nhiều giải đấu cấp Quốc gia và khu vực. Đặc biệt, năm 2018, Hà Giang có 4 VĐV được gọi vào đội tuyển và tuyển trẻ Quốc gia, gồm 3 VĐV PencakSilat, 1 VĐV Wushu; các VĐV tham gia thi đấu giải trẻ thế giới và đạt 1 Huy chương Bạc môn PencakSilat. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, năm 2018, Đoàn VĐV Hà Giang giành 1 HCB, 5 HCĐ, xếp thứ 57/65 tỉnh, thành, ngành tham dự. 

Với mục tiêu không dàn trải, tập trung đầu tư vào những môn thao thế mạnh như PencakSilat, Wushu, Bóng ném nữ, Vovinam, Quyền anh, Muay Thái... thể thao Hà Giang đã, đang tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng. Năm 2019, hai VĐV Hà Giang là Phù Thái Việt và Vương Thanh Tùng đã đóng góp 2 HCB vào thành tích cùa đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30. Mặc dù không phải là HCV, nhưng đây là những tấm Huy chương danh giá khi lần đầu tiên các VĐV Hà Giang tham dự môn Võ gậy (Arnis) - môn thể thao khá mới mẻ ở nước ta tại đấu trường khu vực và giành được huy chương.

Chia sẻ với báo giới, ông Hoàng Phi Hùng - Trưởng phòng Quản lý TDTT, Sở VHTTDL tỉnh cho biết: Huy động các nguồn lực xã hội vào hoạt động TDTT, ngành tập trung vận động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hình thành đa dạng các CLB. Có sự chuyển dịch các giải cho các Liên đoàn, Hiệp hội TT đủ điều kiện tổ chức. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống các giải đấu bằng nguồn kinh phí XHH, tạo cơ hội cho các VĐV tham gia cọ xát, nâng cao kỹ năng thi đấu. Hàng năm, ngoài tổ chức tốt các giải TDTT truyền thống, tỉnh còn tổ chức các giải đấu có quy mô toàn quốc gắn với quảng bá hình ảnh về du lịch Hà Giang, như: Đua mô tô Hoàng Su Phì, đua xe đạp quốc tế huyện Xín Mần, Marathon chạy trên cung đường Hạnh phúc, đua ô tô địa hình tinh thần đá… Những giải đấu này đều thu hút sự tham gia tài trợ kinh phí của các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Với những kết quả đã đạt được có thể khẳng định, công tác XHH là đòi hỏi tất yếu để thúc đẩy sự nghiệp TDTT của địa phương ngày càng phát triển. Thực hiện tốt công tác XHH sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển phong trào TDTT của tỉnh, nhất là trong bối cảnh điều kiện kinh tế xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn như Hà Giang. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước sẽ rất khó để đẩy mạnh các hoạt động như tổ chức các giải thi đấu, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất cũng như đầu tư cho công tác đào tạo các tài năng thể thao.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác XHH TDTT, trong thời gian tới, Sở VHTTDL Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển dục thể thao. Đồng thời, vận động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT quần chúng, thông qua việc thúc đẩy Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” cũng như đầu tư cho các môn TTTTC mà địa phương có tiềm năng và thế mạnh.

Bài, ảnh: VD