Phong trào TDTT quần chúng phát triển rộng khắp
Xác định TDTT quần chúng là đòn bẩy cho sự phát triển thể thao thành tích cao, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng nỗ lực trong việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về vai trò, lợi ích, tác dụng của việc tập luyện TDTT đối với sức khỏe. Với nhiều nội dung, hình thức phong phú, các hoạt động TDTT quần chúng được tổ chức thường xuyên, trong đó, điển hình là phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", "khoẻ để lập nghiệp và bảo vệ Tổ quốc"... được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực. Các giải thi đấu thể thao quần chúng được tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hoá, văn nghệ vào những dịp lễ lớn đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Từ đó, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức cũng như hành động của đông đảo người dân trong việc tham gia các hoạt động TDTT để nâng cao sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhiều công viên, hoa viên tại các góc đường có bố trí hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng và các công cụ luyện tập thể dục thể thao ngoài trời phục vụ cộng đồng được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng.
Một trong những hoạt động TDTT quần chúng được tổ chức quy mô rộng lớn với sự tham gia của đông đảo nhân dân tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học; huyện, thị xã, thành phố và tỉnh là "Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân”. Bên cạnh đó, hàng năm ngành TDTT tỉnh duy trì tổ chức trung bình từ 30-50 giải thi đấu thể thao, các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức trên 500 giải thi đấu thể thao. Nhờ đó, các chỉ số về phát triển TDTT quần chúng đều tăng hàng năm, đặc biệt là trong những năm gần đây, Bình Dương tập trung phát triển kinh tế theo hướng đột phá toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đây chính là một trong những điều kiện thuận lợi hàng đầu để thúc đẩy TDTT phát triển.
Công tác GDTC và hoạt động thể thao trong trường học đạt được nhiều kết quả tích cực; Số trường thực hiện tốt chương trình GDTC chính khóa đạt 100%, số trường học thực hiện tốt hoạt động TDTT ngoại khoá đạt 65%, số học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định đạt 97%. Công tác rèn luyện TDTT trong lực lượng vũ trang của tỉnh đã đi vào nề nếp và được kiểm tra thường xuyên theo định kỳ hàng năm. Kết quả kiểm tra hàng năm 100% cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu tập luyện TDTT của quần chúng nhân dân luôn được quan tâm, chú trọng. Đến nay, ngoài những công trình thể thao trọng điểm cấp tỉnh như Nhà thi đấu, Bể bơi, Sân vận động,... đảm bảo theo quy định. Trên 70% huyện, thị có Nhà thi đấu thể thao đa năng; 100% huyện, thị có Trung tâm văn hóa - thể thao hoạt động có hiệu quả; Tại các xã, phường, thị trấn đều có sân thể thao phổ thông, 04 đến 06 điểm tập thể dục, thể thao đơn giản; 80% xã, phường, thị trấn xây dựng được các điểm tập, các câu lạc bộ, các công trình phục vụ thể dục, thể thao;
Nhiều dụng cụ tập luyện TDTT huy động từ nguồn xã hội hóa được lắp đặt tại công viên, khu vui chơi công cộng đã đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ người dân
Công tác xã hội hoá TDTT trên địa bàn tỉnh luôn được đẩy mạnh và mang lại những kết quả đáng khích lệ. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình xã hội hóa, huy động được các nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu đa dạng, ngày càng tăng của nhân dân. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT hoạt động tương đối hiệu quả, điển hình như : Liên đoàn bóng đá; Liên đoàn xe đạp-mô tô thể thao; Liên đoàn Vovinam; Hội Thể dục dưỡng sinh.. .góp phần đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TDTT trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, ở cấp huyện, thị nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư xây dựng sân chơi thể thao mới như bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo, các phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình… với kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Ở cơ sở, một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị tập luyện TDTT như: sân cầu lông, sân bóng đá… phục vụ cho nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân. Trong đó Thị xã Dĩ An là một trong nhưng đơn vị điển hình. Cụ thể, Thị xã đã thành lập 113 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đang hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa, thể thao nơi đây được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới như Trung tâm văn hóa, Nhà truyền thống, Công viên văn hóa suối Lồ Ồ, Trung tâm văn hóa - thể thao các phường Dĩ An, Tân Bình, Bình Thắng và đang triển khai dự án Khu di tích Suối Mạch Máng - Sinh thái Hố Lang và cụm văn hóa - thể thao phường Đông Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn có 117 thiết chế văn hóa, thể thao tư nhân đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí và rèn luyện sức khỏe của người dân. Nhiều trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời được lắp đặt đã góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện sức khoẻ của người dân.
Với những biện pháp đồng bộ và hiệu quả, phong trào TDTT quần chúng của Bình Dương ngày càng phát triển. Đến nay, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn tỉnh đạt 32,6% dân số; số gia đình thể thao đạt 27,3% (tăng 8,9% so với năm 2010); số gia đình thể thao đạt 27,3% (tăng 7% so với năm 2010), số trường học đảm bảo giáo dục thể chất luôn đạt 100%, có 921 câu lạc bộ thể thao (tăng 8,9% so với năm 2010)...
Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về Thể thao thành tích cao
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, nhiều nhân tố có năng khiếu được phát hiện và bồi dưỡng bổ sung vào các đội tuyển của tỉnh. Nhờ đó, trong 10 năm qua, thể thao thành tích cao của Bình Dương từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thể thao quốc gia. Điều đó được minh chứng rõ qua các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc; các giải Vô địch quốc gia. Cụ thể, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, đoàn VĐV Bình Dương đứng thứ 21 trên Bảng xếp hạng huy chương với 54 huy chương các loại, trong đó có 8 HCV, 19 HCB và 29 HCĐ. Chỉ 4 năm sau, tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, đoàn VĐV Bình Dương tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng huy chương khi thi đấu xuất sắc giành 76 huy chương các loại (trong đó có 8 HCV, 19 HCB và 39 HCĐ). Kết quả này một lần nữa khẳng định sự đầu tư đúng đắn của ngành TDTT tỉnh khi thực hiện 2 Đề án về thể thao thành tích cao đó là Đề án “Tuyển chọn và đào tạo vận động viên năng khiếu - trẻ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2014 và định hướng đến năm 2018”; Đề án “Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bình Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020).
Với 2 đề án được triển khai, Bình Dương tập trung mọi nguồn lực, nhất là sự đầu tư về kinh phí cho các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm như: Bóng đá, Quần vợt, Xe đạp nữ, Thể dục thể hình, Karate, Cờ tướng, Muay, Boxing. Mặt khác, Bình Dương quan tâm chú trọng phát triển các tài năng thể thao thông qua hệ thống các lớp năng khiếu từ cơ sở, qua đó tuyển chọn và tiếp tục đào tạo trở thành lực lượng kế cận cho các đội tuyển của tỉnh tham gia các giải quốc gia và các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc. Trong giai đoạn 2012 – 2015, Bình Dương đào tạo 3.658 vận động viên ở 20 môn thi đấu bao gồm tất cả các tuyến năng khiếu, trẻ và đội tuyển. Trong giai đoạn này, các vận động viên Bình Dương đã giành 3.721 huy chương các loại, đạt 143,9% so với chỉ tiêu Đề án giao (2.585 huy chương). Giai đoạn 2016 – 2019, Thể thao thành tích cao Bình Dương giành được tổng số huy chương là 5.438 huy chương (Đề án giao là 4.316 huy chương); đạt 125% so với chỉ tiêu đề án). Năm 2016 Bình Dương tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần IX, xếp hạng 10/63 tỉnh, thành khi đạt được 40 huy chương vàng; 46 huy chương bạc; 79 huy chương đồng (chỉ tiêu Đề án giao nằm trong tốp 15/66 tỉnh, thành).
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa những kết quả đã đạt được, ngành TDTT Bình Dương đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào TDTT cho mọi người, trọng tâm cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Phát triển thể thao thành tích cao, từng bước theo hướng chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo vận động viên. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TDTT bằng nhiều giải pháp trong đó, tăng cường mở rộng và tạo mối quan hệ tốt, lâu dài với nhiều doanh nghiệp để tham gia trực tiếp vào việc đào tạo vận động viên ở một số môn trọng điểm và trong việc tổ chức các giải thể thao hàng năm cũng như khai thác, sử dụng có hiệu quả những cơ sở vật chất, công trình TDTT xã hội hóa đã đầu tư xây dựng, đồng thời phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức Hội, Liên đoàn thể thao cấp tỉnh trong công tác phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, xứng tầm với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Duy trì hệ thống đào tạo vận động viên đỉnh cao theo các tuyến bằng việc xây dựng và triển khai Đề án phát triển TDTT tỉnh Bình Dương đến 2025, định hướng đến 2030 để chuẩn bị lực lượng tham dự các sân chơi lớn của quốc gia, khu vực.
Bài, ảnh VD