Để triển khai thực hiện chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, nhiều chương trình, kế hoạch của thành phố được triển khai thực hiện, góp phần định hướng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sự nghiệp TDTT. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của TDTT được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền bằng trực quan hay trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, thành phố còn chỉ đạo các đơn vị tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm giúp người dân hiểu và tự giác tham gia tập luyện TDTT.
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT của thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân. Ngoài các công trình thể thao do nhà nước đầu tư (10 nhà thi đấu đa năng và 8 nhà tập thể thao đơn giản), trên địa bàn thành phố còn có nhiều sân bãi do tư nhân đầu tư xây dựng theo hướng kinh doanh dịch vụ thể thao. Cùng với đó là hệ thống sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác GDTC và các hoạt động TDTT trường học đều được đảm bảo. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở từng bước được quan tâm. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 214/239 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa xóm, tổ dân phố. Trong đó sử dụng 196 nhà văn hóa có sân chơi thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu của các tầng lớp nhân dân. Đây chính là vấn đề then chốt, quan trọng góp phần đưa phong trào TDTT của thành phố ngày càng phát triển.
Phong trào TDTT trong trường học phát triển với 100% trường học đảm bảo công tác giáo dục thể chất, nhiều trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa
Tính từ 2011 đến nay, thành phố đã tổ chức 75 giải thể thao cấp thành phố với hơn 3 nghìn lượt VĐV tham gia, hàng trăm giải thể thao ở cơ sở thu hút hàng ngàn người tham gia. Tham gia 63 giải thể thao cấp tỉnh, kết quả đạt 67 HCV, 67 HCB, 73 HCĐ. Điểm nhấn trong phong trào TDTT quần chúng của thành phố là việc triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Với phương châm mỗi người dân tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện hàng ngày, phong trào tập luyện TDTT được phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh; các phong trào TDTT dành cho các đối tượng như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm, thông qua đó, các đối tượng này được tiếp cận nhiều hơn những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đơn cử như đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều giải pháp đa dạng để thúc đẩy sự phát triển phong trào tập luyện TDTT đã được triển khai, thực hiện như việc tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số, Ngày hội VHTTDL các dân tộc, Liên hoan Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số; Hội thi thể thao Người khuyết tật được duy trì tổ chức 02 năm một lần.
Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay ngành TDTT thành phố duy trì tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Hoạt động này đã trở thành hoạt động thường niên được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành TDTT (27/3) và luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Hằng năm, UBND thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố ký kết các Nghị quyết liên tịch với các phòng, ban, đoàn thể tổ chức giải thể thao như: Bơi học sinh, Bóng đá vô địch, Quần vợt công nhân viên chức, Cầu lông, Bóng chuyền, Việt dã; 4 môn thể thao dân tộc như Kéo co, Bắn nỏ, Đẩy gậy, Tung còn. Đa dạng các loại hình hoạt động thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở: tự tập tại gia đình, tập có người hướng dẫn, tập theo nhóm, lứa tuổi tổ chức ngoài cộng đồng, trong các CLB, nhóm sở thích... Tổ chức gắn kết các hoạt động thể thao giải trí, các trò chơi dân gian và thể thao truyền thống với lễ hội văn hóa và du lịch. 19/19 xã, phường trên địa bàn thành phố tổ chức thường niên các môn thể thao dân tộc trong dịp Tết nguyên đán.
Thường xuyên kiện toàn, thành lập mới các CLB thể thao các xóm, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị. Năm 2010 có 102 CLB, đến tháng 6/2020 có 168 CLB, các CLB hoạt động thường xuyên, tham gia thi đấu giải thành phố đều đạt kết quả cao, làm nòng cốt cho phong trào TDTT thành phố tham gia các giải thi đấu do tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó có 456 nhóm, đội thể thao tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xóm, tổ dân phố. Các CLB phát triển rộng khắp như CLB Bóng bàn, Cầu lông, Bắn nỏ... đã làm nòng cốt cho phong trào TDTT ngày một phát triển, điển hình như CLB Bắn nỏ xã Độc lập, CLB Cầu lông liên thế hệ xóm Văn Tiến, CLB Bắn nỏ xóm Bu Chằm xã phú Minh và phong trào Kéo co của đơn vị xã Hợp Thành, Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn (cũ). Các môn thể thao dân tộc như Kéo co, Bắn nỏ, Đẩy gậy điển hình tại các xã Sủ ngòi, phường Dân Chủ, phường Thống Nhất, môn Cầu lông, Bóng bàn điển hình tại các phường Tân Thịnh, Đồng Tiến, thành phố (cũ) đã nhiều năm liên tục giành thứ hạng cao tại các giải thi đấu các môn thể thao dân tộc, giải Cầu lông - Bóng bàn Trẻ - Vô địch - Trung cao tuổi do tỉnh tổ chức.
Thêm một điểm nhấn trong phong trào TDTT quần chúng của thành phố đó là công tác GDTC và thể thao trong trường học. Hàng năm, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành GDĐT và ngành VHTTDL thành phố tích cực phối hợp, quan tâm đẩy mạnh công tác GDTC cho các em học sinh. Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án chất lượng GDTC và hoạt động TDTT trong nhà trường đã có nhiều bước phát triển, góp phần tích cực vào thành tích chung của sự nghiệp GDĐT và sự nghiệp TDTT của thành phố.
Cụ thể, 100% các trường học trên địa bàn thành phố đã đưa môn GDTC vào chương trình học chính khóa; 100% các trường tiểu học, THCS,THPT có giáo viên dạy thể dục. Các hoạt động tập thể dục giữa giờ sau các tiết học được các nhà trường triển khai thực hiện nghiêm túc, đều đặn với nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi đã góp phần tạo không khí vui tươi phấn khởi, cho học sinh. Đội ngũ giáo viên, giảng dạy môn thể dục thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các hoạt động thể thao ngoại khóa cũng được quan tâm chú trọng. Nhiều môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như: Cầu lông, Bóng bàn, Điền kinh,... được tổ chức ngoài các giờ học; đặc biệt là các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian được lồng ghép với phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực" như: Kéo co, Nhảy dây, Bắn nỏ, Đẩy gậy... thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Hàng năm ngành GDĐT thành phố tổ chức các giải thi đấu thể thao cho các em học sinh nhằm đánh giá chất lượng GDTC và luyện tập của các em đồng thời tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích cho các em học sinh. Từ năm 2010 đến nay ngành GDĐT thành phố đã tổ chức được 30 giải, như giải Bóng đá, giải Điền kinh, giải Cầu lông, giải Bắn nỏ, Đẩy gậy.... thông qua giải đã tuyển chọn các em có thành tích xuất sắc tham gia thi đấu các giải do Sở GDĐT tổ chức đạt nhiều thành tích cao.
Phong trào TDTT trong lực lượng quân đội luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban chỉ huy quân sự thành phố. 100% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn chiến sỹ khỏe theo quy định. Hằng năm Bộ chỉ huy quân sự đều tổ chức giải thi đấu thể thao ngành, vừa giúp cán bộ, chiến sỹ rèn luyện thể lực, vừa là điều kiện để mỗi cán bộ, chiến sỹ hoàn thiện bản thân, tạo sân chơi lành mạnh, xây dựng tình đoàn kết gắn bó quân dân với các đơn vị.
Với nhiều giải pháp đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, phong trào TDTT của thành phố đã không ngừng phát triển. Từ năm 2010 đến hết năm 2019, thành phố luôn duy trì tỷ lệ người luyện tập TDTT ở mức 33,7%, tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 25,5%, tỷ lệ người đạt chế độ rèn luyện thân thể là 98%. Và đến giữa năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT của thành phố là 37,7%, số gia đình đạt gia đình thể thao là 30%.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới ngành TDTT thành phố Hòa Bình đặt ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào TDTT của đơn vị đó là: tiếp tục cần chú trọng phát triển phong trào TDTT quần chúng, bằng việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Đưa nội dung phát triển TDTT vào trong Nghị quyết của cấp ủy và chính quyền. Đưa tiêu chí công nhận gia đình thể thao, đơn vị tiến tiến về TDTT vào tiêu chí đánh giá đô thị văn minh. Đồng thời phát triển các loại hình tập luyện, thi đấu TDTT quần chúng , tăng cường TDTT cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, người cao tuổi, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp... Thu hút các nguồn lực của xã hội và nguồn ngân sách bảo đảm, giành tỷ lệ ngân sách hợp lý để xây dựng các sân chơi, bãi tập, đặc biệt trong các trường học. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh 11 nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở, xã hội hóa về TDTT và vui chơi giải trí ở cơ sở.
Bài, ảnh VD