Huyện Cao Lộc được coi là trung tâm kinh tế, chính trị, là vùng kinh tế động lực của tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là huyện nằm ở vùng biên giới phía Bắc có trên 75 km đường biên giới với Trung Quốc, Cao Lộc có 2 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Ga Đồng Đăng. Vị trí địa lý cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi với nhiều trục đường giao thông nối liền quốc lộ 1A, 1B với tất cả các huyện của tỉnh, Thủ Đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đã tạo lợi thế to lớn cho huyện Cao Lộc trong phát triển Kinh tế - Xã hội và khẳng định tầm quan trọng về Quốc phòng - An ninh không chỉ đối với Lạng Sơn, mà còn đối với toàn quốc. Do vậy, việc chăm lo phát triển TDTT được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển TDTT đến năm 2020 được ban hành và triển khai rộng rãi trong các cơ sở Đảng, công tác TDTT trên địa bàn huyện từng bước có nhiều chuyển biến tích cực và mang lại những giá trị thiết thực trong việc cải thiện sức khỏe cũng như tăng cường sự giao lưu đoàn kết giữa nhân dân các địa phương trên địa bàn huyện; đồng thời các hoạt động TDTT đã tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh và bổ ích, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhất là lực lượng thanh thiếu niên. Nhờ vậy, đời sống tinh thần của người dân được cải thiện và các vấn đề về an ninh, quốc phòng được củng cố, tăng cường.
CLB Yoga của được nhiều chị em tham gia tập luyện
Huyện có 23 đơn vị hành chính gồm hai thị trấn là Đồng Đăng và thị trấn huyện lỵ Cao Lộc, 21 xã gồm: Tân Thành, Xuân Long, Yên Trạch, Tân Liên, Gia Cát, Công Sơn, Mẫu Sơn, Xuất Lễ, Cao Lâu, Hải Yến, Lộc Yên, Thanh Lòa, Hòa Cư, Hợp Thành, Thạch Đạn, Bảo Lâm, Thụy Hùng, Song Giáp, Phú Xá, Bình Trung, Hồng Phong. Tổng mức dân số đến nay của toàn huyện ước khoảng trên 100 triệu người với 05 dân tộc chính: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa. Dân cư huyện Cao Lộc phân bố không đều giữa các địa phương trong huyện. Mật độ dân cư cao nhất huyện là Thị trấn Cao Lộc, ở các xã vùng cao mật độ dân cư rất thấp, đời sống còn khó khăn. Đây cũng chính là một trong những khó khăn khi thực hiện các chính sách về phát triển TDTT, nhất là các phong trào TDTT dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, ít người, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo của lãnh đạo huyện, sự vào cuộc của các cấp chính quyền nên phong trào TDTT của huyện từng bước có nhiều chuyển biến, các xã trắng về TDTT đã được xóa bỏ.
Một trong những điểm nhấn trong phong trào TDTT của huyện Cao Lộc đó là phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã và đang được cán bộ, nhân dân trong huyện Cao Lộc tích cực thực hiện với nhiều hoạt động phong phú gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và xây dựng nông thôn mới. Hiện trên địa bàn huyện, ngoài các công trình TDTT như sân bóng đá, sân cầu lông, sân bóng chuyền, các phòng tập, sân tập TDTT do các cơ sở kinh doanh tư nhân tự đầu tư kinh phí xây dựng còn có hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở khá hoàn chỉnh. Xác định được vai trò, tầm quan trọng của TDTT, trong đó yếu tố tiên quyết thúc đẩy phong trào TDTT phát triển là cần phải có sân bãi, trang thiết bị tập luyện đáp ứng nhu cầu của người dân, huyện đã chỉ đạo dành quỹ đất cho hoạt động TDTT, đồng thời từng bước nâng cấp, đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao ở xã, phường.
Theo thống kê, tính đến hết năm 2019, tổng số thôn, khối phố có nhà văn hóa trên toàn huyện là 196/200 (đạt 98%); số xã, thị trấn có sân tập TDTT đạt 9/23 đơn vị, trong đó 5/23 nhà văn hóa xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới (chiếm 21,73%). Trong năm 2020, huyện đang nỗ lực phấn đấu xây dựng 1 nhà văn hóa xã, cải tạo nâng cấp 1 sân thể thao xã… Các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở không chỉ là nơi sinh hoạt phục vụ các hoạt động chính trị của địa phương mà còn là địa điểm lý tưởng để người dân tham gia tập luyện TDTT.
Hàng năm, Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện phối hợp tốt các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều giải thi đấu TDTT từ huyện đến cơ sở phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện trọng đại của đất nước của địa phương. Trong đó, các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức mừng Đảng, mừng Xuân và các ngày lễ lớn của dân tộc được duy trì đều đặn hàng năm. Bên cạnh đó, kể từ năm 2015 đến nay huyện duy trì tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành TDTT (27/3) hàng năm. Đồng thời, huyện tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thể thao giữa các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và các xã, thị trấn. Song song với đó, hàng năm có hàng chục giải thể thao do xã, ngành, các đoàn thể tổ chức đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều môn thể thao dân tộc truyền thống như kéo co, đẩy gậy… được duy trì, phát triển.
Việc tập luyện TDTT đã dần trở thành thói quen hàng ngày của đông đảo người dân trong huyện. Các môn TDTT thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thường xuyên như đi bộ, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, yoga... Đến nay, toàn huyện có trên 27% người dân tập luyện TDTT thường xuyên (tăng 0.5% so với năm 2018), tỉ lệ gia đình tham gia luyện tập TDTT đạt gần 17% (tăng 0,9%). Toàn huyện duy trì 16 câu lạc bộ TDTT hoạt động thường xuyên và thu hút số lượng hội viên tham gia ngày càng đông như CLB Bóng chuyền, CLB Thể dục dưỡng sinh, CLB Yoga... Bên cạnh đó còn có các đội, nhóm tập luyện TDTT được hình thành nhỏ lẻ ở nhiều thôn, xã. Các CLB đều xây dựng quy chế hoạt động, thành viên tham gia tập luyện thường xuyên và tự nguyện đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT.
Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, phong trào tập luyện TDTT theo gương Bác Hồ vĩ đại ở Cao Lộc đã có sức lan tỏa, rộng khắp các thôn, xã đến huyện lỵ. Các phong trào như "Sống vui, sống khỏe trong hội người cao tuổi", "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "TDTT để Khỏe và Đẹp" trong các chi hội Phụ nữ hay các mô hình CLB TDTT trong lứa tuổi học đường luôn nhận được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Sự lan tỏa của phong trào TDTT đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Từ phong trào TDTT quần chúng và qua các giải giao lưu, thi đấu, huyện đã lựa chọn được những vận động viên có năng khiếu, đạt thành tích cao để bồi dưỡng tham gia thi đấu các giải thể thao cấp tỉnh. Điển hình như năm 2019, đoàn VĐV huyện Cao Lộc đã tham gia thi đấu và đạt 2 giải nhì, 4 giải ba trong Giải vô địch và giải trẻ Cầu lông tỉnh Lạng Sơn; đạt giải ba Giải thi đấu Bóng chuyền hơi tỉnh Lạng Sơn…
Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong các trường học trên địa bàn huyện được duy trì đều đặn, đảm bảo các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, 100% trường học trên địa bàn huyện triển khai thực hiện đổi mới chương trình và phương pháp dạy và học môn Giáo dục thể chất. Qua đó, góp phần khích lệ tinh thần học tập và phong trào rèn luyện thể dục trong học sinh các trường học. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới của ngành Giáo dục, hầu hết các trường học từ cấp tiểu học đến phổ thông trung học đều thực hiện việc đổi mới giảng dạy môn giáo dục thể chất theo hình thức vừa dạy các bài tập cụ thể vừa tổ chức mô hình các câu lạc bộ thể thao.
Cùng đó, nhiều trường còn triển khai tổ chức dạy bơi cho học sinh trong dịp hè nhằm thực hiện chương trình phòng, chống đuối nước do Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT phát động. Các trường học cũng tăng cường các hoạt động ngoài giờ, lồng ghép các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, đá cầu… để tổ chức cho học sinh tham gia và tập luyện. Song song với đó, các tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên các trường học trong huyện còn tổ chức nhiều hoạt động, phong trào TDTT chào mừng các ngày lễ lớn để học sinh, giáo viên có cơ hội phát huy tài năng như ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3), Ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam (20/11)…
Phong trào rèn luyện TDTT trong lực lượng vũ trang cũng được duy trì thường xuyên, đều đặn đảm bảo theo đúng quy định. Hàng năm Bộ Chỉ huy Quân sự huyện đều tổ chức các Hội thi, Hội thao dành cho lực lượng vũ trang. Đây được coi là sân chơi lành mạnh để nâng cao sức khỏe chiến sĩ cũng như tuyên truyền sâu rộng việc luyện tập TDTT trong các tầng lớp nhân dân.
Để duy trì và phát triển phong trào TDTT trên địa bàn huyện, trong thời gian tới phòng VH-TT huyện cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu và xây dựng kế hoạch hoạt động TDTT. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia; chủ động tổ chức các hoạt động giao hữu thể thao giữa các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và các xã, thị trấn. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và mở rộng các dịch vụ kinh doanh trong lĩnh vực TDTT nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cũng như rèn luyện sức khỏe của người dân.
Với những kết quả đã đạt được, Cao Lộc xứng đáng là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác xây dựng phong trào TDTT quần chúng, góp phần rèn luyện, nâng cao sức khỏe cho người dân.
Bài, ảnh VD