You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Thọ Xuân - Thanh Hoá: đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, những năm gần đây, phong trào tập luyện thể dục thể thao trên địa bàn huyện Thọ Xuân luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Cấp ủy, Chính quyền các cấp, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực cũng như đời sống tinh thần của người dân. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính quyền đã nhận được sự đồng thuận của người dân chính là một trong những điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập như hiện nay.

CLB Yoga luôn thu hút đông đảo hội viên là các chị em phụ nữ

Thọ Xuân là huyện có vị trí và giao thông thuận lợi cho giao lưu nhiều vùng, miền trong và ngoài tỉnh. Với lợi thế phát triển các ngành dịch vụ vận tải, giao lưu thương mại trung chuyển hàng hóa giữa đồng bằng ven biển và miền núi Thanh Hóa, giữa cảng biển và khu cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt- Lào thuộc Thanh Hóa đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, Thọ Xuân còn được biết đến là một trong những địa phương nằm trong vùng văn hóa lịch sử, với nhiều di tích lịch sử (nổi bật là Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Đền thờ Lê Hoàn...), văn hóa, làng nghề,... đã tạo nên bản sắc văn hóa con người nơi đây với những phẩm chất cao đẹp. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có 47 di tích được xếp hạng, trong đó có 13 di tích quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh, một số di tích có sức hấp dẫn khách du lịch như Đền thờ Lê Hoàn, Lăng mộ Vua Lê Dụ Tông,…hơn 20 lễ hội được duy trì hàng năm (Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội Lam Kinh,...). 

Toàn huyện có 38 xã, 3 thị trấn nằm dọc đôi bờ hữu ngạn và tả ngạn sông Chu. Thọ Xuân là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng, người dân cần cù, hiếu học, năng động. Cộng đồng dân cư trên địa bàn gồm 3 dân tộc có dân số lớn nhất trong tỉnh, dân tộc Kinh chiếm hơn 90% dân số, dân tộc Mường và dân tộc Thái chiếm gần 10% dân số. 

Điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Và nhất là trong những năm gần đây, đời sống nhân dân từng ngày được cải thiện thì nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần, thể dục thể thao cũng được nâng tầm và trở thành nhu cầu bức thiết, quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của đông đảo người dân.

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội cũng như đặc điểm văn hoá, con người của địa phương, chính quyền các cấp trong huyện luôn quan tâm phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng với nhiều hình thức hoạt động phong phú, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thục tiễn ở địa phương. Trong đó, tập trung phát triển các môn thể thao được đông đảo người dân tham gia tập luyện thường xuyên, như: Bóng đá, Bóng chuyền, Thể dục dưỡng sinh, Cầu lông, Bóng bàn, Các môn võ, Bơi lội... Bên cạnh đó, các môn thể thao dân tộc, các trò chơi vận động dân gian như: Kéo co, Đẩy gậy, Việt dã, Cờ tướng… được tổ chức thường xuyên vào các dịp lễ tết, các mùa lễ hội của địa phương, qua đó tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân.

Đặc biệt, các hoạt động thể dục thể thao đã trở thành sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng thanh, thiếu niên, học sinh tham gia. Nhiều giải đấu được tổ chức thường niên và gắn với các Lễ hội truyền thống như: giải việt dã, giải bóng chuyền (gắn với lễ hội Lam Kinh, Lê Hoàn); giải Bóng đá thanh niên, giải Bóng đá phong trào tại các sân cỏ nhân tạo; giải Cầu lông, Bóng bàn, Quần vợt; giải Võ thuật với các môn Võ cổ truyền, Vovinam; giải Bóng chuyền hơi; thi đấu các môn thể thao dân tộc... Nhiều giải đấu được các địa phương, đơn vị duy trì tổ chức hàng năm từ nguồn kinh phí xã hội hóa 100%.

Hàng năm, ngành Văn hoá, Thông tin, Thể thao huyện tổ chức hàng trăm giải thi đấu thể thao, qua đó tạo sân chơi bổ ích cho người dân, đồng thời tuyển chọn những gương mặt xuất sắc bổ sung vào đội tuyển của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Văn hoá, Thông tin, Thể thao huyện cũng phối hợp với các ngành, các cấp (Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ...), tổ chức các giải thi đấu thể thao, các Hội thi, Hội thao qua đó tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân vai trò, tác dụng cũng như ý nghĩa của việc tập luyện thể dục thể thao đối với sức khoẻ. Nhờ đó, phong trào tập luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại ngày càng có sức lan toả mạnh mẽ và thu hút đông đảo nhân dân tham gia với tinh thần tự giác. Các CLB thể dục thể thao đơn môn, đa môn được hình thành và hoạt động thường xuyên. Trong đó, các CLB như Yoga, Thể dục nhịp điệu, Thể hình, Zumba, Aerobic,... luôn thu hút đông đảo các hội viên, nhất là thanh niên, phụ nữ. Hiện nay, toàn huyện có 302 CLB thể dục thể thao, phát triển đa dạng các loại hình tập luyện và chất lượng hoạt động thể dục thể thao ở từng đối tượng. Các hội viên tham gia tập luyện trong các CLB thể dục thể thao đều tự nguyện đóng góp kinh phí để mua sắm trang thiết bị cũng như tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các địa phương, qua đó, tạo sự gắn kết, chia sẻ giữa các hội viên.

Các phong trào thể dục thể thao trong học sinh, sinh viên được đặc biệt quan tâm. Ngoài việc đảm bảo chương trình giáo dục thể chất theo quy định, hầu hết các trường trên địa bàn huyện đều tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khoá với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó nổi bật là mô hình các CLB thể dục thể thao trong trường học đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh. Ngoài ra, các trường cũng quan tâm chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn giáo dục thể chất, giúp các em học sinh luôn hứng khởi trong tập luyện, qua đó góp phần nâng cao chất lượng môn học cũng như thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong học đường trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.

Nhờ đó, số người tập luyện thể dục thể thao trên địa bàn huyện ngày càng tăng cao. Nếu như năm 2010 toàn huyện có 78.000 người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, chiếm 32,4% dân số, thì đến năm 2020 con số này ước đạt trên 88.000 người, chiếm 42,7% dân số. Đây là một trong những minh chứng cho sự phát triển của phong trào thể dục thể thao quần chúng của huyện và đó cũng là kết quả của việc đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Để có được kết quả trên, huyện Thọ Xuân đã chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao. Hiện nay, theo thống kê, Thọ Xuân là địa phương có hệ thống sân bãi tập luyện thể dục thể thao từ cấp huyện đến cơ sở khá hoàn chỉnh. Ngoài sân vận động, nhà thi đấu cấp huyện, hầu hết các xã đều có Trung tâm văn hoá - thể thao và các điểm vui chơi, giải trí. Hiện toàn huyện có 41 Trung tâm văn hoá - thể thao cấp xã, thị trấn và 41 điểm vui chơi có trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân. Bên cạnh đó 274/274 thôn có nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Toàn huyện có 89 sân vận động đảm bảo kích thước theo tiêu chuẩn; 7 nhà tập luyện thi đấu; 7 bể bơi, 4 sân quần vợt; 234 sân cầu lông... Có thể khẳng định, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ cơ sở đến huyện đều được trang bị, đầu tư đảm bảo nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân. Đây cũng chính là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của huyện ngày càng phát triển và đạt được những kết quả khích lệ trở thành một trong 5 đơn vị dẫn đầu của huyện về thể dục thể thao.

Trong số các công trình thể dục thể thao của huyện, có nhiều công trình như: bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân cầu lông, bàn bóng bàn, sân chơi thể thao ở các thôn... đều được đầu tư xây dựng từ sự đóng góp của nhân dân, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân còn đóng góp kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao, mua sắm trang thiết bị với số tiền hàng chục tỷ đồng. Đây chính là cơ sở quan trọng để huyện Thọ Xuân đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao ngày càng sâu rộng.

Trong thời gian tới, ngành Văn hoá, Thông tin, Thể thao huyện tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung duy trì và phát triển các môn thể thao thế mạnh của địa phương; Không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Đồng thời thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao nhằm phát huy mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động tập luyện thể dục thể thao. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm thể dục thể thao cơ sở; Tổ chức nhiều giải thể thao nhằm tạo sân chơi bổ ích cho người dân, góp phần đưa phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Bài, ảnh VD