You must configure this module first via "Module Settings"

Thể thao Kon Tum sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, phong trào thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển tích cực, cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tập luyện thể thao thuờng xuyên. Nhờ đó, số lượng người dân tham gia tập luyện TDTT tăng hàng năm. Theo ước tính, đến hết năm 2020 tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên sẽ đạt 30% dân số và tỷ lệ gia đình luyện tập thể dục thể đạt 23% số hộ gia đình trong toàn tỉnh. Thể thao thành tích cao của tỉnh có nhiều khởi sắc khi số lượng huy chương mà các VĐV tỉnh Kon tum giành được tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc tăng dần theo từng kỳ.

Nhiều văn bản, chính sách đã được ban hành

Ngay sau khi Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 được ban hành, tỉnh Kon Tum đã ban hành 365 văn bản triển khai thực hiện, trong đó, có 63 văn bản cấp tỉnh, 302 văn bản cấp huyện, thành phố, ngành. Điển hình như: Chương trình số 37-CTr/TU ngày 17-9-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND ngày 05-4-2010 về định mức chi chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên tỉnh Kon Tum; Nghị quyết số 06/2012/NQHĐND ngày 05-4-2012 về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao tỉnh Kon Tum; Nghị quyết số 42/2012/NQ-HĐND ngày 13-12-2012 về quy hoạch phát triển Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 28/2013/NQHĐND ngày 11-12-2013 về quy định chế độ chi tiêu tài chính tổ chức các giải thi đấu thể thao tỉnh Kon Tum;...

Cùng với đó, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh việc triển khai tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chiến lược từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Việc tuyên truyền đã được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, như: Tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, pano, áp phích, xe thông tin lưu động lồng ghép thông qua các buổi hội nghị, tọa đàm, thi đấu thể thao, các lớp tập huấn phong trào TDTT cơ sở; các bản tin thể thao trên hệ thống phát thanh, truyền hình từ tỉnh đến huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn... Công tác tuyên truyền về Chiến lược gắn với tuyên truyền, triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương một cách sinh động và hiệu quả, giúp người dân nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của TDTT đối với sức khỏe, thông qua đó nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác TDTT...

Bên cạnh đó, tỉnh Kon tum cũng có nhiều chính sách khuyến khích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, từ đó nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đã cùng hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở tập luyện TDTT như: sân Bóng đá cỏ nhân tạo, Bể bơi, Bóng bàn, Bi-a, Tennis, Thể hình, Yoga... Một số đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đứng ra tài trợ công tác tuyên truyền về TDTT, phối hợp tổ chức giải thể thao như: giải Cầu lông, Quần vợt; giải Bóng đá hạng Nhì tỉnh, giải Yoga. hay hỗ trợ trao giải bằng tiền, hiện vật...

Nhờ những chính sách đầu tư cũng như sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội hóa, hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác TDTT tỉnh Kon Tum đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tập luyện TDTT của người dân. Hiện trên địa bàn tỉnh có 97% xã, phường, thị trấn triển khai quy hoạch, bố trí đất và xây dựng công trình TDTT phục vụ hoạt động TDTT quần chúng như: các sân chơi bãi tập, công trình thể thao trong quần thể Trung tâm Văn hóa - thể thao cấp xã, cụm thôn, làng. Tính đến nay, tỉnh Kon Tum có 16 nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng; 31 nhà tập luyện, thi đấu thể thao đơn môn; 58 bể bơi (trong đó 07 bể bơi 25m và 51 các loại bể bơi khác); 43 sân vận động (trong đó 06 sân vận động có khán đài, 37 sân vận động không có khán đài); 454 sân bóng đá, 855 sân bóng chuyền, 294 sân cầu lông (trong đó có 68 có thể tổ chức cái giải cấp huyện, thành phố), 52 sân quần vợt, 05 sân bóng rổ,...

Một quyết sách nữa không kém phần quan trọng của tỉnh Kon Tum trong giai đoạn vừa qua đó là việc lồng ghép phát triển thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa, du lịch. Theo đó, tỉnh đã chú trọng tổ chức các hoạt động thể thao gắn với phát triển du lịch, như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đuợc tổ chức 2 năm/lần; tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân hàng năm; đăng cai, tổ chức các giải Đua xe đạp… từ đó, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo du khách, người dân quan tâm tham gia.

Phong trào TDTT phát triển sâu, rộng

Từ việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT, trong những năm qua, phong trào TDTT của tỉnh Kon Tum đã và đang phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Các hoạt động TDTT cho mọi người đang dần phát triển sâu, rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo, điều hành, đầu tư cho TDTT. Số lượng quần chúng nhân dân trên các địa bàn tham gia hưởng ứng, tự giác luyện tập TDTT để nâng cao sức khỏe ngày càng nhiều hơn.

Tính đến hết tháng 12 năm 2019, tỉnh Kon Tum có 29% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên và ước thực hiện đến hết năm 2020 con số này đạt 30%, tăng 10% so với năm 2010; có 23% tổng số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, tăng 07% so với năm 2010; có khoảng 97% xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập, tăng 23% so với năm 2010; 87% số xã, phường có thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở và câu lạc bộ TDTT cơ sở, vượt 7% so với kế hoạch đề ra.

Thể thao trong lực lượng vũ trang cũng không ngừng được đẩy mạnh, theo đó số cán bộ chiến sỹ kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể từ năm 2015 đến nay đều đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ chiến sỹ biết bơi từ 25m trở lên đạt 100%; biết bơi 50m trở lên đạt 80%. Số cán bộ chiến sỹ đạt tiêu chuẩn chiến sỹ công an khỏe đến năm 2015 đạt 95%, đến năm 2020 đạt 98%.

Trong 10 năm qua, công tác phát triển TDTT quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đặc biệt được quan tâm và đã có những bước tiến đáng kể. Tính đến hết tháng 12 năm 2019 số người luyện tập TDTT thường xuyên là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 14%, ước thực hiện đến hết năm 2020 đạt 14.5%; tỷ lệ số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn gia đình thể thao là 10.4%, đến hết năm 2020 con số này đạt ước 11%.

Hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phòng bệnh, chữa bệnh được quan tâm hơn. Phong trào TDTT người cao tuổi phát triển mạnh. Hàng năm, tổ chức Hội thao người cao tuổi với 4 môn gồm: Cờ tướng, Cầu lông, Bóng bàn và thi đồng diễn thể dục dưỡng sinh (duy trì tập luyện thường xuyên trên 130 câu lạc bộ người cao tuổi như: cờ tướng, bóng bàn, cầu lông, Bóng chuyền hơi, dưỡng sinh…); Giải bóng đá trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng tham gia là các trẻ em mồ côi lang thang cơ nhỡ, trẻ em nghèo, trẻ em đang học tại các lớp học tình thương, các cơ sở Mái ấm, tạo cho các em tham gia hoạt động TDTT, hòa nhập cộng đồng…; thể dục phòng, chữa bệnh bắt đầu được áp dụng thử nghiệm.

Thể thao thành tích cao chú trọng đào tạo các môn thể thao trọng điểm

Sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển TDTT, thể thao thành tích cao tỉnh Kon Tum đang từng bước phát triển và được đầu tư có trọng điểm, bước đầu tuyển chọn 24 VĐV thể thao các môn: Điền kinh, Karate, Taekwondo và Võ thuật cổ truyền, hình thành tuyến đội tuyển tỉnh
tổ chức đào tạo, huấn luyện duy trì thường xuyên tập trung tại tỉnh. Các VĐV của tỉnh tập luyện đạt từ 10 - 12 buổi tập/tuần; trên 40 buổi tập/tháng; 450 buổi tập/năm. Công tác tập huấn và thi đấu: Các bộ môn chủ động xây dựng Kế hoạch tập huấn, thi đấu từ 1-2 giải/năm/bộ môn. Nhờ tập trung đào tạo có trọng điểm nên thành tích của các VĐV tỉnh Kon Tum tại  3 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc (vào các năm 2010, 2014, 2018) đạt được kết quả đáng khích lệ. Từ vị trí 59/66 tỉnh, thành, ngành năm 2010 lên vị trí 56/65 tỉnh, thành, ngành năm 2014 và lên 55/65 tỉnh, thành, ngành năm 2018.

Công tác đào tạo Huấn luyện viên, trọng tài thể thao được quan tâm, nếu năm 2010, tỉnh Kon Tum chỉ có 08 huấn luyện viên thì đến năm 2015 số lượng huấn luyện viên của tỉnh tăng gần gấp đôi đạt được 15 người (trong biên chế và hợp đồng); đến năm 2020 thực hiện tinh giảm biên chế số lượng huấn luyện viên giảm 02 còn 13 huấn luyện viên. Đội ngũ huấn luyện viên từng bước được chuẩn hóa (có 90,9% huấn luyện viên đạt trình độ đại học) và một số ít được tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, có khả năng trong việc đào tạo VĐV. Tính đến nay, tỉnh Kon Tum có 12 trọng tài quốc gia (Bóng chuyền 3 người; Karatedo 6 người; Taekwondo 2 người; Võ thuật cổ truyền 1 người) và 145 trọng tài cấp tỉnh. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử cán bộ, huấn luyện viên tham gia tập huấn các lớp trọng tài do Tổng cục TDTT và các Liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn và cách thức tổ chức các giải thể thao của tỉnh.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp đối với vận động viên thể thao luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm đối với đơn vị đào tạo VĐV cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh thường xuyên quan tâm, chấn chỉnh các nghi thức mang tính giáo dục đối với VĐV trong hoạt động và thi đấu thể thao, thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp cho VĐV, tạo cho họ môi trường tập luyện hăng say và không khí tập luyện tích cực .

Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum luôn chú trọng đến việc áp dụng ứng dụng nghiên cứu khoa học, y học thể thao phục vụ cho công tác huấn luyện và đào tạo VĐV. Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã từng bước nghiên cứu, ứng dụng khoa học, y học, công nghệ thông tin trong công tác tuyển chọn và đào tạo  VĐV tại đơn vị. Tuy nhiên, việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học và y học thể thao vẫn còn hạn chế do chưa có các trang thiết bị, máy móc chuyên dùng phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, hồi phục sau quá trình tập luyện, chưa có các phòng chức năng chuyên biệt cho từng bộ môn.

Cơ sở vật chất TDTT cấp tỉnh được quan tâm, đầu tư, hiện tỉnh đã quy hoạch xây dựng khu Trung tâm TDTT của tỉnh với diện tích đất là 23 ha, đã đầu tư xây dựng 01 sân tập luyện môn bóng đá 11 người; 01 Sân vận động tỉnh với sức chứa 11.000 chỗ ngồi (gồm sân bóng đá 11 người và đường pit đạt chuẩn quốc gia) đi vào hoạt động từ năm 2013, có khả năng phát triển các môn như Bóng đá, Điền kinh, các môn Võ; 02 khán đài sân vận động đã đuợc lắp mái che vào năm 2020. Nhà tập luyện và thi đấu TDTT của tỉnh được đầu tư xây dựng từ năm 2000, loại nhà đơn giản, đang sử dụng để tập luyện và tổ chức thi đấu các môn như Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng đá 5 người... Cơ sở vật chất về TDTT của tỉnh hiện có đủ điều kiện đăng cai tổ chức một số giải thể thao khu vực và toàn quốc như môn Bóng đá, Điền kinh, Cầu lông, Võ thuật.

KC