Từ năm 1997, sau khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính Tam Kỳ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Thành phố Tam Kỳ là trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học của tỉnh với 13 đơn vị hành chính, gồm 9 phường (An Mỹ, An Sơn, Hòa Hương, Phước Hòa, An Xuân, An Phú, Trường Xuân, Tân Thạnh, Hòa Thuận) và 4 xã (Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú, Tam Ngọc).
Là thành phố trẻ, nhưng với ưu thế là trung tâm tỉnh lỵ, điều kiện kinh tế xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao nên nhận thức về vai trò, tác dụng về TDTT được nâng cao. Việc tập luyện TDTT nhằm nâng cao sức khỏe đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đông đảo người dân nơi đây, tùy từng lứa tuổi, thời gian, điều kiện cũng như sở thích, mỗi người lựa chọn cho mình một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe. Chính vì vậy, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào TDTT quần chúng ở Tam Kỳ đã phát triển khá mạnh, thành tích được duy trì qua nhiều năm liền. Đặc biệt là ở các môn như Võ cổ truyền, Pencaksilat, Karatedo, Đua thuyền...
Đặc biệt từ năm 2014, Hội đồng nhân dân thành phố Tam Kỳ đã ban hành các văn bản, chính sách phát triển sự nghiệp văn hóa - thể thao nhằm tạo cơ sở cho việc đầu tư nguồn lực mạnh hơn. Trong đó phải kể đến Nghị quyết 03 ngày 25 tháng 9 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao giai đoạn 2015 – 2020 đã tạo ra bước đột phá về TDTT.
Đến với thành phố Tam Kỳ, không khí tập luyện TDTT sôi nổi tại các địa điểm công cộng như: nhà văn hóa, vườn hoa, công viên hay tại các cơ quan, công sở… sau mỗi ngày làm việc đã trở thành hoạt động thường nhật, quen thuộc và là nhu cầu không thể thiếu đối với đông đảo người dân. Không chỉ người cao tuổi với những môn thể thao phù hợp như: Thể dục dưỡng sinh, Khí công, Đi bộ, Cờ tướng… mà thanh niên, phụ nữ cũng hăng say tập luyện các môn như: Yoga, Aerobic, Bóng đá, Bóng bàn, Cầu lông, Khiêu vũ…
Sự đa dạng về nội dung cũng như hình thức tập luyện nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu rèn luyện để nâng cao sức khỏe, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dịch Covid - 19 đang có những diễn biến phức tạp, việc duy trì thói quen tập luyện TDTT là vô cùng cần thiết và luôn được khuyến khích. Trước diễn biến dịch Covid 19 bùng phát trở lại, thời gian này người dân Tam Kỳ đã không còn tụ tập đông người để luyện tập và tham gia các hoạt động thể dục thể thao, thay vào đó người dân lựa chọn hình thức tập luyện tại nhà.
Để phong trào TDTT của thành phố ngày càng phát triển và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, hàng năm, thành phố duy trì tổ chức từ 10-15 giải thi đấu thể thao cấp thành phố, trong đó nhiều giải đấu đã trở thành sân chơi thường niên trong nhiều năm liền như: giải Cờ vua - cờ tướng, Cờ làng, Võ cổ truyền, Đua thuyền truyền thống…
Bên cạnh đó, các xã, phường cũng thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao, hội thi, hội thao nhằm tạo sức bật mới cho phong trào TDTT quần chúng. Ngoài ra, Trung tâm VH-TT&TT thành phố Tam Kỳ chủ động phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở VH,TT&DL tỉnh tổ chức các hoạt động thể thao biển như: Bóng chuyền bãi biển, Đua xe đạp trên cát, Bóng đá trên cát…
Thông qua các hoạt động TDTT, tạo môi trường lành mạnh để các tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng thanh thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững kỷ cương, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Nhờ có phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nhiều mô hình câu lạc bộ TDTT đơn môn, đa môn được thành lập và hoạt động hiệu quả. Theo thống kê, trung bình mỗi phường, xã có từ 1-3 câu lạc bộ TDTT, tập trung ở các môn thể thao được nhiều người yêu thích tập luyện như: Thái cực quyền, Bóng đá, Bóng bàn, Cầu lông, Aerobic, Võ thuật, Yoga, Cờ tướng...
Thể dục dưỡng sinh - môn thể thao được đông đảo người cao tuổi yêu thích tập luyện (Ảnh: VD)
Trong đó, hoạt động TDTT dành cho người cao tuổi luôn được quan tâm chú trọng, trở thành phong trào có sức lan tỏa khắp các xã, phường trên toàn thành phố. 100% phường, xã trong toàn thành phố đều có các câu lạc bộ Văn nghệ, TDTT dành cho người cao tuổi. Ngay cả đối với xã khó khăn nhất như xã Tam Phú (là một xã nghèo của thành phố Tam Kỳ) cũng có hàng chục câu lạc bộ văn hóa, thể thao. Các môn thể thao được người cao tuổi yêu thích tập luyện như: Bóng chuyền hơi, Cờ tướng và đặc biệt là môn thể dục dưỡng sinh. Đây là bộ môn có những động tác nhẹ nhàng, linh hoạt, nhiều bổ ích nên thu hút hội viên tham gia ngày càng đông. Để duy trì và mở rộng hình thức hoạt động TDTT trong hội viên, hội Người cao tuổi các xã, phường thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các câu lạc bộ, biểu diễn vào các dịp lễ tết, các ngày kỷ niệm như: Ngày thành lập Hội người cao tuổi Việt Nam; Ngày quốc tế người cao tuổi; ngày mừng thọ các hội viên…
Ngoài đối tượng người cao tuổi, công tác giáo dục thể chất trong các cấp học cũng được quan tâm, chú trọng. 100% số trường học triển khai áp dụng chương trình giáo dục thể chất chính khóa và một số trường đã có hoạt động ngoại khóa thường xuyên. Đặc biệt, do đặc thù là thành phố nằm ở ven biển, với bờ biển dài có nhiều bãi tắm đẹp cùng với hệ thống sông hồ khá phức tạp nên Tam Kỳ cũng quan tâm đến công tác phổ cập bơi cho học sinh cũng như phát triển phong trào Bơi lội trong thanh thiếu niên. Thực hiện chương trình Bơi, phòng chống đuối nước ngành Văn hóa – Thể thao thành phố Tam Kỳ đã tổ chức thí điểm dạy bơi trong một số trường học; đồng thời phối hợp với Tỉnh Đoàn mở lớp phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho các em trên địa bàn. (Trong dịp hè 2019, Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố đã tổ chức được hơn 10 lớp dạy Bơi với tổng số lượng học viên hơn 250 em). Công tác TDTT trong lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội) luôn được bảo với 100% cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe.
Bằng những nội dung phong phú, các hình thức tập luyện đa dạng và sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Văn hóa – Thể thao thành phố đã góp phần đưa phong trào tập luyện TDTT của quần chúng nhân dân ngày càng phát triển sâu rộng. Hàng năm, số người luyện tập TDTT thường xuyên trung bình tăng từ 1% -1,2% hàng năm, hiện nay con số này ước đạt khoảng 34%, số gia đình thể thao đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao là 26.3%. Đến nay, toàn thành phố duy trì hoạt động của 150 câu lạc bộ TDTT (mỗi CLB có từ 10 đến 25 thành viên); gần 900 đội thể thao với trên 10.000 vận động viên (mỗi xã, thôn, tổ nhân dân có ít nhất một đội thể thao).
Bên cạnh đó để đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT, các địa phương đã quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất sân bãi, nhà thi đấu, nhà tập luyện… với tổng kinh phí trong 3 năm (từ 2015- 2018) là gần 40 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT được đẩy mạnh, với sự chung tay của các doanh nghiệp, cá nhân, diện mạo các công trình TDTT ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu vui chơi, tập luyện TDTT của người dân. Các thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng với mục tiêu 100% thôn, khối phố có nhà sinh hoạt văn hóa, trong đó trên 50% thôn, khối phố có nhà sinh hoạt văn hóa đạt chuẩn, 100% xã-phường có Trung tâm Văn hóa, thể thao, trong đó trên 50% xã, phường có Trung tâm Văn hóa, thể thao đạt chuẩn.
Phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ đã giúp các nhà chuyên môn lựa chọn được nhiều vận động viên của tài năng đại diện cho thành phố tham gia thi đấu các giải của tỉnh. Và cũng nhờ đó các đoàn vận động viên thành phố Tam Kỳ luôn dẫn đầu tại các giải đấu do tỉnh tổ chức với những môn thể thao thế mạnh như: Cầu lông, Pencak Silat, Việt dã, Võ cổ truyền, Cờ tướng, Bóng chuyền nam, Bóng bàn, Karatedo, Điền kinh…
Trong đó, đặc biệt, tại các kỳ Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam, Tam Kỳ luôn chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu. Gần nhất là tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII năm 2018, Tam Kỳ đã lần thứ 4 liên tiếp giành ngôi vị cao nhất tại Đại hội. Đây là thành tích mà chưa có địa phương nào vượt qua, là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực của các huấn luyện viên, vận động viên và những người làm công tác TDTT của thành phố. Đây cũng là kết quả của sự đầu tư đúng hướng theo tinh thần Đề án phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục thể thao thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2015 -2020 đã đặt ra.
Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định mục tiêu đưa thành phố Tam Kỳ trở thành một trong những địa phương có hoạt động văn hóa, thể thao lớn nhất tỉnh Quảng Nam về cơ sở vật chất và chất lượng hoạt động. Trong đó, chỉ tiêu ở vị trí tốp 3 các giải đấu hàng năm và giải nhất hoặc nhì toàn đoàn đại hội TDTT tỉnh đã sớm được khẳng định.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Giám đốc Trung tâm VHTT&TT thành phố Tam Kỳ cho biết: “Trong thời gian tới, ngành thể thao Tam Kỳ sẽ tập trung tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp xã, phường lần thứ IX năm 2020; Đồng thời đẩy mạnh phong trào TDTT ở cơ sở, tập trung xây dựng các câu lạc bộ TDTT mũi nhọn; Duy trì và đẩy mạnh các môn có thế mạnh ngày càng phát triển như: Bóng bàn, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng đá, Chạy việt dã và các môn võ nhằm góp phần phấn đấu giữ vững lá cờ đầu về phong trào thể dục, thể thao cấp tỉnh”.
VD