You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Xuân Trường – Nam Định: đơn vị có phong trào TDTT phát triển

Trong những năm qua cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, công tác TDTT của huyện Xuân Trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân trong huyện. Nhờ đó, các phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Thông qua các hoạt động TDTT đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cũng như tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các tầng lớp nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Xuân Trường là một trong những huyện thuộc vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, màu mỡ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, nhất là nông nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, Xuân Trường có 20 đơn vị hành chính (với 19 xã và 1 thị trấn) với tổng số dân của toàn huyện là trên 19 vạn người, trong đó đồng bào theo đạo thiên chúa giáo chiếm khoảng 30%. Với đặc thù về điều kiện tự nhiên, xã hội cũng như truyền thống văn hóa,… huyện Xuân Trường đang từng bước đổi thay về nhiều mặt. Nhất là khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới.

Nhà Văn hóa thôn là nơi tập luyện của CLB Yoga của chị em phụ nữ (Ảnh; T.Huyền)

Trong 10 năm trở lại đây, diện mạo nông thôn ở khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, các phong trào văn hóa, văn nghệ và TDTT ngày càng phát triển. Trong đó, các phong trào TDTT quần chúng diễn ra sôi nổi ở khắp các địa bàn dân cư với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng về hình thức. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết ở khắp các địa phương nhiều hoạt động TDTT diễn ra sôi nổi. Bên cạnh các môn thể thao hiện đại như Bóng đá, Bóng chuyền,...  huyện chú trọng phát huy và bảo tồn các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian truyền thống như: Bơi chải, Vật, Võ, Leo cầu ngô bắt vịt, Kéo co trong các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội Đền – chùa Kiên Lao, Lễ hội làng An Cư xã Xuân Vinh, lễ hội chùa Thọ Vực xã Xuân Phong, Lễ hội làng Nhân Thọ xã Thọ Nghiệp, Lễ hội chùa Keo Hành Thiện xã Xuân Hồng… Các hoạt động thi đấu thể thao gắn với các hoạt động văn hóa đã góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Đồng thời tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và thể thao, giúp cả hai lĩnh vực  thúc đẩy, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Nổi bật trong hoạt động TDTT quần chúng là việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao và sự đồng thuận hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân từ người cao tuổi, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên…

Để đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, ngành Văn hóa- Thể thao huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của cuộc vận động cũng như tác dụng của TDTT đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao hàng năm như: Giải cầu lông, Bóng bàn được tổ chức vào các ngày Lễ lớn như: ngày thành lập ngành Thể thao (27/3), Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc Khánh (2/9)… và Ngày chạy “Olimpic vì sức khoẻ toàn dân” được tổ chức vào dịp tháng 3 hàng năm đã thu hút hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, học sinh các trường học trên địa bàn huyện tham gia.

Hàng năm, Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch huyện còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức các hoạt động giao hữu thể thao nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân, đồng thời thông qua đó góp phần tạo điều kiện để người dân trong các xã được giao lưu, chia sẻ cùng nhau phát triển kinh tế và thắt chặt tình đoàn kết. 

Bên cạnh đó, tại các xã trên địa bàn huyện nhiều giải thể thao cấp xã được tổ chức như: giải Bóng chuyền xã Xuân Tân, giải Cầu lông xã Xuân Phú hay các trò chơi dân gian được tổ chức vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Tết Trung thu …được cấp uỷ, chính quyền duy trì tổ chức thường xuyên có chất lượng chuyên môn cao, thu hút đông VĐV các thôn, xóm tham gia. Chính vì vậy, phong trào TDTT quần chúng của huyện ngày càng khởi sắc, số lượng người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng lên theo từng năm. Tính đến năm 2019, toàn huyện có 37%, người luyện tập TDTT thường xuyên, số “gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao chiếm 20% tổng số hộ dân. Toàn huyện có 20 câu lạc bộ TDTT xã, thị trấn và khoảng 150 câu lạc bộ đội thể thao ở các xóm, tổ dân phố với số lượng hàng nghìn thành viên.

Công tác giáo dục, rèn luyện thể chất trong nhà trường cho học sinh được chú trọng, 100% trường học thực hiện chương trình giảng dạy theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa thường xuyên, thu hút đông đảo học sinh tham gia tập luyện các môn: Bóng đá, Cầu lông, Điền kinh, Đá cầu, Cờ vua, Bơi lội…

Cùng với việc phát triển phong trào TDTT quần chúng, việc đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện TDTT luôn được quan tâm, đầu tư. 100% các xã, thị trấn trong huyện đều dành quỹ đất cho việc xây dựng sân chơi, bãi tập phục vụ các hoạt động TDTT theo đúng tinh thần Chỉ thị số 274/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 20 sân vận động cấp xã, 312 sân thể thao đơn giản với các sân: Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng đá mi ni, Bàn bóng bàn… Ngoài các công trình thể thao do nhà nước đầu tư kinh phí, huyện còn kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng Sân Bóng cỏ nhân tạo, Bể bơi di động, nhà tập luyện thể thao đa năng, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng từng bước được hoàn thiện và đến nay 16/20 xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng được nhà văn hóa trung tâm, hội trường đa năng; có 312 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, trong đó có 278 nhà văn hóa đạt chuẩn. Các nhà văn hóa ở thôn, xóm, tổ dân phố hay nhà văn hóa Trung tâm đều phát huy tối ưu hiệu quả và đáp ứng tối đa nhu cầu vui chơi, tập luyện TDTT của nhân dân.

Một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào TDTT của huyện phải kể đến đó là thị trấn Xuân Trường. Là đơn vị có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động thể thao khá hoàn chỉnh với 18 tổ dân phố đều có nhà văn hóa với sân thể thao, mỗi sân có diện tích từ 200-300m2 đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Tại thị trấn các câu lạc bộ TDTT đơn môn và đa môn được thành lập  ở các môn: Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng đá, Thể dục dưỡng sinh, Yoga... Riêng Bóng đá có tới trên 10 câu lạc bộ  thuộc các cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố đóng trên địa bàn như:  câu lạc bộ Bóng đá Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty May Xuân Trường, câu lạc bộ Bóng đá Đình Mộc..  Các câu lạc bộ thể thao được thành lập là nòng cốt để thúc đẩy phát triển phong trào tập luyện, thi đấu thể thao trong cán bộ, nhân dân thị trấn. đến nay Thị trấn Xuân Trường có 30% số gia đình thể thao, trong đó nhiều gia đình có 3 thế hệ tập luyện thể thao.

Không chỉ ở thị trấn Xuân Trường mà tại các xã như: Xuân Ninh, Xuân Tân, Xuân Kiên… phong trào TDTT cũng rất phát triển. Đây cũng chính là những đơn vị nòng cốt về phong trào TDTT của huyện. Tại xã Xuân Tân, phong trào văn hóa văn nghệ và TDTT luôn diễn ra sôi nổi. Với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở từng bước được nâng cấp, xây dựng hoàn chỉnh đảm bảo về số lượng, chất lượng, hiện toàn xã có 20 sân cầu lông, 21 sân bóng chuyền (mỗi sân có diện tích từ 70-150m2), 16 nhà văn hóa phân bố ở 16 xóm đã góp phần đáp ứng nhu cầu về sân chơi, bãi tập và nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT hàng ngày của người dân. Đây cũng chính là cơ sở để các các câu lạc bộ, đội, nhóm thể thao ở xã phát triển. Hiện nay xã có 2 đội múa lân - sư - rồng, 16 đội bóng chuyền, 16 hội dưỡng sinh.

Với phương châm mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện hàng ngày, thanh niên có  phong trào như “Khỏe để lập nghiệp”, phụ nữ có phong trào “Khỏe – đẹp mỗi ngày”, người cao tuổi có phong trào “Sống vui – Sống khỏe”… Tất cả đều hướng tới mục tiêu rèn luyện để nâng cao sức khỏe, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Chính vì vậy, đến với Xuân Trường vào các buổi chiều muộn hay sáng sớm, tại các nhà văn hóa của các xã, các thôn hình ảnh người dân vui chơi, tập luyện TDTT đã trở thành nét sinh hoạt quen thuộc và ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia. 

Thông qua những kết quả đạt được như trên có thể khẳng định: “việc đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, khuyến khích toàn dân rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại không những góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân mà còn tăng cường tình đoàn kết, tạo sự phấn khởi về tinh thần để mỗi cá nhân, gia đình đều nỗ lực thi đua lao động sản xuất, góp phần cùng Đảng bộ chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra, đưa Xuân Trường ngày một phát triển toàn diện, hướng tới mục tiêu trở thành huyện đạt chuẩn nông thông mới kiểu mẫu trong tương lai.

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2020 và các năm tiếp theo, huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng bằng những giải pháp thiết thực như: mở rộng và nâng cao hiệu quả phong trào TDTT ở từng thôn, xóm các xã, tổ dân phố - thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện; Tiếp tục huy động sức mạnh toàn xã hội bằng các cơ chế, chính sách phù hợp như hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa, mua sắm trang thiết bị tập luyện TDTT, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ cho việc tổ chức các giải thi đấu thể thao ở địa phương… nhằm chăm lo giáo dục thể chất cho nhân dân; Chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng vận động viên có năng khiếu để tham gia các đội tuyển của tỉnh; Khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế TDTT…

VD