Sơn Dương là một huyện miền núi nằm ở phía Nam của tỉnh Tuyên Quang, huyện có 2 tuyến Quốc lộ chạy qua là Quốc lộ 37; Quốc lộ 2C và các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết, giao thương hàng hoá, phát triển kinh tế với các tỉnh có nền kinh tế phát triển như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Sơn Dương còn là nơi trung chuyển, kết nối giao thương với các tỉnh miền núi phía Bắc. Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào… Đó là những thuận lợi để huyện Sơn Dương phát triển kinh tế - xã hội cũng như đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT.
Kể từ năm 2015 đến nay, phong trào TDTT huyện Sơn Dương đã phát triển sâu, rộng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân nơi đây. Hoạt động thể thao của huyện diễn ra ở khắp các khu dân cư thu hút mọi đối tượng từ người già cho đến các em nhỏ tham gia. Bóng đá, Cầu lông, Bóng chuyền, Chạy việt dã và Bóng chuyền hơi là những môn thể thao có sức lan tỏa rộng khắp ở cả khu vực thị trấn và nông thôn, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Với đặc thù là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên cùng với phát triển các môn thể thao hiện đại, ngành TDTT huyện Sơn Dương cũng tập trung duy trì và phát huy các môn thể thao truyền thống như: Bắn nỏ, Cà kheo, Đẩy gậy, Kéo co... Các hoạt động TDTT được tổ chức thi đấu hàng năm, thường kết hợp trong các lễ hội truyền thống. Nhờ đó, số lượng người tham gia tập luyện thường xuyên TDTT cũng tăng nhanh, đến nay tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt 29%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 22,5%. Hàng năm, ngành TDTT huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức những giải thi đấu thể thao như: Giải bóng chuyền, cầu lông, giải thể thao nông dân, Hội khỏe Phù Đổng, giải Việt dã Tiền phong, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân... thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập.
Để đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân, trong những năm qua việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện được quan tâm, đầu tư. Từ đó tạo nên diện mạo mới, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, huyện Sơn Dương được đầu tư trên 36 tỷ đồng xây mới 10 nhà và sửa chữa 11 nhà văn hóa xã, xây dựng 12 công trình thể thao cấp xã. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có nhà văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện có 399/400 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; 368 công trình thể thao thôn, tổ dân phố. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức hỗ trợ, theo đó từ năm 2015 đến nay, huyện đã huy động mọi nguồn lực với kinh phí gần 100 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa nhà văn hóa, sân thể thao thôn.
Hiện toàn huyện có 65 câu lạc bộ TDTT, 881 đội thể thao cơ sở với trên 9.464 vận động viên tham gia. Cơ sở vật chất phục vụ cho nhân dân rèn luyện thể thao cũng từng bước được đảm bảo, huyện có 593 sân thể thao, gồm: 63 sân bóng đá, 212 sân bóng chuyền, 264 sân cầu lông, 54 sân thể thao khác; 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện đều có sân bóng chuyền hơi phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu của bà con. Nhiều năm liền huyện đã đạt thành tích cao ở các bộ môn thể thao dân tộc, giải Việt dã Tiền Phong, cầu lông, bóng chuyền hơi… Tiêu biểu như: Giải nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII với 36 huy chương vàng, 17 huy chương bạc, 13 huy chương đồng; năm 2018, đoạt giải nhì cá nhân nữ trẻ tại Giải Việt dã Tiền Phong, giải nhì đội nam tại Giải bóng chuyền hơi cấp tỉnh...
Nhiều xã, thôn đã trở thành những điểm sáng trong phong trào phát triển TDTT của huyện Sơn Dương. Điển hình như xã Hồng Lạc, tập luyện TDTT đã trở thành thói quen hàng ngày của người dân nơi đây, mỗi người từ trẻ nhỏ đến thanh niên và người cao tuổi đều lựa chọn cho mình một môn thể thao thích hợp. Hoạt động sôi nổi và tiêu biểu nhất là tại các câu lạc bộ TDTT trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã đã thành lập được 3 câu lạc bộ TDTT, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của xã đạt trên 27%; xã có 20 sân cầu lông, 5 sân bóng chuyền và 1 sân bóng đá. Các trường học đều có sân bãi, dụng cụ thể thao cho học sinh tập luyện. Hầu hết ở xã Hồng Lạc, gia đình nào cũng có ít nhất một người tham gia tập luyện TDTT, chính vì vậy đến xã Hồng Lạc vào mỗi buổi chiều hay sáng sớm, không khí tập luyện TDTT của người dân luôn diễn ra sôi nổi.
Hay như ở xã Tân Trào, nhờ có một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở khang trang và đồng bộ nên phong trào TDTT xã cũng phát triển triển mạnh. Là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Tuyên Quang, Tân Trào đang từng bước xây dựng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, hiện 8/8 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn. Đặc biệt với sự đầu tư của Nhà nước cũng như cá nhân, tổ chức trên địa bàn, xã Tân Trào đã xây dựng Trung tâm văn hóa, thể thao xã có diện tích hơn 600 m2 với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động đảm bảo 350 chỗ ngồi, thuận lợi cho tổ chức các chương trình nghệ thuật và các sự kiện thể thao. Sân thể thao của xã có các dụng cụ thể thao chuyên dùng bảo đảm cho các môn thể thao chủ lực. Bên cạnh đó, xã duy trì hoạt động của 9 đội thể thao quần chúng thu hút 1.650 vận động viên tham gia.
Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao được triển khai sâu rộng ở cơ sở đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT có sức lan tỏa đến cả các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân. Thôn Đồng Thanh, xã Đồng Quý hiện có 147 hộ với 584 nhân khẩu, 85% là đồng bào dân tộc Cao Lan. Sau khi được sáp nhập 3 thôn với nhau tinh thần đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của bà con ngày càng được phát huy. Hiện thôn có 70% số hộ tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ; 75% số dân tham gia hoạt động thể dục thể thao thường xuyên. Có được kết quả này, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, sửa sang hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Nhà văn hóa thôn hoàn thành cuối năm 2019, được đưa vào sử dụng với tổng trị giá trên 430 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 135 triệu đồng và nhân dân đóng góp 352 ngày công lao động. Thôn còn thành lập được 5 đội bóng chuyền hơi, 1 câu lạc bộ dưỡng sinh, 1 câu lạc bộ hát Sình ca Cao Lan.
Trong thời gian tới, phát huy kết quả đạt được, huyện Sơn Dương sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các hoạt động văn hóa, thể thao, đặc biệt đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng hoạt động, sinh hoạt của các nhà văn hóa; nâng cấp các sân bãi và xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở... Cùng với đó tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và các chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư, huy động nguồn lực xã hội hóa cải thiện cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu tập luyện của bà con nhân dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao phát triển, nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần của người dân.
KC