You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa TDTT ở thành phố Lạng Sơn

Để phong trào TDTT ở địa phương ngày càng phát triển, thời gian qua, ngành TDTT thành phố Lạng Sơn đã có những giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá trong hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Nhờ đó, công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Hàng năm, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia tài trợ các hoạt động TDTT như: đầu tư xây dựng sân bãi, mua sắm trang thiết bị tập luyện TDTT, tổ chức các giải thi đấu thể thao với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của địa phương ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Các câu lạc bộ TDTT trên địa bàn thành phố hoạt động thường xuyên và kinh phí do hội viên tự đóng góp để duy trì tập luyện (Ảnh: VD)

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xã hội hóa đối với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có TDTT, cấp ủy Đảng, thành phố Lạng Sơn đã ban hành nhiều chính sách phù hợp với thực tế trên cơ sở bám sát các giải pháp, mục tiêu mà Nghị quyết số 05/2005/NQ-TW đã đề ra. Trong đó tập trung vào việc: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu lý luận, nâng cao nhận thức về xã hội hoá; Đổi mới chính sách và cơ chế quản lý cho phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ phát triển của đất nước (bằng việc hoàn thiện các quy chế; chuyển cơ chế hoạt động của các cơ sở công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ;  Đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước; Có chính sách ưu đãi thuế với các cơ sở ngoài công lập, đặc biệt là với các cơ sở hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận; Chính sách ưu đãi về huy động vốn và tín dụng; chính sách về đất đai - quy hoạch đất cho TDTT;  Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước)...

Nhờ đó, trong những năm qua, nhất là trong những năm gần đây, đất nước bước vào hội nhập sâu với thế giới nền kinh tế thị trường ngày càng mở ra những cơ hội mới cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với thành phố Lạng Sơn - nơi có đường biên giới giáp Trung Quốc, việc giao thương buôn bán diễn ra tấp nập. Nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ được hình thành và không ngừng gia tăng hàng năm. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cùng với sự tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, ngành TDTT thành phố cũng khuyến khích việc hình thành các Câu lạc bộ TDTT đơn môn, đa môn trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là trong các trường học với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người tham gia rèn luyện thân thể. Các câu lạc bộ TDTT được hình thành và hoạt động theo hình thức xã hội hóa, nguồn kinh phí được huy động từ các hội viên trong câu lạc bộ đóng góp.

Đến nay, toàn thành phố đã có hàng trăm câu lạc bộ TDTT, nhóm TDTT và nhiều điểm tập, phòng tập các môn thể thao như: bóng chuyền hơi, bóng đá, cầu lông, Yoga, nhảy Zumba, thể hình, khiêu vũ thể thao... do tư nhân, doanh nghiệp đầu tư để tổ chức và cung ứng dịch vụ TDTT. Các câu lạc bộ TDTT, các Trung tâm dịch vụ ra đời đã thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện hàng ngày, nhất là giới trẻ. Qua đó, góp phần tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích và giảm thiểu các tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, hàng năm, ngành TDTT thành phố cũng tổ chức hàng chục giải thể thao; phối hợp với các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể như Liên đoàn Lao động, Hội phụ nữ, Đài phát thanh, truyền hình, ngành Giáo dục và Đào tạo... tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao, tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân. Trong đó, các giải thi đấu đều nhận được sự đồng hành của nhiều cá nhân, công ty, doanh nghiệp với kinh phí hỗ trợ lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhiều giải thi đấu thể thao đã trở thành giải thường niên và có sự đóng góp về kinh phí hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa như: Giải Bóng chuyền hơi người cao tuổi thành phố Lạng Sơn, bóng đá thanh niên thành phố Lạng Sơn mở rộng; giải Việt dã Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng...

Thông qua việc tổ chức các giải thể thao, các nhà chuyên môn đã lựa chọn được những gương mặt xuất sắc bổ sung vào các đội tuyển thể thao nòng cốt của thành phố tham gia các giải thể thao do tỉnh tổ chức, giành thành tích cao. Trong nhiều năm liền, thành phố Lạng Sơn luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào TDTT của tỉnh, trong đó phải kể đến thành tích ở một số môn như: vô địch môn bóng đá và giải nhất toàn đoàn môn bóng bàn tại Đại hội TDTT tỉnh Lạng Sơn lần thứ VIII năm 2018; trong năm 2019, thành phố tham gia 10 giải thể thao do tỉnh tổ chức đạt 22 giải nhất, 22 giải nhì, 23 giải ba; giải nhất toàn đoàn giải vô địch và giải trẻ cầu lông; giải Trẻ Bóng bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2019.

Với sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp cho công tác TDTT đã góp phần giảm tải những khó khăn cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất. Hiện nay, ngoài những công trình thể thao quan trọng như nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi... các xã, phường trên địa bàn thành phố đều dành quỹ đất xây dựng nhà văn hóa cùng hệ thống sân chơi, bãi tập thể thao cho nhân dân. Theo thống kê, 100% khối phố, thôn có sân thể thao, toàn thành phố có 101 sân thể thao, nhà đa năng, các điểm tập thể thao.

Ngoài ra, thành phố còn huy động các nguồn lực xã hội đóng góp kinh phí mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT trang bị tại các địa điểm công cộng như Quảng trường, Công viên, tại các sân chơi ở khu dân cư... nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của người dân.

Sự hoàn thiện về cơ sở vật chất là yếu tố tiên quyết, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng của địa phương ngày càng nhiều khởi sắc. Tính đến nay, số người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên chiếm 45% tổng dân số toàn thành phố; tỷ lệ gia đình luyện tập TDTT thường xuyên chiếm 31%. Đây là những con số ấn tượng, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố, các tổ chức đoàn thể đối với công tác TDTT của địa phương.

Với những kết quả trên, có thể khẳng định, xã hội hóa đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo thể thao của thành phố. Với những giải pháp, cách làm hiệu quả, thành phố Lạng Sơn đã huy động được các nguồn lực từ xã hội đóng góp kinh phí, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cũng như đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ TDTT, đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện sức khỏe của người dân. Đây cũng chính là tín hiệu đáng mừng để thúc đẩy công tác TDTT của thành phố ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị về sức khỏe cũng như tinh thần của nhân dân.

VD