You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Phú Ninh - Quảng Nam làm theo lời Bác "Tự tôi ngày nào tôi cũng tập thể dục"

Lời dạy của Bác "Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục - tự tôi ngày nào tôi cũng tập thể dục" đã trở thành kim chỉ nam cho ngành TDTT huyện Phú Ninh trong việc đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT, thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với những giải pháp thiết thực, phong trào TDTT huyện Phú Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở

Một trong những giải pháp tích cực của huyện Phú Ninh là việc tập trung ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, các khu vui chơi, địa điểm tập luyện TDTT phục vụ người dân.  Các khu tập luyện TDTT ngoài trời này đã trở thành những điểm đến thường xuyên của mỗi người dân vào các buổi chiều hàng ngày, đóng góp vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Với nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, các cấp các ngành huyện Phú Ninh trong những năm qua đã có những chỉ đạo, quyết sách quan trọng để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất.

Những con số về số lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tăng nhanh theo từng năm là minh chứng rõ nét về những hiệu quả có được từ những chính sách phát triển TDTT của lãnh đạo huyện Phú Ninh. Nếu năm 2010, thiết chế cơ sở ở Phú Ninh còn khá nhiều khó khăn. Toàn huyện chỉ có 01 nhà văn hóa xã, 82/85 nhà văn hóa (NVH) thôn - khối phố, 4/10 sân vận động xã, 8/11 sân bóng chuyền bê tông. Hầu hết các thiết chế này đều không đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho các hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu; việc huy động được các nguồn lực và các cơ chế hỗ trợ xây dựng, tu sửa nâng cấp các thiết chế VH-TT chưa được vận dụng triển khai rộng rãi...

Nhiều giải thể thao đã được tổ chức thu hút đông đảo người dân tham (ẢNh: Internet)

Nhờ tập trung đầu tư đúng mức vì thế đến nay các thiết chế VH-TT cơ sở trên địa bàn huyện Phú Ninh cơ bản đạt chuẩn theo quy định. Đến nay, toàn huyện có 10/11 xã, thị trấn xây dựng, cải tạo nâng cấp Trung tâm VH-TT đảm bảo các điều kiện hoạt động, riêng thị trấn Phú Thịnh dùng chung cơ sở vật chất với Trung tâm VH-TT huyện, trong đó có 06 địa phương nâng cấp, 04 địa phương xây mới sân vận động xã. Hiện nay, các sân vận động đảm bảo thi đấu và luyện tập thể dục-thể thao, tiêu biểu như sân vận động xã Tam Phước, Tam An, Tam Lộc, Tam Đại, Tam Thái... 8 Nhà văn hóa xã xây mới, 2 trường hợp nâng cấp, trong đó có 04 địa phương hội trường nằm trong trụ sở làm việc của xã gồm: Tam Thái, Tam Lộc, Tam Vinh, Tam Đại. Về trang thiết bị, từ nguồn ngân sách các cấp hỗ trợ và đối ứng của địa phương, các Trung tâm đã mua sắm đầy đủ các thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở.

Bên cạnh đó, hàng loạt các khu vui chơi trẻ em và người cao tuổi được xây dựng trong khuôn viên nhà văn hóa thôn. Mỗi khu vui chơi có các hạng mục gồm: xích đu, cầu trượt, bập bênh, thang leo, xà đơn, xà kép, gậy, cầu lông, cờ tướng, bóng bàn... phục vụ nhu cầu vui chơi, tập luyện thể dục thể thao của trẻ em và người dân trên địa bàn. Việc hoàn thành các khu vui chơi trẻ em và người cao tuổi giúp các thôn và địa phương thu hút được đông đảo người dân tham gia tập luyện TDTT.

Có được những kết quả này, bên cạnh nguồn vốn đầu tư của huyện còn có sự chung tay góp sức của các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Nhiều sân bóng đá nhân tạo, hồ bơi,... đã được xây dựng từ sự huy động nguồn lực xã hội hóa. Cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, công tác xã hội hóa được đẩy mạnh cũng mang đến việc có nhiều nguồn kinh phí hơn trong việc tổ chức các hoạt động thể thao. Hàng năm ở cấp huyện, tổ chức khoảng  hơn 4 giải đấu lớn và hơn 30 giải hoạt động TDTT, cấp xã - thị trấn tổ chức hơn 50 giải, chủ yếu: bóng chuyền nam, nữ; bóng đá nam, nữ; cầu lông; giải cờ tướng, bóng bàn... Các CLB được mở rộng tại huyện Phú Ninh trong những năm qua. Một số CLB hoạt động tốt thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện như: CLB võ cổ truyền xã Tam An, Tam Dân, Tam Lãnh; CLB cầu lông xã Tam An, Tam Đàn, Tam Thành; CLB cờ tướng sức khỏe cộng đồng xã Tam Dân, Tam Vinh, CLB võ thuật VoViNam Tam Phước, Tam Đàn. CLB bóng bàn, bóng chuyền thôn Trường Thành, Tam Thành. Bên cạnh đó, hàng chục CLB thể dục dưỡng sinh ở tại của địa phương hoạt động rất hiệu quả, thu hút khá đông các vị cao niên tham gia tập luyện, nâng cao sức khỏe.

Đưa các trò chơi dân gian vào trường học

Bên cạnh việc tập trung phát triển các môn thể thao hiện đại, trong những năm qua huyện Phú Ninh - tỉnh Quảng Nam cũng tập trung khôi phục, duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian bằng việc đưa các trò chơi dân gian vào trong các hoạt động của thể thao trường học. Theo đó, Sở GD-ĐT huyện Phú Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động thí điểm như mô hình "Ngày hội trò chơi dân gian" tại các trường học trên địa bàn huyện. Các hoạt động thí điểm này được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như: chơi ném còn, nhảy báo bổ, đẩy gậy, cờ, nhảy lò co,... thu hút đông đảo các em học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường tham dự.

Từ kết quả đạt được của môn hình thí điểm "Ngày hội trò chơi dân gian", UBND huyện Phú Ninh đã có những chủ trương để đưa các trò chơi dân gian, văn hóa dân gian vào trong trường học. Thực hiện chủ trương này, đến nay 13/13 Liên đội khối tiểu học và 3/10 Liên đội khối THCS của huyện đã xây dựng được khu trò chơi dân gian trong nhà trường. Các trường học lồng ghép để tổ chức buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, tạo hứng khởi, thích thú cho học sinh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong người dân

Để người dân quan tâm hơn đến các hoạt động TDTT thì một trong những giải pháp hữu hiệu của huyện Phú Ninh là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của TDTT đối với sức khỏe của người dân. Nhờ đó, việc tập luyện TDTT đã dần thấm vào suy nghĩ của từng người dân và thể thao trở thành món ăn tinh thần hàng ngày của mối người dân huyện Phú Ninh. Nhiều xã, thôn đã trở thành những điểm sáng của huyện  trong công tác phát triển phong trào TDTT và cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", điển hình như xã Tam Lãnh, Tam Vinh,...

Ông Đinh Văn Truyền-Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết: Những năm qua, Tam Lãnh thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế- xã hội. Khi đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tập luyện TDTT ngày càng nâng cao. Việc tập luyện TDTT dần trở thành thói quen hàng ngày của đông đảo tầng lớp nhân dân. Các môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thường xuyên. Hiện nay, xã Tam Lãnh đã thành lập được một số câu lạc bộ (CLB) thể thao như: Cờ tướng, bóng chuyền, võ thuật, cầu lông...Các CLB thường xuyên tổ chức giao lưu thi đấu tạo khí thế thi đua luyện tập TDTT sôi nổi. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp lãnh đạo xã, TDTT đã trở thành thói quen hàng ngày của mỗi người dân trong xã. Đến xã vào mỗi buổi chiều ở mới thấy không khí sôi nổi với tiếng hò reo, cổ vũ các trận đấu Bóng chuyền, Bóng đá. Với tinh thần hăng say luyện tập mà đội bóng Tam Lãnh đã xuất sắc giành cúp vô địch tại giải bóng chuyền nữ "Bông lúa vàng huyện Phú Ninh năm 2019".

Trong khi đó, ở xã Tam Vinh lại có một hình thức mới đó là tổ chức các lớp học bóng đá thu hút đông đảo học sinh lứa tuổi từ 11 đến 16 tham gia. Sự tham gia đông đảo của các học sinh đã đưa môn Bóng đá phát triển mạnh ở xã Tam Vinh, đây cũng là nguồn lực cầu thủ dồi dào để đội bóng xã Tam Vinh có thêm nhiều gương mặt triển vọng và cũng nhờ đó mùa giải bóng đá U23 huyện Phú Ninh năm 2018, đội bóng xã Tam Vinh lần đầu tiên trong lịch sử vào đến trận chung kết và đạt ngôi vi á quân. Đây là niềm vinh dự, cũng là niềm động viên rất lớn đối với sự đi lên của phong trào TDTT trên toàn xã...

Ông Đỗ Văn Luật-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Vinh cho biết: Do làm tốt công tác tuyên tuyền phát động luyện tập TDTT, và xã hội hóa hoạt động TDTT nên nhận thức của người dân về tầm quan trọng của TDTT đối với sức khỏe con người ngày càng được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ dân số của xã tham gia luyện TDTT thường xuyên đạt trên 30%. Bên cạnh đó, các sân chơi, bãi tập cũng từng bước được xây dựng, nâng cấp đáp ứng cho hoạt động luyện tập của nhân dân. Với những hoạt động phong phú, đa dạng, phong trào TDTT quần chúng ở địa phương đi sâu vào đời sống xã hội, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư, từ cơ quan, trường học đến các hộ gia đình, tạo sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối tinh thần đoàn kết trong cộng đồng nhân dân.

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới để phong trào TDTT huyện Phú Ninh và cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" ngày càng phát triển sâu, rộng, huyện Phú Ninh sẽ tiếp tục tập trung quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ tốt hơn nhu cầu tập luyện của người dân. Huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt việc nghiên cứu đổi mới, đa dạng các hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với từng địa phương để thu hút đông đảo nhân dân tham gia; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, nhất là ở cơ sở; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao...góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trực quan, từng bước đầu tư cả về số lượng và chất lượng, đổi mới nội dung, hình thức, thể hiện được ý nghĩa và tác dụng tuyên truyền. Thông qua các hoạt động này đã duy trì, phát triển và phát hiện các nhân tố tiêu biểu trong phong trào thể thao quần chúng ở địa phương.

KC

Ảnh trong bài
  • Huyện Phú Ninh - Quảng Nam làm theo lời Bác "Tự tôi ngày nào tôi cũng tập thể dục"