You must configure this module first via "Module Settings"

Đẩy mạnh xã hội hóa là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phát triển TDTT ở Quảng Bình

Sau hơn 30 năm tái lập (từ 1989), ngành TDTT tỉnh Quảng Bình đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Chỉ tính riêng trong năm 2019, các chỉ số về phong trào TDTT quần chúng (số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao, số Câu lạc bộ TDTT..) đều đạt được những con số ấn tượng. Đặc biệt, về Thể thao thành tích cao, các VĐV Quảng Bình cũng ghi dấu ấn với nhiều tấm huy chương danh giá không chỉ ở đấu trường trong nước mà còn ở các giải đấu quốc tế như SEA Games, ASIAD... Có được sự thành công đó, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của địa phương ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Giải Bóng đá nam tỉnh Quảng Bình lần thứ 2 - Cúp Huda (Ảnh: Internet)

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức

Những năm mới tách tỉnh, sự nghiệp TDTT Quảng Bình hầu như không có một cơ sở vật chất kỹ thuật nào, đội ngũ cán bộ còn lại 12 người, lực lượng VĐV các tuyến, nhất là tuyến đang thi đấu bị giảm sút. Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và con người, kinh phí khó khăn là những trở ngại lớn đối với thể thao Quảng Bình trong nhiều năm liền. Và cho đến nay mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội đã có những bước phát triển, nhưng Quảng Bình vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất về TDTT của tỉnh còn thiếu và lạc hậu. Hiện nay, ngoài sân vận động tỉnh đã xuống cấp, ở các huyện, thị xã chỉ có thị xã Ba Đồn, TP. Đồng Hới có sân vận động có khán đài. Bể bơi tổng hợp bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Thêm nữa, hiện Quảng Bình là một trong số ít tỉnh, thành phố chưa có nhà thi đấu TDTT đa năng - đây là một trong những công trình TDTT quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển TDTT, phục vụ việc huấn luyện và đăng cai tổ chức các giải thi đấu quốc gia và quốc tế. Kinh phí đầu tư cho lĩnh vực TDTT còn hạn hẹp, lại phải thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ hàng năm cũng như các sự cố về môi trường đã gây thiệt hại không nhỏ đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh cũng như việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thi đấu thể thao và việc tập luyện hàng ngày của người dân.

Trước những khó khăn, thách thức đó, vấn đề đặt ra đó là cần phải đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ -TW về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế và TDTT. Xác định được tầm quan trọng của công tác xã hội hóa TDTT, đây là một trong những giải pháp cấp thiết cần sớm được triển khai thực hiện, ngành TDTT Quảng Bình đã ban hành các kế hoạch triển khai và thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, trong đó Quy hoạch phát triển ngành TDTT Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định: Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao dưới sự quản lý thống nhất của nhà nước. Tăng cường giao lưu, từng bước đưa thể dục thể thao thành một loại hình kinh tế, dịch vụ, đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững. Thực hiện xã hội hoá nhằm hai mục tiêu lớn: Thứ nhất là phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp thể dục thể thao. Thứ hai là tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả thể dục thể thao ở mức độ ngày càng cao. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, tăng cường các nguồn lực đầu tư. Chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích, không bao cấp tràn lan và không nhằm lợi nhuận.

Để thực hiện các mục tiêu đó, Quy hoạch cũng chỉ rõ các giải pháp để thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT đó là: Ban hành cơ chế, chính sách về khai thác các nguồn tài chính bên ngoài thông qua các thỏa thuận tài trợ, hiến tặng hoặc đồng hợp tác trong xây dựng thiết chế và trang thiết bị thể dục thể thao. Khuyến khích các doanh nghiệp thể thao đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất các mặt hàng phục vụ cho thể thao, đào tạo, huấn luyện vận động viên, tổ chức thi đấu,... được hưởng mức thuế ưu đãi trong hoạt động kinh doanh như về thuế đất, thuế vốn khấu hao cơ bản theo chủ trương của Chính phủ. Từng bước chuyển giao các hoạt động tác nghiệp trong hoạt động thể dục, thể thao cho các liên đoàn, hội thể thao thực hiện.

Những kết quả đã đạt được

Trước những thời cơ và thách thức, ngành TDTT Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực trong việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT bằng việc kêu gọi các cá nhân, tổ chức, xã hội cùng chung tay đầu tư xây dựng các công trình TDTT. Nhờ đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu rèn luyện thân thể cũng như tổ chức thi đấu các giải thể thao được nâng cấp, tu bổ và xây dựng mới hàng năm, nhất là hệ thống thiết chế văn hóa - Thể thao ở cơ sở.

Ngoài việc đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thể thao đạt tối thiểu từ 2,0 - 2,1% tổng chi ngân sách toàn tỉnh, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở trên địa bàn. Theo thống kê, ngoài các công trình Thể thao do cấp tỉnh, ở cấp cơ sở hiện có 06 huyện, thị xã đã xây dựng Trung tâm Văn hóa độc lập làm cơ sở tổ chức sinh hoạt, liên hoan, hội diễn, hướng dẫn phong trào (riêng Trung tâm Văn hóa - Thông tin thành phố Đồng Hới không có hội trường để tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Quảng Trạch do mới chia tách nên chưa được đầu tư xây dựng); 157/159 xã, phường, thị trấn đã xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, trong đó 25 Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã là một thiết chế xây dựng độc lập, 132/157 xã, phường, thị trấn có hội trường Trung tâm Văn hóa - Thể thao sử dụng chung với hội trường UBND cấp xã; 1.157 Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn, bản, khu phố/1.218 thôn, bản, tổ dân phố (trong đó 352 Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Đến nay, nhìn chung hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh cơ bản đầy đủ, đủ khả năng và điều kiện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các thiết chế văn hóa - thể thao cấp huyện đã trở thành công cụ đắc lực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từng bước đáp ứng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thể chất cho nhân dân trong tỉnh. Nhờ đó, các hoạt động TDTT quần chúng đã phát triển mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện một cách tự giác. Số lượng Câu lạc bộ, điểm tập luyện TDTT đã được hình thành ngày càng gia tăng.

Nhiều giải thể thao được tổ chức từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ các mạnh thường quân với số tiền lên đến hàng tỷ đồng như: Giải chạy Marathon Riverve Xuyên Việt 2019, Giải bóng đá Quảng Bình Cup 2019, Giải vô địch bóng đá nam tỉnh Quảng Bình lần thứ II năm 2019 tranh cúp Huda; giải Việt dã truyền thống “Tranh cúp Sacombank” – Chạy vì sức khỏe cộng đồng năm 2019;...Ngoài tài trợ cho các giải đấu, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đứng ra tổ chức các giải đấu như: giải Karatedo tranh cúp Tuệ Lâm do Công ty TNHH Công nghệ cao Tuệ Lâm tổ chức; giải bóng đá báo chí tranh cúp Trường Thịnh do Tập đoàn Trường Thịnh tổ chức…

Năm 2019, số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt 31,5%, số gia đình thể thao đạt 25,8% (vượt chỉ tiêu so với Quy hoạch đặt ra). Đã có tổng số 750 giải thi đấu thể thao được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có 6 giải vô địch cấp tỉnh, phối hợp với các ban, ngành tổ chức 28 giải thể thao; đăng cai tổ chức 2 giải quốc gia... Các hoạt động như ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân đã được tổ chức thành công và thu hút hàng ngàn lượt người tham gia; hay Lễ phát động toàn dân tập luyện môn Bơi cũng nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao Quảng Bình cũng có gặt hái được những thành tích ấn tượng trên trường quốc tế. Năm 2019, Quảng Bình đã cử các đội tuyển tham gia 28 giải thể thao cấp quốc gia và quốc tế, giành tổng số 133 huy chương (trong nước 35 HCV, 40 HCB và 41 HCĐ; quốc tế 08 HCV, 05 HCB, 04 HCĐ). Đặc biệt, tại SEA Games 30, Quảng Bình đã có 4 VĐV (ở các môn Bơi, Điền kinh, Đua thuyền canoeing và Rowing) tham dự và giành 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Trong đó, phải kể tới kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã xuất sắc giành 2 HCV (phá 2 kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m và 1500m nam), 2 HCB ở nội dung tiếp sức 4x200m và bơi biển 10km. Đặc biệt, tại giải Bơi Vô địch thế giới diễn ra tại Hàn Quốc, Nguyễn Huy Hoàng đã thi đấu xuất sắc nội dung 800m tự do, đạt chuẩn A và giành vé tham dự Olympic Tokyo.

Dù còn nhiều khó khăn trong triển khai và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, bởi số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, nhưng có thể khẳng định rằng, nhờ có chủ trương xã hội hóa mà TDTT Quảng Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong thời gian tới, để TDTT của tỉnh tiếp tục có những bước phát triển, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT vẫn là một trong những nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển TDTT của tỉnh nhà.

VD