You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Khánh Hòa với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW

Sau 10 năm (từ 2011 đến nay) triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ thể dục thể thao đến năm 2020”, công tác TDTT của tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, cả về thể thao quần chúng lẫn thể thao thành tích cao, góp phần vào sự phát triển chung của ngành TDTT nước nhà trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Công tác TDTT của tỉnh Khánh Hòa có sự phát triển mạnh mẽ cả phong trào TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Trong quá trình triển khai và thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Ủy và ngành TDTT, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TDTT đã được nâng lên rõ rệt. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban thường vụ Tỉnh ủy, sự quyết liệt đồng bộ của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu tập luyện TDTT của người dân được quan tâm, chú trọng. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng và hoàn thiện.

Thực hiện Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh, trong những năm qua, cùng với sự đầu tư ngân sách của nhà nước, Khánh Hòa đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT. Qua đó, hệ thống cơ sở TDTT công lập từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn từng bước được hoàn thiện đã góp phần giải quyết nhu cầu về sân chơi, bãi tập giúp mọi người dân đều được hưởng thụ về tinh thần, vật chất ở những công trình TDTT công lập mang tính phúc lợi xã hội toàn dân.Theo thống kê, hiện nay ngoài những công trình TDTT như Nhà thi đấu đa năng, sân vận động, tại thành phố Nha Trang và thị xã Ninh Hòa đều có hàng trăm công trình TDTT được quy hoạch, đầu tư xây dựng cùng với đó là hệ thống thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền...) ở cơ sở được hình thành và phát triển.

Với hệ thống cơ sở vật chất từng bước được hoàn thiện, hàng năm, ngành VHTTDL tỉnh tổ chức hàng ngàn giải thi đấu thể thao. Trong năm 2019, Sở đã tổ chức 24 giải, cấp huyện 148 giải, xã, phường hơn 800 giải, thu hút hàng trăm lượt vận động viên tham gia. Trong quý I năm 2020, do ảnh hưởng của dịch covid 19 nên kế hoạch tổ chức các giải thi đấu thể thao từ tỉnh đến cơ sở đều bị ảnh hưởng (nhiều giải đấu bị hoãn hoặc hủy bỏ). Các câu lạc bộ TDTT đơn môn và đa môn ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 600 câu lạc bộ TDTT; 14 liên đoàn, hiệp hội thể thao; 200 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thể thao, đáp ứng sân chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe cho mọi tầng lớp nhân dân. Ở nhiều địa phương, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã coi trọng, xác định TDTT là một trong những hình thức, biện pháp hữu hiệu để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hoá mới, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội; đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực phát triển toàn diện cả về trí và lực. Đây cũng chính là quan điểm của Đảng, nhà nước ta đối với công tác TDTT "Phát triển thể dục thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực,… đồng thời là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và của mỗi người dân, đảm bảo cho sự nghiệp thể dục thể thao ngày càng phát triển”.

Với sự tiên quyết trong lãnh đạo và chỉ đạo cùng sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào TDTT quần chúng của tỉnh Khánh Hòa đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Số người tập luyện TDTT thường xuyên hiện nay ước đạt 35% dân số, số hộ gia đình thể thao là 36.5%. Các hoạt động thể thao phong trào được duy trì tổ chức thường xuyên, trong đó phải kể đến những hoạt động có quy mô lớn và thu hút số người tham gia hưởng ứng đông đảo  như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; các giải đấu trong chương trình Đại hội TDTT từ cấp tỉnh đến cơ sở được tổ chức định kỳ 4 năm một lần, Hội khỏe Phù Đổng, các Hội thi thể thao của các ngành....

Công tác giáo dục thể chất được quan tâm, chú trọng, số trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 100%, nhiều trường tổ chức chương trình ngoại khóa với nhiều mô hình như CLB TDTT, số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể hàng năm đạt từ 99,9 - 100%. Toàn tỉnh có 35% trường học đã thành lập câu lạc bộ TDTT các môn: cờ vua, võ cổ truyền, vovinam, taekwondo, bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, aerobic. Phong trào TDTT người cao tuổi, trong lực lượng vũ trang, người khuyết tật… luôn được duy trì, đầu tư với các hoạt động tập luyện, rèn luyện thể chất, thi đấu tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, Thể thao thành tích cao của tỉnh cũng có những bước tiến vượt bậc. Năm 2018, thể thao phong trào tỉnh tham gia 13 giải toàn quốc, đạt 12 huy chương gồm 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 4 huy chương đồng. Vận động viên Châu Hoàng Tuyết Loan đã tham gia thi đấu đạt huy chương bạc, huy chương đồng môn cử tạ tại ASIAN Paralympic (Indonesia), giải vô địch cử tạ người khuyết tật châu Á tại Nhật Bản.

Điểm nhấn là tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, đoàn thể thao Khánh Hòa xếp vị trí 22 toàn đoàn trên tổng số 65 tỉnh, thành, ngành cả nước (tăng 3 bậc so với kỳ đại hội trước). Thành tích này là sự khích lệ to lớn đối với những người làm công tác thể thao của tỉnh, trong đó đáng chú ý là một số cho thấy sự phát triển mạnh như: bóng chuyền trong nhà, bóng đá futsal, Muay Thái, bóng chuyền bãi biển…Năm 2019, thể thao thành tích cao khánh Hòa tiếp tục gặt hái những thành công trong đó đáng chú ý là gương mặt trẻ Trần Nhật Hoàng – VĐV giành 3 huy chương vàng môn điền kinh ở các nội dung 400 tiếp sức, 400m hỗn hợp và 400m cá nhân tại SEA Games 30 diễn ra ở Philippines..

Cùng với những kết quả trên, công tác TDTT của tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: một số cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác TDTT; phong trào TDTT phát triển chưa đồng đều, nhất là ở các vùng nông thôn, hải đảo; công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong học sinh, sinh viên tuy có những bước phát triển nhưng còn dập khuôn, hình thức; các nguồn lực đầu tư cho TDTT còn hạn hẹn; thiếu quỹ đất dành cho thể thao; kinh phí tổ chức hoạt động phong trào ở cấp cơ sở, chế độ phụ cấp cho VĐV các đội tuyển vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Ngoài ra, vấn đề thiếu lực lượng hướng dẫn viên, cộng tác viên cơ sở cũng là một hạn chế khiến cho sự phát triển phong trào thể thao các địa phương, thể thao thành tích cao giữa các môn chưa đều.

Để đưa phong trào TDTT tỉnh ngày càng phát triển, ngành TDTT sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục thể chất, đẩy mạnh phát triển thể thao quần chúng, thể thao học đường trong đó chú trọng các môn bơi, bóng rổ, võ thuật (vovinam, võ cổ truyền); nâng cao hiệu quả công tác đào tạo tuyến vận động viên trẻ các đội tuyển tỉnh, tập trung đầu tư cho các môn thể thao có khả năng đạt thành tích huy chương ở các giải cấp quốc gia, đại hội thể thao toàn quốc; tăng cường công tác xã hội hóa, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện tập luyện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động phong trào TDTT cấp cơ sở.
 

VD

Ảnh trong bài
  • TDTT Khánh Hòa với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW