You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Sông Lô: điểm sáng trong phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại" của tỉnh Vĩnh Phúc

Là huyện miền núi, được thành lập sau cùng và không có vị trí địa lý thuận lợi như các địa phương khác, song trong những năm qua cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã là đòn bẩy đưa phong trào TDTT huyện Sông Lô phát triển sâu, rộng. Nhiều hoạt động thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên trên địa bàn huyện, thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện. Đến nay, toàn huyện có khoảng 35,5% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; có nhiều loại hình câu lạc bộ TDTT được đông đảo nhân dân yêu thích như: CLB Thể dục dưỡng sinh của Hội người cao tuổi, CLB Cầu lông, CLB Bóng đá, CLB bóng bàn, CLB Bóng chuyền và CLB Bóng chuyền hơi…

Những kết quả đạt được

Tập trung đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, sân bãi luyện tập, các thiết chế văn hóa, thể thao là một trong những định hướng quan trọng của các cấp, các ngành huyện Sông Lô trong những năm qua. Cùng sự quan tâm, đầu tư của chính quyền huyện Sông Lô và sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện hiện toàn huyện có hàng chục CLB TDTT tự phát; 17 sân vận động lớn cấp xã, 14/16 xã có nhà luyện tập thể thao, 175 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều có nhà văn hóa, có sân thể thao đơn giản phục vụ nhân dân luyện tập thể dục thể thao, 17/17 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa vui chơi, giải trí, có 17 điểm vui chơi giải trí phù hợp với trẻ em... Các sân thể thao cấp xã, sân thể thao đơn giản cấp thôn, sân chơi, nhà tập luyện từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân, nhờ đó phong trào TDTT quần chúng ở các thôn, xã nói riêng và huyện Sông Lô nói chung phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh việc đầu tư điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, ngành TDTT huyện Sông Lô cũng từng bước đa dạng hóa hình thức tập luyện, phát triển thêm nhiều môn thể thao phù hợp với nhiều đối tượng và từng lứa tuổi khác nhau như: Thể dục dưỡng sinh, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền hơi, bóng đá...

Hằng năm, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các giải thể thao với sự tham gia tích cực của đông đảo hội viên, đoàn viên cùng nhân dân. Trung bình mỗi năm, tại các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức từ 2 đến 3 giải thi đấu thể thao, cấp huyện duy trì tổ chức thi đấu 8 giải thể thao trở lên. Các giải thể thao thường được tổ chức vào các ngày lễ, Tết và dịp kỷ niệm thành ngày lập ngành... luôn, nhận được sự đồng tình của đông đảo hội viên, đoàn viên cùng nhân dân. Ngoài ra, các hoạt động như Hội khỏe Phù Đổng (được tổ chức theo chu kỳ 2 năm một lần); Hội thao công nhân viên chức- lao động; Hội thao Người cao tuổi... thu hút đông đảo các vận động viên ở mọi lứa tuổi tham gia.

Nhiều câu lạc bộ tham gia thi đấu tại các giải đấu cấp huyện, cấp tỉnh đạt thành tích cao. Điển hình trong năm 2018, đoàn thể thao huyện Sông Lô tham gia Đại hội TDTT tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ V đã giành được 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng. Hay tại Giải bóng chuyền nam truyền thống Tây thiên năm 2019, với tinh thần quyết tâm, đội bóng chuyền nam huyện Sông Lô đã đạt giải Nhì chung cuộc. Đây là những kết quả đáng khích lệ và cần được phát huy để phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục, rèn luyện thể chất trong các nhà trường được chú trọng, 100% các nhà trường trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các giờ học thể dục trong chương trình giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh, nhiều trường có các hoạt động ngoại khóa thường xuyên, thu hút đông đảo học sinh tham gia tập luyện các môn: Bóng đá thiếu niên- nhi đồng, cầu lông, đá cầu.

Lan tỏa đến từng thôn, xóm

Không chỉ phát triển mạnh ở các xã, thị trấn mà ngay tại các thôn, tổ dân phố ý thức rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại cũng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến các thôn, xã của huyện Sông Lô vào mỗi buổi chiều muộn hay sáng sớm, không khí tập luyện TDTT của người dân nơi đây diễn ra nhộn nhịp với nhiều môn thể thao phổ biến như: Bóng chuyền, Bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng đá,.... Nhiều thôn điển hình có phong trào TDTT phát triển mạnh ở huyện Sông Lô như: thôn Minh Tân, thôn Phú Cường- xã Lãng Công, thôn Đôn Mục- xã Đôn Nhân, thôn Xóm Mới của đồng bào dân tộc Cao Lan xã Quang Yên...

 

Các hoạt động TDTT lành mạnh này góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội ra khỏi khu dân cư, góp phần thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới ở nông thôn. Nhờ đó hàng năm toàn huyện Sông Lô có trên 86% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trên 92% số thôn đạt thôn văn hóa. Tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao luôn chiếm khoảng 35,5%.

Các giải thể thao giao lưu giữa các thôn, xóm được tổ chức thường xuyên, tạo sự gắn kết giữa người dân cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân mà còn tạo nên một môi trường văn hóa ngày càng trong sạch, lành mạnh, an ninh trật tự ở vùng nông thôn được giữ vững ổn định, góp phần đẩy nhanh tiến độ để huyện Sông Lô đạt huyện chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt hàng năm, vào đầu tháng Giêng, các thôn lại tổ chức Lễ hội xuống đồng kết hợp với tổ chức giao lưu bóng chuyền nam, nữ, thu hút sự tham gia của các câu lạc bộ bóng chuyền trên địa bàn và các xã lân cận.

Định hướng phát triển trong thời gian tới

Để phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, UBND huyện Sông Lô tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ từ cấp thôn đến cấp xã theo tiêu chí nông thôn mới; đẩy mạnh tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" để người dân hưởng ứng và tham gia. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích thành lập các câu lạc bộ thể thao, tìm ra những nhân tố mới có năng khiếu để tham gia các giải thi đấu TDTT các cấp.

Cùng với đó,ngành TDTT huyện Sông Lô sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động TDTT. Phòng Văn hóa- Thông tin và Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn triển khai các giải pháp nhằm thu hút đông đảo người dân tích cực tham gia luyện tập, thi đấu các môn thể thao quần chúng truyền thống, hiện đại thông qua các hội thao, các giải thi đấu, hội thi từ huyện đến cơ sở. Chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên có năng khiếu; khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất thiết chế văn hóa tập luyện TDTT từ cấp cơ sở có sẵn. Huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển TDTT, đặc biệt là khu vực miền núi còn nhiều khó khăn.

KC

Ảnh trong bài
  • Huyện Sông Lô: điểm sáng trong phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại" của tỉnh Vĩnh Phúc