You must configure this module first via "Module Settings"

Bắc Ninh đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT bằng những cơ chế, chính sách phù hợp

Trong những năm qua, công tác xã hội hóa thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia tài trợ kinh phí cho các hoạt động TDTT, đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Giải các CLB Bóng đá Thiếu niên, Nhi đồng Cúp Báo Bắc Ninh là một trong những giải đấu được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (Ảnh: Báo Bắc Ninh)

Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực TDTT còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay đầu tư xây dựng các công trình TDTT, đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị... phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân là một trong những giải pháp tất yếu để thúc đẩy TDTT phát triển.

Để huy động các nguồn lực xã hội vào các hoạt động TDTT của địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT như: nhà thi đấu, sân bóng đá cỏ mini, sân quần vợt, bóng bàn; mua sắm các trang thiết bị...Bằng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp như miễn giảm thuế, cho thuê đất với giá ưu đãi, khuyến khích thành lập các CLB, nhóm, điểm tập luyện TDTT; từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cũng như chăm lo sức khỏe của người dân, công nhân lao động.

Theo thống kê, hiện Bắc Ninh có 7 Liên đoàn thể thao, 1 Hội thể thao và trên 2000 Câu lạc bộ TDTT ở cơ sở. Ngoài ra còn có những điểm tập TDTT ở cơ sở, ở trường học, đơn vị lực lượng vũ trang… và hơn 100 cơ sở hoạt động dịch vụ TDTT, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, như các cơ sở TDTT bán công, tư nhân dưới hình thức Trung tâm TDTT, Trung tâm TD thẩm mỹ, Trung tâm TD thể hình, Doanh nghiệp tư nhân đa ngành kết hợp dịch vụ thể thao, phát triển nhanh thu hút nhiều đối tượng tập luyện, thi đấu. Với hệ thống cơ sở vật chất (nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi...) ngày càng hoàn chỉnh, hiện đại từ tỉnh đến cơ sở.

Cụ thể, hiện toàn tỉnh có hơn 30 bể bơi, 57 sân Quần vợt, gần 50 sân bóng đá cỏ nhân tạo và hàng trăm cơ sở nhà tập, phòng tập cùng hàng nghìn dụng cụ tập luyện đơn giản được lắp đặt tại các điểm vui chơi công cộng phục vụ nhu cầu tập luyện thường nhật của người dân. 8/8 huyện, thị xã, thành phố dành tổng diện tích trên 60ha quĩ đất xây dựng 3 công trình TDTT. 126 xã, phường, thị trấn qui hoạch trên 29,5ha diện tích đất cho các công trình và hoạt động TDTT, ở 732 thôn, làng, khu phố khoảng 118,4ha. Cùng với đó là 1.456 hạng mục cơ sở vật chất  TDTT do các thôn quản lý. 244/732 thôn có sân bóng đá mini, 127/732 thôn có nhà tập đơn giản và 1.085 sân bóng chuyền, cầu lông ngoài trời.

Điều này góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT của người dân. Số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh không ngừng tăng qua các năm, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 34,5%, số gia đình thể thao đạt 25,2%. 100% số trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất nội khóa có chất lượng. 

Ngoài việc đầu tư các công trình văn hóa, thể thao, hàng năm các cá nhân, tổ chức đã đóng góp, tài trợ kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và công lao động cho việc tổ chức các hoạt động TDTT lên tới hàng chục tỉ đồng. Nhiều giải đấu thường niên được tổ chức đều gắn với thương hiệu của các nhà tài trợ như: Giải chạy việt dã “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước”- Cúp Báo Bắc Ninh; giải Bóng đá thiếu niên- Cúp Báo Bắc Ninh, giải bóng đá Thanh niên Bắc Ninh- Cúp Truyền hình, giải bóng chuyền nữ Quốc tế Cúp LienViet Post Bank, Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng…

Các giải thi đấu thể thao được tổ chức bằng kinh phí xã hội hóa ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng, góp phần tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất cũng như giảm tải ngân sách nhà nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cũng như rèn luyện sức khỏe của nhân dân, nhất là lực lượng thanh thiếu niên. Sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào TDTT đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như tạo môi trường sống lành mạnh, bổ ích và đảm bảo an ninh trật tự xã hội của địa phương.

Trên lĩnh vực thể thao thành tích cao, công tác xã hội hóa cũng được tỉnh quan tâm đẩy mạnh, như khuyến khích các cá nhân, tổ chức tự túc kinh phí tham gia các giải thể thao quốc gia, quốc tế ở các môn Võ cổ truyền, Vật, Cờ vua, Quần vợt, Golf, Pencak silat... nguồn kinh phí được tài trợ cho các giải thi đấu và cho hoạt động TDTT cũng lên tới hàng chục tỷ đồng. Hàng năm, bên cạnh việc tổ chức tốt các giải thi đấu trong hệ thống giải thể thao của tỉnh, Bắc Ninh còn đăng cai tổ chức tốt các giải đấu có quy mô toàn quốc và đều nhận được sự đồng hành của các nhà tài trợ, doanh nghiệp. Trong năm 2019, ngành TDTT tổ chức thành công 14 giải thể thao cấp tỉnh, gần 70 giải cấp huyện, ngành và trên 700 giải thể thao cấp xã, gần 1.000 giải giao lưu thôn, làng, khu phố. Số kinh phí tổ chức giải thu được từ nguồn xã hội hóa lên tới hàng tỷ đồng.

Hiện Bắc Ninh đào tạo trên 300 VĐV thuộc các đội tuyển theo 3 tuyến (3 tuyến gồm đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ, năng khiếu) ở 13 môn thể thao, gồm: Vật, Karatedo, Cờ vua, Cầu lông, Boxing, Đấu kiếm, Cử tạ, Wushu, Judo, Pencak silat, Quần vợt, Bóng đá U11 và Bóng chuyền nữ. Trong đó, có những môn đã khẳng định được thương hiệu, như: Vật, Boxing, Karatedo, Cử tạ, Đấu kiếm, Bóng chuyền nữ. Các đội tuyển của tỉnh tham gia thi đấu các giải trong nước, quốc tế giành tổng cộng 300 huy chương (trong đó có 21HCV, 11HCB, 7 HCĐ của giải Quốc tế), gần vượt xa chỉ tiêu đặt ra. Hàng năm đều cung cấp 20-30 VĐV cho các đội tuyển Quốc gia, trong đó có 40-50 lượt VĐV được phong đẳng cấp Kiện tướng và VĐV cấp I.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đương Bắc - Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh: ngành TDTT Bắc Ninh đã và đang thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch hành động, thúc đẩy sự nghiệp TDTT phát triển theo đúng định hướng, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, một mặt tỉnh ban hành các văn bản quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT Bắc Ninh theo từng giai đoạn cụ thể, như Đề án “Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển thể dục thể thao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Chương trình đầu tư trọng điểm các môn thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020”, Quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài tỉnh Bắc Ninh… mặt khác đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất như: Nhà thi đấu đa năng (3.500 chỗ ngồi) với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng, cùng các hạng mục khác như: Sân vận động, nhà tập, nhà ở cho VĐV... Ngoài những công trình thể thao thiết yếu, ngành TDTT Bắc Ninh đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội đóng góp, đầu tư cho lĩnh vực TDTT bằng những cơ chế, chính sách phù hợp đã thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia.

Với những kết quả đã đạt được trong công tác xã hội hóa TDTT, trong thời gian tới, ngành TDTT Bắc Ninh sẽ tích cực đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về xã hội hóa TDTT; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển dịch vụ TDTT từ các đơn vị sự nghiệp TDTT công lập cho khu vực ngoài công lập thực hiện; thu hút đầu tư từ xã hội để xây dựng các cơ sở TDTT; khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các Câu lạc bộ TDTT cũng như tổ chức các giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp...

VD
 

Ảnh trong bài
  • Bắc Ninh đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT bằng những cơ chế, chính sách phù hợp