You must configure this module first via "Module Settings"

Lập Thạch - Vĩnh Phúc: phát triển phong trào TDTT theo hướng xã hội hóa

Trong những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao trên địa bàn huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc và đem lại hiệu quả thiết thực, trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của địa phương phát triển chính là nhờ làm tốt công tác xã hội hóa TDTT. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa TDTT với nhiều biện pháp phù hợp như tuyên truyền vận động, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách. Cùng với đó là sự nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng của việc rèn luyện TDTT đối với sức khỏe cũng như các giá trị mà TDTT mang lại đã góp phần đưa phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Nhiều CLB Yoga trên địa bàn huyện Lập Thạch ra đời và thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện (Ảnh: A.Nguyệt)

Thực hiện Nghị quyết số 05 của Chính phủ về “Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao” và Chỉ thị số 32 của Bộ VHTTDL về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao", ngành Văn hóa, Thể thao huyện Lập Thạch đã tích cực tuyên truyền, vận động các địa phương, các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí cho hoạt động TDTT. Bởi nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm, việc duy trì tổ chức các giải thể thao sẽ gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị tập luyện cũng như các thiết chế thể thao ở cơ sở còn thiếu thốn và lạc hậu, không đủ đáp ứng nhu cầu vui chơi, tập luyện của người dân ngày càng lớn.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT được xác định là một yêu cầu tất yếu nhằm thúc đẩy phong trào TDTT của địa phương. Theo đó, một loạt các giải pháp về xã hội hóa TDTT được triển khai đồng bộ như: Khuyến khích thành lập các loại hình câu lạc bộ TDTT phù hợp với lứa tuổi, hoàn cảnh và nhu cầu tập luyện của dân cư trên từng địa bàn; Huy động sự đóng góp của nhân dân vào việc xây dựng các câu lạc bộ TDTT; Xây dựng các điểm tập luyện TDTT với các trang thiết bị được huy động từ nguồn xã hội hóa. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động phong trào... Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa TDTT trong trường học như xây dựng các CLB TDTT, tổ chức các giải thi đấu thể thao, các hoạt động TDTT ngoại khóa...

Với những biện pháp quyết liệt và đồng bộ, Lập Thạch đã huy động được sự chung tay đóng góp kinh phí của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, xã, thị trấn, các đơn vị, cơ quan, các nhà văn hóa thôn, … Đến nay, 100% các xã đã quy hoạch xong khu trung tâm văn hóa xã đủ diện tích từ 10.000m2 trở lên, trong đó, có 4 xã mở rộng diện tích tại chỗ, các xã còn lại đều quy hoạch ở các địa điểm mới. 17/18 xã đã xây dựng xong nhà luyện tập TDTT đa năng; 182/214 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đảm bảo tiêu chí diện tích từ 500m2 trở lên. 179 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được xây mới và nâng cấp, mở rộng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hầu hết các thôn, xóm đều có sân vui chơi TDTT, có nhà tập, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, bóng bàn... đã đáp đáp ứng nhu cầu vui chơi, tập luyện TDTT của người dân.

Việc khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT trên địa bàn huyện ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa. Theo thống kê của ngành VHTT, đến nay, toàn huyện có trên 32% dân số thường xuyên tập luyện TDTT. Những địa phương có phong trào TDTT phát triển mạnh là: Thị trấn Lập Thạch, các xã Quang Sơn, Vân Trục, Xuân Hòa, Văn Quán, Triệu Đề, Thái Hòa...

Ngày càng nhiều CLB TDTT được thành lập và hoạt động hiệu quả. Toàn huyện có gần 100 CLB TDTT đơn môn, đa môn. Bên cạnh đó, tại các thôn, xã còn có các nhóm, điểm tập luyện TDTT được duy trì đều đặn. Hệ thống cơ sở vật chất như các sân chơi, bãi tập từng bước được đầu tư, nâng cấp bằng nguồn đóng góp kinh phí tự nguyện của các hội viên các CLB. Hình thức tổ chức và nội dung luyện tập TDTT của nhân dân ở các xã, thị trấn ngày càng phong phú, đa dạng, có tác dụng tích cực trong việc nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật. Bên cạnh đó, việc rèn luyện thể chất cho học sinh được các nhà trường chú trọng; các ban, ngành, đoàn thể của huyện cũng thường xuyên tổ chức các giải thể thao vào các ngày lễ, Tết, các dịp kỷ niệm thành lập ngành... Các giải thi đấu thể thao đều nhận được sự đóng góp kinh phí từ các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hiệp - Thị trấn Lập Thạch: CLB aerobic xóm chợ - nơi chị sinh hoạt đã đã được duy trì tập luyện nhiều năm nay mới đầu chỉ có vài người tham gia. Nay số lượng chị em đăng ký đã lên tới vài chục người. Vào các buổi chiều tối hàng ngày, chị em đều đặn tập luyện tại đây. Và cho đến nay, việc tập luyện TDTT đã trở thành thói quen không thể thiếu mỗi ngày của đông đảo chị em. Nhờ chơi thể thao thường xuyên nên, cá nhân tôi thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt, ít đau ốm. Và đây cũng là nơi chúng tôi được cùng nhau giao lưu, chia sẻ về cuộc sống, cách làm ăn kinh tế, cũng như các vấn đề về nuôi dạy con cái. Cũng chính vì vậy mà số thành viên trong CLB ngày càng gia tăng và hoạt động hiệu quả.

Chị Trần Thị Lan - Giáo viên tại một trường Trung học sơ sở cho biết: Trước đây, phong trào TDTT ở xã hầu như chỉ dành cho thanh niên, nhưng mấy năm trở lại đây, với sự phát triển về kinh tế, xã hội, đời sống người dân được nâng cao. Các loại hình CLB do tư nhân được thành lập ở nhiều nơi, với nhiều môn thể thao như Bóng chuyền, Yoga,... Sức khỏe tôi không tốt nên tôi đã đăng ký lớp Yoga (được tổ chức tại Trường mầm non của xã). Sau hơn một năm tập luyện đều đặn, bệnh đau lưng của tôi đỡ nhiều. Không chỉ tôi, mà các chị em trong xóm đều tham gia ngày một đông.

Có thể khẳng định, với sự linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, trong đó đặc biệt là sự khuyến khích phát triển các CLB TDTT đã giúp cho các tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư, xây dựng, thành lập các CLB TDTT, các Trung tâm TDTT nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân. Điều đó không những góp phần thực hiện chính sách xã hội hóa TDTT mà còn tạo ra nhiều sân chơi, tập luyện lành mạnh cho nhân dân, có ý nghĩa nhân văn rất lớn đối với xã hội, đặc biệt là tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh đối với các tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đến với Lập Thạch hôm nay, dù ở nông thôn hay thành thị, vào các buổi sáng sớm và chiều muộn, hình ảnh người dân hăng say tập luyện TDTT đã trở nên phổ biến và quen thuộc. Sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào TDTT đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ, kết nối cộng đồng, tăng tinh thần đoàn kết, nghĩa tình giữa các tầng lớp nhân dân cùng hướng đến mục tiêu đó là tích cực rèn luyện thân thể, xây dựng lối sống lành mạnh, bổ ích. Qua đó góp phần thực hiện thành công cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đưa phong trào TDTT của huyện Lập Thạch ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa.

HP
 

Ảnh trong bài
  • Lập Thạch - Vĩnh Phúc: phát triển phong trào TDTT theo hướng xã hội hóa