Phòng tập Yoga tại thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc được doanh nghiệp đầu tư đã thu hút sự tham gia tập luyện của đông đảo nhân dân (Ảnh; VD)
Theo thống kê, năm 2019, toàn tỉnh có 109/112 xã hoàn thành tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa có đủ các hạng mục: Nhà văn hóa, nhà luyện tập thể dục thể thao, sân vận động, sân khấu ngoài trời, nhà vệ sinh, hệ thống các phòng chức năng, cây xanh, đường đi, đảm bảo tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân; 1.041/1.072 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao đảm bảo đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. 100% các xã phường, thị trấn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đều dành quỹ đất cho phát triển TDTT. Trong đó, thành phố Vĩnh Yên - đơn vị dẫn đầu về TDTT của tỉnh có 28 sân quần vợt, 12 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 12 nhà tập luyện TDTT, 60 sân cầu lông ngoài trời, 50 sân bóng bàn, 4 bể bơi của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Cùng với hệ thống sân bãi, thành phố Vĩnh Yên còn đầu tư gần 30 tỷ đồng lắp đặt các dụng cụ TDTT ngoài trời tại các địa điểm công cộng như vườn hoa, công viên, quảng trường... (Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã lắp đặt trên 300 dụng cụ TDTT gồm xà đơn xà kép, dụng cụ tập Gym, vòng xoay... nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo nhân dân, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh và bổ ích, thu hút người dân tham gia tập luyện TDTT một cách tự giác.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các sân chơi, bãi tập, cũng như mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, tỉnh cũng huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao từ cấp xã đến tỉnh với số tiền lên tới hàng tỷ đồng đã góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và qua đó thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng ở Vĩnh Phúc ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và số lượng doanh nghiệp cũng không ngừng gia tăng hàng năm. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Phúc đẩy mạnh xã hội hóa TDTT bằng việc huy động các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động TDTT.
Nhờ đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, bằng những cơ chế, chính sách phù hợp như cho thuê đất với giá ưu đãi, miễn giảm thuế; Tuyên truyền, vận động nhân dân về vai trò, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe, nâng cao nhận thức về xã hội hoá thể dục thể thao; đa dạng hóa các loại hình hoạt động: khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các CLB thể thao và tổ chức các giải thể thao, hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các liên đoàn thể thao... Vĩnh Phúc đã huy động được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển TDTT. Ngày càng nhiều câu lạc bộ thể dục, thể thao được thành lập và hoạt động hiệu quả thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện, trong đó phải kể đến các CLB như CLB Yoga sống khỏe, Võ thuật, Thể dục thể hình và Fitness, Xe đạp, Bóng đá, Cầu lông, Bóng bàn,…
Chỉ tính riêng ở thành phố Vĩnh Yên đã có gần 200 CLB, nhóm, đội TDTT hoạt động thường xuyên. Đây cũng chính là nơi cung cấp cho thành phố lực lượng VĐV tham dự các giải thi đấu thể thao do thành phố và tỉnh tổ chức. Các CLB, nhóm, đội TDTT cũng thường xuyên tổ chức các giải đấu giao hữu, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tạo không khí sôi nổi, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT tại các địa phương ngày càng phát triển.
Một trong những điểm nhấn trong công tác xã hội hóa TDTT ở Vĩnh Phúc là mô hình thành lập các trung tâm TDTT do tư nhân làm chủ. Hiện tại, trong toàn tỉnh, nhiều trung tâm TDTT ra đời với cơ sở vật chất hiện đại như Trung tâm Fami Fitness (tại thành phố Vĩnh Yên). Được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay Fami Fitness tại thành phố Vĩnh Yên là một trong những trung tâm TDTT chất lượng cao hàng đầu của tỉnh. Đây là mô hình tổ hợp thể dục thể thao đa năng phục vụ mọi đối tượng người dân từ thanh thiếu niên, đến người cao tuổi với nhiều môn thể thao đa dạng như: bơi lội, gym, yoga, khiêu vũ, võ thuật, Thể hình... Không chỉ phát triển ở thành phố Vĩnh Yên, mô hình này tiếp tục được nhân rộng ở nhiều nơi như huyện Vĩnh Tường, thành phố Phúc Yên, thị trấn Tam Đảo... và được người dân lựa chọn là điểm đến lý tưởng để rèn luyện sức khỏe hàng ngày
Nhờ đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, phong trào TDTT quần chúng của Vĩnh Phúc, trong đó nòng cốt là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” có bước phát triển mạnh mẽ. Phong trào TDTT trong trường học cũng được quan tâm nhờ một phần không nhỏ vào công tác xã hội hóa. Các trường học trên địa bàn tỉnh đều chú trọng đầu tư dụng cụ tập luyện đa dạng, phong phú, nhiều sân tập, nhà đa năng được sửa chữa, nâng cấp, xây mới đáp ứng cho việc dạy và học môn Giáo dục thể chất cũng như hoạt động TDTT của học sinh, sinh viên trên toàn tỉnh.
Số câu lạc bộ, mô hình thể dục thể thao quần chúng cũng không ngừng tăng qua các năm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 700 CLB, đội, nhóm TDTT đơn môn, đa môn. Các mô hình này hoạt động hiệu quả, thiết thực, thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe thể lực cho người dân. Các chỉ số về số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên của tỉnh chiếm 32%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 23%. Đây là một minh chứng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT ở Vĩnh Phúc theo mô hình xã hội hóa. Nếu như năm 2006, Vĩnh Phúc đứng thứ 34/63 tỉnh, thành; năm 2010 tiến thêm 10 bậc, đứng thứ 24/63 và đến năm 2014 đã vươn lên đứng thứ 17/65 tỉnh, thành, ngành. Đến năm 2018, tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, Vĩnh Phúc giữ vững vị trí 17/65 tỉnh, thành, ngành tham gia. Song đáng chú ý là ở bộ môn đua thuyền, Vĩnh Phúc đã giành 6 huy chương vàng, xếp nhất toàn đoàn, khẳng định vị trí top đầu trong toàn quốc.
Tiếp đến năm 2019, các đội tuyển thể thao tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia thi đấu 34 giải quốc gia, đạt 181 huy chương, trong đó có 64 huy chương Vàng, 46 huy chương Bạc, 71 huy chương Đồng; thi đấu 6 giải quốc tế, giành 56 huy chương; trong đó có 17 huy chương Vàng, 20 huy chương Bạc, 19 huy chương Đồng. Đặc biệt, tại SEA Games 30 tổ chức ở Philippines, các vận động viên Vĩnh Phúc đã nỗ lực thi đấu xuất sắc và giành được 5 huy chương, gồm 3 huy chương Vàng, 2 huy chương Đồng ở môn: Canoeing, Võ gậy (Armis). Đóng góp vào sự thành công của Thể thao Vĩnh Phúc nói riêng, TTVN nói chung phải kể đến những vận động: Trương Thị Phương (giành 2 huy chương Vàng môn Canoeing tại SEA Games 30 và 6 huy chương Vàng tại Cup Canoeing nữ thế giới và Đông Nam Á); Vũ Thị Thanh Bình (giành 1 huy chương Vàng môn Võ gậy tại SEA Games 30), Trần Thị Quỳnh Nga (huy chương Vàng tại giải Karatedo Đông Nam Á); Đỗ Thúy Hiền (giành huy chương Vàng cá nhân 10m súng trường hơi giải Bắn súng Đông Nam Á)...
Với những kết quả mà ngành TDTT Vĩnh Phúc đã đạt được là minh chứng rõ ràng khẳng định xã hội hóa thể dục thể thao là một trong những giải pháp tất yếu nhằm thúc đẩy TDTT phát triển. Đây cũng chính là chù trương đúng đắn, kịp thời của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thể dục thể thao nước nhà. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh đối với công tác xã hội hóa TDTT, hứa hẹn nguồn lực đầu tư cho các hoạt động TDTT ngày càng lớn. Đó sẽ là một trong những tiền đề quan trọng để phong trào TDTT của Vĩnh Phúc không ngừng phát triển trong tương lai.
VD