You must configure this module first via "Module Settings"

Thanh Hóa, hướng tới đa dạng hóa hoạt động Thể dục, Thể thao giai đoạn 2021 – 2030

Đến nay sau 10 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về Thể dục Thể thao đến năm 2020, lĩnh vực Thể dục Thể thao (TDTT) của nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có sự chuyển mình rõ nét. Trong đó, phải kể đến là hoạt động TDTT của tỉnh Thanh Hóa đã tạo được nhiều dấu ấn đậm nét về thành tích cũng như sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Điều đó, thể hiện rõ nét ở cả hoạt động Thể thao đỉnh cao và Thể thao phong trào. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011-2020, hoạt động TDTT quần chúng từng bước làm thay đổi nhận thức, tầm quan trọng của việc tập luyện TDTT, nâng cao sức khỏe, thể lực, cải thiện đời sống tinh thần trong quần chúng nhân dân. Tính đến hết quý 1 năm 2020, tỷ lệ dân số toàn tỉnh tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 42%; số gia đình thể thao đạt gần 30% số hộ; 3.450 Câu lạc bộ TDTT; 100% trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất. Hàng năm tổ chức thi đấu từ 10-15 giải thể thao quần chúng cấp tỉnh, 250-280 giải thể thao cấp huyện, ngành và 1.500-1.800 giải thể thao cấp xã, phường, thị trấn; tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp và toàn tỉnh lần thứ VIII năm 2018.

Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho hoạt động TDTT có nhiều khởi sắc, với hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình TDTT, hàng tỷ đồng tổ chức các giải thể thao quy mô khác nhau. Những con số nói trên đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua. Ngoài ra, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học liên tục phát triển, gắn với thực hiện "Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030", "Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025"; chuẩn hóa trình độ đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên TDTT; huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ tập luyện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Hoạt động TDTT Thanh Hóa đạt nhiều thành tích nổi bật trong 10 năm qua (Ảnh: ThanhHoa online)

Cùng với đó, Thể thao thành tích cao Thanh Hóa luôn duy trì số lượng VĐV đào tạo tập trung, từ 27 môn (giai đoạn 2011-2015), hiện nay (giai đoạn 2016 – 2020) lên 34 môn thể thao, chủ yếu là các môn Thể thao nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, Asian Games, SEA Games. Trong những năm qua, ngành thể thao Thanh Hóa đã đưa hàng chục huấn luyện viên đi đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn công tác huấn luyện, đáp ứng theo yêu cầu mới. Hầu hết các huấn luyện viên ở các bộ môn đều có trình độ đại học và có các chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn.

Nhờ đó, chất lượng công tác huấn luyện các VĐV ở cả ba tuyến gồm năng khiếu, trẻ và đội tuyển, đã được nâng lên rõ rệt. Các bộ môn thế mạnh như: Điền kinh, Võ thuật (Vovinam, Pencak Silat, Karate, Teakwondo), Vật, Cử tạ... đều nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc và có VĐV giành được thành tích cao tại các giải khu vực, châu Á và thế giới. Bên cạnh đó, nhiều bộ môn đã được khôi phục lại, với lứa vận động viên mới đầy triển vọng, giành được thành tích đột phá ở các giải quốc gia, quốc tế như: Bơi lội, Cầu mây, Muay, Bắn súng, Đua thuyền, Boxing, Kick-boxing, Xe đạp...Đoàn thể thao thành tích cao Thanh Hóa tham gia thi đấu các giải quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới đạt thành tích đáng kể với tổng số huy chương đạt được từ 2011 đến nay là 4.889 huy chương các loại.

Kế thừa những kết quả đạt được trong 10 năm qua, bước sang giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra quan điểm phát triển toàn diện ở cả 2 lĩnh vực Thể thao đỉnh cao và Thể thao quần chúng. Qua đó nhằm nâng cao sức khỏe, tuổi thọ cho nhân dân và phát triển thể lực, tầm vóc, lành mạnh hóa lối sống của thanh thiếu niên; Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển đột phá một số môn thể thao trọng điểm; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao gắn với đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển kinh tế thể thao, phấn đấu giữ vững vị trí top đầu về TDTT của cả nước.

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu có 45,5% số người tập luyện TDTT quần chúng; 30.5% hộ đạt danh hiệu gia đình thể thao; có 3000-3500 CLB TDTT cơ sở; 90% số xã, phường, thị trấn có cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ TDTT; phấn đấu 100% trường thực hiện công tác giáo dục thể chất; 95% trường tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa ít nhất 2-3 lần/tuần; 95-100% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; phát triển mạnh các môn thể thao trong lực lượng vũ trang như: Bóng chuyền, Bóng đá, Cầu lông, Bóng bàn…

Đồng thời phát triển 35-38 môn thể thao thành tích cao; hàng năm lựa chọn 100-120 VĐV, HLV xuất sắc tập huấn, thi đấu nước ngoài dự kiến tại một số nước ở Châu Á, Đông Nam Á và Châu Âu.

Để thực hiện hóa, các mục tiêu kể trên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa xác định tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng như: Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển sự nghiệp TDTT; đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; tổ chức triển khai các hoạt động TDTT trong các dịp chào mừng ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước, của tỉnh, của địa phương và đơn vị. Bên cạnh đó tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài các cấp; tăng cường cử cán bộ, HLV, trọng tài thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Cùng với đó, ưu tiên đầu tư các môn thể thao thuộc chương trình Olympic, các môn thể thao thế mạnh của tỉnh và các môn thể thao dân tộc; tập trung nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, huấn luyện và tham gia thi đấu cho các VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh, đảm bảo tính liên thông, thống nhất và tận dụng phát huy tối đa hiệu quả đào tạo giữa các tuyến VĐV; Tập trung đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và y học TDTT gắn kết với đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường kết hợp huấn luyện thể thao với nghiên cứu khoa học và y học thể thao. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động thực tiễn tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và thi đấu của các VĐV thể thao thành tích cao.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác với các trung tâm TDTT mạnh trong nước và quốc tế, chủ động tiếp cận nền TDTT tiên tiến của các nước trong khu vực, châu lục phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương; Nâng cao trình độ quản lý nhà nước, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

N.H

Ảnh trong bài
  • Thanh Hóa, hướng tới đa dạng hóa hoạt động Thể dục, Thể thao giai đoạn 2021 – 2030