You must configure this module first via "Module Settings"

Đắk Lắk đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đạt mục tiêu trở thành Trung tâm đào tạo và huấn luyện thể thao vùng Tây Nguyên trong năm 2030

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắc Lắc đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Đắc Lắc sẽ trở thành Trung tâm đào tạo và huấn luyện thể thao vùng Tây Nguyên. Để hoàn thành mục tiêu này, trong những năm qua, Thể thao Đắc Lắc đã không ngừng phấn đấu trở thành một trong những địa phương có phong trào thể thao phát triển ở khu vực Tây Nguyên và là một trong số những đơn vị dẫn dầu trong phong trào TDTT các tỉnh miền núi trên cả nước.Một trong những điểm nhấn của thể thao Đắc Lắc trong những năm qua là sự phát triển của công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT.

Trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt sự chung tay góp sức của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng góp cho các hoạt động TDTT đã giúp thể thao Đắc Lắc đạt được nhiều kết quả khả quan. Phong trào TDTT tỉnh Đắc Lắc phát triển sâu, rộng, thu hút đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi, đối tượng tham gia tập luyện TDTT. Tính đến nay tỷ lệ người tập luyện thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh đạt 29,7%, tỷ lệ gia đình tập luyện thể thao thường xuyên chiếm 18%. 100% số học sinh từ trung học cơ sở trở lên và sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể. Trên 95% chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang đạt danh hiệu chiến sĩ khỏe, trên 90% thanh niên trong tỉnh đạt tiêu chuẩn thanh niên khỏe.

Thể thao trường học cũng được quan tâm, đầu tư, hiện 100% số trường đảm bảo giáo dục thể chất. Các trường bằng sự vận dụng sáng tạo, chủ động của mình đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, thành lập và duy trì các đội, CLB TDTT của trường nhằm làm phong phú, nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất. Nổi bật nhất là việc các trường đã nhân rộng mô hình các CLB võ thuật với sự tham gia của các em học sinh, tạo sân chơi ngoại khóa bổ ích, thiết thực để các em rèn luyện thể chất, tránh xa các tệ nạn xã hội. Nhờ đó, tỉnh Đắc Lắc đã có được nguồn vận động viên khá dồi dào, chọn lọc được những gương mặt xuất sắc nhất để đầu tư huấn luyện, tham gia các giải đấu lớn cấp tỉnh hằng năm và các kỳ Đại hội TDTT, Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh.

Phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trên địa bàn tỉnh ngày càng được nhân rộng, có sức lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, địa bàn dân cư. Nhiều công viên, hoa viên tại các góc đường có bố trí hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng và các dụng cụ luyện tập thể dục thể thao ngoài trời phục vụ cộng đồng được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, các hoạt động TDTT có quy mô lớn như: Ngày chạy Olypic vì sức khỏe toàn dân và Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước ...được duy trì thực hiện hàng năm với nhiều nội dung , hình thức phong phú.

Theo thống kê, riêng trong năm 2019 toàn tỉnh đã tổ chức 512 giải thể thao cấp xã, 112 giải cấp huyện và 18 giải cấp tỉnh, thu hút hàng nghìn vận động viên tham dự. Các giải thể thao đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người yêu thích thể thao. Đặc biệt việc tổ chức thành công các giải thể thao có sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bản tỉnh ví dụ như giải quần vợt, tranh cúp Mùa Xuân 2020. Đây là giải đấu được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa, huy động cá nhân, doanh nghiệp tài trợ trao thưởng, tạo sân chơi cho các vận động viên yêu thích trái banh nỉ giao lưu, học hỏi chuyên môn.

Bên cạnh đó, nhiều giải thể thao phong trào đã được các ngành, hội, đoàn thể phối hợp tổ chức theo hình thức xã hội hóa và gặt hái thành công. Kinh phí của các Hội, Liên đoàn và các nhà tài trợ để tổ chức các giải trong năm 2019 lên đến hơn 1 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến Giải đua thuyền nam truyền thống tỉnh (kinh phí xã hội hóa 45 triệu đồng); Giải quần vợt tỉnh mở rộng - Tranh Cúp Prince (kinh phí xã hội hóa 218 triệu đồng bao gồm cả hiện vật); Liên đoàn Bóng bàn tổ chức Giải bóng bàn các CLB tỉnh (kinh phí xã hội hóa 50 triệu đồng); Giải việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng” (kinh phí xã hội hóa 190 triệu đồng)…

Cùng với đó để đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân, phong trào xã hội hóa thể dục thể thao, huy động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể thao được quan tâm, khuyến khích, đẩy mạnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 70 sân vận động các loại, 88 nhà tập luyện đa năng, 190 sân bóng đá 11 người, 89 sân bóng rổ, quần vợt, 117 bể bơi, 153 bàn bóng bàn... Tất cả các nhà thi đấu, sân tập đều xây dựng đáp ứng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng bộ môn.

Từ nền tảng thể thao quần chúng phát triển, thể thao thành tích cao tỉnh Đắc Lắc đã đạt nhiều kết quả khả quan. Nhiều VĐV của tỉnh đã được tuyển chọn từ những giải thể thao phong trào và được bồi dưỡng, huấn luyện trở thành những VĐV tài năng mang về nhiều tấm huy chương cho tỉnh Đắc Lắc ở các đấu trường thể thao quốc gia cũng như góp công vào thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam trên đấu trường thể thao quốc tế. Cụ thể, tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XI, khu vực 2 năm 2019, Đắc Lắc xuất sắc xếp thứ Nhất toàn đoàn khi đoạt đến 19 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng. Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp Đắc Lắc xếp vị trí dẫn đầu tại hội thi này.

Cũng trong năm 2019, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh đào tạo 148 vận động viên ở các môn: điền kinh, cử tạ, boxing, kick boxing, võ cổ truyền, wushu, bắn súng, bắn cung, đua thuyền, karate, bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, bóng đá nam U17, U19, U21 và Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk. Các vận động viên tham gia thi đấu 29 giải quốc gia và đoạt 87 huy chương các loại (25 Huy chương Vàng, 31 Huy chương Bạc, 31 Huy chương Đồng).

Đặc biệt tại SEA Games 30, Đắc Lắc có 3 vận động viên tham dự và đều đoạt huy chương là Phạm Bá Hợi (Huy chương Vàng, môn kick boxing, hạng cân 54 kg), Trương Đình Hoàng (Huy chương Bạc môn boxing, hạng cân 81 kg) và Nguyễn Thị Trinh (Huy chương Bạc môn bóng chuyền nữ). Trung tâm có 9 vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia; 14 vận động viên đạt cấp kiện tướng quốc gia, 46 vận động viên đạt cấp 1 quốc gia.

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Đắc Lắc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, cùng với việc sử dụng các nguồn kinh phí nhà nước, tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, rèn luyện của bà con, cũng như tạo thêm nguồn lực để thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng, hướng tới phát triển mảng thể thao thành tích cao với các môn thế mạnh của địa phương. Đồng thời, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xây dựng chính sách, cơ chế cụ thể, tạo điều kiện ưu tiên các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp. Ngành TDTT tỉnh Đắc Lắc sẽ đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm về lĩnh vực thể thao, tổ chức các giải thi đấu thể thao thiết thực gắn với phát huy thế mạnh của các địa phương...

KC