You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa TDTT ở Cao Bằng

Thời gian qua, công tác xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, thu hút nhiều nguồn lực của các tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng của tỉnh ngày càng phát triển cả về lượng và chất.

Yoga là môn thể thao được phát triển mạnh mẽ, hiện có trên 10 CLB Yoga do tư nhân thành lập trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Ảnh: VD)

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa

Cao Bằng là tỉnh miền núi, nằm ở vùng Đông Bắc Tổ quốc với nhiều dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc phát triển TDTT cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Nguồn ngân sách địa phương dành cho lĩnh vực TDTT còn hạn hẹp, hệ thống cơ sở vật chất dành cho TDTT còn thiếu, lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu tập luyện của người dân. Trên địa bàn thành phố Cao Bằng - Trung tâm hành chính của tỉnh mới chỉ có 8 sân bóng đá, 29 sân bóng chuyền, 108 sân cầu lông, 11 sân quần vợt, 9 sân bóng rổ; gần 20 câu lạc bộ bóng chuyền hơi, cầu lông, quần vợt, bóng đá, xe đạp, cờ tướng... còn lại hầu hết các địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, hệ thống thiết chế sân bãi dành cho TDTT còn thiếu và vô cùng khó khăn. Tại các huyện như Trùng Khánh, Quảng Uyên, Trà Lĩnh, Hạ Lang, Phục Hòa, Thạch An, Thông Nông, Bảo Lạc, Hà Quảng và cả thành phố Cao Bằng vẫn chưa có trung tâm thể thao...

Trước những khó khăn đó, ngành TDTT Cao Bằng đã làm tốt công tác tuyên truyền huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình TDTT, hỗ trợ kinh phí cho các giải thi đấu TDTT. Công tác xã hội hóa TDTT được đẩy mạnh đã làm thay đổi đáng kể diện mạo hệ thống cơ sở vật chất cũng như sự đa dạng của các loại hình Câu lạc bộ TDTT trên địa bàn tỉnh, qua đó đã thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng của địa phương ngày càng khởi sắc. Quy hoạch đất dành cho TDTT, các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân được quan tâm chú trọng. Để phong trào TDTT ở cơ sở phát triển, không thể trông hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, ngành TDTT Cao Bằng đã huy động các doanh nghiệp, cá nhân, trên địa bàn đã chung tay đóng góp kinh phí, ước tính trên 100 triệu đồng/năm để sửa chữa cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động TDTT tại địa phương, tạo ra sân chơi lành mạnh, khích lệ tinh thần người dân hăng hái thi đua, lao động sản xuất.

Hiện nay, phong trào TDTT quần chúng từ tỉnh đến cơ sở ngày càng phát triển, cơ sở vật chất, thiết chế TDTT không ngừng được đầu tư, nâng cấp từ nguồn vốn xã hội hóa. Nhiều địa phương đã khắc phục khó khăn về diện tích sân bãi, tích cực đầu tư thiết bị, tận dụng không gian trống trong khuôn viên trụ sở, đơn vị để làm sân tập luyện, thi đấu. Điển hình như tại thành phố Cao Bằng, nhiều mô hình Câu lạc bộ, điểm tập TDTT do tư nhân thành lập ra đời trên địa bàn thành phố, đây là nơi giao lưu, rèn luyện sức khỏe sau những ngày lao động mệt mỏi của đông đảo nhân dân như: Câu lạc bộ Gym Thể hình Đề Thám, CLB Thể hình Cao Bằng, Yoy Fitness & yoga Center, Sân bóng đá cỏ nhân tạo Hòa An, Phòng tập thể hình thẩm mỹ Sông Hiến, Câu lạc bộ Thể hình Quảng Uyên...

Số lượng Câu lạc bộ TDTT cũng như các điểm tập TDTT do tư nhân thành lập luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện, qua đó góp phần thỏa mãn nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân; đồng thời tạo ra phong trào TDTT sôi nổi với các hoạt động phong phú. Bóng đá hiện là môn thể thao được nhiều thanh, thiếu niên ưa thích, do đó nhu cầu về sân bãi rất lớn, nhất là vào dịp hè, khi học sinh được nghỉ học, các điểm tập luyện bóng đá trên địa bàn thành phố Cao Bằng nói riêng và tại các trung tâm huyện lỵ nói chung đều hoạt động hết công suất. Vì vậy, những năm gần đây, xây dựng sân cỏ nhân tạo nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp, cá nhân.

Bên cạnh đó, phong trào tập luyện Yoga - môn thể thao khá mới mẻ ở Việt Nam cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Cao Bằng. Chỉ riêng ở thành phố Cao Bằng, hiện đã có gần 10 phòng tập, câu lạc bộ Yoga như: Phòng tập Yoga Gia Linh, Joy Fitness & Yoga Center, Câu lạc bộ Yoga Cao Bằng, Trung tâm Yoga Hiền Linh, Câu lạc bộ Yoga Thành Trung… Và ở một số huyện cũng đã xuất hiện các nhóm luyện tập Yoga. 

Cùng với đó, môn khiêu vũ thể thao cũng dược nhân dân yêu thích với số lượng Câu lạc bộ tăng nhanh, mới đầu chỉ có có 1 đến 2 Câu lạc bộ, đến nay toàn tỉnh có trên 10 Câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao hoạt động thường xuyên và số hội viên tham gia ngày một đông...

Tạo nền tảng cho TDTT quần chúng phát triển

Cùng với nguồn ngân sách nhà nước, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức xã hội, đến nay, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự chuyển biến rõ nét, quy mô, chất lượng TDTT phát triển theo hướng xã hội hóa, thu hút được mọi đối tượng tham gia. Nổi bật trong hoạt động TDTT quần chúng là sự tăng nhanh về số lượng người tham gia trong tất cả đối tượng, lứa tuổi với nhiều hình thức tập luyện. Các chỉ số về số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình TDTT hằng năm đều tăng.

Đến nay, toàn tỉnh có số người tham gia tập luyện thường xuyên đạt 27,8%; 18,5% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Cấp cơ sở tổ chức nhiều hoạt động thi đấu, giao hữu TDTT nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, lễ hội đầu xuân, mừng Đảng mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Các môn thể thao quần chúng được người dân yêu thích tập luyện như: bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng đá, quần vợt... cùng với đó, nhiều môn thể thao dân tộc được duy trì, giữ gìn và phát triển như Tung Còn, Đẩy gậy, Kéo co...

Các hoạt động TDTT quần chúng ở cơ sở được nhân dân hưởng ứng tích cực và tổ chức thành công như Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, năm 2019 có 148/195 xã, phường, thị trấn; 12/13 huyện, Thành phố tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân với 46.376 lượt người tham gia. Cùng với đó, tỉnh cũng duy trì tổ chức các giải thi đấu thể thao các cấp trong hệ thống thi đấu của tỉnh. Năm 2019 có ổ chức 15 giải thể thao cấp tỉnh với hơn 3.300 vận động viên tham dự và 39 giải thể thao quần chúng với 5.065 VĐV tham dự.

Ngành TDTT Cao Bằng cũng đã chủ động phối hợp với các ngành (như: Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng, Sở Lao động Thương Binh và xã hội), các địa phương tổ chức thành công nhiều hoạt động TDTT nhân dịp lễ hội truyền thống, các sự kiện trọng đại của đất nước. Các hoạt động thi đấu TDTT được tổ chức lồng ghép với hoạt động văn hóa tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hoạt động TDTT trong các nhà trường được duy trì bền vững và ổn định với các hoạt động TDTT ngoại khóa diễn ra sôi nổi; 100% trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất nội khóa có chất lượng. Phong trào TDTT tại các cơ quan, đơn vị cũng được quan tâm, tạo điều kiện phát triển.

Trong năm 2019 hoạt động TDTT của tỉnh luôn nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức xã hội cùng tham gia tổ chức thành công nhiều giải đấu phong trào hoặc thành tích cao dưới hình thức là nhà tài trợ. Tiêu biểu như Giải Việt dã Cao Bằng, Giải Bóng bàn các câu lạc bộ toàn quốc năm 2019, tranh Cup Vietinbank Cao Bằng, Giải Bóng chuyền hơi tỉnh Cao Bằng tranh Cúp Hưng Gia l...

Hiện nay, việc triển khai công tác xã hội hóa TDTT của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, hạn chế, ngành TDTT Cao Bằng luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch công tác hàng năm. Do vậy, cần phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội hiểu rõ về cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển TDTT. Mặt khác, cần cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tham mưu với UBND tỉnh trong việc xây dựng chính sách, cơ chế ưu đãi, để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển TDTT, tạo động lực để phong trào TDTT của địa phương ngày càng khởi sắc, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập, rút ngắn khoảng cách về TDTT với các tỉnh khu vực miền núi trên cả nước (tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - 2018, Cao Bằng xếp vị trí thứ 14/19 tỉnh miền núi).

VD
 

Ảnh trong bài
  • Xã hội hóa TDTT ở Cao Bằng