You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Thừa Thiên Huế sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác Thể dục, thể thao đối với sức khỏe nhân dân cũng như các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng, đặc biệt sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 01-12-2011 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”, do Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quán triệt, triển khai Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; đồng thời ban hành chương trình hành động cũng như những giải pháp thiết thực để thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả. Đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, công tác TDTT của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở cả phong trào TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao.

Với những cơ chế, chính sách hợp lý, Thể thao thành tích cao của Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển mạnh mẽ với lứa VĐV trẻ tiềm năng (Ảnh: Internet)

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, trong gần 10 năm qua, với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến đa dạng, linh hoạt và tích cực, việc quán triệt các nội dung của Nghị quyết đã được thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, đã nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT đối với đời sống xã hội. Từ đó, khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa người dân tự giác, tích cực rèn luyện TDTT.

Các hoạt động TDTT được tổ chức thường xuyên vào các dịp Lễ, Tết của dân tộc của địa phương với nhiều nội dung, hình thức phong phú đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Không chỉ vậy, chính các phong trào rèn luyện TDTT diễn ra sôi nổi cũng đã góp phần duy trì và thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh" ở các khu dân cư và trong công sở. Các hoạt động TDTT đã tạo sức hút lớn đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng thanh thiếu niên, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học được quan tâm, chú ý nên chất lượng cũng như hiệu quả ngày càng được tăng lên. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao trong các trường học từng bước được xây dựng, nâng cấp, mua sắm, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục thể chất. Duy trì và phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao và tuyển chọn những tài năng thể thao thông qua hệ thống các giải thể thao học sinh, Hội khỏe Phù Đổng các cấp để bổ sung lực lượng kế cận vào các đội tuyển của tỉnh.

Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đảm bảo chương trình nội khóa về thể dục thể thao cho học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 60% trường có chương trình ngoại khóa. Toàn tỉnh có hơn 700 giáo viên thể dục thể thao; 100% trường trung học cơ sở  và trung học phổ thông có giáo viên chuyên trách dạy môn thể dục; học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cơ bản được tập luyện theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Hằng năm, có 99,95% học sinh được kiểm tra và phân loại thể lực, trong đó có 98,9% học sinh đạt tiêu chuẩn đánh giá thể lực.

Nhiều môn thể thao như võ thuật, cờ vua, bơi lội, bóng đá... đã được đưa vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn. Hằng năm, đã tổ chức các lớp tập huấn bơi và cứu đuối nước, đổi mới phương pháp dạy học, nghiệp vụ trọng tài cho giáo viên thể dục. Trong 3 năm (từ năm 2016 đến 2019), tại Thừa Thiên Huế chương trình "Bơi an toàn" đã được triển khai tại khắp các địa phương trong tỉnh với gần 100 giáo viên các trường tiểu học được tập huấn dạy bơi và dạy bơi cho trên 3000 học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, ngành VHTT và Ngành Giáo dục Đào tạo Thừa Thiên Huế còn phối hợp tổ chức các lớp dạy kỹ năng sống, kỹ năng vận động, đạo đức, sơ cấp cứu khi gặp chấn thương trong tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao... vào các chương trình chính khóa và ngoại khóa; kiểm tra đánh giá kết quả rèn luyện thân thể của học sinh, tổ chức các hội thi thể thao, truyền đạt kiến thức và rèn luyện kỹ năng bơi lội cho học sinh... qua đó góp phần tạo sân chơi bổ ích, thực hiện các mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.

Với những biện pháp quyết liệt, đồng bộ đã góp phần đưa hoạt động TDTT quần chúng của tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 389.788/1.177.607, đạt tỷ lệ là 33,1%. Số hộ gia đình luyện tập thể thao đạt 66.159/266.771, đạt tỷ lệ 25,2% hộ gia đình. Số câu lạc bộ TDTT đơn môn và đa môn cũng không ngừng tăng qua các năm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 500 câu lạc bộ, điểm tập luyện TDTT hoạt động thường xuyên và luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Phong trào thể dục, thể thao trong cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân thường xuyên được duy trì, mở rộng với các môn thể thao truyền thống và hiện đại như Vật, Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng bàn, Thể dục, Võ thuật, Bơi... Hàng năm, ngành VHTT Huế tổ chức hàng ngàn giải thể thao quần chúng, các hội thi, hội thao nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động thể dục, thể thao cho người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm thực hiện.

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội về thể dục, thể thao được củng cố, duy trì và phát triển; khuyến khích thành lập mới các câu lạc bộ thể dục, thể thao ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thu hút nhân dân tham gia tập luyện; các liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ TDTT phát triển đa dạng về hình thức tổ chức, phong phú về nội dung, được thành lập rộng khắp tại các thôn, làng, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang… đã góp phần đưa phong trào TDTT quần chúng của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng có bước phát triển đột phá. Thực hiện Nghị quyết số  07/2013/NQ-HĐND, trong giai đoạn 2013- 2020, Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư vào 07 môn thể thao trọng điểm: Cờ, Karatedo, Vật, Điền kinh, Bơi - lặn, Võ cổ truyền, Taekwondo trở thành những môn thể thao có thế mạnh tham dự các giải quốc gia và quốc tế đạt thành tích cao. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành những cơ chế, chính sách thu hút vận động viên cùng chương trình huấn luyện bài bản, nên thể thao thành tích cao của Thừa Thiên Huế đã gặt hái được quả ngọt. Gần nhất, năm 2019 được coi là năm thành công nhất của thể thao Thừa Thiên Huế trong gần 10 năm trở lại đây. Các VĐV Thừa Thiên Huế đã đạt được 381 huy chương, trong đó 86 huy chương vàng tại các giải quốc gia. Ở giải quốc tế đạt 32 huy chương, trong đó có 16 huy chương vàng... Có đến 45 lượt vận động viên được Tổng cục thể dục thể thao phong danh hiệu Kiện tướng quốc gia, 38 lượt vận động viên được phong cấp I quốc gia.

Có thể khẳng định, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, công tác TDTT của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bước phát triển vững trãi. Đây chính là kết quả tất yếu của việc triển khai và thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, sự đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nói trên, công tác TDTT trêm địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở địa bàn trung tâm thành phố, huyện, xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên chưa cao, nhất là ở khu vực nông thôn. Việc sử dụng, vận hành các thiết chế thể dục, thể thao ở một số nơi chưa hiệu quả. Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu và vận động viên thành tích cao vẫn còn nhiều bất cập. Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên còn hạn chế...

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết 07/2013/NQ-HĐND và cũng là năm thứ 10 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 01-12-2011 của Bộ Chính trị, thể thao Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: Tăng tỷ lệ người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt tỷ lệ 34% dân số, số gia đình thể thao đạt tỷ lệ 25,6% số hộ; có 690 - 700 câu lạc bộ thể dục thể thao...

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, Sở VHTT Thừa Thiên Huế sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp sau: Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 16-NQ/CP của Chính Phủ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020”, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/6/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục - thể thao đến năm 2020”.

Duy trì và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện thể dục - thể thao, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hình thức tổ chức tập luyện thể dục - thể thao ở cơ sở. Tuyên truyền vận động để mỗi người dân chọn cho mình một môn thể thao, một hình thức tập luyện phù hợp để rèn luyện sức khoẻ.

Triển khai các chương trình phối hợp các ngành và đoàn thể, Liên đoàn, Hội thể thao về hoạt động thể dục thể thao trong các đối tượng (học sinh, sinh viên, CNVC-LĐ, nông dân, lực lượng vũ trang, người cao tuổi, khuyết tật). Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc đặc trưng ở các địa phương, các hình thức và phương pháp rèn luyện sức khoẻ. Tổ chức tốt các hoạt động TDTT nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, tạo ra các phong trào TDTT lành mạnh, thiết thực trong quần chúng nhân dân.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể thao nhằm huy động sức mạnh xã hội chăm lo giáo dục thể chất cho nhân dân, nâng cao nhận thức trong việc tập luyện thể dục thể thao trở thành nhu cầu của đa số nhân dân, làm cho mọi người dân đều được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa thể thao nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao tầm vóc và thể trạng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực đáp ưng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành, các doanh nghiệp để đầu tư, sử dụng cơ sở hạ tầng và các phương tiện tập luyện thi đấu.

VD

Ảnh trong bài
  • TDTT Thừa Thiên Huế sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW