You must configure this module first via "Module Settings"

Thành phố Móng Cái - Quảng Ninh: đơn vị điển hình về xã hội hóa TDTT

Những năm gần đây cùng với việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền, sự chung tay của nhiều tổ chức xã hội cũng như của các cá nhân, tập thể trên địa bàn thành phố trong việc thực hiện công tác xã hội hóa trong lĩnh vực Thể dục thể thao theo tinh thần Chỉ thị số 05/CT-TW của Chính phủ. Ngoài nguồn kinh phí của nhà nước, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, đã góp phần đưa phong trào Thể dục thể thao của thành phố Móng Cái ngày càng có nhiều khởi sắc và trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh Quảng Ninh.

Chủ trương đúng đắn!

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, phát triển Thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe cho nhân dân được coi là một nhiệm vụ quan trọng cần phải quan tâm đầu tư phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nên nguồn nhân sách nhà nước dành cho lĩnh vực Thể dục thể thao còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy việc đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tạo điều kiện cho Thể dục thể thao có cơ hội phát triển là một yêu cầu tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh đất nước cũng như địa phương đang từng bước hội nhập với thế giới. Thành phố Móng Cái là một trong những trung tâm hành chính lớn của tỉnh Quảng Ninh, nơi có đường biên giới trên biển và đất liền dài hơn 70 km với nước bạn Trung Quốc nên việc đẩy mạnh phát triển Thể dục thể thao không chỉ có ý nghĩa nhằm tăng cường sức khỏe, thể lực nhân dân mà còn tạo môi trường lành mạnh, giao lưu đoàn kết trong nhân dân, qua đó góp phần giữ vững trật tự, an ninh, quốc phòng.

Để công tác xã hội hóa trong lĩnh vực Thể dục thể thao, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã phối hợp triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết số 05 của Chính phủ về “Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao” và Chỉ thị số 32 của Bộ VH-TT&DL về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao”. Bám sát vào các mục tiêu, nhiệm vụ toàn ngành VHTTDL tỉnh Quảng Ninh nói riêng, thành phố Móng Cái nói chung đã không ngừng nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực xã hội đóng góp vào sự phát triển phong trào Thể dục thể thao của địa phương, góp phần đưa thể thao tỉnh Quảng Ninh xứng đáng trở thành một trong những trung tâm thể thao lớn của cả nước.

Xác định tầm quan trọng cũng như vai trò của công tác xã hội hóa đối với sự phát triển của ngành VHTTDL, trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao luôn được quan tâm. Các thiết chế thể thao ở cơ sở cũng từng bước được hoàn thiện và nâng cấp. Cùng với nguồn kinh phí từ nhà nước, ngành VHTTDL thành phố Móng Cái đã huy động các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp ủng hộ kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất vào hoạt động Thể dục thể thao.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố có 12 nhà tập luyện và thi đấu thể thao (trong đó có 1 nhà thi đấu cầu lông do Thành phố đầu tư ngân sách 266 triệu đồng; 6 Nhà thi đấu đa năng trong chương trình chuẩn hoá các trường), 87 sân cầu lông, 22 sân bóng chuyền, 33 bàn bóng bàn, 74 sân bóng đá, 14 sân Tennis và 03 bể bơi, 01 sân golf. Bình quân mỗi xã, phường có: 5 sân Cầu lông, 1 sân bóng chuyền, 4 sân bóng đá và mỗi thôn, khu dân cư có 2 điểm dành cho hoạt động tập luyện Thể dục thể thao phục vụ nhân dân. Công tác quy hoạch đất dành cho Thể dục thể thao đang từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt, trong mấy năm trở lại đây, kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, công tác xã hội hoá Thể dục thể thao không ngừng được chú trọng với nhiều các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, các đoàn thể xã hội, cá nhân đứng ra xây dựng, điều hành hoạt động hệ thống sân bóng đá cỏ nhân tạo, hệ thống các bể bơi, sân quần vợt.... Nguồn lực xã hội ngoài nguồn ngân sách Nhà nước đóng góp cho lĩnh vực Thể dục thể thao hàng năm trên địa bàn thành phố lên tới hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức thi đấu các giải thể thao.

Hiệu quả là tất yếu

Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực Thể dục thể thao, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia tập luyện hàng ngày. Trong đó, yếu tố cơ sở vật chất là một trong những vấn đề then chốt góp phần quyết định sự phát triển của phong trào Thể dục thể thao. Có sân chơi, bãi tập cũng như các trang thiết bị tập luyện Thể dục thể thao tại các địa điểm công cộng đã giúp người dân tích cực tham gia các hoạt động rèn luyện thân thể một cách tự giác và tạo thành phong trào rộng khắp với nhiều loại hình Câu lạc bộ Thể dục thể thao đơn môn, đa môn. Các Câu lạc bộ Thể dục thể thao hoạt động thường xuyên và luôn thu hút số hội viên tham gia đông đảo như các Câu lạc bộ Bóng bàn, Cầu lông, Yoaga, Thể hình, Tennis, Bóng chuyền, Thể dục dưỡng sinh, Bóng đá...

Cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, hàng năm, Thành phố tổ chức từ gần 20 giải thể thao cấp thành phố, tại các xã phường tổ chức 120 -150 giải. Các nguồn kinh phí tổ chức giải được huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đóng góp lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài việc tham dự các giải thi đấu trong tỉnh, hàng năm, Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thi đấu thể thao với các địa phương trong và ngoài nước; thường xuyên duy trì hoạt động giao lưu cầu lông với các Huyện, Thị miền Đông của Tỉnh. Tổ chức giao lưu cầu lông với liên đoàn cầu lông Tỉnh, CLB cầu lông Uông Bí; giao lưu với CLB bóng bàn Báo Quảng Ninh... Nhiều đơn vị đã chủ động duy trì tốt các hoạt động giao lưu - thể thao với  thành phố Đông Hưng- Trung Quốc...

Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong các trường học ở các cấp học cũng luôn được quan tâm đẩy mạnh với 100% trường học thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục thể chất theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài chương trình giáo dục thể chất chính khóa, 100%  trường từ bậc Tiểu học, Trung học cơ sở đến bậc Trung học phổ thông bước đầu đã quan tâm tới các hoạt động ngoại khóa nhự việc thành lập các CLB, đội thể thao trong nhà trường, thường xuyên tổ chức thi đấu các môn thể thao trong trường học và tham gia các giải thể thao cấp Thành phố ở các môn: Bóng đá, Cầu Lông, Bóng bàn, Cờ vua, Điền kinh… Qua các giải cấp tỉnh, phong trào TDTT trong trường học đã thực sự khẳng định kết quả và có đóng góp xứng đáng cho thành tích chung vào sự nghiệp phát triển Thể dục thể thao của Thành phố.

Điều đáng ghi nhận là các trường học trên địa bàn thành phố đều quan tâm đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ dạy và học môn giáo dục thể chất cũng như các hoạt động tập luyện ngoài khóa đa dạng, phong phú, nhiều sân tập, nhà giáo dục thể chất đa năng được nâng cấp, tu sửa và đầu tư mới.

Với sự nỗ lực của toàn ngành TDTT Thành phố cùng sự chung của các mạnh thường quân đã giúp phong trào TDTT quần chúng tại thành phố Móng Cái có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Hàng năm các chỉ số về số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao của Thành phố đều tăng năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên tăng (năm 2012: 28,2%, năm 2015: 35 %); Tỷ lệ gia đình thể thao cũng được nâng lên (năm 2012: 19%, năm 2015: 26,5% và từ 2016 đến nay con số này luôn đạt trên 60%); 

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, Thể thao thành tích cao của Thành phố Móng Cái cũng từng bước khẳng định vị thế ở một số bộ môn thế mạnh. Mỗi năm Thành phố tham gia 12 – 14 giải thể thao cấp tỉnh. Các đoàn Vận động viên của Thành phố luôn giành thành tích cao tại các giải thi đấu do tỉnh tổ chức, trong đó một số môn như: Cầu lông, Bóng bàn, Quần vợt, Pencak Silat, Taekwondo, Bóng đá Thiếu niên- Nhi đồng luôn giành được kết quả cao cả về thành tích cá nhân và giải toàn đoàn (đứng trong tốp ba toàn tỉnh). Đây cũng chính là những môn thể thao thế mạnh, mũi nhọn của Thành phố trong nhiều năm nay. Nhiều vận động viên tiêu biểu của thành phố cũng đã được tuyển chọn tham gia đội tuyển của tỉnh để thi đấu ở các giải toàn quốc và giành huy chương. 

Để có được kết quả trên, theo chia sẻ của Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái Vũ Minh Tiến: Thời gian qua, TP Móng Cái đã vận dụng linh hoạt cơ chế, thực hiện nhiều mô hình xã hội hóa để xây dựng các sân chơi, phát triển phong trào. Tiêu biểu là mô hình sân chơi theo hình thức nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Mô hình hình thành trên cơ sở nguồn quỹ đất đã được quy hoạch sẵn dành cho khu vui chơi, tổ hợp thể thao mà chưa được nhà nước đầu tư do thiếu nguồn lực. Những địa điểm này được giao cho doanh nghiệp xây dựng các sân bóng nhân tạo, tổ hợp vui chơi trong khoảng thời gian nhất định. Hiện mô hình này đang thực hiện thuận lợi ở các phường Hải Yên, Trần Phú. Hoặc mô hình ở những cơ quan, xí nghiệp có quỹ đất cho các CLB hay tổ hợp đầu tư, không thu tiền thuê đất, xây dựng sân chơi, sân quần vợt, cùng quản lý hoạt động. Các mô hình hoạt động tốt và mang lại hiệu quả rõ rệt. Vì thế, chúng tôi mong rằng, cách làm này sẽ được nghiên cứu, vận dụng nhân rộng một cách linh hoạt, hiệu quả hơn thời gian tới để phát triển phong trào TDTT quần chúng.

VD