Từ những chủ trương đúng đắn....
Pleiku (tỉnh Gia Lai) là thành phố lớn thứ 3 tại Tây Nguyên, được coi là đô thị quan trọng nhất của vùng Bắc Tây Nguyên, chính vì thế ngân sách Nhà nước đầu tư cho tổ chức hoạt động cũng như xây dựng cơ sở vật chất về Thể dục thể thao để phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được quan tâm. Điều đó, thể hiện ở việc trong nhiều năm qua lãnh đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku luôn bám sát các chủ chương chính sách và định hướng phát triển về Thể dục thể thao của tỉnh Ủy, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Gia Lai; Đồng thời, luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Chính phủ về "Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao”, Chỉ thị số 32 của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về "Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao”.
Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện về cơ chế, pháp lý nhằm thu hút khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay tham gia tổ chức thi đấu các giải thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, hay đầu tư chiến lược đào tạo lực lượng vận động viên trẻ cũng như các hoạt động Thể dục thể thao khác của tỉnh. Theo đó, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về Thể dục thể thao như: các liên đoàn thể thao, hội thể thao riêng biệt từng môn, các câu lạc bộ Thể dục thể thao cơ sở lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả.
Ngoài ra, thành phố Pleiku đặc biệt chú trọng, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động Thể dục thể thao trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu và sở thích tập luyện của nhân dân; hình thành nhiều sân tập Thể dục, thể thao, sân Bóng đá, Bóng chuyền, Bể bơi, các sân Quần vợt với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Bên cạnh việc thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về Thể dục thể thao, thành phố Pleiku luôn chủ động trong việc ký kết các chương trình phối hợp hoạt động văn hóa, thể thao với các ngành, đoàn thể qua từng giai đoạn theo chiến lược phát triển của thành phố và tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Từ đó, góp phần đáng kể trong việc đẩy mạnh phát triển công tác xã hội hóa Thể dục thể thao những năm vừa qua. Tính riêng, giai đoạn 2016-2020 đã có hàng chục đơn vị, ngành, đoàn thể trong thành phố Pleiku ký kết các chương trình phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh để cùng tổ chức hoạt động cũng như huy động các nguồn lực tham gia phát triển Thể dục thể thao.
…Đến hiệu quả tích cực
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, cấp cơ sở cũng như sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân cùng những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tính đến tháng 12/2019 tỷ lệ số người tập luyện Thể dục thể thao trên toàn thành phố đạt 35,5 % và 26% gia đình luyện tập thể thao thường xuyên. Cùng với đó, các loại hình tập luyện, hội thi, hội thao, các câu lạc bộ Thể dục thể thao phát triển phù hợp và thu hút nhiều đối tượng tham gia như: Đại hội thể dục thể thao, Hội khoẻ Phù Đổng, các giải thể thao quần chúng… Hằng năm, thành phố tổ chức từ 12 đến 15 giải thi đấu thể thao với các môn Thể thao: Điền kinh, Chạy việt dã, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ tướng; các bộ môn Thể thao truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số như: Bắn nỏ, Kéo co, Đi cà kheo…
Hiện thành phố Pleiku có gần 100 sân Bóng đá, 99 sân bóng chuyền, 39 sân Quần vợt, 12 nhà tập Thể dục, 10 điểm sinh hoạt Bóng bàn, 6 hồ bơi mi ni, 12 cơ sở tập luyện thẩm mỹ, 20 điểm tập võ thuật, 127 dụng cụ Thể dục thể thao ngoài trời. Một số cơ quan, đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà tập luyện thể dục thể thao đa năng như: Quân đoàn 3, Binh đoàn 15, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và phát triển…
Một số mô hình Thể dục thể thao mang tính điển hình được mọi người quan tâm như: Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Học viện bóng đá Hoàng Anh - Asernal JMG; sân vận động Hoàng Anh Gia Lai có quy mô 17.000 chỗ ngồi với kinh phí đầu tư 50 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã đầu tư kinh phí thành lập đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai với mức chi cho hoạt động lên đến 2 tỷ đồng/năm…
Bên cạnh đó, việc hình thành và phát triển nhanh các câu lạc bộ, các hội, nhóm thể dục thể hình, Thể dục thẩm mỹ, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng đá, Tennis,… đã góp phần thúc đẩy các hoạt động Thể dục thể thao phát triển rộng khắp, tăng cường sức khỏe, hoàn thiện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thành phố.
Mặc dù, công tác xã hội hóa Thể dục thể thao trên địa bàn thành phố Pleiku đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn khá khiêm tốn nếu so sánh với các địa phương khác có phong trào thể thao phát triển trong cả nước. Một trong những nguyên nhân là do, quá trình triển khai và thực hiện các chủ trương về hoạt động xã hội hóa Thể dục thể thao vẫn còn gặp những hạn chế nhất định như: một số nơi phong trào Thể dục thể thao quần chúng phát triển còn chậm; việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ Thể dục thể thao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thời gian tới để công tác xã hội hóa Thể dục thể thao trên địa bàn thành phố ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu tập luyện Thể dục thể thao,toàn ngành thực hiện tốt nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng, đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung xã hội hóa Thể dục thể thao, nhằm nâng cao nhận thức, thu hút mọi nguồn lực xã hội, mọi thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động phát triển Thể dục thể thao; Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện và khuyến khích các nhà đầu tư, nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân đóng góp đầu tư xây dựng các công trình Thể dục thể thao; Vận động nhân dân tích cực tham gia rèn luyện sức khoẻ, phát triển các môn thể thao truyền thống của địa phương.
Đồng thời, khuyến khích phát triển các cơ sở thể thao ngoài công lập, chuyên nghiệp hoá thể thao thành tích cao. Tổ chức các giải thi đấu thể thao quần chúng để thu hút đông đảo nhân dân tham gia; quan tâm phát hiện, bồi dưỡng các tài năng thể dục thể thao để tập trung đào tạo, bồi dưỡng tham gia thi đấu các giải thể thao trong và ngoài nước. Chú trọng biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp vào công tác xã hội hóa thể dục thể thao của thành phố.
N. H