Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 33 -35%
Đối với các hoạt động thể dục thể thao quần chúng, Hà Nam đã xây dựng, điều chỉnh bổ sung Đề án xây dựng thiết chế thể dục thể thao gắn với thiết chế văn hoá, khu vui chơi giải trí ở cơ sở đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển thể dục thể thao cơ sở đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình xã điểm về phát triển thể dục thể thao quần chúng và thực hiện thí điểm nội dung Đề án xây dựng và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hà Nam.. Xây dựng thí điểm các mô hình hoạt động thể thao phù hợp với điều kiện của các địa phương, loại hình cơ quan đơn vị, trên cơ sở các mô hình thành công tiếp tục nhân rộng ra các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tuyển chọn, đào tạo và cử VĐV tham gia Đại hội thể thao người cao tuổi, người khuyết tật toàn quốc. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 30%; tỷ lệ gia đình tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 23%. Toàn tỉnh có 300 CLB thể dục thể thao hoạt động hiệu quả; cấp tỉnh thành lập được 12 liên đoàn, hội thể dục thể thao; cấp huyện thành lập được 30 liên đoàn, hội thể dục thể thao. Trong năm 2018, năm tổ chức giải thi đấu thể dục thể thao, trong đó có 9 giải cấp tỉnh, 50 giải cấp huyện; số giải thi đấu do các liên đoàn, hội thể dục thể thao tổ chức đạt 7 giải. Đảm bảo 50% xã, thị trấn trong toàn tỉnh có thiết chế văn hóa, thể thao đạt tiêu chuẩn xây dựng văn hóa nông thôn mới. Định hướng đến năm 2030 có 100% số xã, thị trấn trong toàn tỉnh có thiết chế văn hóa, thể thao đạt tiêu chuẩn xây dựng văn hóa nông thôn mới. Tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 33-35%; Tỷ lệ gia đình tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 25-30%;
Hoạt động thể dục thể thao trường học cũng đặc biệt được quan tâm, đầu tư, theo đó Hà Nam sẽ đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao trường học từ tiểu học đến trung học phổ thông theo nội dung Đề án tổng thể phát triển thể lực người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Triển khai thực hiện quy hoạch cơ sở giáo dục, đào tạo có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động thể dục thể thao theo quy chuẩn quốc gia. Thực hiện cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy thể dục thể thao theo hướng kết hợp với các hoạt động giải trí, chú trọng nhu cầu tự chọn của học sinh. Củng cố và phát triển hệ thống thi đấu thể dục thể thao giải trí thích hợp với từng cấp học, từng vùng, địa phương. Gắn liền việc phát triển thể dục, thể thao ngoại khóa với công tác xây dựng các CLB năng khiếu tuyến II của tỉnh. Hỗ trợ xây dựng các loại hình CLB thể thao trong trường học có các môn thể thao trọng điểm; có chế độ khuyến khích đối với học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa trong các CLB, các lớp năng khiếu thể thao. Phổ cập dạy và học bơi đối với học sinh phổ thông, đảm bảo 100% trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa; chú trọng hỗ trợ địa phương có nhiều ao, hồ, sông.
Mục tiêu đến năm 2020 có 100% số trường trung học cơ sở; 50-60% trường tiểu học thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa. Số trường học phổ thông có CLB thể dục thể thao, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên thể dục thể thao, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đạt tỷ lệ 55-60%. Có 85,5% số học sinh phổ thông các cấp được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể. Và định hướng đến năm 2030 có 100% trường tiểu học thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa; 100% số trường học phổ thông có CLB thể dục thể thao, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên thể dục thể thao, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa. 95-98% số học sinh phổ thông các cấp được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
Lực lượng vũ trang là một phần không thể thiếu trong việc đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao quần chúng, do vậy Hà Nam đã đưa ra những kế hoạch cụ thể để phát triển các hoạt động thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang như: hoàn thành xây dựng tiêu chuẩn các đơn vị giỏi về huấn luyện thể lực và hoạt động thể dục thể thao; chú trọng những nội dung tập luyện thể thao có tính đặc thù của một số đơn vị quân đội. Tỉnh hỗ trợ công tác tổ chức hội thao cấp tỉnh, quân khu và thi đấu thể dục, thể thao của các đơn vị theo đặc thù của lực lượng vũ trang quân đội; Thực hiện rèn luyện thân thể và thể dục thể thao bắt buộc đối với cán bộ, chiến sỹ công an nam từ 18-45 tuổi, chiễn sỹ nữ từ 18-35 tuổi. Tăng cường tập luyện võ thuật, bắn súng quân dụng; khuyến khích tập luyện các môn Bóng (Bóng chuyền, Bóng bàn, Bóng đá...), Điền kinh, Bơi lặn, Quần vợt, Cầu lông. Phát triển hệ thống các CLB thể dục thể thao và dịch vụ thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ tiếp cận với hoạt động thể dục thể thao. Xây dựng hệ thống thi đấu thể thao phù hợp với môi trường, điều kiện công tác của từng loại hình lực lượng vũ trang. Đến năm 2020, số lượng cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khoẻ tăng lên 85,5% tổng số cán bộ, chiến sỹ và định hướng đến năm 2030 con số này đạt tỷ lệ 88-90% tổng số cán bộ, chiến sỹ.
Đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp
Trong năm 2020, Hà Nam sẽ tập trung xây dựng và thực hiện đề án thành lập trường năng khiếu thể dục thể thao; CLB bán chuyên nghiệp; dự án xây dựng cơ sở vật chất và kế hoạch đăng cai tổ chức thi đấu các môn thể thao quốc gia phù hợp với nhiệm vụ cụ thể từng giai đoạn, đảm bảo tính kế thừa và phát triển mạnh mẽ, bền vững của Thể thao thành tích cao và Thể thao chuyên nghiệp đồng thời phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và tiềm lực kinh tế của tỉnh nhà. Chọn lựa phát triển các môn thể thao có trong chương trình thi đấu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Đại hội Thể thao Olympic; nâng cao thành tích thi đấu đối với các môn thể thao mà Thể thao thành tích cao và Thể thao chuyên nghiệp của Hà Nam có thế mạnh.
Nghiên cứu, tổ chức đào tạo, huấn luyện thêm một số bộ môn thể thao khác trong nhóm I và II (được xác định trong Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020). Phấn đấu tổng số VĐV được đào tạo tập trung đạt khoảng 200 - 300 người. Phấn đấu đoạt 1-2 huy chương vàng tại các kỳ SEA Games, 5 huy chương khác tại giải khu vực và quốc tế (Hiện tỉnh Hà Nam đang có 15 VĐV cấp kiện tướng; 12 lượt VĐV tham dự đội tuyển Trẻ và đội tuyển Quốc gia). Tổ chức đào tạo huấn luyện bổ sung từ 2-3 bộ môn thể thao. Hoàn thành xây dựng hệ thống đường đua xe đạp, bể bơi, khu đua thuyền, 1-2 sân gôn.
Phấn đấu đến năm 2030, Thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp tỉnh Hà Nam đạt được thành tích nổi bật trong các đại hội, kỳ thi đấu thể dục thể thao trong nước và quốc tế. Các bộ môn Thể thao thành tích cao có sự phát triển ổn định về số lượng và chất lượng. Từng bước phấn đấu đào tạo 8-14 bộ môn Thể thao thành tích cao, trong đó có các bộ môn thể thao trọng điểm là: Điền kinh, Bơi, Vật, Võ, Bóng đá, Đua thuyền Canoeing, Xe đạp; đồng thời giữ vững hoặc nâng cao thành tích thi đấu của đội Bóng đá nữ. Phấn đấu hàng năm tham dự 5 giải thi đấu khu vực Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) và các giải thi đấu quốc tế khác.
Đội tuyển thể thao của tỉnh phấn đấu xếp vị trí trong nhóm 25-30 tại Đại hội Thể dục, thể thao Toàn quốc. Phấn đấu đoạt 3-4 huy chương vàng, 10-12 huy chương khác tại giải khu vực và quốc tế. Tỉnh có 30 VĐV cấp kiện tướng; 20 lượt VĐV tham dự đội tuyển Trẻ và đội tuyển Quốc gia. Số bộ môn thể thao được đào tạo huấn luyện đạt 14-15 bộ môn. Bên cạnh đầu tư phát triển nhóm các môn thể thao trọng điểm, Thể thao thành tích cao Hà Nam bổ sung thêm 3-4 môn thể thao có tiềm năng đoạt huy chương. Tỉnh có nguồn VĐV ổn định tham gia tập huấn tại các Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao quốc gia, tập huấn tại nước ngoài, bước đầu mời các chuyên gia nước ngoài tham gia huấn luyện 2-3 bộ môn Thể thao thành tích cao trọng điểm. Hoàn thành xây dựng hệ thống sân gôn. Phát triển lực lượng VĐV gôn tham gia các giải thi đấu Thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp.
Đối với các hoạt động dịch vụ thể dục thể thao, phấn đấu đến năm 2020 nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đào tạo, huấn luyện, tổ chức thi đấu Thể thao thành tích cao (Bóng đá, Điền kinh, Bơi lặn, Quần vợt...) đạt khoảng 4-5 tỷ đồng/năm. Thành lập bổ sung Liên đoàn Cờ vua - Cờ tướng, Hiệp hội ô tô - xe máy, Hiệp hội thể thao người cao tuổi; có thêm 4-5 cơ sở kinh doanh đào tạo, huấn luyện, luyện tập và thi đấu các môn Thể thao thành tích cao và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho VĐV. Định hướng đến năm 2030, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đào tạo, huấn luyện, tổ chức thi đấu Thể thao thành tích cao đạt khoảng 10-20 tỷ đồng. Tỉnh có 2-3 cơ sở đầu tư quy mô lớn về lĩnh vực đào tạo, huấn luyện, luyện tập và thi đấu các môn Thể thao thành tích cao và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho VĐV. Thành lập thêm 2-3 Liên đoàn, Hiệp hội thể dục thể thao. Hình thành thị trường chuyển nhượng cầu thủ, VĐV thể thao.
KC