You must configure this module first via "Module Settings"

Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch Vùng duyên hải Bắc bộ

Trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành một trong những thành phố phát triển mạnh ở các lĩnh vực quản lý. Với mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch Vùng duyên hải Bắc bộ, ngành VHTTDL Hải phòng đã đưa ra những kế hoạch và mục tiêu cụ thể theo lộ trình phát triển từ nay đến năm 2025 và định hướng năm 2030.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

Ở lĩnh vực Văn hóa, đến năm 2020 đặt mục tiêu mỗi chuyên ngành văn học nghệ thuật có từ 1- 2 tác phẩm chất lượng đạt giải thưởng cấp quốc gia trở lên; đến năm 2025, có 2 - 3 tác phẩm chất lượng đạt giải thưởng cấp quốc gia trở lên; đến năm 2030, có 3-4 tác phẩm chất lượng đạt giải thưởng cấp quốc gia trở lên. Tỷ lệ gia đình văn hóa đến năm 2020 đạt 90-95%, đến năm 2025 và năm 2030 đạt trên 95%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đến năm 2020 đạt 75-80%, đến năm 2025 đạt 90-92%; đến năm 2030 đạt 93-95%.

Lĩnh vực Du lịch cũng nhiều khởi sắc với mục tiêu đến năm 2020 đạt 7,5-8 triệu lượt khách (trong đó có 1,1-1,3 triệu lượt khách quốc tế); đến năm 2025 đạt 9-9,5 triệu lượt khách (trong đó có 1,5-1,7 triệu lượt khách quốc tế); đến năm 2030 đạt 10-10,5 triệu lượt khách (trong đó có 2,2-2,5 triệu lượt khách quốc tế). Đến năm 2020, doanh thu đạt 3.500-4.500 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt 5.500-6.500 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt 9.000-12.000 tỷ đồng.

Riêng đối với lĩnh vực thể dục thể thao, trong những năm tới Hải Phòng sẽ tập trung phát triển thể dục thể thao quần chúng; Thể dục thể thao trong trường học; Thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang; Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; Dịch vụ thể dục thể thao cũng như hạ tầng cơ sở phục vụ cho thể thao.

Chỉ tiêu cụ thể đặt ra là tỷ lệ dân số tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đến năm 2020 đạt 35%, đến năm 2025 đạt 36-37%, đến năm 2030 đạt 39-40%; tỷ lệ hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục, thể thao đến năm 2020 đạt 20-25%, đến năm 2025 đạt 25-27%, đến năm 2030 đạt 28-30%. Số lượng CLB thể thao cũng tăng nhanh qua các năm, nếu năm 2020, Hải Phòng đặt mục tiêu đạt 2660 CLB thì con số này sẽ đạt 2800 CLB vào năm 2025 và 2900 CLB vào năm 2030.

Cùng với đó, Hải Phòng tập trung phát triển thể thao trường học, theo đó tỷ lệ trường trên địa bàn thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt tỷ lệ 100%; Tỷ lệ trường học thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đạt 90% năm 2020; đến năm 2025 đạt 98-99% và đạt 100% vào năm 2030. Tỷ lệ học sinh phổ thông các cấp được đánh giá về xếp loại thể lực theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo từ 90-95% vào năm 2020 và mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100%. Phấn đấu vị trí trí xếp hạng của đoàn học sinh Hải Phòng tham dự các kỳ Hội khỏe Phù Đổng Toàn quốc năm 2020 là vị trí thứ 8 và từ kỳ Hội khỏe Phù Đổng Toàn quốc năm 2024 và 2028 sẽ xếp vị trí thứ 7.

Đối với Thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang, đặt mục tiêu đến năm 2020 có tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt và vượt các định mức quy định theo tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt 95-98% và đạt 99% từ năm 2025; Duy trì từ 13-14 môn thể thao tập luyện thường xuyên trong lục lượng vũ trang, gồm: Cầu lông; Quần vợt; Bóng chuyền; Bóng đá; Bơi lặn; Bóng bàn; Bắn súng; các môn phối hợp của thể thao quốc phòng; Chạy việt dã; Võ thuật; Cờ vua; Cờ tướng; Điền kinh

Song song với việc phát triển thể thao quần chúng, Hải Phòng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao. Theo đó, đến năm 2020 sẽ tập trung đầu tư, phát triển 15 môn thể thao trọng điểm gồm: Thể dục dụng cụ, Vật, Cử tạ, Đua thuyền, Bắn cung, Điền kinh, Bơi, Boxing, Bắn súng, Đấu kiếm, Thể dục Aerobic, Nhảy cầu, Bóng chuyền bãi biển, Pencak-Silat và Bóng đá. Đoàn thể thao Hải Phòng xếp hạng vị trí trong tốp 5 các đơn vị dẫn đầu tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục củng cố vững chắc thành tích thi đấu của 15 môn thể thao trọng điểm; bổ sung phát triển thêm 4 môn là Lặn, Judo, Karatedo, Golf.. Đoàn thể thao thành phố xếp hạng vị trí trong tốp 4 đơn vị dẫn đầu tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc.

Các nhóm giải pháp thực hiện

Đó là giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính, đất đai và đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, Hải Phòng sẽ tập trung khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển văn hóa, thể thao và du lịch bằng cơ chế: ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng; hỗ trợ giải phóng mặt bằng; xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu (giao thông, điện nước; thông tin liên lạc...); hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại; tạo sự thông thoáng về thủ tục hành chính trong đầu tư. Thực hiện chính sách hỗ trợ tái định cư dự án xã hội hóa văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên bố trí khu đất có vị trí thuận tiện và quy mô phù hợp với các công trình văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao khi lập quy hoạch sử dụng đất. Khi quy hoạch các khu dân cư, khu công nghiệp, đô thị mới... dành quỹ đất phù hợp và thuận lợi để xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Tổ chức chương trình, hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế nhằm thu hút và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

Tiếp đó là nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực, theo đó Hải Phòng sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển đội ngũ cán bộ làm văn hóa, thể thao toàn diện, có năng lực từ thành phố đến cơ sở. Xây dựng và ban hành chế độ đãi ngộ nhằm tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ cao vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Quan tâm đầu tư cho các thiết chế đào tạo năng khiếu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao. Mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.

Xây dựng và thực hiện Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trong trường học; gắn với việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 của Chính phủ; thực hiện chương trình, kế hoạch hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức quản lý, viên chức khối đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng: vận động viên thể thao thành tích cao, nghệ sỹ sau khi không còn tham gia thi đấu và biểu diễn nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu; người lao động trong các doanh nghiệp, ngành du lịch.

Nhóm giải pháp thứ ba, đó là tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; hoàn thiện tổ chức bộ máy, chính sách cán bộ. Thực hiện thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; đưa nội dung quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các địa phương, từng cấp, từng ngành. Quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, các cơ chế, chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

Triển khai theo quy chế phối hợp giữa các ban, ngành, chính quyền các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Tổ chức quy hoạch nguồn nhân lực quản lý và chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Hoàn thiện tổ chức bộ máy trung tâm văn hóa- thể thao các cấp, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao, cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch. Có tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý tham mưu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa cũng là một trong những nhóm giải pháp quan trọng của Hải Phòng trong kế hoạch phát triển đến năm 2030. Theo đó, Hải Phòng sẽ đảm bảo tỷ lệ đầu tư từ ngân sách thành phố cho các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn tài chính hợp pháp để đầu tư xây dựng các công trình, hạ tầng cơ sở phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa giáo dục đào tạo văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; cho vay ưu đãi đầu tư từ quỹ đầu tư phát triển của thành phố; hỗ trợ cơ sở sự nghiệp công lập văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao (hoặc bộ phận trong cơ sở sự nghiệp công lập) áp dụng cơ chế xã hội hóa theo Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố; thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng chính sách sử dụng dịch vụ xã hội hóa.

Khuyến khích phát triển các hình thức kinh doanh thể thao, đặc biệt là các loại hình thể thao gắn với du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch biển đảo; các hình thức cung ứng dịch vụ y học thể dục thể thao; các loại hình kinh doanh sản phẩm du lịch có khả năng tạo nguồn thu cao. Hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu thị trường; tăng cường hỗ trợ từ ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa cho hoạt động xúc tiến quảng bá văn hóa, du lịch. Lựa chọn thực hiện đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa theo hình thức đối tác công tư. Vận dụng có hiệu quả các quy định của nhà nước nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, quan tâm thực hiện tốt chính sách như xã hội hóa hoạt động văn hóa, đẩy mạnh các biện pháp thực hiện chính sách khuyến khích sáng tạo, chính sách ưu đãi đầu tư.

Cùng với đó, Hải Phòng sẽ tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân về vị trí, vai trò của văn hóa, thể thao, du lịch trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức xã hội ứng xử văn hóa, văn minh, bảo vệ các di tích, tài nguyên du lịch. Thực hiện tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm văn hóa và du lịch của thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch trong nước và quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tăng cường các chương trình, chuyên mục trên Đài Phát thanh- Truyền hình Hải Phòng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng, thực hiện các chương trình tuyên truyền giới thiệu trên các đài truyền hình trong nước và quốc tế về hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch của thành phố.

Thực hiện đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch vào thực tiễn. Tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực: nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh; bảo tàng; thư viện; tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao; xúc tiến, quảng bá du lịch. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch để phục vụ công tác dự báo, thông tin tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến đầu tư. Triển khai đồng bộ hệ thống quản lý thông tin bằng công nghệ số trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; đẩy mạnh áp dụng hình thức thanh toán điện tử; bố trí các trạm kết nối internet không dây tốc độ đường truyền cao, miễn phí tại các khu, điểm du lịch.

Chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động giữa văn hóa, gia đình, thể dục thể thao gắn với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Tập trung khai thác thế mạnh của các di sản văn hóa để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch - văn hóa; du lịch tâm linh độc đáo; kết hợp các môn thể thao (như các môn thể thao mạo hiểm) với các hoạt động du lịch nhằm tăng sức thu hút du khách. Ứng dụng y dược dân gian vào phục vụ chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho các vận động viên và phục vụ khách du lịch. Tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc tế kết hợp với các sự kiện văn hóa để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của thành phố. Triển khai lồng ghép các tiêu chí về văn hóa, thể thao trong việc xây dựng tiêu chí xã nông thôn mới và bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình thể thao; thôn làng, tổ dân phố văn hóa; cơ quan doanh nghiệp đơn vị văn hóa.

KC