You must configure this module first via "Module Settings"

Yên Lạc - Vĩnh Phúc: là một trong những đơn vị dẫn đầu về TDTT của tỉnh Vĩnh Phúc

Hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của đông đảo nhân dân, phong trào TDTT của huyện Yên Lạc ngày càng phát triển mạnh mẽ với số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 40% dân số. Trong nhiều năm liền, Yên Lạc luôn giữ vững thành tích là một trong những đơn vị điển hình về TDTT của tỉnh.

Yoga - môn thể thao thu hút các chị em tham gia tập luyện (Ảnh: VD)

Để khơi dậy tinh thần tập luyện TDTT trong nhân dân nhằm góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn huyện, ngành VHTTDL đã luôn quan tâm, chú trọng tới việc tổ chức các hoạt động thể thao phong phú, đa dạng tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích và có sức hấp dẫn đông đảo người dân tham gia, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng. Trung bình mỗi năm huyện Yên Lạc đều tổ chức từ 7-10 cuộc thi đấu thể thao, mở từ 3-4 lớp hướng dẫn thể dục thể thao, duy trì hoạt động thường xuyên của 6 CLB tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện; mỗi xã, thị trấn tổ chức từ 4 cuộc thi đấu thể thao; các thôn, làng duy trì hoạt động rèn luyện thể thao thường xuyên với các môn: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền hơi…

Bên cạnh đó là các hoạt động như: ngày chạy Olympic, đi bộ đồng hành, thi đấu bóng đá mini, cầu lông, bóng bàn, Thể dục dưỡng sinh,... cũng luôn thu hút số lượng người dân tham gia đông đảo. Ngoài các giải thi đấu thể thao do ngành VHTTDL tổ chức, tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao giao hữu, hội thao, hội thi văn nghệ thể thao, Hội khỏe Phù Đổng...

Cùng với điều kiện kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhận thức về vai trò của việc tập luyện thể thao đối với sức khỏe nhờ đó được nâng lên. Với phương châm mỗi người dân tự lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, thể lực để tập luyện hàng ngày đã thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT trong nhân dân ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Các phong trào TDTT đều phát triển một cách tự giác, có sức lan tỏa mạn mẽ và từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đông đảo nhân dân.

Đến với Yên Lạc vào buổi sáng sớm hay chiều muộn, đâu đâu cũng thấy không khí sôi động với các hoạt động tập luyện TDTT đa dạng. Phong trào tập luyện TDTT không chỉ phát triển tại các cơ quan, trường học, trung tâm hành chính huyện mà ở các xã nông thôn, người nông dân sau những buổi làm đồng cũng tích cực tập luyện các môn thể thao phù hợp với điều kiện về thời gian, kinh phí.... Những môn thể thao được người dân yêu thích lựa chọn tập luyện đông đảo như: cầu lông, bóng bàn, quần vợt, đi bộ, bóng đá, aerobic, yoga,...

Điểm nhấn trong phong trào TDTT của huyện Yên Lạc trong năm qua đó là việc chỉ đạo và tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở và Đại hội TDTT huyện Yên Lạc lần thứ V với sự tham dự của 900 VĐV của 26 đoàn, tranh tài ở 9 môn thi đấu gồm: Bóng đá, bóng chuyền hơi, Bóng bàn, Cầu lông, Việt dã, Điền kinh, Vật, Cờ tướng. Các môn thi đấu tại Đại hội đều đảm bảo chất lượng chuyên môn, các đoàn, các VĐV chấp hành tốt những quy định của Ban Tổ chức, điều lệ Đại hội; thi đấu quyết tâm, tạo sự tranh đua quyết liệt. Trong đó, Lễ khai mạc Đại hội TDTT cấp huyện đã tạo ấn tượng sâu sắc, giàu bản sắc văn hóa dân tộc và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt, đoàn VĐV huyện Yên Lạc tham gia Đại hội TDTT tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ V năm 2018 đã xuất sắc giành 05 HCV, 8 HCB, 8 HCĐ và xếp hạng đứng thứ 3 toàn đoàn…

Để có được kết quả trên, ngoài việc duy trì tổ chức các hoạt động TDTT phong phú, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền 100% xã, thị trấn trong toàn huyện đều dành quỹ đất quy hoạch xây dựng các thiết chế TDTT. Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị phục vụ cho việc tập luyện TDTT của người dân không ngừng được đầu tư, nâng cấp bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa. Theo thống kê, toàn huyện có 10 sân vận động cấp xã, 69 sân bóng chuyền, 245 sân cầu lông. Gần 100% các thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa, sân thể thao, trong đó có 68/162 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa được xây mới; 100% các nhà văn hóa xã, thôn trong huyện được hỗ trợ kinh phí mua sắm cơ sở vật chất, các thiết bị thiết yếu: Bộ loa âm thanh, trang trí, khánh tiết, bàn ghế, tủ sách pháp luật và một số dụng cụ tập luyện TDTT đơn giản như bàn bóng bàn, lưới....

Hầu hết các Trung tâm văn hóa thể thao, Nhà văn hóa đều đã phát huy được công năng sử dụng, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT và các hoạt động khác để nhân dân trên địa bàn tham gia như: Tổ chức hoạt động các CLB Người cao tuổi; sinh hoạt hè cho thiếu nhi; liên hoan văn hóa, văn nghệ trong các dịp lễ, Tết; tổ chức các cuộc thi, hoạt động quần chúng ở địa phương; thi đấu bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, kéo co... Cơ sở vật chất, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho luyện tập TDTT ngày càng được tăng cường. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia các Câu lạc bộ TDTT, rèn luyện thân thể, sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa góp phần nâng cao sức khỏe và có đời sống tinh thân lạc quan trong cuộc sống, phòng chống các loại bệnh tật, xây dựng nếp sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư.

Thông qua việc duy trì tốt các hoạt động TDTT ở xã, thị trấn, thôn, làng, phong trào TDTT quần chúng luôn được duy trì và phát triển theo hướng tự giác, có tổ chức. Nhiều môn thể thao đã trở thành thế mạnh của huyện như: cầu lông, bóng bàn, bóng đá, cờ tướng, đi bộ…. Tính đến nay, toàn huyện có 121 câu lạc bộ TDTT đang hoạt động, thu hút trên 40% dân số tham gia luyện tập TDTT thường xuyên.

Bên cạnh những kết quả đat được, phong trào TDTT của huyện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: phong trào TDTT quần chúng tuy có phát triển nhưng chưa đều, chất lượng chưa cao, đặc biệt ở các xã; các xã còn thiếu các phương tiện tập luyện và cán bộ hướng dẫn; công tác giáo dục thể chất trong nhà trường và các hoạt động tập luyện thể thao ngoại khoá của học sinh chưa có bước chuyển biến mạnh mẽ. Công tác quản lý nhà nước về TDTT còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT còn kiêm nghiệm, cơ chế chính sách dành cho các hoạt động TDTT còn nhiều bất cập, chưa tạo được sức hút đối với các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho TDTT.

Để phong trào TDTT của huyện được phát triển rộng khắp thì các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động mọi đối tượng quần chúng nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu TDTT nhằm nâng cao sức khỏe để học tập, lao động và bảo vệ tổ quốc. Phát triển phong trào TDTT quần chúng, tăng cường tổ chức các hoạt động TDTT trong các ngày Lễ, Tết của đất nước, địa phươg, đan xen việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực này. Gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào TDTT với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đặt ra trong năm 2019 đó là 100% các xã, thị trấn tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT tại Trung tâm văn hóa của xã, nhà văn hóa của thôn, làng.

VD