Những kết quả đạt được
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, phong trào TDTT quần chúng được triển khai tổ chức rộng khắp tại các thôn, tổ dân phố, vùng sâu, vùng xa và ở các cơ quan, xí nghiệp, KCN trong tỉnh, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn dân; đồng thời tăng cường sức khỏe, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Từ các giải đấu TDTT phong trào ở cơ sở, các địa phương đã chọn lựa những cá nhân xuất sắc để tham gia giải đấu cấp huyện và cấp tỉnh. Qua thành công của Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI - 2018, với sự tham gia của hơn 500 vận động viên, huấn luyện viên thuộc 14/14 huyện, thành phố và các ngành công an, quân đội, giáo dục... thu hút hàng nghìn lượt người xem, cổ vũ đã khẳng định phong trào TDTT quần chúng đang phát triển mạnh. Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao để động viên, cổ vũ phong trào. Giải thể thao ở cơ sở thường gắn với dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, tạo không khí vui tươi và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao ngày càng cao của nhân dân.
Ðể đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân, các thiết chế thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 70 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo do cá nhân, doanh nghiệp xây dựng, ước tính vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cá nhân, doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào công tác xã hội hóa TDTT bằng việc tổ chức các giải phong trào, như giải bóng đá vô địch tỉnh, bóng đá futsal, bóng chuyền, giải chạy việt dã, giải cầu lông, quần vợt... Qua đó, góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và người dân. Ước tính kinh phí của các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xã hội hóa TDTT trong năm 2018 khoảng 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều CLB thể thao như: Cầu lông, bóng bàn, tennis, xe đạp, yoga... cũng “nở rộ”. Các Trung tâm TDTT Diên Hồng, Nhà thi đấu Đa năng tỉnh, Nhà thi đấu T.50... đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tập luyện, thu hút nhiều người dân đến luyện tập thể thao thường xuyên. Nhờ đẩy mạnh đầu tư các thiết chế thể thao và sự phát triển sâu rộng của thể thao quần chúng, đã giúp nhiều giải thi đấu phong trào được duy trì và mở rộng. Điển hình như: Giải bóng đá Đoàn khối Các cơ quan tỉnh đã tổ chức 12 năm liên tiếp; Giải cầu lông tỉnh Quảng Ngãi mở rộng (tổ chức đến lần thứ 10)...
Từ việc phát triển thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Ngãi đã đạt nhiều thành tích trên đấu trường thể thao trong nước, khu vực và thế giới. Với những môn thể thao thế mạnh như: Boxing, Wushu, Pencak silat, Muay Thái, Vovinam, Võ cổ truyền và Điền kinh, nhiều VĐV tỉnh Quảng Ngãi đã giành được những thành tích cao trên đấu trường thể thao khu vực và thế giới, điển hình như võ sĩ Boxing Trần Quốc Việt đã giành huy chương trong suốt 6 kỳ SEA Games; HCB Giải Boxing trẻ Châu Á năm 2004; HCĐ Giải Vô địch Quyền Anh Châu Á năm 2005; HCĐ Giải Boxing vô địch thế giới năm 2009; đồng thời giữ 2 đai của Let’s Việt trong năm 2013 và 2014... Hay võ sĩ Đinh Văn Hương đã làm rạng danh xứ Quảng, khi giành HCV Giải Vô địch Wushu Châu Á; VĐV Phạm Thị Bình (Điền kinh) đoạt HCĐ Giải Marathon Châu Á (năm 2011).
Bên cạnh đó còn nhiều gương mặt VĐV trẻ của làng võ Quảng Ngãi đã liên tiếp mang vinh quang về cho tỉnh. Có thể kể đến một số võ sĩ như: Phạm Công Minh (HCV wushu Đại hội TDTT toàn quốc 2018); Nguyễn Văn Tiên (HCV Vovinam Đại hội TDTT toàn quốc 2018); Lê Duy Trung (HCĐ Giải vô địch Boxing trẻ Đông Nam Á)... Đây là những gương mặt hứa hẹn duy trì những thành công cho thể thao Quảng Ngãi.
Mục tiêu đến năm 2025
Theo kế hoạch đến ra, từ nay đến năm 2025, Thể thao Quảng Ngãi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao trong chương trình xây dựng lực lượng VĐV kế thừa và nâng cao thành tích thi đấu thể thao thành tích cao, tập trung đầu tư có trọng điểm ở các môn thể thao, nội dung từng môn, số lượng VĐV đạt đẳng cấp quốc gia và quốc tế ở các tuyến; Tập trung phát triển các môn thể thao thành tích cao, theo đó phát triển thành 3 nhóm môn thể thao: Nhóm 1: Những môn thể thao trọng điểm, có thứ hạng ở các giải toàn quốc và có vận động viên được chọn vào đội tuyển quốc gia (Nhóm các môn võ, Điền kinh, Bơi lội); Nhóm 2: Những môn có phong trào phát triển rộng, cần thiết đào tạo nhằm hòa nhập thể thao trong nước và mở rộng giao lưu với các đơn vị bạn (Nhóm các môn bóng) và nhóm 3 là những môn thể thao dân tộc, các môn thể thao giải trí nhằm quảng bá dịch vụ du lịch, các môn thể thao khác…
Đến năm 2015 cũng hoàn thiện hệ thống đào tạo vận động viên theo các tuyến; mở rộng không gian tuyển chọn và phát hiện tài năng thể thao; hình thành một số Trung tâm đào tạo vận động viên ở các vùng đô thị nhằm tập trung đầu tư một số môn thể thao mũi nhọn mang tầm vóc quốc gia. Và giai đoạn đến 2020 và 2025 sẽ xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên theo hướng chuyên nghiệp nhằm đáp ứng cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh và của cả nước; hình thành quy trình công nghệ đào tạo vận động viên. Xây dựng và hoàn thiện từng bước hệ thống huấn luyện chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và hệ thống các điều kiện đảm bảo hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Về thể dục thể thao quần chúng, Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh phát triển thể thao quần chúng với mục tiêu người tập TDTT thường xuyên tỉnh Quảng Ngãi, tỷ lệ hộ gia đình thể thao tăng trưởng dự báo là 25% năm 2020 và 28% năm 2025. Hoạt động thi đấu TDTT quần chúng tỉnh Quảng Ngãi có Đại hội Thể dục thể thao 04 năm/lần và hội thi thể thao các huyện miền núi định kỳ 02 hoặc 04 năm/lần. Đây là các hoạt động có quy mô lớn, phối hợp nhiều cấp - ngành, được đầu tư chuẩn bị công phu nên cần duy trì ổn định về số lượt tổ chức, chú trọng tăng số lượng và chất lượng vận động viên theo định mức tăng 12% số vận động viên của giải đấu sau so với giải đấu trước đó.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quảng Ngãi trong thời gian tới đã xây dựng các kế hoạch triển khai phát triển cơ sở vật chất TDTT, Xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật TDTT phải phù hợp với yêu cầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, quỹ đất dành cho ngành TDTT đến năm 2020 trên toàn địa bàn tỉnh là khoảng 776,91 ha. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của TDTT tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020. Dự kiến đến năm 2020, ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng TDTT ở tỉnh Quảng Ngãi thì nguồn vốn xã hội hóa chiếm 35% tổng kinh phí và đến năm 2025 là 40%. Dự kiến nguồn kinh phí tự cân đối được sử dụng từ khoản thu trong các hoạt động của ngành chiếm tỷ lệ 20 - 30 % so với kinh phí do ngân sách cấp.
Các giải pháp thực hiện
Để tiếp tục phát triển TDTT tỉnh Quảng Ngãi cũng như thực hiện các mục tiêu đề ra, Quảng ngãi đưa 7 nhóm giải pháp cần thực hiện, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác TDTT, về giá trị của hoạt động TDTT đối với sức khỏe con người nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ, vật chất trong nhân dân huy động toàn xã hội tham gia nguồn lực và thực hiện các hoạt động TDTT phục vụ nhân dân. Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020. Tổ chức các hoạt động TDTT phù hợp với từng đối tượng nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của các tổ chức và cơ sở, thu hút nhiều người, nhiều thành phần tham gia tập luyện TDTT.
Thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục thể chất trong các trường học các cấp theo đúng quy định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ngành TDTT từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trước mắt triển khai thực hiện tốt Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tăng tỷ trọng vốn ngân sách của tỉnh để đầu tư phát triển ngành TDTT (tăng cường vốn ngân sách để đầu tư phát triển các công trình thể thao, hỗ trợ thêm kinh phí ngoài định mức cho các hoạt động sự nghiệp…).
Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong toàn tỉnh nhằm tăng cường nguồn lực của xã hội để đẩy mạnh việc phát triển sự nghiệp TDTT. Xây dựng các chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân lực là tài năng thể thao của tỉnh. Có chế độ đãi ngộ, động viên các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có công phát hiện và đào tạo VĐV tham gia các giải đấu thể thao đỉnh cao. Hoàn thiện hệ thống chế độ bồi dưỡng, khuyến khích đối với đội ngũ Huấn luyện viên – Vận động viên – Trọng tài. Và tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong công tác quản lý đào tạo Vận động viên.
KC