You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Hậu Giang đi lên nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa

Trong những năm qua, phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng TDTT Hậu Giang đã khẳng định được vị trí của mình trên bản đồ thể thao quốc gia, trở thành một trong những địa phương có phong trào TDTT phát triển tương đối toàn diện, từ phong trào TDTT quần chúng đến thể thao thành tích cao. Có được kết quả đó, một phần chính là nhờ làm tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT.

Giải Việt dã Sacombank vì sức khỏe tỉnh Hậu Giang năm 2019 do Sở VHTTDL tổ chức đã trở thành giải đấu thường niên và nhận được sự đồng hành của Ngân hàng Sacombank chi nhánh Hậu Giang (Ảnh: Báo HauGiangonline )
Hậu Giang là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước đầu tư cho tổ chức hoạt động cũng như xây dựng cơ sở vật chất về TDTT để phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân còn nghèo nàn. Bởi vậy, để khuyến khích TDTT phát triển ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, việc đẩy mạnh xã hội hóa là một trong những giải pháp có ý nghĩa thiết thực góp phần đưa phong trào TDTT địa phương ngày càng phát triển.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ngành VHTTDL đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Chính phủ về "Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao”, Chỉ thị số 32 của Bộ VHTTDL về "Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao”. Theo đó, hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi cũng như các thiết chế TDTT từng bước được củng cố, hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của người dân. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về TDTT như: các liên đoàn thể thao, hội thể thao riêng biệt từng môn, các câu lạc bộ TDTT cơ sở lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả.

Bên cạnh việc thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT, việc ký kết các chương trình phối hợp hoạt động văn hóa, thể thao với các ngành, đoàn thể qua từng giai đoạn cũng góp phần đáng kể trong phát triển TDTT quần chúng trong các đối tượng những năm vừa qua. Giai đoạn 2016-2020 đã có 24 ngành, đoàn thể cấp tỉnh ký chương trình phối hợp với ngành VHTTDL để cùng tổ chức hoạt động cũng như huy động các nguồn lực tham gia phát triển TDTT của mỗi ngành.

Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở VHTTDL Trần Văn Tuấn “Chúng tôi luôn cố gắng tranh thủ mọi nguồn lực, tạo sự lan tỏa thể thao đến mọi người, từng bước tu sửa và nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Khi sân bãi thể thao ổn định sẽ thu hút được người tham gia, khuyến khích được việc tập luyện TDTT thường xuyên, riêng thể thao thành tích cũng khởi sắc”.

Nếu như giai đoạn 2004-2010, những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ cho hoạt động thi đấu TDTT hầu như không có. Đến nay, tỉnh có trên 1.012 sân bãi thể thao các loại như nhà thi đấu đa năng, 1 sân vận động, 14 hồ bơi, 173 sân bóng đá, 448 sân bóng chuyền, 28 sân quần vợt. Đây là điều kiện tiên quyết góp phần đưa TDTT của tỉnh ngày càng phát triển. Trong số các công trình TDTT phục vụ nhu cầu thi đấu, tập luyện của nhân dân, nhiều công trình có 100% vốn do tư nhân đầu tư xây dựng như sân bóng đá cỏ nhân tạo, hồ bơi tư nhân, sân bóng chuyền, quần vợt, cầu lông,…

Tỉnh luôn tranh thủ vận động xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, khai thác hiệu quả những cơ sở hiện có, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thi đấu và tập luyện của người dân. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Vương - chủ hồ bơi ở huyện Vị Thủy: “Bản thân tôi yêu thích thể thao nên thấy việc xây dựng hồ bơi sẽ giúp các em nhỏ rèn luyện sức khỏe và có sân chơi bổ ích. Địa phương cũng rất quan tâm, tạo thuận lợi để chúng tôi xây dựng và đưa vào sử dụng hồ”. Đây là hai hồ bơi đầu tiên được hình thành trên địa bàn huyện Vị Thủy, nâng tổng số hồ bơi toàn tỉnh lên 14 hồ. 

Hàng năm từ tỉnh đến cơ sở có trăm giải thi đấu thể thao, Hội thao... được tổ chức bằng nguồn xã hội hóa với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng do các nhà tài trợ, trong đó nhiều giải đấu đã trở thành giải thường niên như Giải Quần vợt Agribank mở rộng; giải Việt dã cùng Sacombank chạy vì sức khỏe, giải...

Không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức các giải thi đấu thể thao, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động TDTT.  Công tác xã hội hóa TDTT ngày càng được quan tâm, chú trọng hướng về cơ sở là một trong những điều kiện thúc đẩy phong trào TDTT của các địa phương.

Có thể khẳng định, chủ trương Xã hội hóa đã có tác động tích cực đến sự nghiệp TDTT tỉnh. Sau thời gian thực hiện Luật TD,TT và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, các loại hình hoạt động TDTT đã được đa dạng hoá và mở rộng về quy mô, góp phần cải thiện đời sống văn hoá, tăng cường bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân, sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, đến nay, tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh tăng từ 31,46% dân số năm 2018 lên 32,6% nửa đầu năm 2019, tỷ lệ số gia đình thể thao ước đạt 24,2%, 80% xã, phường có phong trào hoạt động TDTT thường xuyên; 1.120 câu lạc bộ TDTT (năm 2010 có 962 câu lạc bộ). Đối với thể thao thành tích cao mặc dù chưa phát triển mạnh, nhưng bước đầu đã đạt được thành tích đáng kể ở một số môn như: bóng rổ, Vovinam, Judo, Teawondo, Karatedo, tham dự các giải thi đấu khu vực, toàn quốc đều đạt nhiều Huy chương các loại.

Để tiếp tục tăng cường công tác xã hội hóa, ngành Thể thao luôn xác định tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội hiểu rõ về cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển TDTT. Tăng cường vận động toàn xã hội tham gia xã hội hóa thể dục thể thao; xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ tập luyện, thi đấu thể dục, thể thao. Tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở đã đầu tư, đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu thể dục thể thao. Với hệ thống cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư cùng sự chung tay của các doanh nghiệp, cá nhân, TDTT Hậu Giang hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu đạt  33% số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt; số hộ gia đình thể thao đạt 25% tổng số hộ.

HP