You must configure this module first via "Module Settings"

Phong trào TDTT ở huyện miền núi Thanh Sơn - Phú Thọ

Là một trong những huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ở Thanh Sơn ngày càng phát triển và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. 

Đi cà kheo - trò chơi dân gian luôn thu hút đồng bào dân tộc tham gia vào các ngày lễ, Tết (Ảnh: V.D )
Từ một huyện miền núi với điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn, sau nhiều lần chia tách (1996, 2007), huyện Thanh Sơn có 1 thị trấn (Thanh Sơn) và 22 xã gồm: Cự Đồng, Cự Thắng, Địch Quả, Đông Cửu, Giáp Lai, Hương Cần, Khả Cửu, Lương Nha, Sơn Hùng, Tân Lập, Tân Minh, Tất Thắng, Thạch Khoán, Thắng Sơn, Thục Luyện, Thượng Cửu, Tinh Nhuệ, Văn Miếu, Võ Miếu, Yên Lãng, Yên Lương, Yên Sơn. Dân số của huyện gần 150.000 người, được chia làm 285 khu dân cư trong đó có: 08 xã đặc biệt khó khăn trong chương trình 135 của Chính Phủ; 06 xã thuộc CT 229 và 9 xã, thị trấn miền núi. Toàn huyện có 16 dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 48%, dân tộc Kinh chiếm 51,7% còn lại là các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Hoa, Thổ, Hmông, Khơme, Giáy, Cờ lao, Sán Chày, Sán Dìu, Sán Chi, Cao Lan. Đảng bộ huyện có có 46 Chi, Đảng bộ cơ sở, với 6.519 đảng viên.

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của TDTT đối với sức khỏe, các cấp ủy Đảng, Chính quyền cũng như phòng VHTTTT huyện luôn nỗ lực chăm lo phát triển các phong trào văn hóa, Thể dục thể thao. Đến nay, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Thanh Sơn đã vươn lên trở thành một trong những huyện có phong trào TDTT phát triển.

Với phương châm mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao để tập luyện hàng ngày, nhân dân trong các xã, đặc biệt là ở Thị trấn Thanh Sơn đã từng bước gây dựng phong trào với nhiều loại hình câu lạc bộ TDTT từ đơn môn đến đa môn. Các câu lạc bộ TDTT hoạt động thường xuyên và ngày càng thu hút được đông đảo nhân dân trong huyện tham gia. Nhờ đó, các hoạt động TDTT trở nên sôi nổi, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập, góp phần tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Ngoài những môn thể thao dân tộc truyền thống như: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, tung còn...và nhiều trò chơi dân gian như đi cà kheo, chọi gà.. được duy trì tổ chức thường xuyên, các môn thể thao hiện đại như: Bóng đá, Bóng bàn, Cờ vua, Cầu lông, Bóng chuyền... cũng được đông đảo người dân lựa chọn là môn thể thao tập luyện hàng ngày. Nhờ đó, số lượng câu lạc bộ TDTT không ngừng tăng nhanh.

Theo thống kê, hiện toàn huyện có 62 câu lạc bộ TDTT, duy trì hoạt động theo quy chế, nền nếp và hoạt động có hiệu quả. Các câu lạc bộ đa phần được thành lập và hoạt động bằng nguồn kinh phí huy động được từ các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp, tự quản, tự mua sắm trang thiết bị tập luyện cũng như tổ chức các giải thể thao phong trào, thu hút đông đảo hội viên và nhân dân hưởng ứng tham gia. Qua các hoạt động thể thao phong trào, nhiều nhân tố có tiềm năng đã được phát hiện và trở thành những VĐV tiêu biểu của huyện đi thi đấu các giải do tỉnh tổ chức.

Vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn, tại các nơi công cộng trên địa bàn huyện, không khí tập luyện TDTT của người dân nơi đây diễn ra sôi nổi với nhiều tầng lớp nhân dân từ học sinh, thanh thiếu niên đến người cao tuổi... Ý thức tập luyện TDTT hàng ngày đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu hàng ngày của người dân. Các phong trào từ tự phát đã thành tự giác và ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, vào các dịp hè, phong trào tập luyện TDTT của lứa tuổi thanh thiếu niên trở nên nhộn nhịp hơn.

Anh Nguyễn Ngọc Minh, thị trấn Thanh Sơn cho biết: tập luyện TDTT hàng ngày đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với các thành viên trong gia đình tôi. Hàng ngày, sau mỗi buổi đi làm về, vợ chồng tôi và hai con thường chơi cầu lông. Đây là môn thể thao dễ tập, trang thiết bị tập luyện đơn giản, không phải đầu tư nhiều. Việc tập luyện được duy trì đều đặn và thường xuyên giúp cả gia đình tôi đều có sức khỏe tốt. Ngoài ra, vào mỗi dịp hè, các con tôi còn tham gia CLB Bóng đá...

Cùng suy nghĩ, chị Đinh Thị Kim Ngọc, khu 19/5, thị trấn Thanh Sơn chia sẻ: “Vào mỗi buổi chiều, khi hết giờ hành chính, tôi cùng nhiều chị em trong khu đều tập trung tại sân nhà văn hóa để cùng nhau đánh bóng. Sau mỗi ngày làm việc được chơi thể thao, chúng tôi thấy rất có lợi cho sức khỏe, giảm bớt những căng thẳng trong công việc. Đây cũng là một sân chơi bổ ích, giúp mọi người được gặp gỡ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tăng cường các mối quan hệ trong cuộc sống”.

Phong trào TDTT không chỉ phát triển rộng khắp ở thị trấn - nơi có điều kiện kinh tế phát triển, mà ở các xã, người dân không có điều kiện về thời gian cũng như cơ sở vật chất, họ tự chọn cho mình môn phương thức tập luyện phù hợp để rèn luyện sức khỏe. Bà Vũ Thị Chung - xã Khả Cửu cho biết: hàng ngày tôi cùng các chị em trong xóm đều duy trì thói quen dậy sớm và đi bộ khoảng một tiếng. Mới đầu chỉ có vài người tham gia, nhưng phong trào càng ngày càng đông và thu hút nhiều người dân tham gia.

Cùng với việc phát triển các loại hình câu lạc bộ TDTT, huyện Thanh Sơn cũng đặc biệt chú trọng đầu tư quỹ đất cho TĐTT. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở từng bước được hoàn thiện. Hầu hết các xã trong huyện đều có nhà văn hóa - nơi sinh hoạt văn hóa và tập luyện TDTT cho người dân nông thôn.  Các xã cũng dành quỹ đất làm sân bóng đá, bóng chuyền... đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho nhân dân. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh kêu gọi các nguồn kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp, cá nhân trong huyện ủng hộ kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao phong trào, hay đầu tư kinh phí xây dựng các công trình TDTT như nhà tập Bóng chuyền, sân cỏ nhân tạo, hay thành lập các phòng tập thể dục... Với sự chung tay của các mạnh thường quân cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, hệ thống sân bãi, trang thiết bị tập luyện TDTT trên địa bàn huyện đã góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân.

Nhờ đó, phong trào TDTT của huyện ngày càng khởi sắc, số lượng người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng lên từng năm. Hiện, toàn huyện hiện có 39% người tập luyện TDTT thường xuyên, 100% trường học trên địa bàn đảm bảo chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh... Hàng năm, từ cấp huyện đến xã thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Đại hội TDTT các cấp, các giải bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền hơi...; 100% xã, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT và Thanh Sơn là một trong những huyện cử VĐV tham gia thi đấu các môn thể thao trong chương trình Đại hội TDTT cấp tỉnh lần thứ VIII đông nhất. Phong trào TDTT quần chúng ở Thanh Sơn từ nhiều năm nay đã trở thành một trong những hoạt động thiết thực, bổ ích, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phần quan trọng xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, làm giảm các tệ nạn xã hội tại địa phương.

Bà Trần Thị Hương Giang - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Mặc dù phong trào TDTT trên địa bàn huyện chưa được đồng đều giữa các đơn vị, địa phương; số giải thi đấu còn ít, chất lượng chưa cao; cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện chưa đồng bộ nhưng phong trào thể thao quần chúng đã có bước phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ người dân tập thể thao thường xuyên và gia đình thể thao tăng đều qua các năm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các giải giao lưu, thi đấu thể thao thường niên từ cấp huyện đến cơ sở. Chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các vận động viên có năng khiếu về thể thao để tập luyện trở thành những nhân tố nòng cốt của địa phương...”.

Để phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo các xã phường, thị trấn trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về lợi ích, vai trò, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động TDTT để thu hút nhân dân tham gia. Mặt khác, bằng việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, kêu gọi sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân mở rộng các mô hình câu lạc bộ TDTT nhằm tạo nguồn lực cho TDTT phát triển.

VD

Ảnh trong bài
  • Phong trào TDTT ở huyện miền núi Thanh Sơn - Phú Thọ