You must configure this module first via "Module Settings"

Hoạt động TDTT Ninh Thuận có nhiều khởi sắc

Ninh Thuận được biết đến là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội. Đặc biệt, nguồn ngân sách đầu tư cho sự nghiệp phát triển TDTT khá hạn hẹp, song thời gian qua với sự nỗ lực của toàn ngành, phong trào TDTT của tỉnh Ninh Thuận ngày càng phát triển và tạo được những dấu ấn đậm nét.

Hoạt động Thể dục thể thao chuyển mình mạnh mẽ…

Với mục tiêu, vượt qua những khó khăn về chính sách, cơ chế cũng như nguồn ngân sách đầu tư, ngành TDTT tỉnh Ninh Thuận đã xác định một hướng đi riêng là chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số môn Thể thao nằm trong hệ thống Olympic và các môn thế mạnh của tỉnh như: Đẩy tạ, Taekwondo, Điền kinh, Bóng bàn, Vovinam…, Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay, Ninh Thuận có đội ngũ quản lý và  HLV, VĐV tâm huyết, nhiệt tình với nghề. Trên cả 3 tuyến (tuyển, trẻ, dự tuyển), VĐV tại Trung tâm Huấn luyện TDTT được lựa chọn tuyển quân, đào tạo theo quy trình nghiêm túc. Ở mỗi tuyến, HLV thường xuyên rà soát, tiến hành phân loại VĐV để huấn luyện, đầu tư hiệu quả. Chính vì vậy, sau nhiều năm triển khai và thực hiện nghiêm túc mục tiêu phát triển TDTT của tỉnh, đến nay thể thao thành tích cao tỉnh Ninh Thuận đã có những bước tiến vượt bậc so với trước, thứ hạng tại các giải đấu, Đại hội cấp toàn quốc không ngừng được nâng lên theo từng năm.

Từ một địa phương không có thành tích đáng kể so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, nhưng trong thời gian gần đây, thể thao thành tích cao của tỉnh Ninh Thuận đã có bước chuyển mình ấn tượng. Tính đến đầu năm 2019, toàn ngành (các cấp trên địa bàn toàn tỉnh) đã đào tạo trên 1.500 lượt VĐV cho cả 3 tuyến năng khiếu, trẻ và tuyển. Riêng trong năm 2018, tham dự 27 giải thể thao (quốc gia, khu vực và mở rộng, cụm thi đua và 1 giải quốc tế mở rộng) đạt 80 huy chương các loại. Đặc biệt, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, đoàn Ninh Thuận tham dự với số lượng 32 VĐV tranh tài ở 5 môn thể thao, giành 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. Ninh Thuận xếp hạng 54/65 tỉnh, thành, ngành, tăng 3 bậc so với Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014. Trong đó, thành tích nổi bật đáng nói tới là trong lịch sử tham dự Đại hội TDTT toàn quốc, kỳ Đại hội này lần đầu tiên đoàn Thể thao Ninh Thuận giành tấm HCV của VĐV Ka Hoa ở môn Đẩy tạ nữ. 

Hằng năm, cùng với ngành TDTT, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh cũng đã tích cực, chủ động tổ chức nhiều hoạt động thi đấu TDTT nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể thao của các đơn vị. Từ đó đã tạo ra một môi trường hoạt động thể thao quần chúng sôi động, lành mạnh, bổ ích cho người lao động. Quý I năm 2019, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh Ninh Thuận đạt 28,2% dân số, số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt được 16% hộ gia đình; 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo… 

Nổi bật đáng chú ý trong sự nghiệp phát triển TDTT tỉnh Ninh Thuận trong những năm qua, đó là tỉnh đã thực hiện và triển khai hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, việc tổ chức các hoạt động xã hội hoá TDTT đã huy động được nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng sân chơi thể thao mới, có mức đầu tư cao như: sân Quần vợt, bể bơi, sân Bóng đá cỏ nhân tạo, các phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình… với kinh phí đầu tư từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa, toàn tỉnh hiện có trên 469 thiết chế văn hóa thể thao, 474 CLB TDTT (đạt 0,057% tỷ lệ CLB thể thao trên tổng số dân trên địa bàn) bố trí rộng khắp địa bàn tỉnh, góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi, rèn luyện sức khỏe TDTT cho nhân dân. 

…. Vươn tới những mục tiêu xa hơn trong tương lai

Tự hào với những bước chuyển mình về thể thao thành tích cao cũng như thể thao quần chúng, để hướng tới những bước tiến xa hơn về thành tích trong tương lai, ngành Thể dục Thể thao tỉnh Ninh Thuận đã sớm xây dựng đề án phát triển Thể thao thành tích đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận đặt ra những mục tiêu cụ thể như: tập trung phát triển các môn Thể thao có trong chương trình thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc; Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD)… tập trung vào các môn Thể thao trọng điểm như: Đẩy tạ, Taekwondo, Điền kinh, Bóng bàn, Vovinam… phát triển một số môn Thể thao mới phù hợp với điều kiện, tố chất con người Ninh Thuận.

Cùng với đó, đề án nêu ra cần tập trung phát triển, xây dựng hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng Thể thao từ cấp cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng lẫn chất lượng của VĐV; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho lực lượng HLV, nhằm đáp ứng chuyên môn đào tạo được các VĐV đạt thành tích cao tại các giải vô địch quốc gia, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020: giành trên 20 Huy chương các loại tại các giải toàn quốc và quốc tế. Số lượng VĐV được đào tạo là hơn 2000 VĐV. Trong đó, số lượng VĐV đỉnh cao được tập trung ổn định, có chế độ đãi ngộ theo quy định của nhà nước cụ thể như: phấn đấu số VĐV được đầu tư trọng điểm tuyến đội tuyển là 64 VĐV, tuyến trẻ - năng khiếu là trên 140 VĐV, 9 VĐV kiện tướng: 17  VĐV cấp 1 và 4 VĐV dự tuyển quốc gia.

Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, Thể thao thành tích cao tỉnh Ninh Thuận cần hơn nữa sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của các cấp chính quyền và sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí cho thể thao. Đồng thời, ngành TDTT tỉnh luôn xác định tiếp tục đổi mới công tác tổ chức huấn luyện, tuyển chọn và tổ chức các giải đấu thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp. Cùng với đó, cải tiến chế độ dinh dưỡng, khen thưởng cho HLV, VĐV đạt thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Tập trung, chú trọng công tác huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng như: sân vận động, nhà thi đấu đa năng…để có thể tổ chức tập luyện, thi đấu các giải quốc gia, của tỉnh thậm chí là của quốc tế đạt kết quả tốt nhất.

Đối với hoạt động Thể thao quần chúng, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ tập luyện TDTT thường xuyên đạt 29,8%, gia đình thể thao đạt 16,6%, tỷ lệ cán bộ chiến sĩ tập luyện Thể dục thể thao thường xuyên đạt 100%...  Để làm tốt việc này, tỉnh Ninh Thuận xác định chú trọng xây dựng các loại hình thể thao phong phú, đa dạng để tăng sức hấp dẫn cuốn hút người dân tham gia tập luyện TDTT hàng ngày. 

Hy vọng rằng, với sự nỗ lực phấn đấu vượt khó của toàn ngành cùng với sự định hướng đúng đắn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm TDTT tỉnh Ninh Thuận sẽ có thêm những bước tiến xa hơn về thành tích, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo.

N. H

Ảnh trong bài
  • Hoạt động TDTT Ninh Thuận có nhiều khởi sắc