Trong đó, đáng chú ý phải kể đến là xã Trường Minh, thời gian qua cùng với công tác xây dựng nông thôn mới, xã đã xây dựng hệ thống trung tâm văn hóa xã với diện tích hơn 7.000m2 trong đó bao gồm có các sân thể thao, sân Bóng chuyền, Cầu lông với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng; sân vận động có diện tích gần 8.000m2 với dự toán kinh phí gần 3 tỷ đồng. Cùng với đó, xã đã chú trọng quy hoạch quỹ đất tại trung tâm các thôn để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Tính đến nay, hầu hết các thôn trong toàn xã Trường Minh đều có hệ thống nhà văn hóa, sân thể thao với diện tích trung bình hơn 2.000m2 với các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho các hoạt động tập luyện TDTT của người dân như: lưới đánh Cầu Lông, Bóng, Vợt…(nguồn kinh phí được vận động từ các cá nhân, doanh nghiệp nằm trên địa bàn của thôn, xã).
Bên cạnh đó, đơn vị luôn nhận được sự đánh giá cao từ ngành Thể dục Thể thao tỉnh nhà đó là CLB Quần vợt Hồ Thành (TP Thanh Hóa). Việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập luyện và thi đấu đều do các thành viên trong CLB tự quyên góp và kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp, cá nhân. Với tốc độ hoạt động thường xuyên hầu hết các ngày trong tuần và tổ chức giải đấu cấp tỉnh đều đặn theo định kỳ hằng năm với nguồn kinh phí vận động 100% từ nguồn xã hội hóa lên đến hàng tỷ đồng, CLB Hồ Thành đã dần trở thành đơn vị đi đầu về phát triển phong trào Quần vợt của tỉnh trong nhiều năm liền.
Nói về hiệu quả trong công tác xã hội hóa Thể dục Thể thao, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch CLB Hồ Thành cho hay: Nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, nâng cao sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, là những người đam mê, yêu thích tập luyện, thi đấu môn Quần Vợt, với những kết quả giành được, trong năm 2019 này và những năm tiếp theo CLB mong muốn không chỉ nâng cao chất lượng hoạt động của CLB, mà còn mở rộng quy mô tổ chức giải Quần vợt Thanh Hóa tranh cúp Hồ Thành (giải mở rộng, giải khu vực..) dưới hình thức xã hội hóa 100%.
Bên cạnh đó, CLB Cầu lông Đoàn kết (Tp. Sầm Sơn) cũng nổi lên là 1 trong những đơn vị làm tốt công tác xã hội hóa Thể dục Thể thao. Nắm được nhu cầu thiết yếu tập luyện của người dân đối với môn Cầu Lông ngày càng lớn ở nhiều đối tượng như: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh thiếu niên... CLB Cầu lông Đoàn kết (Tp. Sầm Sơn) đã ra đời. Mục tiêu của CLB hướng tới chính là xây dựng ngày càng hoàn thiện về công tác tổ chức các giải thi đấu, tuyên truyền phát động phong trào tập luyện môn Cầu Lông ngày càng lớn mạnh.
Chính từ phát triển tốt phong trào, nên CLB Cầu Lông Đoàn Kết đã phối hợp cùng Trung tâm huấn luyện Thể thao tỉnh, trong nhiều năm qua đã tổ chức thành công nhiều giải đấu đạt chất lượng, được Sở VHTTDL Thanh Hóa đánh giá cao. Tiêu biểu như: giải Cầu Lông CLB Đoàn kết mở rộng, thu hút hàng nghìn VĐV đến từ các đơn vị, trong và ngoài tỉnh tham gia thi đấu. Từ đó, đã phát hiện và tìm ra được nhiều gương mặt trẻ tài năng để tiếp tục đào tạo và tham gia các giải đấu cấp thành phố, tỉnh và giao lưu các giải CLB khu vực. Được biết, đến nay CLB Cầu lông Đoàn Kết có gần 60 lượt VĐV tham gia các giải đấu cấp tỉnh và trong nước, giành được nhiều huy chương và các giải thưởng khác. Nhiều năm liền, CLB Cầu lông Đoàn Kết được đánh giá cao và được khen thưởng vì có nhiều đóng góp cho phong trào xã hội hóa TDTT của Tp. Sầm Sơn và phong trào Cầu lông của tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, một nhân tố đáng chú ý tới về công tác xã hội hóa TDTT của tỉnh là Hội Bóng bàn Tp. Thanh Hóa. Với mục tiêu sử dụng nguồn xã hội hóa 100% cho việc tổ chức tập luyện và thi đấu của môn Bóng bàn, cho đến thời điểm này Hội Bóng bàn Tp. Thanh Hóa được đánh giá là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra về công tác xã hội hóa TDTT.
Để làm tốt công tác xã hội hóa, Hội không chỉ duy trì hoạt động cho các CLB và phong trào Bóng bàn của Tp. Thanh Hóa mà đã duy trì tổ chức giải Bóng bàn Tp. Thanh Hóa mở rộng thu hút hàng trăm VĐV của các CLB, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tham dự. Đến nay, giải đấu này đã qua 15 lần được tổ chức thành công bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (giải đầu tiên vào năm 2003). Đây là điều rất đáng ghi nhận, mà không phải Liên đoàn, Hiệp hội nào cũng có thể làm được. Cùng với đó, trong toàn tỉnh còn có nhiều địa phương tiêu biểu khác như: Hà Trung, Bỉm Sơn, Yên Định, Cẩm Thủy... đều có các CLB Thể thao hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Các địa phương đều tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức các giải đấu để các CLB này có dịp giao lưu, thi đấu, qua đó chọn lọc các VĐV xuất sắc tham gia các giải đấu cấp tỉnh, đại hội TDTT các cấp.
Công tác xã hội hóa TDTT tại tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những dấu ấn đáng ghi nhận, một phần là nhờ có những nhân tố điển hình, tiêu biểu đi đầu về phát triển TDTT theo hình thức xã hội hóa. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có gần 3.400 CLB TDTT; tổ chức và chỉ đạo tổ chức 24 giải thể thao quần chúng cấp tỉnh; 160 giải cấp huyện, thị xã, thành phố và 1.850 giải cấp xã/phường. Tổng kinh phí từ công tác xã hội hóa việc tổ chức các giải đấu TDTT trên địa bàn tỉnh ước tính gần 40 tỷ đồng ở nhiều bộ môn khác nhau.
Chia sẻ với báo chí về công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT ở cơ sở, ông Nguyễn Duy Tự, phụ trách Quản lý TDTT của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Trong những năm gần đây, nhiều CLB, Hội TDTT tại các địa phương đã và đang triển khai rất tốt công tác xã hội hóa TDTT theo chủ trương của tỉnh. Điều đáng mừng là các CLB, Hội ra đời và hoạt động theo hình thức xã hội hóa hoàn toàn từ công tác xây dựng, nhân sự, cơ sở vật chất, cho tới đóng góp kinh phí tập luyện, thi đấu và tổ chức các giải đấu hằng năm. Chính những thành công từ hoạt động của các CLB, Hội TDTT đã góp phần bổ sung thêm các giải đấu, các hoạt động tích cực, đóng góp không nhỏ cho phát triển Thể thao phong trào và Thể thao thành tích cao của tỉnh Thanh Hóa.
N. H