You must configure this module first via "Module Settings"

Thái Bình phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Với mục tiêu xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở cũng như hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, các cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo Quy hoạch, Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2020 ở cấp tỉnh 50% số cơ sở được đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa đảm bóa có đủ các thiết chế văn hóa cấp tỉnh. Ở cấp huyện, thành phố, phấn đấu 100% có thiết chế văn hóa, thể thao và 50% cấp xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 50% thông, làng, tổ dân phố có Nhà văn hóa, khu thể thao. Bên cạnh đó, Tỉnh Thái Bình cũng tập trung đầu tư quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với mục tiêu đến năm 2020 có 50% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy hoạch quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa; 50% có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đi vào hoạt động.

Để việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở mang lại hiệu quả cao trong quá trình hoạt động, tỉnh Thái Bình cũng đề ra 6 nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tăng cường sự quản lý điều hành kịp thời, chặt chẽ của chính quyền các cấp, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách đặc thủ, phù hợp đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển văn hóa, thể thao.

Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở bao gồm: tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động, bộ máy tổ chức, cơ chế, chính sách hoạt động đào tạo cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, thể thao đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa - xã hội cấp xã; mở các lớp tập huấn về công tác quản lý văn hóa, thể thao cho đội ngũ cán bộ văn hóa, các nghệ nhân, cộng tác viên ở cơ sở.

Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương kết hợp với nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, trên cơ sở lồng ghép, kết hợp nhiều chương trình, dự án để tăng hiệu quả đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các dự án nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Tăng cường kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đầu tư cho các công trình văn hóa, thể thao của địa phương. Đẩy mạnh thu hút nguồn kinh phí đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) để xây dựng cơ sở thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường.

Đầu tư kinh phí thường xuyên để duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất nhằm chống xuống cấp các công trình văn hóa, thể thao. Tăng mức đầu tư kinh phí cho hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và các hoạt động văn hóa, thể thao, khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh doanh dịch vụ Thể dục - Thể thao như: Miễn giảm thuế, hỗ trợ về cộng tác viên, hướng dẫn viên cho các Câu lạc bộ, điểm tổ chức hoạt động Thể dục Thể thao. Huy động nhân dân trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở cùng với sự hỗ trợ của nhà nước.

Bên cạnh những nhóm giải pháp trên thì việc đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao là việc cấp thiết. Theo đó, để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, Thái Bình sẽ thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hoá, thể thao gắn với nhu cầu người dân; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cấp huyện, xã, làng, khu phố và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp nhu cầu của người dân, theo lứa tuổi, hấp dẫn, bổ ích nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia. Tăng cường và nâng cao hiệu quả các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hoá thể thao, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, xây dựng và phát triển hệ thống các câu lạc bộ văn hoá, thể thao cơ sở.

Nghiên cứu và xây dựng một số chính sách mới về xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, trước mắt nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chính sách về tôn vinh nghệ nhân và cơ chế thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Nâng cao năng lực quản lý hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính; củng cố, kiện toàn, xây dựng mới hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, tiếp tục phân cấp mạnh hơn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm phát huy hiệu quả xã hội của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn.

KC

Ảnh trong bài
  • Thái Bình phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đến năm 2020, định hướng đến năm 2030