You must configure this module first via "Module Settings"

Cà Mau phê duyệt Quy hoạch phát triển Thể dục, thể thao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, trong những năm qua, Thể thao tỉnh Cà Mau đã đạt nhiều kết quả khả quan về cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Để tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển Thể thao tỉnh nhà, đảm cho thể dục, thể thao phát triển một cách khoa học, nhanh chóng, mạnh mẽ, ổn định và vững chắc, UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Quy hoạch phát triển Thể dục, thể thao (TDTT) tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Việc Quy hoạch phát triển Thể dục, thể thao tỉnh Cà Mau được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của TDTT tỉnh Cà Mau trong thời gian tới với những mục tiêu cụ thể.

Phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên từ 45 - 50%

Theo Quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Thể thao tỉnh Cà Mau sẽ tập trung vào 5 mục tiêu chung đó là: tiếp tục mở rộng các hoạt động TDTT quần chúng. Tạo sự chuyển biến rõ rệt về giáo dục thể chất trường học để góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc người Việt Nam, giáo dục con người phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển thể lực, trí lực của học sinh. Tích cực phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng. Xây dựng nền TDTT phát triển và tiến bộ, đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo tài năng thể thao gắn kết giữa các tuyến, các lớp kế cận, có sự quản lý, chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở để phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và truyền thống dân tộc, tăng cường hội nhập quốc tế, góp phần tích cực thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, mở rộng và nâng cao hiệu quả phong trào TDTT cho mọi người trong hầu hết các đối tượng, các địa bàn dân cư nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Chú trọng phát triển những môn thể thao là thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo năng khiếu thể thao, đào tạo đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên có trình độ chuyên môn; phấn đấu đạt thành tích cao ở một số môn phù hợp và tham gia ngày càng nhiều các hoạt động TDTT khu vực và toàn quốc. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT, khai thác những yếu tố thuận lợi về kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên và con người nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh.

Theo đó. Quy hoạch đã xác định những mục tiêu quan trọng như: Tỷ lệ số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên năm 2020 đạt 33,43%, năm 2025 đạt 39,25%, năm 2030 đạt từ 45 đến 50%; số lượng VĐV các cấp năm 2020 đạt 600 VĐV, năm 2025 đạt 700 VĐV và năm 2030 đạt 850 VĐV; số lượng HLV các cấp năm 2020 đạt 40 HLV, năm 2025 đạt 55 HLV và năm 2030 đạt 65 HLV; số lượng trọng tài đến năm 2020 đạt 10 trọng tài, năm 2025 đạt 15 trọng tài và năm 2030 đạt 20 trọng tài; Nhân lực trực tiếp làm việc trong lĩnh vực TDTT (ngoài lực lượng VĐV, HLV, trọng tài, giáo viên, giảng viên TDTT) có trình độ Đại học đến năm 2020 đạt trên 65%, năm 2025 đạt 75% và năm 2030 đạt trên 85%.

UBND tỉnh Cà Mau cũng đã xây dựng các phương án cũng như chỉ tiêu cụ thể phát triển TDTT, điển hình như trong phương án phát triển thể thao thành tích cao, trong những năm tới Cà Mau sẽ tập trung đầu tư 11 môn thể thao trọng điểm như: Điền kinh, Thể thao dưới nước, Bóng đá, Bóng chuyeèn, Quần vợt, Taekwondo, Vovinam, Boxing và các môn có tiềm năng như: Cử tạ - Thể hình, Bắn cung, Đua thuyền. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các môn thể thao chuyên nghiệp gắn với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng, quảng cáo do xã hội đầu tư; các môn thể thao chuyên nghiệp do Nhà nước liên kết đầu tư; các môn thể thao chuyên nghiệp gắn liền với các hoạt động giải trí do xã hội đầu tư.

Một trong những vấn đề quan trọng trong Quy hoạch là việc phát triển xã hội hóa TDTT. Theo đó, Quy hoạch xác định việc đẩy mạnh hoạt động kinh tế thể thao là đòn bẩy của xã hội hóa TDTT bằng việc chuyển đổi cơ chế hoạt động TDTT từng bước phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp quy luật phát triển, tạo thêm nguồn kinh phí hoạt động cho ngành TDTT ngoài việc chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Thêm vào đó, từng bước hình thành thị trường TDTT thống nhất, cạnh tranh lành mạnh; hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT thuộc nhiều thành phần sở hữu để phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển các cơ sở dịch vụ công ngành TDTT kết hợp với các cơ sở TDTT phục lợi công cộng; khuyến khích các cơ sở TDTT tự chủ kinh doanh, tự trang trải kinh phí hoạt động.

Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động TDTT cũng được tập trung đề cập đến trong Quy hoạch phát triển Thể dục, thể thao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Cà Mau. Để đẩy mạnh việc này, trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học, y học TDTT và kiểm tra thể chất nhân dân. Tập trung thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về: TDTT cho mọi người; thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; quản lý TDTT, y sinh học TDTT; kinh tế TDTT; xây dựng chương trình nghiên cứu dài hạn trong các lĩnh vực mới phát triển như thể thao giải trí, thể thao điện tử và thể thao trí tuệ.

6 giải pháp thực hiện để đẩy mạnh phát triển TDTT

Quy hoạch cũng đề ra 6 giải pháp chủ yếu thực hiện Quy hoạch, trong đó thứ nhất là tập trung hoàn thiện thể chế như đẩy mạnh chuyển biến trong quản lý TDTT, xây dựng hệ thống tổ chức quản lý nhà nước trên cơ sở phân biệt rõ về quản lý nhà nước và quản lý ngành TDTT. Ban hành cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực phát triển TDTT, chuyên gia, HLV giỏi chuyên môn; thúc đẩy sự chuyển biến về cơ chế chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, HLV, trọng tài, nhà khoa học,...Thứ hai, tập trung phát triển nguồn nhân lực, củng cố và phát triển hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực TDTT; tăng cường xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực TDTT. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nguồn nhân lực TDTT.

Thứ ba là tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT quốc gia, tiến hành xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT, từng bước rà soát công trình TDTT để xây dựng đề án nâng cấp, mở rộng, điều chỉnh, sắp xếp theo quy hoạch. Có chính sách khuyến khích nguồn lực xã hội tham gia phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT ở tỉnh, huyện. Đẩy mạnh việc đầu tư các công trình TDTT phục vụ cho huấn luyện , đào tạo từng môn thể thao từ các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao.

Thứ tư là nâng cao nhận thức, đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tăng cường công tác quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động TDTT. Đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin, truyền thông về vai trò, tác dụng của TDTT cùng với đó xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức thông tin về TDTT, phục vụ có hiệu quả việc tìm kiếm, khai thác, chia sẻ và phổ biến thông tin về TDTT giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức, địa phương và các cá nhân trong xã hội.

Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ là giải pháp thứ năm trong việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển TDTT tỉnh Cà Mau. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Cà Mau. Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm gắn với các môn thể thao nhằm nâng cao thành tích. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong y học thể thao các cơ sở y học TDTT, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học, kiểm tra y học, đánh giá thể chất, phòng ngừa, chữa trị, hồi phục chấn thương.

Giải pháp cuối cùng trong Quy hoạch là việc đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển TDTT, trong đó chú trọng đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Trong tình hình hiện nay khi các khu công nghiệp như Khánh An, Hòa Trung, Sông Đốc,... đang tập trung rất đông công nhân lao động nhưng hiện chưa có khu sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ công nhân sau giờ làm việc thì việc đẩy mạnh xã hội hóa đối với các dự án đầu tư một số khu thể thao phục vụ công nhân là việc làm cấp thiết.

Đồng thời phải tăng cường phát triển kinh tế thể thao, xác định rõ các lĩnh vực hoạt động kinh doanh TDTT, thúc đẩy mọi hoạt động kinh doanh TDTT chuyên nghiệp, khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh doanh TDTT.

KC

Ảnh trong bài
  •  Cà Mau phê duyệt Quy hoạch phát triển Thể dục, thể thao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030