You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Bạc Liêu hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, chuyên nghiệp theo hướng hiện đại

Là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu  không chỉ có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, mà còn có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong những năm gần đây kể từ sau hơn 20 năm tái lập tỉnh (từ 1996), đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến đã góp phần thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập. Từ một điểm trắng, TDTT Bạc Liêu đã từng bước vươn lên trở thành một trong những địa phương có phong trào TDTT phát triển của khu vực.

Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP về  tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT, trong những năm qua ngành VHTTDL Bạc Liêu đã luôn quan tâm, phát triển với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú về loại hình... Qua đó giúp nhân dân tăng cường rèn luyện sức khỏe, lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xác định được tầm quan trọng của TDTT đối với sức khỏe nhân dân cũng như tác động to lớn đối với đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, dưới sự chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là những người làm công tác VHTTDL, phong trào TDTT quần chúng của Bạc Liêu đã từng bước phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia với nhiều lứa tuổi, thành phần từ thanh thiếu niên, đến người cao tuổi... với nhiều phong trào như "Khỏe để bảo vệ Tổ quốc" và đỉnh cao là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012 - 2020, do Bộ VHTTDL phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đông đảo quần chúng nhân dân lao động, cán bộ công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị. Các phong trào tập luyện TDTT đã trở thành nhu cầu không thể thiếu hàng ngày của một bộ phận không nhỏ người dân. Các phong trào TDTT không chỉ mang lại lợi ích thiết thực trong việc nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật mà còn góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, trong năm 2018 các cấp, ngành trên toàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động TDTT gắn với các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân. Hoạt động thể thao thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập, tạo sức lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến vùng nông thôn. Các cấp cơ sở tổ chức hàng trăm cuộc thi đấu giao hữu thể thao tập trung vào một số môn như: cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, bóng đá, quần vợt… Đồng thời duy trì các giải thể thao trong hệ thống giải thường niên như: Việt dã, Bóng bàn, Cầu lông thanh thiếu niên, nhi đồng…

Ngoài hệ thống giải thường niên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với một số đơn vị tổ chức nhiều giải thể thao phong trào như: giải Đua ghe ngo huyện Hồng Dân, giải Cầu lông huyện Đông Hải, giải Quần vợt cán bộ, công chức, viên chức thành phố Bạc Liê; giải Võ cổ truyền thanh thiếu niên tỉnh; giải Bóng đá thanh niên tỉnh Bạc Liêu; giải Bi sắt phong trào.... nhờ đó, các chỉ số về TDTT của tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, trung bình gần 2%/năm.Hiện, tổng số người tham gia tập luyện TDTT của Bạc Liêu đạt 27,3% dân số, số gia đình thể thao ước đạt 17,3%. Các CLB TDTT đa môn, đơn môn tiếp tục được duy trì và phát triển.

Điểm nhấn trong các hoạt động TDTT trong năm 2018 của ngành VHTTDL Bạc Liêu đó là tổ chức Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT tỉnh Bạc Liêu lần thứ V năm 2018. Theo đó, 100%, các xã, phường tổ chức Đại hội theo đúng kế hoạch, đảm bảo về quy mô và chất lượng. Đại hội TDTT tỉnh diễn ra từ ngày 12 - 25/4/2018, với sự tham gia của trên 1.200 VĐV đến từ 30 đơn vị, thi đấu 15 môn thể thao với trên 100 nội dung. gồm: bơi lội, bóng bàn, bi sắt, billiards, cầu lông, cờ tướng, võ cổ truyền, taekwondo và bóng đá nam 11 người, bóng đá nam 5 người, bóng chuyền, điền kinh, đẩy gậy, kéo co và quần vợt. Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT cấp tỉnh thực sự là ngày hội của toàn dân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của việc rèn luyện thân thể đối với sức khỏe. Thông qua Đại hội, giúp các nhà chuyên môn tuyển chọn những gương mặt xuất sắc vào các đội tuyển của tỉnh tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc tại thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, 70 VĐV ưu tú của Bạc Liêu được lựa chọn kỹ càng đã tham gia tranh tài ở 7 môn: Điền kinh, Canoeing, Bi sắt, Judo, Bi da, Cầu mây và Cử tạ. Kết thúc Đại hội, các VĐV Bạc Liêu đoạt được 13 huy chương các loại. Trong đó có 2 HCV (môn Canoeing nội dung C2 nam, cự ly 1.000m và môn Bi sắt, nội dung bộ ba nam), 3 HCB và 8 HCĐ. Đáng chú ý là môn cầu mây lần đầu tiên tham dự đại hội đã đoạt được 1 HCV Đồng.

Cùng với phát triển phong trào TDTT quần chúng, trong những năm gần đây, kể từ kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 đến nay, thể thao thành tích cao của cũng có những bước phát triển vượt bậc về số lượng VĐV cũng như thành tích đạt được tại các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế. Cụ thể, trong năm 2018, các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh đã giành 44 Huy chương các loại tại các giải thể thao khu vực, quốc tế và toàn quốc (12 HCV, 16 HCB, 12 HCĐ) và trong giai đoạn từ 2014 - 2018, các đội tuyển của tỉnh Bạc Liêu đã đạt 99 HCV, 132 HCB, 180 HCĐ tại các giải đấu quốc gia và quốc tế. Tiêu biểu là VĐV Dương Thị Việt Anh ở môn điền kinh tiếp tục đoạt 1 HCV tại SEA Games 28, nâng tổng số “vàng” đoạt được tại các kỳ SEA Games lên con số 3, 1 HCB, 1 HCĐ tại giải châu Á, 1 HCV giải vô địch quốc gia; VĐV Lý Huỳnh Long đoạt 1 HCV giải vô địch quốc gia, 2 HCB giải quốc tế mở rộng tại Thái Lan và TP. HCM ở môn Judo; Trần Thạch Lam với 2 HCB SEA Game 28, 1 HCV giải vô địch quốc gia ở môn bi sắt; Trần Thành đoạt 2 HCV tại giải canoeing vô địch quốc gia...  Để duy trì và phát triển những môn thể thao thế mạnh, ngành TDTT tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện các đội tuyển thể thao của tỉnh theo hướng tinh, gọn. Hiện, công tác đào tạo được thực hiện theo 3 tuyến, với tổng số 185 VĐV thuộc 18 đội tuyển (04 đội tuyển, 07 đội tuyển trẻ và 07 đội năng khiếu).

Với những giải pháp đồng bộ, phù hợp, công tác TDTT của Bạc Liêu đã gặt hái được những thành tích đáng biểu dương, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành VHTTDL. Trước hết đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng và chính quyền trong việc đầu tư hạ tầng bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực để phát triển TDTT. Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, ngân sách dành cho TDTT hạn chế, nhưng bằng những giải pháp thiết thực như đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển những môn thể thao thế mạnh phù hợp với điều kiện của địa phương. Hệ thống nhà tập, sân bãi, trang thiết bị dành cho hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT từng bước được đầu tư xây dựng. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 80% xã phường thị trấn có sân tập thể thao; 100% cấp huyện thành phố có sân vận động, sân tập thể thao; 40 – 50% huyện, thành phố có nhà tập thể thao, hồ bơi. Ở cấp tỉnh, hệ thống nhà thi đấu đa năng, sân vận động, hồ bơi, nhà tập luyện võ thuật, sân golf, cầu lông, bóng bàn,… cũng được nâng cấp, tu bổ và đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn 2015-2020, Bạc Liêu đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thành việc nâng cao chất lượng trang thiết bị, công nghệ hiện đại tại các thiết chế thể thao như Nhà thi đấu đa năng, sân vận động, hồ bơi, nhà tập luyện võ thuật phục vụ đáp ứng đầy đủ cho luyện tập và thi đấu. Ở cấp huyện: Hoàn thành các công trình thể thao trọng điểm như Nhà thi đấu thể thao, sân vận động; có trên 90% huyện, thành phố có nhà luyện tập thể thao, hồ bơi; Cấp xã: Có trên 50% xã, phường, thị trấn có sân vận động, nhà tập luyện và hồ bơi.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, người làm công tác Thể thao ở cơ sở không ngừng được củng cố về số lượng và chất lượng. Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT cũng được đẩy mạnh, mang lại nhiều chuyển biến tích cực.

Phát huy những thành tích đã đạt được, hướng tới 2020, ngành VHTTDL Bạc Liêu đặt mục tiêu số người tập luyện TDTT thường xuyên phấn đấu đạt 30% dân số, số gia đình thể thao phấn đấu đạt 22% trở lên, trên 50% cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức được CLB TDTT; ít nhất 80% cán bộ, công chức, viên chức tập luyện TDTT một môn thường xuyên; trên 70% công nhân ở các khu công nghiệp tham gia ca c s hoạt động văn hóa, thể thao. Đặc biệt, phấn đấu đưa thể thao thành tích cao của tỉnh đạt thứ hạng 30 toàn quốc; tăng số lượng VĐV đạt kiện tướng quốc gia lên 30 VĐV...

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, tiếp tục đa dạng hóa và đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng, TDTT giải trí đáp ứng nhu cầu của xã hội, tạo thói quen vận động thường xuyên trong nhân dân; Đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, đảm bảo yêu cầu phát triển con người toàn diện; làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong nhân dân, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên. Không ngừng đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV các tuyến; Thống nhất quản lý phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; từng bước nâng cao thành tích thể thao thành tích cao tại các đấu trường trong nước và quốc tế.

VD

Ảnh trong bài
  • TDTT Bạc Liêu hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, chuyên nghiệp theo hướng hiện đại