Hiện toàn huyện Kon Rẫy tỉnh Kon Tum có 65% dân số là người dân tộc thiểu số, hầu hết mỗi dân tộc đều mang bản sắc văn hóa đặc trưng. Do vậy, để thu hút đông đảo người dân tham gia các hoạt động thể thao, thời gian qua, các cấp, các ngành đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quy hoạch khu vực sân bãi để phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT cho người dân; đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia chơi các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe.
Bên cạnh đó, ngành thể thao huyện Kon Rẫy cũng tham mưu với tỉnh tập trung xây dựng các kế hoạch, chính sách TDTT ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Hàng năm Phòng VH&TT huyện Kon Rẫy đều tổ chức ngày hội văn hóa, lồng ghép tổ chức các môn thể thao truyền thống của các dân tộc trên địa bàn như nhảy bao bố, đi cà kheo, bắn ná, kéo co... góp phần gìn giữ và phát huy một số môn thể thao truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện. Nhiều giải thể thao nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng đã được tổ chức qua đó đã phát động mạnh mẽ phong trào tập luyện thể dục, thể thao trong quần chúng nhân dân. Nét nổi bật nhất là các xã, thị trấn, huyện là việc đã tổ chức thành công Đại hội thể dục, thể thao các cấp thu hút đông đảo vận động viên tham gia thi đấu ở các môn của Đại hội nhằm tạo khí thế bổ ích cho các tầng lớp nhân dân học hỏi kinh ngiệm và tăng cường nâng cao sức khỏe, thể lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hệ thống các giải thể thao truyền thống của địa phương được hình thành và duy trì đều đặn hàng năm; trong đó, ngành chú trọng phát triển các môn thể thao hiện đại có nhiều người tham gia chơi như bóng đá, bóng chuyền ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, các môn TDTT quần chúng trong các đối tượng dân cư và trường học phát triển phong phú; nhiều môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được khôi phục. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” luôn gắn kết với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Khỏe để lập thân và giữ nước”, “Xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... và đã đạt nhiều kết quả.
Các thiết chế thể dục, thể thao, sân thi đấu, sân vận động huyện... được phát huy tác dụng, đáp ứng nhu cầu luyện tập và thi đấu các giải thể thao của huyện. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 02 sân vận động nằm tại Thị trấn Đăk Rve và xã Đăk Ruồng; 76 sân bóng chuyền bê tông và đất tạm bợ, 06 sân cầu lông, 16 sân bóng đá mi ni; số trường học tổ chức tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đạt 80%; có 95% số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định; 100% số cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang kiểm tra đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực. Tỷ lệ người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 17%; số gia đình tập TDTT thường xuyên đạt 10,2%.
Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học, hoạt động TDTT đã được 29 đơn vị trường học trên địa bàn huyện chú trọng, ngành Giáo dục và Đào tạo đang từng bước đưa các môn thể thao vào trường học, chú trọng việc chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể lực, phòng ngừa các bệnh lý học đường. Đội ngũ giáo viên thể dục với 17 người có trình độ cao đẳng và đại học đảm nhận công tác dạy thể dục chính khóa. Các trường học THPT, THCS đều dành quỹ đất làm sân tập thể thao như sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông để các em học sinh tham gia tập luyện.
Thầy Nguyễn Văn Công- giáo viên bộ môn thể dục thể thao trường PTDTNT Kon Rẫy cho biết: “Khi đứng lớp quan sát, trong các tiết thể dục đa số các em trong trường đều tham gia học tập, nhiệt tình hưởng ứng, trong học tập các môn lý thuyết, các em cần có sân chơi giải trí cũng như nâng cao sức khỏe, đa số các em đều nhiệt tình tham gia, từ đó, khi tham gia đại hội thể dục thể thao cấp trường cũng như của cấp trên phát động, đa số trường đều đạt thành tích tốt qua các năm.”
Công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn huyện đã và đang mang lại nhiều kết quả cho phong trào TDTT, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động TDTT hàng năm, hiện nay, toàn huyện có 03 xã gồm Đăk Tơ Lung, Đăk Ruồng và Đăk Pne quy hoạch mỗi đơn vị 1,5 ha đất tại trung tâm xã dành cho thể thao. Bên cạnh đó, xã Đăk Ruồng được hưởng lợi từ chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới san ủi và xây dựng sân vận động đúng quy cách 11 người.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong phong trào phát triển thể dục thể thao huyện nhà trong những năm qua, năm 2019, huyện Kon Rẫy đã đề ra những giải pháp cụ thể: “Để thúc đẩy phong trào thể dục thể thao phát triển sâu rộng, là cơ quan tham mưu cho UBND huyện, phòng Văn hóa và Thông tin tiếp tục tham mưu cho UBND huyện quan tâm đầu tư cho thể dục thể thao. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao, đồng thời phát huy nguồn lực xã hội để phát triển thể dục thể thao. Tiếp tục thực hiện nghị quyết 08 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020, trong năm tới, Phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện, thứ nhất là quan tâm, nâng cao chất lượng hiệu quả về giáo dục thể chất và hoạt động thể dục thể thao trong trường học. Thứ hai là nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân. Thứ ba là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền trong công tác thể dục thể thao địa phương mình.
Từ những kết quả đáng mừng trong phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong những năm qua và những nhiệm vụ giải pháp được đề ra trong thời gian tới sẽ là niềm tin, động lực để cán bộ và nhân dân huyện Kon Rẫy thực hiện tốt lời Bác Hồ kính yêu từng nhắn nhủ “mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”.
KC